Chuyển đến nội dung chính

Đánh thức tiềm năng kinh tế biển ĐBSCL

Báo Cần Thơ, Thứ tư, 04/04/2012 21 giờ 50 GMT+7
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp giáp biển Tây, biển Đông, nhưng tiềm năng kinh tế biển của vùng mới chỉ dừng lại ở khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Theo nhận định của các nhà khoa học, chuyên gia, tiềm năng kinh tế biển của ĐBSCL nếu được đầu tư, khai thác đúng mức sẽ làm thay đổi lớn diện mạo vùng; Thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hóa với các quốc gia trên thế giới.
Mới khai thác một phần của biển
ĐBSCL là một trong những đồng bằng Châu thổ rộng lớn ở Đông Nam Á và thế giới; vùng cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn nhất của cả nước, có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của Quốc gia. Nhưng tiềm năng lớn của vùng chính là kinh tế biển, chiều dài bờ biển trên 700km với khoảng 360.000km2 vùng biển chủ quyền Việt Nam và 345km đường biên giới đất liền rất thuận lợi cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, khai thác nguồn tài nguyên phong phú dưới lòng biển. Ngoài ra còn mở rộng giao lưu với các vùng trong nước, các nước trong khu vực và quốc tế từ phát triển vận tải biển.
Hằng năm, ĐBSCL cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng nuôi trồng; đồng thời chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Những lợi thế từ biển mang lại đã góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân của các địa phương ven biển. Sóc Trăng với chiều dài bờ biển 72km, có ngư trường khai thác đánh bắt thủy hải sản rộng, diện tích rừng phòng hộ trên 5.800ha và trên 50.000ha đất bãi bồi ven biển là điều kiện để phát triển bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh. Sóc Trăng xác định nông nghiệp vẫn là lợi thế thời gian tới, trong đó, kinh tế thủy sản là mũi nhọn, với diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 80.000ha. Còn tỉnh Cà Mau phía Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp biển Tây có diện tích ngư trường thăm dò khai thác trên 80.000km2 và bờ biển dài 254km chạy từ Đông (cửa Gành Hào) sang Tây thuận lợi cho tỉnh khai thác thế mạnh phát triển kinh tế biển. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên 300.000ha mỗi năm, sản lượng khai thác thủy sản trung bình 150.000 tấn/năm, Cà Mau trở thành tỉnh có diện tích nuôi trồng, khai thác thủy hải sản lớn nhất vùng ĐBSCL. Tỉnh Bến Tre cũng xác định kinh tế biển là thế mạnh thứ 2 sau kinh tế vườn và hiện xếp thứ 3 về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của vùng...

Cảng Trà Nóc được quy hoạch là cảng chuyên dùng theo quy hoạch nhóm cảng biển số 6 ở ĐBSCL. Ảnh: CTV 
Các địa phương ven biển đều có định hướng quy hoạch phát triển nuôi trồng, đầu tư cảng, trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại để khai thác nguồn tài nguyên vô giá từ biển. Song, nhiều năm qua, phát triển kinh tế ĐBSCL chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên ở đất liền, kinh tế biển chưa được khai thác đúng mức. ĐBSCL mới phát triển một phần trong kinh tế biển là nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy hải sản, nhưng phương tiện đánh bắt còn thô sơ, tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ còn nhiều hạn chế. Trong khi vận tải biển được xem là ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong thời kỳ mở cửa và hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên trường quốc tế, nhưng vận tải biển của vùng chỉ mới khai thác phần nhỏ từ vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng. Hiện phần lớn hệ thống cảng ở ĐBSCL đang hoạt động dưới công suất thiết kế, do luồng vào cảng bị bồi lắng, tàu tải trọng lớn không thể ra vào; đồng thời dịch vụ hậu cần ở cảng chưa đầu tư đồng bộ, doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí khi vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ.
Vận tải biển: tiềm năng lớn cần đánh thức
Theo thống kê của ngành chức năng, lượng hàng hóa xuất khẩu của vùng hằng năm từ 17-18 triệu tấn, trong đó trên 70% phải vận chuyển bằng đường bộ lên cảng TPHCM. Bởi hệ thống cảng tại vùng chưa đáp ứng yêu cầu xuất trực tiếp, các cảng biển nằm sâu trong nội địa chỉ tiếp nhận được tàu có tải trọng tối đa 10.000DWT (vơi tải), lợi dụng thủy triều ra vào do từ cửa sông Soài Rạp đến Cà Mau thông ra biển bồi lắng. Hơn nữa, dịch vụ hậu cần logictics tại cảng chưa được đầu tư đồng bộ, trong khi đa phần hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp (gạo, thủy hải sản) rất cần kho đạt chuẩn để bảo quản tại cảng. Trong khi đó, vận tải biển được xác định ngành mũi nhọn để thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hóa của vùng với các quốc gia trên thế giới.
Tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW (ngày 9-2-2007) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu tổng quát đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Theo đó, cùng với việc xây dựng một số thương cảng quốc tế tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển, mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực biển... Và nhóm cảng biển ở ĐBSCL thuộc nhóm số 6.
Theo nhận định của các nhà khoa học, ĐBSCL rất thuận lợi về giao thông thủy, hệ thống sông Mekong với nhiều cửa lớn thông ra biển, nhưng ĐBSCL đang trong tình trạng thừa cảng nhỏ, thiếu cảng nước sâu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hàng hóa với số lượng lớn. Do vậy, ĐBSCL đang cần cảng nước sâu để tiếp nhận tàu có tải trọng lớn vào cảng tiếp nhận hàng hóa xuất khẩu trực tiếp, giảm giá thành và nâng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Trong xu hướng phát triển, lượng hàng hóa của vùng ĐBSCL ngày một tăng, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cũng tăng tương ứng. Đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện ở các tỉnh Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau trong thời gian tới.
Trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 xác định cảng chuyên dùng nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện gồm đầu mối tiếp chuyển ngoài khơi cho tàu 10.000- 200.000 DWT và bến tại nhà máy cho phương tiện nhỏ. Theo quy hoạch chi tiết của Bộ Giao thông Vận tải (Quyết định số 1746/QĐ-BGTVT) về nhóm cảng biển số 6 ở ĐBSCL, với mục tiêu đáp ứng yêu cầu hàng hóa thông qua cảng, đảm bảo thực hiện tốt vai trò động lực phát triển kinh tế- xã hội toàn vùng. Đến năm 2015, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 56-70 triệu tấn/năm; đến 2020 từ 132- 152 triệu tấn/năm. Trong đó, xây dựng cảng Cần Thơ thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, các cảng tổng hợp địa phương, các bến cảng chuyên dùng tại khu vực sông Tiền, sông Hậu, bán đảo Cà Mau ven biển Tây và đảo Phú Quốc là cảng vệ tinh. Nghiên cứu, triển khai phương án vận tải than nhập cho tàu trên 100.000 DWT phục vụ các trung tâm điện lực; phương án chuyển tải hàng hóa khác cho tàu biển lớn trên 100.000 DWT tại khu vực ngoài khơi sông Hậu. Duy trì luồng cho tàu biển vào sông Hậu, đây là nhánh sông chính nằm ở trung tâm ĐBSCL thuận lợi cho thông thương hàng hóa với Campuchia ra biển Đông từ cửa Định An. Tuy nhiên, hiện luồng cho tàu lớn vào sông Hậu đang là trở ngại lớn trong việc phát huy công năng của các bến cảng khu vực này.
Ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, cho biết: “Luồng Định An được Cục Hàng hải tiến hành nạo vét nhiều năm qua để cho tàu lớn ra vào sông Hậu. Tuy nhiên, thời gian qua công tác nạo vét chưa đạt kết quả cao. Chỉ sau nạo vét vài tháng, luồng lại bồi lắng, cốt luồng cạn, tàu 10.000 DWT đầy tải không thể ra vào cảng trên sông Hậu. Chỉ năm 2011, nạo vét đạt cốt luồng -4m và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2011 đến nay, theo kết quả đo đạc luồng chỉ bồi lắng khoảng 0.5m. Cốt luồng hiện tại đạt -3.5m, tàu 10.000DWT giảm tải có thể lợi dụng thủy triều ra vào sông Hậu (tàu có mớn nước 7-8m). Cục Hàng hải đang trình Bộ GTVT phương án nạo vét 2012, duy trì cốt luồng -4.1m”. Theo ông Kháng, luồng Định An là tuyến huyết mạch cho tàu biển vào các cảng trên sông Hậu, trong khi chờ kênh tắt Quan Chánh Bố hoàn thành thì phải duy trì luồng Định An.
Theo dự báo của Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng thông qua cảng Cần Thơ giai đoạn 2015 đạt 8-11 triệu tấn/năm; 2020 từ 16-19 triệu tấn/năm; 2030 là 30- 38 triệu tấn/năm. Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, năm 2011, lượng hàng hóa thông qua cảng trên sông Hậu đạt trên 3,42 triệu tấn, lượt tàu ra vào khoảng 1.116 lượt. Năm 2010 là 3,4 triệu tấn, lượt tàu biển ra vào các bến cảng khu vực Cần Thơ là 1.414 lượt. Từ tháng 2-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho phép tàu nước ngoài được phép quá cảnh ở các cảng sông Hậu sang nước bạn Campuchia: hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp sẽ cạnh tranh về giá. Trước đó, chỉ cho phép tàu nước ngoài quá cảnh ở các cảng trên sông Tiền; đây cũng là cơ hội để đầu tư hệ thống cảng một cách đồng bộ, thúc đẩy vận tải biển của vùng phát triển thời gian tới.
SONG NGUYÊN
Bài 2: Nhiều rủi ro trong phát triển
Mặc dù có những đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản quốc gia, nhưng các địa phương ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến nay chỉ mới phát triển kinh tế biển chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có. Nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản được phát huy, nhưng phương tiện đánh bắt xa bờ còn hạn chế. Dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển và thiếu chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Các địa phương ven biển vẫn loay hoay với bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thoát nghèo.
Hạ tầng vùng nuôi kém

Tàu câu mực của ngư dân cặp bến TX Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: MỸ THANH 
Theo tính toán của các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 300C và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100 thì 90% diện tích ven biển thuộc ĐBSCL ngập hoàn toàn và khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất khoảng 10% GDP. Trong 3 năm gần đây, các tỉnh ven biển như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt vì hoại tử gan tụy. Tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu còn đối mặt tình trạng nghêu chết hàng loạt, lượng nghêu giống giảm… khiến các địa phương loay hoay tìm phương án xử lý. Chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng do thu nhập giảm. Các chính sách cho làng nghề dù có nhưng vẫn chưa thể vực dậy được làng nghề do những yếu kém tồn tại lâu đời.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Tổng cục thủy sản) cho rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản hằng năm cao, nhưng chưa bền vững. Cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp, tàu thuyền khai thác thủy hải sản tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát, trong khi quản lý theo qui mô gia đình. Dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư nhưng chưa tương xứng với nhu cầu, ô nhiễm môi trường từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến ngày một tăng... sự phân hóa giàu nghèo ở các địa phương ven biển tăng. Thủy sản là ngành chịu nhiều rủi ro nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, để phục vụ cho diện tích nuôi tôm 265.000 ha, nhu cầu tôm giống cần khoảng 23,5 tỉ post/năm đến năm 2015 và 33 tỉ post năm 2020, nhưng sản xuất tại địa phương chỉ đáp ứng 50% nhu cầu/năm. Mặt khác, tỉnh chưa có nhà máy chế biến thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản, mà nhu cầu lên đến 200.000 tấn/năm; nhu cầu vật tư thủy sản (thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học…) rất lớn mà chưa có doanh nghiệp đầu tư. Hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng cũng yếu kém, nhiều khu nuôi chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, hầu hết vùng nuôi sử dụng hệ thống cấp thoát nước chung. Tỉnh chưa hình thành được vùng nuôi tập trung qui mô lớn để quản lý theo hình thức cộng đồng, việc triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhiều nơi còn hạn chế. Thêm vào đó, mạng lưới khuyến ngư được tăng cường, nhưng nông dân vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu thông tin; giá tôm nguyên liệu giảm trong khi thức ăn liên tục tăng, ảnh hưởng đến chuyển đổi sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Anh Nguyễn Văn Đẳng, nông dân nuôi tôm ở khóm Hàng Vịnh, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau than vãn: "Người dân thiếu kỹ thuật, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm. Cán bộ khuyến ngư có xuống tập hợp dân để phổ biến kỹ thuật, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, vì chuyển tải thông tin không đầy đủ". Theo anh Đẳng, giá thành nuôi tôm ngày một tăng, trong khi giá tôm thương phẩm thời gian gần đây chựng lại và sụt giảm nhiều hơn là tăng giá. Người dân muốn vay vốn sản xuất phải có sổ đỏ thế chấp ngân hàng, khi chưa đến hạn trả nợ mà muốn đầu tư thêm thì ngân hàng không cho vay. Chỉ tiêu vay 3ha nuôi tôm của anh Đẳng chỉ được khoảng 200 - 300 triệu đồng, nếu đầu tư bài bản thì chỉ lời 100- 150 triệu đồng/năm, nhưng cũng rất khó, do dịch bệnh mấy năm qua liên tục hoành hành. Vốn và kỹ thuật nuôi là cái thiếu lớn nhất của người dân vùng nuôi tôm. Theo nhiều hộ nuôi tôm sú, hiện nay nhà máy chế biến tôm chỉ giải quyết công đoạn tiêu thụ, còn đầu tư con giống, kỹ thuật, vốn cho dân hầu như không có. Giá thị trường bấp bênh, nông dân thiệt đủ đường.
Trên thực tế, hầu hết hạ tầng cơ sở cho vùng nuôi thủy sản của các địa phương ven biển đều thiếu đồng bộ, các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án phát triển công nghệ về lĩnh vực chế biến thủy sản chưa được phổ biến nhiều vào thực tiễn. Công tác quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào cũng như đầu tư phát triển khoa học công nghệ của các nhà máy chế biến còn hạn chế, dẫn đến nhiều lô hàng sản xuất không đạt tiêu chuẩn qui định. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín chung của doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ có thể bị thu hẹp.
Dịch vụ hậu cần nghề cá: yếu và thiếu
Mục tiêu quy hoạch chung đến năm 2020, ngành thủy sản cả nước phát triển toàn diện theo hướng bền vững, có nghề cá thủ công ven bờ hợp lý, nghề cá xa bờ và các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), chế biến thủy sản (CBTS) cơ bản được công nghiệp hóa vào năm 2020 và hiện đại hóa vào năm 2030; thủy sản trở thành ngành hàng xuất khẩu hàng hóa lớn, chất lượng, có thương hiệu uy tín. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đầu tư cụ thể cho từng mảng kinh tế biển (nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần, cảng, khai thác tài nguyên biển…) để phát huy tổng lực sức mạnh của kinh tế biển. Song, các địa phương vẫn chật vật với bài toán đầu tư, tìm cơ chế.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Cao Văn Viết, cho biết: "Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, diện tích nuôi thủy sản khoảng 170.000ha, sản lượng trên 42.000 tấn/năm, khai thác thủy hải sản khoảng 132.000 tấn, đứng thứ 5 cả nước về khai thác. Tuy nguồn nguyên liệu nhiều, nhưng tỉnh chỉ có 1 nhà máy làm mặt hàng khai thác đặt tại cảng Ba Tri và chỉ giải quyết được lượng hàng của 10 tàu/tháng. 3 cảng dịch vụ hậu cần nghề cá tại Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đều đang quá tải và chỉ tiếp nhận khoảng 70.000 tấn thủy sản/năm, các tàu cá phải bán sản phẩm cho các cảng ở Sóc Trăng, Tiền Giang, Cà Mau". Theo ông Viết, chủ tàu cá là tư nhân nên khó mà hiện đại hóa đầu tư hệ thống bảo quản trên tàu để hạn chế thất thoát, bảo quản tốt sản phẩm, do chi phí lớn, chủ tàu còn ngại; trong khi khả năng đầu tư của Nhà nước có giới hạn. Bến Tre hiện có 3.969 chiếc tàu, trong đó 44% tàu khai thác xa bờ, giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động trực tiếp và gián tiếp; tỉnh có 51 tổ khai thác trên biển (350 tàu tham gia) vừa cung cấp nguyên liệu, vừa vận chuyển sản phẩm về đất liền. Tỉnh đã lập dự án mở rộng cảng cá Bình Đại, di dời cảng cá Ba Tri, nhưng hiện chưa có kinh phí và đang chờ mời gọi đầu tư.
Đây cũng là vấn đề khó đối với tỉnh Kiên Giang, ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, bức xúc: "Hiện thất thoát trong bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt thủy hải sản của tỉnh khoảng 20% giá trị. Các tàu khai thác hoạt động dài ngày trên biển, công nghệ bảo quản lắp đặt trên tàu chưa cao, việc cải tiến nghề cá theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường chưa được người dân đồng tình ủng hộ, do điều kiện kinh tế, tập tục truyền thống. Công nghệ chế biến chưa hiện đại đồng bộ, sản phẩm làm ra tính cạnh tranh chưa cao. Công tác khuyến ngư trong lĩnh vực khai thác thủy sản và đào tạo nâng cao tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu". Thêm vào đó, nhu cầu vật liệu để gia công chế tạo ngư cụ của tỉnh rất lớn, nhưng Kiên Giang chưa có nhà máy nào sản xuất và phải mua từ TP Hồ Chí Minh, nên giá thành sản xuất cao. Công tác khuyến ngư trong lĩnh vực khai thác thủy sản và đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ lao động nghề cá hạn chế cũng khó ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác.
Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tàu đánh cá ở huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Hiện chi phí 1 cặp cào đôi cho một chuyến biển 30 ngày tốn khoảng 750- 800 triệu đồng. Năm nay sản lượng đánh bắt nhiều hơn những năm trước, nhưng giá giảm nhiều, ngư dân vẫn khó khăn do chi phí đội lên quá cao". Theo anh Hùng, với khó khăn này, nhiều chủ tàu ở Kiên Giang phải hợp đồng khai thác ở các nước láng giềng, rủi ro rất cao. Trong khi ngư dân muốn đầu tư đi biển thì vay vốn rất khó khăn, lãi suất thấp mà các ngân hàng công bố hỗ trợ ngư dân khó tiếp cận, mà phải vay lãi suất cũ. Chi phí đầu tư trang thiết bị phần lớn là vốn tự có, vay mượn bên ngoài, thậm chí thế chấp bất động sản để vay vốn ngân hàng chứ thế chấp tàu khó mà vay được vốn nhiều.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, chi phí nhiên liệu tăng, nhằm giúp ngư dân khai thác thủy sản hiệu quả thì trang bị máy dò ngang Sonar cho các tàu đánh bắt rất cần thiết. Tuy nhiên, trình độ các thuyền trưởng thấp, việc sử dụng máy dò ngang Sonar cho tàu lưới vay khá lúng túng. Mặt khác để lắp đặt thiết bị này trên tàu cần tới trên dưới 300 triệu đồng/máy, nên ngư dân ngại đầu tư. Rồi giá thành để đóng các hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu polyurethane (PU) cao hơn 50% so với vật liệu truyền thống, các cơ sở kinh doanh PU trong tỉnh ít nên ngư dân muốn đầu tư phải đặt hàng từ nơi khác, thợ thổi PU trong tỉnh cũng phải thuê từ nơi khác về.
Ngoài những bất cập về hạ tầng cơ sở phục vụ vùng nuôi, chế biến và hậu cầu nghề cá chậm phát triển thì nguy cơ sạt lở đê biển ngày một tăng đã tác động không nhỏ đến đời sống, sinh kế của người dân. Phần lớn các dự án đầu tư tuyến đê biển đều gắn với giao thông ven biển. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đảm bảo phát triển hạ tầng ven biển đang là trở ngại lớn của các địa phương. Các dự án đều có nguồn vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, trong khi vốn vay, vốn địa phương, vốn Trung ương phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, những tác động của nó đang đe dọa đời sống của ngư dân ven biển. n
Bài 3: Thiếu cơ chế, chính sách để phát huy nguồn tài nguyên

Tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL sẽ khó phát huy hiệu quả, nếu hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ. Vấn đề này, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã nhận ra, nhưng do mời gọi đầu tư vào ngành thủy sản, phát triển kinh tế biển của các địa phương thời gian qua rất khó khăn. Việc bảo tồn nguồn lợi và khai thác tài nguyên cũng chưa song hành. Những hạn chế này nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ thành rào cản cho phát huy tiềm năng của vùng.
Chưa gắn lợi ích rừng- biển
Với đặc thù hệ sinh thái đa dạng, ngoài lợi thế về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, ĐBSCL còn có hệ thực vật đa dạng, phong phú. Hai khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm ở tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đa dạng với các loài sinh vật làm phong phú thêm nguồn tài nguyên của vùng mà không nơi nào hội tụ đủ. Đây cũng là "mảng" quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của vùng. Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên này vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Một đoạn đê biển ở huyện Gò Công Đông bị nước biển xâm thực rất nặng. Ảnh: NGUYỄN SỰ 
Thống kê của ngành nông nghiệp các địa phương có rừng ở ĐBSCL, diện tích đất lâm nghiệp chỉ còn khoảng 356.200ha; tính đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm thể hiện qua 239 loài cây, 36 loài thú, 182 loài chim đầm lầy, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư. Tại vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá được ghi nhận và rất nhiều loại nhuyễn thể, giáp xác sinh sống. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học thì tính đa dạng sinh học tại ĐBSCL đang suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, các khu đất thuộc vùng bảo tồn đất ngập nước của quốc gia như: Hà Tiên, Vườn quốc gia Tràm Chim, khu dự trữ thiên nhiên U Minh Thượng, Vườn quốc gia Đất Mũi, rừng đặc dụng Vồ Dơi, Bãi bồi Cà Mau, Trà Sư, thảm cỏ biển ở đảo Phú Quốc... cũng đứng trước nguy cơ cao.
Tình trạng chặt phá rừng ở các địa phương ven biển đã đẩy nguy cơ sạt lở tăng nhanh. Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT trong tổng số 1.259km đê biển của vùng ĐBSCL mới có 780km đê có đai rừng phòng hộ, còn lại 38% chưa trồng rừng bảo vệ. Hiện nay nhiều đoạn đê biển và cửa sông đổ ra biển bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 310,6km, gồm: Tiền Giang 42,7km, Bến Tre hơn 29km, Trà Vinh 14,2km, Cà Mau 111,6km, Kiên Giang 87,9km. Ở một số khu rừng phòng hộ còn nhiều hộ dân sinh sống xen kẽ làm công tác bảo vệ rừng khó khăn. Thêm vào đó, nhận thức về vai trò, chức năng và giá trị của rừng đối với tính bền vững môi trường ở một số địa phương còn hạn chế. Giữa tháng 12-2012, tại Phú Quốc tỉnh Kiên Giang diễn ra hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới- Kiên Giang (được UNESCO công nhận năm 2006) với sự tham gia của 100 nhà khoa học chuyên môn trên thế giới và Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, cần tính toán chi li để đảm bảo KDTSQ không mất đi giá trị vốn có của nó. Bên cạnh đó, KDTSQ Cà Mau cũng vừa được công nhận là Khu Ramsar thế giới và là khu thứ 5 của Việt Nam. Việc đảm bảo giá trị rừng- biển, hài hòa lợi ích đang đòi hỏi sự nhập cuộc quyết liệt của các địa phương. KDTSQ Kiên Giang tổng diện tích hơn 1,1 triệu héc-ta có nhiều hệ sinh thái đặc trưng và có tiềm năng về giá trị bảo tồn. KDTSQ mũi Cà Mau qui mô 371.506ha, với 4 đặc trưng sinh thái chính: hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa; là vùng bãi đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thủy hải sản cho cả vùng biển rộng lớn (kể cả vịnh Thái Lan) và nơi lưu dấu tích cư dân đầu tiên di cư từ các vùng miền trong cả nước.
Theo ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, năm 2012, tổng vốn đầu tư của Chính phủ cho Chương trình bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang là 15 tỉ đồng. Tỉnh đã thực hiện khoán bảo vệ rừng 7.400 ha, chăm sóc rừng trồng 598,5 ha; trồng cây phân tán 750.798 cây, vượt 7,25% kế hoạch. Diện tích rừng của tỉnh Kiên Giang trải rộng, sức ép dân số tăng, nhu cầu sản xuất đất nông nghiệp cũng tăng theo. Trong khi hoạt động lâm nghiệp chủ yếu tập trung ở các huyện vùng sâu, xa, hải đảo, cơ sở hạ tầng thì yếu kém. Ban quản lý rừng, Vườn quốc gia còn mỏng, rất khó khăn trong công tác bảo vệ và quản lý rừng. Trong kế hoạch phát triển lâm nghiệp 2013, tỉnh tập trung khoanh nuôi rừng tái sinh thái, đẩy mạnh công tác khoán bảo vệ và chăm sóc rừng. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phát triển lâm nghiệp xã hội, trọng tâm là trồng cây phân tán trong nhân dân để tăng tỷ lệ che phủ rừng, tạo nguồn nguyên vật liệu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Theo Quyết định 1479/QĐ-TTg "Phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020" của Thủ tướng Chính phủ, thì Cà Mau là 1 trong 5 khu bảo tồn vùng nước nội địa có mức độ ưu tiên rất cao. Phạm vi bảo tồn gồm toàn bộ vùng đất ngập nước và ranh giới hành chính thuộc 5 xã: Đất Mũi, Viên An, Đất Mới, Lâm Hải, Nguyễn Việt Khái. Tổng diện tích khu bảo tồn là 138.047ha, trong đó vùng bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích 16.260ha (thuộc phần đất của 2 xã Đất Mũi, Viên An và một phần của cửa sông Cửa Lớn), vùng phục hồi sinh thái là vùng bao bọc 3 mặt của vùng lõi và vùng đệm bao gồm diện tích tự nhiên của cả 5 xã với tổng diện tích 92.762ha. Việc bảo tồn vùng đất ngập nước ven biển có ý nghĩa quốc gia, quốc tế, gắn với phát triển du lịch, phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước ven biển tỉnh Cà Mau. Bộ NN&PTNT cũng đề xuất giai đoạn 2012-2013 cần xây dựng qui hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ven biển mang tính chất liên ngành. Trên cơ sở qui hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ven biển ĐBSCL giai đoạn 2013- 2020 để sản xuất, bảo tồn và đảm bảo phát triển bền vững.
Cần cơ chế và sự liên kết
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Cao Văn Viết, cho biết: "Để phát triển kinh tế ổn định và bền vững cần có sự quan tâm hỗ trợ từ bộ, ngành Trung ương, sự liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL có điều kiện tương đồng. Một mặt để quản lý khai thác các nghề có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, quản lý lịch thời vụ tôm biển; hoặc mở rộng vùng khai thác nghêu theo tiêu chuẩn MSC sang các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh... xây dựng thương hiệu". Ông Viết cho rằng, Bến Tre luôn tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư, luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Hiện tỉnh Bến Tre có lợi thế nghêu sạch đạt tiêu chuẩn MSC, nhưng chậm phát huy do thiếu nguồn giống chất lượng, các nhà máy chế biến (4 nhà máy trong tỉnh) chưa tương xứng tiềm năng, sản phẩm chưa đa dạng và chưa chế biến được các mặt hàng có giá trị gia tăng, nhất là những sản phẩm từ tôm biển. Hiện nay, ngành thủy sản Bến Tre đang tập trung mời gọi các dự án trọng điểm như: Đầu tư và xây dựng làng cá An Thủy- Ba Tri, Cảng cá An Nhơn- Thạnh Phú, Khu sản xuất giống thủy sản- Bình Đại, Mở rộng cảng cá Bình Đại, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá huyện Thạnh Phú, dự án xây dựng khu bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản vùng cửa sông Hàm Luông... Ngoài chính sách ưu đãi chung của Trung ương, tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi riêng để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành thủy sản như: miễn, giảm... tiền thuê đất trong thời gian xây dựng dự án.
Ông Trần Văn Kiển, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Đồng Tâm, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, cho biết: "HTX quản lý nghêu giống và nuôi nghêu thương phẩm. Năm 2008 thất thu, năm 2011 nghêu chết trắng, nhưng cũng đỡ hơn; năm 2012 lượng nghêu giống giảm 70%. Mỗi năm có 2 đợt nghêu giống xuất hiện vào giữa năm và cuối năm, nếu đem nghêu chan ra nuôi thương phẩm phải mất 24 tháng. Tài sản cố định của HTX chỉ 5 tỉ đồng, muốn vay vốn cũng khó khăn; dù HTX được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, năm 2011- 2012, HTX chỉ đóng 7% để có điều kiện tái đầu tư. Hiện nay, Trung ương có quỹ tín dụng hỗ trợ cho HTX, nhưng phân bổ về tỉnh có 18 tỉ đồng thì cũng chẳng giải quyết hết được nhu cầu của HTX, vì còn nhiều HTX ngành nghề khác cũng cần vốn". Theo ông Kiển, để phát triển bền vững, nhiều năm qua HTX đã hỗ trợ cho con em xã viên học phí, tiền sinh hoạt khi vào cao đẳng, đại học. HTX cũng tính đầu tư nhà máy sơ chế nghêu, nhưng đường vào HTX rất khó khăn, khi hạ tầng hoàn chỉnh mới mong mở rộng đầu tư.
Ông Phan Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, cho biết: Kiên Giang là tỉnh có nghề đánh bắt và khai thác nguồn lợi hải sản phát triển trong số 28 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước. Song, phương thức đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy sản trong tỉnh còn manh mún nhỏ lẻ, nên khả năng chống chọi trước thiên tai và những rủi ro trên biển còn hạn chế. Việc phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực thủy sản sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, giúp ngư dân bám biển và làm giàu từ biển, vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên, môi trường sinh thái biển vừa kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng vững chắc chủ quyền quốc gia biển đảo. Hiện nay, các HTX thủy sản và các tổ hợp tác đánh bắt thủy sản ở Kiên Giang hoạt động rất hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho người tham gia, đồng thời có tác động tích cực trong việc thu hút ngư dân tham gia.
Theo ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã xác định mục tiêu khai thác thủy sản theo hướng vươn mạnh ra biển khơi, hạn chế đánh bắt ven bờ. Tuy nhiên, cần phải tổ chức lại nghề khai thác biển, củng cố, khuyến khích các cơ sở cơ khí chuyển dần đóng tàu gỗ sang composite, đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá… Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Kiên Giang đang rất cần mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư nhà máy chế tạo ngư cụ, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng cá Tắc Cậu; xây dựng nhà máy chế biến thủy sản chất lượng cao, nuôi thủy sản trên biển góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, ven đảo và phát triển kinh tế biển.
Hiện các địa phương ven biển đã đưa hàng loạt dự án mời gọi đầu tư vào nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, các địa phương đều cần cơ chế ưu đãi từ Trung ương. Song song đó, cần các khu kinh tế ven biển ĐBSCL phát huy sức mạnh tổng hợp để đưa kinh tế biển của vùng phát triển vững chắc hơn.
Gia Bảo - Minh Huyền

Bài 4: Tìm chìa khóa mở hướng ra biển

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến tình này là các khu kinh tế (KKT) ven biển. Theo Quyết định số 1353 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Quy hoạch phát triển các KKT ven biển của Việt Nam đến năm 2020", đến nay cả nước có 18 KKT ven biển được qui hoạch. Đây được xác định là đòn bẩy vực dậy kinh tế biển các địa phương ven biển. ĐBSCL có 3 KKT ven biển nằm trong qui hoạch trên. Tuy nhiên, các KKT này đang cần chính sách lực đẩy.
Cần cơ chế "mềm"

 Cảng cá An Thới, Phú Quốc Kiên Giang tấp nập về đêm. Ảnh: THU HÀ.
Các KKT ven biển là động lực để tiến ra biển và thực hiện chiến lược phát triển biển Việt Nam đến năm 2020 đã được thông qua tại Đại hội lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (năm 2007). Đây chính là đường cơ sở để các địa phương ven biển đề ra chiến lược phát triển cụ thể. Ở vùng ĐBSCL hầu như hiện nay các KKT ven biển đều chưa tìm được cho mình "sở trường" để có thể làm nên một diện mạo đặc trưng mà không thể nhầm lẫn với bất cứ KKT nào cả nước. Và phải nhìn nhận rằng sức hút của các KKT ở ĐBSCL còn rất nhỏ. Trong khi đó, nếu như đúng với tầm và ý nghĩa của một KKT thì nội lực và tiềm năng phải được thể hiện bằng những dự án lớn, những sản phẩm mang tầm chiến lược và tạo được động lực phát triển cho địa phương, cho vùng.  
Hiện 3 KKT ven biển vùng ĐBSCL đang trong tình trạng chờ cơ chế, do mời gọi đầu tư chật vật, ngân sách địa phương và Trung ương hạn chế, khó kham nổi vốn đầu tư hạ tầng đến hàng ngàn tỉ đồng. Trà Vinh là một trong những tỉnh nghèo nhất của vùng ĐBSCL. KKT Định An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 339/QĐ - TTg, ngày 11- 3- 2010 đã mở cánh cửa không chỉ cho địa phương nghèo khó Trà Vinh, mà là tương lai cả vùng ĐBSCL cất cánh. Khi KKT này hoàn chỉnh sẽ kết nối hành lang kinh tế Duyên Hải Nam bộ và hệ thống đô thị vệ tinh trong vùng ĐBSCL. Tổng diện tích qui hoạch 39.020ha, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng 1,27 tỉ USD được phân kỳ 2 giai đoạn. Mục tiêu giai đoạn I đến năm 2020 xây dựng hoàn chỉnh một số hạng mục cơ bản về kết cấu hạ tầng trên qui mô 15.403ha. Bao gồm đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải 20.000 DWT vào sông Hậu, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Khu du lịch biển Ba Động và một số khu đô thị thuộc thị trấn Duyên Hải và Định An… Theo Ban Quản lý (BQL) KKT tỉnh Trà Vinh, hiện KKT Định An đã giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án tuyến đường số 1, tổng mức đầu tư trên 398,8 tỉ đồng (vốn địa phương 68,8 tỉ đồng); trong đó giai đoạn 1 (2011- 2013) là 150 tỉ đồng, giai đoạn 2 (2014-2015) là 180 tỉ đồng. Đến nay, ngân sách Trung ương mới hỗ trợ 65 tỉ đồng (2011- 2012).
Ông Lê Tấn Lực, Trưởng BQL KKT tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Do điều kiện kinh tế đặc thù của vùng, khả năng thu hút đầu tư phát triển các KKT rất khó. Mời gọi nhà đầu tư, nhưng chính sách không khác biệt với khu công nghiệp, nên nhà đầu tư không mặn mà. KKT Định An thu hút được 16 dự án đầu tư, vốn 228.776 tỉ đồng. Hiện 5 dự án đang triển khai xây dựng (3 dự án vốn Trung ương, 2 dự án vốn doanh nghiệp), tổng vốn đăng ký trên 63.253 tỉ đồng. Muốn vực dậy KKT thì Chính phủ và tỉnh phải dồn sức cho đầu tư hạ tầng, hiện nay các khu chức năng nằm trong KKT chưa có đường giao thông đến". Ông Lực cho rằng, kênh đào Trà Vinh, Trung tâm Điện lực Duyên Hải là công trình động lực cho KKT, nếu kênh không xong thì các cảng trên sông Hậu khó mà phát huy công năng. Tỉnh đang xin cơ chế đầu tư hạ tầng, khi hoàn chỉnh mới có thể mời gọi nhà đầu tư thứ cấp. Trà Vinh đi ra biển Đông sẽ có nhiều lợi thế hơn các địa phương, do nằm trong đường hàng hải quốc tế, tính từ cửa Định An ra biển chỉ 9km, tỉnh đang mời gọi đầu tư vào cảng biển Trà Vinh (trong nhóm cảng biển số 6 vùng ĐBSCL) cho tàu tải trọng lớn để đưa hàng hóa xuất khẩu trực tiếp đi các nước mà không cần vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh.
Còn KKT Năm Căn, tỉnh Cà Mau, do nằm xa các khu trung tâm kinh tế như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, TP Cần Thơ… nên việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư còn nhiều khó khăn. Theo Quyết định số 296/QĐ-TTg (ngày 12-3-2012) của Thủ tướng Chính phủ, KKT Năm Căn nằm dọc theo hành lang trục quốc lộ 1A, bao gồm thị trấn Năm Căn, xã Hàm Rồng, xã Hàng Vịnh và ấp Ông Do của xã Đất Mới có diện tích tự nhiên 11.000 ha là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: Khu phi thuế quan (công nghiệp – thương mại – dịch vụ) và Khu thuế quan (đô thị, nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận của vùng tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Minh Ái, Trưởng BQL KKT tỉnh Cà Mau, nói: "So với nhu cầu thực tế cho kết cấu hạ tầng giai đoạn 2006-2012, các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh cần khoảng 1.000 tỉ đồng. Trên thực tế 6 năm qua, mới có hơn 294 tỉ đồng (70 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và gần 10 tỉ đồng từ địa phương) được đầu tư vào đây. Kế hoạch đến năm 2015, tỉnh Cà Mau cần hơn 3.860 tỉ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng các KCN, KKT. Một bài toán nan giải đặt ra cho các nhà quản lý". Theo ông Ái, xây dựng các KCN, KKT đòi hỏi nguồn vốn khá lớn cho đầu tư hạ tầng, việc đầu tư này cùng một lúc ngân sách nhà nước không thể đảm bảo được, mà đầu tư dàn trải, nhỏ giọt thì không thể phát huy hiệu quả. Vì thế cần chính sách ưu đãi vốn từ Chính phủ để giảm áp lực cho các địa phương.
Chờ "đòn bẩy" Phú Quốc
Trong 3 KKT ven biển của ĐBSCL chỉ KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (tỉnh Kiên Giang) nằm trong 5 KKT ven biển được đầu tư từ ngân sách nhà nước (tối đa 65%). Tỉnh Kiên Giang cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, là chiếc cầu nối vùng ĐBSCL với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: "8 năm qua, tỉnh đã huy động trên 12.587 tỉ đồng đầu tư cho Phú Quốc đã đạt kết quả khá khả quan, nhưng chậm so với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch phát triển huyện đảo". Nguyên nhân do khó khăn về nguồn vốn đầu tư làm ảnh hưởng tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng công trình trên đảo. Thực hiện các thủ tục đầu tư nói chung từ khâu quy hoạch đến giao đất, cho thuê đất còn kéo dài, chưa đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Quy hoạch sử dụng đất còn nhiều chồng chéo giữa đất lâm nghiệp, đất quốc phòng; phải mất nhiều thời gian thỏa thuận, điều chỉnh. Công tác tổ chức lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, tiến độ triển khai xây dựng các dự án dân cư, tái định cư chưa đạt yêu cầu. Việc giao đất, cho thuê đất còn nhiều lúng túng về định giá, về phương thức (đấu giá, giao, cho thuê,...). Nguồn nhân lực cho BQL đầu tư phát triển đảo Phú Quốc còn hạn chế làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và tiến độ triển khai đầu tư và phát triển trên đảo. Phú Quốc đang thiếu cơ chế, chính sách đặc thù và đủ mạnh để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, tỉnh tiếp tục xác định mục tiêu phát triển Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Để xây dựng thành công các đặc thù hành chính kinh tế Phú Quốc còn nhiều việc phải làm. Nhưng trước mắt, để giải quyết các vấn đề cấp thiết về cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc đề nghị Chính phủ phê duyệt Nghị định ban hành cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc. Theo ông Lê Văn Thi, từ nay đến năm 2015, tỉnh ưu tiên tập trung nhiều nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng cho đảo Phú Quốc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng một số chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư cho dân bị thu hồi đất theo hướng tăng cường vai trò của nhà đầu tư.
Năm 2013 sẽ tập trung phát triển khu phức hợp Bãi Trường, quy mô khoảng 1.000 ha. Bên cạnh đó, Dự án cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc công suất truyền tải 131MVA, tổng mức đầu tư 2.336 tỉ đồng (vốn vay của WB) dự kiến khởi công trong quý II/2013, hoàn thành cuối năm 2014. Dự án nhà máy nhiệt điện Phú Quốc quy mô 200MW tại xã Gành Dầu do Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đầu tư đã phê duyệt quy hoạch địa điểm, đầu tư 2 giai đoạn 2015-2020 và sau năm 2020 hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xin chuyển đổi nguồn nhiên liệu từ than sang khí hóa lỏng... Những công trình hạ tầng này sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa Phú Quốc phát triển thời gian tới. Điều này còn tạo ra sức bật mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế biển ĐBSCL trở thành cực phát triển quan trọng của đất nước.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Định Dương Quốc Định  sinh năm 1967,

Phải dẹp bỏ '"quy định riêng"

   TRẦN HỮU HIỆP Báo Tuổi Trẻ - 30/08/2021 11:25 GMT+7 TTO - Nỗ lực của các địa phương để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh là rất đáng ghi nhận, nhưng cách làm cứng nhắc, thiếu phối hợp, biểu hiện cục bộ địa phương gây chia cắt không gian vùng, làm tắc nghẽn lưu thông cần phải được dẹp bỏ. Xe chở hàng tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ chờ làm thủ tục trung chuyển hoặc đổi tài xế sáng 26-8 - Ảnh: CHÍ CÔNG Mấy ngày qua, đã xảy ra tình trạng xe chở hàng ùn ứ ở cửa ngõ Cần Thơ. Giao thông "luồng xanh" bị ách tắc tại đầu mối giao thông quan trọng nhất của vùng ĐBSCL. Các địa phương phàn nàn, nhiều doanh nghiệp kêu than, hiệp hội ngành hàng bức xúc kêu cứu, kiến nghị tháo gỡ... "Quy định riêng" của TP Cần Thơ đối với hàng "quá cảnh", dù đã đảm bảo các yêu cầu chung về phòng dịch và được "thông chốt" khi qua các địa phương khác, nhưng khi vào địa bàn thành phố vẫn phải thực hiện các thủ tục khai báo trước với các sở ngành và buộc phải tập kết hàn