Như vậy, trên cả nước có 675.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng số doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản đã lên đến hơn 200.000, do đó chỉ còn khoảng 472.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số doanh nghiệp còn lại có khoảng 40.000 doanh nghiệp đang ngắc ngoải.
Có rất nhiều căn bệnh dẫn đến tình trạng bế tắc của doanh nghiệp. Và một trong những căn bệnh trầm trọng nhất đó là hàng tồn kho quá lớn. Căn bệnh này là hậu quả của cách thức làm việc không điều tra nghiên cứu rõ ràng môi trường bên trong lẫn bên ngoài, không xác định được thế mạnh cốt lõi của mình mà chỉ làm theo phong trào, không đáp ứng được nhu cầu thực sự của thị trường. Từ đó dẫn đến tình trạng hàng tồn kho quá lớn, sức khỏe của nền kinh tế không thể phát triển bình thường. Bên cạnh đó, dòng tiền lưu thông cũng đang bị ách tắc do những cục máu đông hay chính là những khoản nợ xấu. PGS.TS Trầm Thị Xuân Hương cho biết: "Trong khung cảnh khủng hoảng tài chính vừa qua, nền kinh tế vĩ mô có nhiều biến động cho nên tình hình nợ xấu đã bắt đầu xuất hiện. Đó là một vấn đề nóng bỏng, là tảng băng đè nặng cho nền kinh tế, bản thân doanh nghiệp thì không thể thanh toán được các khoản nợ, và đối mặt với những khoản nợ của ngân sách, nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp. Vì lẽ đó cho nên vấn đề xử lý nợ của ngân hàng cũng là một tất yếu khơi thông luồng vốn cho nền kinh tế, và cũng là một trong những điều kiện đầu tiên để tái cấu trúc nền kinh tế cũng như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng".
Cùng với nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp VN cũng cần ra sức vận động tìm cơ hội để tồn tại - Ảnh minh họa.
Hiện nay, chính phủ và các ban ngành địa phương đang nỗ lực hết sức để đưa ra những gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng tài chính; hỗ trợ gói kích cầu ưu đãi lãi suất cho một số ngành nghề xuất khẩu, ngành nghề truyền thống, đặc biệt lĩnh vực bất động sản có những biện pháp hỗ trợ người dân mua nhà; thành lập công ty mua bán nợ, có năng lực pháp lý, quy trình thực hiện mua nợ và xử lý nợ cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các giải pháp cũng chỉ mang tính tình thế chứ chưa tạo ra bước đột phá mạnh mẽ và chưa có tác dụng dài lâu, GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân nhận định: "Nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc làm các giải pháp mà không trên cơ sở nghiên cứu thực tế một cách thấu đáo thì các giải pháp ấy chỉ giống như chữa những bệnh bên ngoài thôi, không chữa căn cơ của căn bệnh được. Làm sao mà điều tra, đánh giá được thực tế một cách xác thực, từ đó có những giải pháp chữa trúng bệnh, làm thế nào giúp cho nền kinh tế đất nước có những bước đột phá khắc phục khó khăn trong năm tới". Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng một số giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản hiện nay chỉ mang tính tình thế, giải quyết những vấn đề tồn đọng trước mắt: "Nếu như chúng ta chỉ làm du kích, làm tình thế mà không nghĩ đến lâu dài thì việc này không ổn định, mà được chăng là có thể giải quyết được quý đầu hoặc quý hai của năm 2013. Như vậy, ngay từ bây giờ phải có những giải pháp hỗ trợ để tăng cường liên kết doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, sắp xếp lại những chuỗi giá trị nào của các doanh nghiệp đang khó hiện nay để chúng ta có giải pháp, chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng cường liên kết. Đó mới là giải pháp lâu dài".
Rõ ràng để chữa được căn bệnh của nền kinh tế hiện nay, chính phủ cũng như các doanh nghiệp cần phải nhìn thẳng vào sự thật và mạnh dạn sửa chữa những gì còn thiếu sót. Về phía nhà nước và các cơ quan cần hoàn thiện cơ chế điều hành, luật, cụ thể như hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp. Trong quá trình sửa cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã đi trước và thành công. Bên cạnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần phải tự đánh giá lại mình, xem xét lại môi trường bên ngoài lẫn bên trong, phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, tự vượt khó để tồn tại. Tất cả những giải pháp trên chỉ có thể thực hiện được khi có được những nhà lãnh đạo có đủ tài và đức, am hiểu thương trường, có kỹ năng quản trị tốt, nhiệt huyết và tận tâm với công việc, có khả năng giải quyết tốt những tình huống phức tạp của môi trường kinh doanh đầy thách thức như hiện nay.
Ngọc Cẩm
Nhận xét
Đăng nhận xét