BÁO PHÁP LUẬT TP HCM, 25/12/2012 - 08:45
Trong phiên giải trình sáng 24-12 tại Ủy ban Pháp luật của QH về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trước tình trạng nhiều văn bản pháp luật ban hành thiếu thực tế, gây phản ứng trong người dân như quy định phạt xe “không chính chủ”, thu phí sử dụng đường bộ hay mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới bắt buộc phải ghi tên cha, mẹ...
Cụ thể, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng việc thẩm định thông qua Thông tư 27 của Bộ Công an (quy định về mẫu CMND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2012), có căn cứ là Nghị định (NĐ) 05 từ năm 1999, “vào thời kỳ việc ban hành văn bản pháp luật chưa nề nếp lắm”. Sau đó, NĐ 170/2007 tiếp tục nêu lại nội dung của NĐ 05/1999 nên khi Bộ Công an trình Thông tư 27, Bộ Tư pháp đã đồng tình. Do đó người đứng đầu ngành tư pháp đã thẳng thắn nói: “Chúng tôi đã nhận khuyết điểm về việc máy móc rằng cái gì đã có thì không thẩm định lại, không xem xét trên tình hình thực tế hiện nay”.
Lẽ dĩ nhiên, để xảy ra sai sót thì phải nhận, song quanh chuyện “nể nang” kể trên có lý do lịch sử của nó. Ai cũng biết ngành tư pháp xuất hiện từ sớm cùng với thế chế dân chủ - cộng hòa do Bác Hồ sáng lập. Thế nhưng cả giai đoạn dài sau này Bộ Tư pháp bị giải tán và chỉ tái lập lại từ những năm 1980. Trong suốt những năm tháng đó, quán tính “nhà nước chỉ huy” với việc điều hành bằng sắc lệnh, chỉ thị đã ăn sâu, dẫn đến những quan điểm phản biện, “gác cổng” đề cao pháp quyền ít có cơ hội tồn tại, nhất là khi việc tuân theo mệnh lệnh vẫn được xem là biểu hiện của sự ổn định, sự đồng thuận.
Do tính chất “lịch sử” đó mà lâu nay vai trò ngành tư pháp bị lu mờ, thậm chí ở từng việc, từng lúc vai trò ấy chỉ là hình thức, chứ chưa khi nào được là “tứ trụ” của khối hành pháp như các nước phát triển.
Vì thế xung quanh việc nhận khuyết điểm của người đứng đầu ngành tư pháp không thể không gợi lên những suy nghĩ. Bởi rõ ràng từ khi chúng ta theo đuổi việc xây dựng nhà nước pháp quyền thì cái việc “gác cửa”, “tuýt còi” chuyện xây dựng luật pháp và thực thi quyền lực nhà nước phải được coi là việc bình thường, bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng phải tôn trọng.
Như thế trọng trách “gác cửa” mới có đất sống và mới tránh được chuyện “nhận khuyết điểm” như hôm qua!
PHAN MAI
Nhận xét
Đăng nhận xét