Chuyển đến nội dung chính

BÌNH LUẬN LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2008


 by Civillawinfor

LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC – Chủ tịch Công ty Luật BASICO
Bài này bình luận một số vấn đề trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Báo cáo về sự cần thiết, mục đích, quan điểm chỉ đạo và định hướng lớn trong việc xây dựng Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) của Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp.

1. Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:
1.1. Bộ trưởng chỉ ban hành Thông tư là trái hiến pháp:
Điều 2 “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật” Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định giảm bớt nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 hoàn toàn là cần thiết và hợp lý để đơn giản hoá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong số đó, có việc bỏ bớt hình thức văn bản Nghị quyết của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên việc này đã trái với Điều 115, Hiến pháp năm 1992 quy định “Chính phủ ra nghị quyết, nghị định, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó.” Và đoạn 2, Điều 116, Hiến pháp năm 1992 quy định “Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ ra quyết định, chỉ thị, thông tư”. Rõ ràng, Bộ trưởng được ban hành nhiều loại văn bản, nhưng Hiến pháp chỉ đề cập đến 3 hình thức là quyết định, chỉ thị và thông tư, vì xác định đó là văn bản quy phạm pháp luật. Và theo Hiến pháp thì ngoài Bộ trưởng, còn “các thành viên khác của Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ” cũng được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì lại chỉ cho phép “Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”, bỏ thẩm quyền ban hành của “Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ”.

1.2. Đề nghị xem xét quy định mỗi cấp chỉ ban hành 1 loại văn bản quy phạm pháp luật và đặt tên các hình thức văn bản này không trùng lặp với các văn bản còn lại. Chẳng hạn Quốc hội chỉ ban hành Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ ban hành Pháp lệnh, Chính phủ chỉ ban hành Nghị định, Bộ trưởng chỉ ban hành Thông tư. Và cần xem xét đặt tên khác co những văn bản quy phạm trùng tên với văn bản cá biệt, như Nghị quyết, Quyết định. Ví dụ có thể bỏ hình thức văn bản Quyết định của Thủ tướng hoặc gọi Quyết định của Thủ tướng là Thông tri chẳng hạn.
1.3. Nhất trí bỏ các hình thức văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Lệnh của Chủ tịch Nước, vì Lệnh công bố luật, pháp lệnh của Chủ tịch Nước chỉ là một văn bản hành chính, vì bản thân luật, pháp lệnh đã là văn bản quy phạm pháp luật, cũng tương tự như việc ban hành quy chế, quy định, điều lệ,… kèm theo nghị định, thì chỉ Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật, chứ các văn bản kèm theo thì không. Nếu coi lệnh công bố luật và pháp lệnh cũng là văn bản quy phạm pháp luật, thì sẽ dẫn đến sự trùng lặp về loại văn bản, chồng chéo về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không biết văn bản nào là chính, văn bản nào là phụ;
- Chỉ thị của UBND các cấp, vì Chỉ thị chỉ nên là là văn bản đôn đốc, nhắc nhở thực hiện những quy định đã có;
- Nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND của hai cấp xã, huyện, vì cấp này không cần thiết ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
1.4. Đề nghị bỏ cả các hình thức văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Nghị quyết, Thông tư liên tịch giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp và giưa cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị – xã hội, vì không nên để các tổ chức chính trị – xã hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật cùng với các cơ quan nhà nước. Nếu cần thiết, thì ban hành văn bản với hình thức cao hơn thay cho Nghị quyết, Thông tư liên tịch.
- Bỏ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, vì không cần thiết (chỉ để lại 1 hình thức văn bản Quyết định của UBND cấp tỉnh).
1.5. Đề nghị xem xét quy định: Thông tư chỉ dùng để hướng dẫn trình tự thủ tục thực hiện các văn bản cao hơn, cấm ban hành các quy phạm như các văn bản quy phạm pháp luật khác.
2. Về số loại hình văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một vấn đề:
Đề nghị quy định mỗi vấn đề đã được đề cập trong Luật hoặc Pháp lệnh, thì chỉ được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành ở 1 cấp văn bản dưới luật. Cụ thế, một vấn đề đã được quy định trong Luật, thì chỉ được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong Nghị định, không được ban hành tiếp theo Quyết định của Thủ tướng hoặc Thông tư hướng dẫn Luật hoặc Nghị dịnh. Hoặc ngược lại, chỉ được hướng dẫn trong Quyết định hoặc Thông tư, mà không được đồng thời xuất hiện cả trong Nghị định.
3. Về nguyên tắc ưu tiên áp dụng văn bản:
3.1. Cần phải xem lại khoản 2, Điều 83 “Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật” quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.” có phần viển vông, phủ nhận thực tế, không hợp lý, thậm chí sai lầm.
3.2. Khoản 2, Điều 3 “Áp dụng Luật doanh nghiệp, điều ước quốc tế và các luật có liên quan”, Luật Doanh nghiệp quy định rõ “Trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại Luật khác thì áp dụng theo quy định của Luật đó.” Các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp cũng chỉ rõ, nếu có sự khác nhau giữa các đạo luật, chứ không chấp nhận sự khác nhau giữa luật với thông tư, nghị định chuyên ngành. Tuy nhiên trên thực tế nhiều năm nay, dường như đã thừa nhận và phải thừa nhận ưu tiên áp dụng theo pháp luật chuyên ngành, tức là bao gồm cả thông tư, nghị định, chứ không chỉ theo các đạo luật chuyên ngành, điển hình là các quy định trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán,…
4. Về thời điểm có hiệu lực của văn bản:
Nhất trí thay đổi quy định một số loại văn bản có hiệu lực sớm hơn quy định tại Điều 78 “Thời điểm có hiệu lực và việc đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật” là “không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.”, trừ “văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh thì có thể có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành”. Sự bất hợp lý này đã tồn tại từ lâu, vi phạm nghiêm trọng thời hạn 15 ngày trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, nhưng Luật năm 2008 đã không chịu thừa nhận, trong khi tăng thời hạn lên 45 ngày. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật buộc phải vi phạm, trong đó có việc lách sanh hình thức ban hành văn bản cá biệt.
5. Về Tổ biên tập và Ban soạn thảo:
5.1. Cần xem lại cách đặt tên Tổ biên tập và Ban soạn thảo. Với từ “soạn thảo” thì theo lô gíc thông thường phải hiểu là có nhiệm vụ soạn thảo. Tuy nhiên Luật lại quy định Ban soạn thảo không hề có nhiệm vụ soạn thảo. Vì vậy đề nghị đặt tên khác cho Ban soạn thảo, chẳng hạn như Ban chỉ đạo soạn thảo, còn Tổ soạn thảo nên dùng để chỉ bộ phận soạn thảo văn bản của 1 cơ quan và Ban soạn thảo thì nên dùng để chỉ bộ phận soạn thảo liên quan đến nhiều cơ quan.
5.2. Trưởng hợp là một cá nhân soạn thảo cũng có thể gọi là chung là Tổ soạn thảo (một người), tương tự như Hội đồng trọng tài chỉ có 1 trọng tài viên duy nhất đã được quy định trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
6. Về dự thảo văn bản:
Luật quy định “dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết”, nhưng không có giải thích thế nào là dự án, cho nên dẫn đến trên thực tế nhầm lẫn thường xuyên. Chẳng hạn chỉ đề cập đến một dự thảo luật, không bao gồm các tài liệu khác kèm theo, nhưng cũng thường bị gọi là dự án luật. Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ đề cập đến dự thảo Nghị quyết, Nghị định, trong khi mỗi đạo luật thì có cả dự án, dự thảo, trong đó dự thảo là vấn đề cốt lõi. Nếu hiểu dự án rộng hơn dự thảo, ngoài dự thảo, còn gồm cả một số văn bản, một số công việc khác, thì Nghị định cũng hoàn toàn có thể là một dự án. Còn nếu dự án và dự thảo chỉ để phân biệt giữa quá trình ban hành luật với ban hành nghị định thì là điều ngộ nhận, không hợp lý.
7. Về hội đồng thẩm định:
Bên cạnh tổ, ban soạn thảo và hội đồng thẩm định, cần lập hội đồng phản biện, nhiệm vụ chính là bác bỏ (để loại bỏ những nội dung vô căn cứ, thiếu hợp lý, không khả thi), chứ không phải chủ yếu là ủng hộ thông qua dự thảo như hội đồng thẩm định hiện nay.
8. Về một văn bản sửa nhiều văn bản:
Đề nghị xem lại chủ trương “mở rộng các trường hợp áp dụng quy trình một văn bản sửa nhiều văn bản”. Việc này là cần thiết khi có 2 điều kiện: Quy trình soạn thảo, thông qua phức tạp, kéo dài và một nội dung trùng lặp trong nhiều văn bản cùng cấp ban hành. Nếu bảo đảm được thủ tục đơn giản hoá (rút gọn) tuỳ thuộc vào từng văn bản như dự kiến sửa đổi Luật, thì nên hạn chế tối đa việc dùng 1 luật sửa nhiều luật, vì việc này tuy có tiện với cơ quan soạn thảo và ban hành, nhưng lại gây ra sự rất phức tạp, rắc rối, khó theo dõi, tra cứu, thực hiện.
9. Về thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh:
9.1. Đề nghị mở rộng thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh, ngoài Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thì giao cho cả Chính phủ và Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao. Thực tế thì 2 cơ quan này, thậm chí cả các bộ, ngành khác, cũng đã thường xuyên giải thích luật, pháp lệnh.
9.2. Nếu chưa đủ điều kiện quy định cụ thể việc áp dụng án lệ trong luật, thì cũng cần quy định nguyên tắc áp dụng để có thể làm căn cứ hướng dẫn áp dụng án lệ.
10. Về văn bản hướng dẫn thi hành:[1]
10.1. Cần xem lại quy định tại khoản 2, Điều 8 “Văn bản quy định chi tiết” “Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết.” Quy định này không hợp lý, không khả thi, là một trong những quy định bị vi phạm nhiều nhất. Yêu cầu không lặp lại có vẻ hợp lý, nhưng dẫn đến tình trạng rất khó, thậm chí không thể quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành được.
10.2. Đặc biệt cần xem lại quy định về văn bản quy định chi tiết “phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản”, phổ biến không bảo đảm được. Theo tôi, cần bảo đảm nguyên tắc vô cùng quan trọng quy định tại khoản 1, Điều 8 “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay” bằng việc bỏ quy định văn bản quy định chi tiết phải được ban hành cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản chính. Để hạn chế tối đa việc luật cứ phải có nghị định quy định chi tiết thi hành, nghị định cứ phải có thông tư hướng dẫn thi hành. Cần có cơ chế quản lý kiểu “cấp phép” ban hành văn bản hướng dẫn. Và chỉ khi nảy sinh vấn đề mới, bất cập trong quá trình thực hiện thì mới hướng dẫn thi hành, còn những vấn đề nào đã được quy định thì phải giải quyết dứt điểm luôn trong văn bản chính. Đồng thời phải tạo cơ chế sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời, tránh tình trạng cuộc sống luôn phải chờ đợi pháp luật, thậm chí bế tắc.
10.3. Tiếp theo những yêu cầu như trên, thì cũng cần tính đến yêu cầu số lượng văn bản hướng dẫn thi hành phải ít, độ dài của văn bản hướng dẫn thi hành ngắn gọn hơn văn bản chính, chứ không thể để tình trạng lấn át kiểu một luật vài chục văn bản hướng dẫn hoặc luật chỉ có vài ba trang, trong khi nghị định, thông tư lên đến hàng trăm trang như Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (mặc dù không phải là soạn thảo lần đầu).
11. Về bố cục văn bản:
11.1. Về bố cục chương:[2]
Một văn bản được phân chia thành các chương, thì tối thiểu phải có 4 chương, vì chương 1 là những quy định chung, chương 3 là điều khoản thi hành, mà phần nội dung chính chỉ có 1 chương (thường được đặt là Quy định cụ thể) thì không hợp lý, vì những điều quy định chung phải so với những phần khác, chứ không thể chỉ so sánh với 1 chương quy định cụ thể. Trường hợp này hoặc là bố cục thành 4 chương, hoặc là không nên phân chia thành các chương.
11.2. Về bố cục điều, khoản:
Khoản 3, Điều 5 về “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định “Văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng thì tùy theo nội dung có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; đối với văn bản có phạm vi điều chỉnh hẹp thì bố cục theo các điều, khoản, điểm”. Tuy nhiên cần xem xét việc mở rộng bố cục, vì trên thực tế còn thêm tiểu mục, tiểu khoản, tiết, tiểu tiết,… thậm chí không thể gọi ra được tên bố cục. Công nhận thêm các bố cục này thì làm cho văn bản bản quá phức tạp, rắc rối. Không công nhận thì phải quy định rõ, không để tình trạng “vượt khung” tái diễn.
Và dù có mở rộng hay giữ nguyên bố cục như Luật hiện hành, thì cũng cần quy định rõ về việc chia nhỏ khoản, điểm, để bảo đảm sự rõ ràng, mạch lạc cho nội dung các điều luật. Đồng thời phải loại bỏ toàn bộ các đoạn nội dung không thuộc khoản nào trong các điều luật được bố cục theo dạng điều khoản, vì như vậy là phi lô-gic, không thống nhất, không thể chấp nhận. Ví dụ Điều 14 “Nghị định của Chính phủ”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Nghị định của Chính phủ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây: 1. Quy định chi tiết thi hành luật,…; 2. Quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện…”. Hoặc Điều 52 “Trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một kỳ họp của Quốc hội” quy định: “Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một kỳ họp theo trình tự sau đây: 1. Đại diện cơ quan, tổ chức…; 2. Đại diện cơ quan chủ trì…; 3. Quốc hội thảo luận …;” Như vậy, đoạn “Nghị định của Chính phủ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:” và “Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một kỳ họp theo trình tự sau đây” không thuộc khoản nào trong bố cục theo dạng điều khoản. Trong mọi trường hợp, việc cắt bỏ các đoạn văn lửng lơ này có thể được thực hiện bằng một trong 3 cách thức cơ bản như sau:
Cách thứ nhất: Bỏ đoạn văn dẫn dắt không thuộc khoản nào, đồng thời giữ nguyên các nội dung khác;
Cách thứ hai: Bỏ đoạn văn dẫn dắt không thuộc khoản nào, đồng thời đổi tên điều cho phù hợp;
Cách thứ ba: Chuyển đoạn văn dẫn dắt không thuộc khoản nào thành một khoản chung, các khoản còn lại sẽ trở thành một hoặc một số khoản quy định cụ thể.
11.3. Về bố cục khoản và đoạn của điều luật:
Nên tăng cường việc bố cục các điều thành các khoản, hạn chế tối đa việc phân chia các điều thành các đoạn, để bảo đảm sự rõ ràng, cụ thể, hợp lý, tiện lợi trong trích dẫn. Về nguyên tắc, các điều luật có từ 2 đoạn trở lên, thì cần được bố cục thành các khoản và các khoản từ 2 đoạn trở lên, thì cần được bố cục thành các điểm.
12. Về việc viết con số trong văn bản:
12.1. Hiện nay có 3 cách viết con số bằng chữ (như “năm năm” trong Bộ luật Hình sự năm 1999, “năm phần trăm trở lên” trong Luật chứng khoán năm 2006, “ba mươi ngày” trong Luật Công chứng năm 2006, 2/3 trong Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, “sáu tháng” trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sư năm 2012), bằng số (như “03 năm” trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008, “15% vốn tự có” trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, “90 ngày” trong Luật Khiếu nại năm 2011, “15 tuổi” trong Bộ luật Lao động năm 2012, “một phần hai” trong Luật Quảng cáo năm 2012). Ngoài ra còn dạng ghi bằng con số, sau đó mở ngoặc thêm chữ (như “thuế suất là 4% (bốn phần trăm)” trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất năm 1999, “9 (chín) người” trong Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05-03-2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Và ngược lại là ghi bằng chữ, sau đó mở ngoặc thêm con số (như “hai mươi phần trăm (20%) tổng số đại biểu” trong Luật về Giám sát của Quốc hội năm 2003, “ba mươi (30) ngày” trong Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14-10-2011 về Phát hành trái phiếu doanh nghiệp).
12.2. Quy định hiện hành về việc viết số trong văn bản thì vừa không hợp lý vừa không thống nhất. Điều 10 “Trình bày số trong dự thảo văn bản”, Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 03-7-2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định: “Số trong dự thảo văn bản phải được thể hiện bằng chữ”, trừ các trường hợp: “Số ở phần mở đầu, phần kết thúc văn bản; số là số thứ tự của đơn vị bố cục mục, điều, khoản; số chỉ độ dài của thời hạn, số chỉ thời điểm, số chỉ số lượng của đơn vị đo lường được thể hiện bằng số Ả Rập. Số chỉ khóa Quốc hội, đơn vị bố cục chương được thể hiện bằng số La Mã.” Điều 23 “Trình bày số trong văn bản”, Thông tư số 25/2011/TT-BTP ngày 27-12-2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về Thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch quy định “Số trong văn bản phải được thể hiện bằng số Ả Rập và được chú thích bằng chữ ngay sau phần số”, trừ các trường hợp “Số ở phần mở đầu, phần kết thúc văn bản; số chỉ độ dài của thời hạn, số chỉ thời điểm, số chỉ số lượng của đơn vị đo lường được thể hiện bằng số Ả Rập.”
12.3. Đề nghị chọn cách viết thống nhất bằng chữ số Ả-rập, không chú thích bằng chữ. Như vậy vừa đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng, lại rất dễ theo dõi.
13. Về kỹ thuật soạn thảo khác:
13.1. Về đặt tên văn bản:
Tên văn bản quy phạm pháp luật là trích yếu của văn bản, cần được đặt hết sức ngắn gọn, sao cho dễ hình dung vấn đề và có thể phân biệt với các văn bản khác, không nhất thiết phải diễn đạt quá cụ thể mọi vấn đề bên trong văn bản như kiểu “Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” hay “Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
13.2. Về tên chương, điều:
Cần phải quy định rõ, tên điều luật không thể trùng với tên chương hoặc tên mục, trừ trường hợp chương, mục chỉ có duy nhất 1 điều (thì bắt buộc phải trùng).
13.3. Cần phải quy định rõ về kỹ thuật để tránh tình trạng văn bản sửa đổi, bổ sung diễn đạt không bám theo bố cục văn bản gốc, mà nội dung sửa đổi, bổ sung lại được tạo thành bố cục (điều khoản) mới, dẫn đến không hợp nhất được văn bản.
13.4. Một số điều trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chưa chính xác, như khoản 1, Điều 1 “Văn bản quy phạm pháp luật” quy định “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành” hay khoản 1, Điều 9 “Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật” quy định “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luậtcủa chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” Vì ngoài cơ quan nhà nước còn các chức danh nhà nước và thủ trưởng các bộ, ngành ban hành văn bản.
14. Về vai trò của Bộ Tư pháp:
14.1. Cần có cơ chế sao cho tránh được tình trạng, cùng trong Bộ Tư pháp, vụ này thẩm định, cục khác lại phải “tuýt còi”.
14.2. Kỳ vọng văn bản do Bộ Tư pháp soạn thảo phải sống lâu hơn, chứ cũng không chết yểu như văn bản do các bộ khác chắp bút lâu nay.
Trân trọng tham gia!
——————————————-
Địa chỉ liên hệ:
Luật sư Trương Thanh Đức
Maritime Bank, 88, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: 090.345.9070 – E-mail: truongthanhduc@yahoo.com

[1] Xem “Những bất cập trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật” – Luật sư Trương Thanh Đức, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 2, tháng 2-1999.
[2] Xem “Về kỹ thuật soạn thảo văn bản pháp quy của Ngân hàng Nhà nước” – Luật sư Trương Thanh Đức, Tạp chí Ngân hàng 2 số 9+10/2004.
SOURCE: Tham luận tại Tọa đàm “Sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn trong việc xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thống nhất”. BỘ TƯ PHÁP, THÁNG 01-2013

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...