TP - Nhóm thực hiện đề tài cấp bộ “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” (được Hội đồng Khoa học của Thanh tra Chính phủ nghiệm thu và đánh giá xuất sắc) đề xuất luật về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong bối cảnh không ít cán bộ, công chức có những khoản thu nhập nhạy cảm.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cụ thể về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhưng qua nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài (chủ nhiệm là ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ) nhận thấy thu nhập ngoài lương của người có chức vụ, quyền hạn tăng và đến từ nhiều nguồn.
Năm 2012, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới khảo sát gần 2.000 cán bộ, công chức (CBCC) ở 10 địa phương và 5 bộ, ngành. Kết quả cho thấy, 79% CBCC trả lời có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, 20% không có và 1% không trả lời.
Công chức 1 quân ở Hà Nội đang làm việc. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Trong số người có thu nhập ngoài lương, hơn 50% trả lời đó là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp; hơn 60% có nguồn thu do tiết kiệm được các khoản chi theo định mức khoán; hơn 5% được chia từ các khoản hoa hồng hoặc quỹ riêng của đơn vị; gần 5% có nguồn thu ngoài lương từ khoản biếu, tặng; 40% có nguồn thu khác.
Về mức thu nhập ngoài lương, kết quả khảo sát cho thấy, 82,7% số người có khoản thu nhập ngoài thấp hơn 50% lương; 11,1% số người có thu nhập ngoài bằng khoảng 50% đến 100% tiền lương; 2,1% người có thu nhập ngoài cao hơn lương nhưng tối đa không quá 5 lần tiền lương; 0,2% số người thu nhập ngoài bằng 5 - 10 lần tiền lương. Số người có thu nhập ngoài cao hơn 10 lần tiền lương chiếm 0,2%. Có 3,6% số người không trả lời khi được hỏi về mức thu nhập ngoài lương.
“Từ kết quả khảo sát nêu trên, mặc dù chưa đại diện cho tổng thể người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam, nhưng phần nào cho thấy thực trạng thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Số CBCC có thu nhập ngoài lương chiếm tỷ lệ cao. Mức thu nhập ngoài lương so với lương và nguồn thu nhập cũng khá đa dạng, có cả những khoản thu nhập nhạy cảm, dễ liên quan tham nhũng như tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Năm 2015, ban hành luật về kiểm soát thu nhập?
Đối với Việt Nam, cần phải nghiên cứu, xây dựng một đạo luật riêng về kiểm soát tài sản, thu nhập theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đồng thời tiến hành ngay các bước chuẩn bị, xây dựng dự thảo luật để đến khi sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng (dự kiến năm 2015) thì đồng thời ban hành được luật về kiểm soát tài sản, thu nhập”.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị
|
Nhóm nghiên cứu cho rằng, cùng với sự gia tăng tiền lương, thu nhập, nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát thích hợp đối với thu nhập của xã hội nói chung, đối với người có chức vụ, quyền hạn nói riêng. Cơ chế kiểm soát thu nhập phải được thể chế hóa bằng pháp luật và có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Nhóm nghiên cứu đưa ra 10 phương thức kiểm soát, trong đó có mở tài khoản cho người có chức vụ, quyền hạn để tiếp nhận các khoản thu nhập phát sinh; yêu cầu kê khai các khoản thu nhập không qua tài khoản và quà tặng (kiểm soát đầu vào).
Hoàn thiện việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn (kiểm soát bên trong) và coi đây là giải pháp trọng tâm trong kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Quy định việc sử dụng tài khoản để chi tiêu các khoản có giá trị lớn (kiểm soát đầu ra).
Quy định trách nhiệm giải trình về thu nhập, tài sản, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn và tài sản, tiêu dùng của người thân thích. Thiết lập thiết chế độc lập để thực hiện việc theo dõi, giám sát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tăng cường vai trò của cơ quan thuế trong theo dõi, quản lý việc người có chức vụ, quyền hạn kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân...
Hà Nhân
Nhận xét
Đăng nhận xét