Trần Hiệp Thuỷ
Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Người dân làm chủ, “thuê” công chức làm việc, đặc biệt là việc làm quan trọng
“gác cổng pháp luật”, đòi hỏi “những đầy tớ” này phải có tâm sáng, có chuyên
môn để “giữ cửa”. Xét ở góc độ đó, thì năng lực, trình độ, phẩm chất của nhiều công
chức ở một số bộ được trao quyền “ban hành pháp luật” chưa đạt yêu cầu, nhiệm
vụ.
Nhiều bộ, ngành đã chễnh mãn công
việc đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo “quyết liệt” việc khắc phục tình
trạng “nợ đọng văn bản”. Nhiều luật chờ Nghị định, văn bản Chính phủ chờ Thông
tư hướng dẫn, đến khi ra đời, thì chất lượng nhiều văn bản kém. Nếu như trước
đây, các văn bản pháp quy do các bộ quản lý nhà nước ban hành “thỉnh thoảng” có
sai sót hoặc bất cập, thì gần đây “tần xuất” ra đời văn bản “cần rút kinh
nghiệm”, không khả thi, ngô nghê và áp đặt, bị phản ứng mạnh mẽ của dư luận
ngày càng nhiều.
Một điển hình mà nhiều người dân còn
nhớ là Quyết định số 33/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế với những cái “chuẩn trời ơi”
là: “thấp bé” – dưới 1,45 m, “nhẹ cân” – dưới 40 kg, “ngực lép” – nhỏ hơn 72
cm, thì không đủ “sức khoẻ” để lái xe trên 50 cc. Rồi đến quy định của Bộ Nông
nghiệp về việc “bán thịt tươi không được quá 8 tiếng”, “phạt người sử dụng phân
bón giả”; của Bộ Văn hoá, TT& DL về “quan tài không nắp kiếng” và “hà tiện
vòng hoa tang”; rồi đến qui định “phạt xe không chính chủ” bất ngờ, cà giựt,
chưa được chuẩn bị tốt, tác động tiêu cực đến số đông dân chúng … phải rút lại.
Mới đây, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVTcủa các Bộ: KH
& CN, Công Thương, Công an, GT-VT có nội dung xử phạt người đi xe mô tô, xe
gắn máy, xe đạp máy … sử dụng mũ bảo hiểm giả buộc phải dừng thực hiện. Thủ
tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến việc “không bắt buộc ghi tên cha, mẹ vào giấy
CMND” trong khi chờ sửa Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định
05/1999/NĐ-CP. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã “nhận lỗi” vì không thẩm định tốt văn
bản. Những chỉ báo đó cho thấy chất lượng pháp luật của chúng ta thấp. Các “ông
chủ - công dân” có quyền đòi hỏi những người làm pháp luật, gác cổng pháp luật
phải làm tốt hơn công việc của mình. Muốn vậy, cần phải xây dựng và thực thi
một thể chế và cơ chế giám sát, kiểm tra quá trình lập pháp, lập qui, bảo đảm cho quá trình đó phải phản ánh trung
thực hơn tâm tư, nguyện vọng và đại diện cho quyền lợi của nhân dân, nhất là số
đông người dân “yếu thế” trong xã hội, có thể bị các “nhóm lợi ích” khác lấn
lướt. Kết quả thực hiện nhiều năm, tốn kém công sức, tiền của cho công tác rà
soát văn bản, thủ tục hành chính để ban hành bộ thủ tục hành chính quốc gia,
ngành, đại phương đang đứng trước nguy cơ bị các “văn bản xấu” đe doạ.
Ngày nay, nhiều gia đình, cơ quan,
đơn vị đã thay người “giữ nhà” bằng lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, có chuyên
môn và chịu trách nhiệm. Một “ngôi nhà pháp luật” của dân, do dân, vì dân đòi
hỏi phải có những “người gác cổng pháp luật” chuyên nghiệp hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét