Thứ ba, 16/04/2013 - 06:02 PM (GMT+7)
NDĐT - Ngày 16-4, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) năm 2000. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Xác định rõ về vấn đề tài sản trong hôn nhân
Theo báo cáo tại hội nghị, một số quan hệ về hôn nhân và gia đình phát sinh trong thực tiễn chưa được Luật quy định hoặc quy định không cụ thể, như quan hệ nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn; ly thân; mang thai hộ…. Một số quy định của Luật còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giao lưu dân sự, hội nhập quốc tế của Việt Nam, như quy định về tài sản của vợ chồng tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài…
Hiện nay, hiện tượng chung sống như vợ chồng vẫn đang tồn tại trên thực tiễn với nhiều nguyên nhân khác nhau, làm phát sinh nhiều hậu quả về con cái, nhân thân và tài sản giữa các bên trong quá trình sống chung nhưng Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 chưa đề cập đến quyền và nghĩa vụ đối với con chung, quyền và nghĩa vụ về tài sản của mỗi bên.
Do vậy, theo quan điểm của nhiều tỉnh, thành phố cho rằng không nên thừa nhận hôn nhân thực tế nhưng cần quy định về hậu quả pháp lý. Cụ thể là cần quy định về quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình chung sống như quyền, nghĩa vụ đối với con chung; quyền và nghĩa vụ về tài sản.
Theo đại diện tỉnh Lâm Đồng, trong trường hợp cặp nam nữ sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn có yêu cầu ly hôn và chia tài sản chung, nếu Tòa án xác định được có những tài sản được hình thành trong thời kỳ hai bên sống chung như vợ chồng và không chứng minh được tài sản riêng thì những tài sản này nên được xác định là tài sản chung của đôi nam nữ.
Còn theo đại diện TP Đà Nẵng, Luật Hôn nhân và Gia đình nên quy định Tòa án phải tiến hành xác minh để phân định tài sản riêng, tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn trong trường hợp vợ, chồng đều không có chứng cứ chứng minh nhằm đảm bảo sự công bằng.
Về vấn đề này đồng chí Tưởng Duy Lượng Phó Chánh án TANDTC cho rằng luật nên có quy định bổ sung về cơ sở hình thành tài sản chung, nguyên tắc chia tài sản, nguyên tắc xác định quan hệ cha con để điều chỉnh cả ba quan hệ là hôn nhân thực tế, hôn nhân bất hợp pháp, sống chung của người đồng giới này. “Đó là cơ sở để tòa án giải quyết, giảm bớt sai sót vì thực tiễn công tác xét xử cho thấy một phần của những sai sót vừa qua là do… luật”, ông Lượng nói. Vấn đề tài sản chung, tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp có hạn chế như quyền sở hữu chung vợ chồng chua thể hiện tính minh bạch, chưa bảo vệ sự gắn kết trong gia đình hay bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Có nên cho phép kết hôn đồng tính?
Một trong những vấn đề gây sự chú ý của dư luận trong quá trình đưa ra những định hướng sửa đổi bổ sung một số điều của Luật HNGĐ năm 2000 chính là việc có nên cho phép kết hôn đồng tính hay không.
Theo đồng chí Tưởng Duy Lượng, không nên cho phép kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng cũng không nên cấm sống chung vì việc đồng tính là do lỗi của tạo hóa. Còn theo ý kiến của Bộ Y tế: Nên cho phép kết hôn đồng tính vì nó là quyền được sống thực với gì mình có - đó là quyền con người. Đứng ở góc độ quyền con người, người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn... có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước và xã hội.
Đối với vấn đề mang thai hộ, nhiều đại biểu cho rằng đây không chỉ là vấn đề pháp lý đơn thuần do đó cần được quy định chặt chẽ, cụ thể. Luật cần đề cập đến ba vấn đề của mang thai hộ, cấm mang thai thuê vì mục đích thương mại, cho phép mang thai hộ vì lý do nhân đạo, xác định đứa trẻ là con của ai, nghĩa vụ nuôi dưỡng, ai sẽ được quyền nuôi con, người mang thai hộ hay người thuê, những rủi ro mà người mang thai hộ.
Bên cạnh đó cũng cần quy định chỉ cho phép với những người cùng trong dòng họ hoặc chứng minh có họ hàng ba đời bên nhà chồng thực hiện việc mang thai hộ. Trên cơ sở đó có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và sự đồng ý của một Hội đồng gồm các chuyên gia về sản khoa và pháp luật.
Luật cũng cần quy định nghiêm các điều kiện để tránh xảy ra các tranh chấp phát sinh sau này như: Điều kiện của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ (tuổi, sức khỏe, số lần mang thai…); quyền và nghĩa vụ của các bên (trong đó có trường hợp tai biến sản khoa đối với người nhờ mang thai hộ (nếu có), trách nhiệm của các bên trong trường hợp đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật, dị tật; thủ tục hành chính; biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Luật cần tạo ra cơ chế pháp lý rõ ràng
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Luật hôn nhân và gia đình đã thật sự thấm sâu vào cuộc sống; bảo đảm tốt hơn việc thực thi quyền công dân, quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; quy định và đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội; giữ gìn và phát huy truyền thống đạo đức, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Luật hôn nhân và gia đình hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: một số quy định chưa có tính khả thi; một số vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được Luật quy định; có những quy định không cụ thể, rõ ràng dẫn tới nhiều quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình không được bảo đảm…
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bên liên quan nghiên cứu rất kỹ lưỡng những định hướng lớn trong xây dựng Dự án Luật, cả về thực tiễn và khoa học, đặc biệt phải quan tâm, tôn trọng ý kiến của nhân dân. Khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình, cần phải xuất phát từ tính chất rất đặc thù, khác biệt của quan hệ xã hội này so với các quan hệ xã hội khác.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật HNGĐ cần tạo ra một cơ chế pháp lý rõ ràng, thống nhất trong việc áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình để giải quyết những vấn đề thực tiễn.
HƯƠNG NGUYÊN (Báo Nhân Dân)
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Thích pháp luật
Nhãn:
Thích pháp luật
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét