Trần Hiệp Thuỷ
Chỉ tiêu mua tạm trữ
1 triệu tấn gạo ở vựa lúa ĐBSCL đã hoàn thành, giải quyết được khoảng 1/5 lượng
lúa hàng hoá. Cái mới của năm nay là chủ trương được quyết định sớm hơn, chỉ
tiêu được phân bổ cho doanh nghiệp (DN) hướng địa phương hơn; hàng ngàn tỉ đồng
cũng đã phát vay với mức hỗ trợ bù 100% lãi suất cho DN mua tạm trữ... Nhưng
thực tế diễn ra trên đồng ruộng cho thấy, chính sách mua lúa tạm trữ được thực
hiện hơn 10 năm qua đã bộc lộ nhiều bất cập, cần được hoàn thiện để đảm bảo lợi
ích của nông dân và sản xuất lúa hàng hoá bền vững.
Bất cập đầu tiên từ “cú sốc ngược” khi lúa chất lượng cao
được nông dân trồng theo khuyến cáo nhằm “nâng cao giá trị hạt gạo”, nhưng
không tiêu thụ được. Trong khi địa phương lúng túng trước yêu cầu bức xúc tiêu
thụ lúa cho dân, thì nhiều DN vẫn chưa tổ chức tốt mạng lưới thu mua, chỉ lo
“mạnh ai nấy mua” cho đủ chỉ tiêu phân bổ, thiếu liên kết.
Thực trạng đã rõ, nhưng để mua lúa tạm trữ giúp giữ được
“nồi cơm” của nông dân tốt hơn, còn phải làm nhiều việc. Mua tạm trữ dù là
“biện pháp tình thế”, nhưng cần phải được tổ chức thực hiện một cách bài bản,
căn cơ hơn, từ chủ trương, cách làm, xác định thời điểm mua thu mua, giá sàn và
sản lượng thu mua phù hợp với từng địa phương trong mối quan hệ tổng thể cả
vùng. Đồng thời, cũng rất cần sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn giữa Hiệp
hội lương thực và chính quyền các địa phương bằng cơ chế rõ ràng, công cụ điều
phối cụ thể hơn là hô hào.
Thực tế đã chứng minh hiệu quả của mô hình Cánh đồng mẫu lớn
(CĐML), gắn kết được từ đầu vào đến đầu ra lúa gạo. Nhưng CĐML cũng đang gặp
nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ về cơ chế pháp lý, chính sách đất đai, kết nối
thị trường... để thoát khỏi "cái mẫu" và đủ lớn. Cần gắn việc mua tạm
trữ gạo với DN có mô hình CĐML. Giải quyết “đầu ra” cho hạt lúa từ chính “cánh
đồng lớn” của nông dân – DN cũng chính là cách thức nối liền các "mắc
xích" - liên kết chuỗi giá trị lúa gạo từ nghiên cứu - ứng dụng - sản xuất
- chế biến và tiêu thụ đúng nghĩa... Nếu quy tụ được nhiều DN tham gia đầu tư
và liên kết với nông dân phát triển mô hình này sẽ tiến đến không cần phải mua
tạm trữ mang tính đối phó như lâu nay.
Để giữ “nồi cơm” của nông dân, không cách nào khác là giúp
nông dân từ thế bị động trong tiêu thụ lúa, sang chủ động quyết định số phận
hạt gạo của mình làm ra.
Nhận xét
Đăng nhận xét