Qua tổng hợp ý kiến người dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, có thêm phương án mới là lấy lại tên nước thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập.
Ngày 12/4, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Hiến pháp mới cùng báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến nhân dân. Với nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, ban soạn thảo để ngỏ bằng cách trình hai phương án.Cụ thể, Lời nói đầu giờ được diễn đạt theo hai phương án. Trong đó, một phương án ngắn gọn, súc tích, dài không quá 180 chữ, khẳng định quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Liên quan đến quyền lập hiến của nhân dân, điều cuối cùng của dự thảo, bên cạnh quy định cũ có thêm phương án mới: “Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành và phải được trưng cầu dân ý”.
Điều 1 dự thảo tiếp thu, bên cạnh cách viết cũ tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xuất hiện phương án mới, phản ánh chính xác hình thức chính thể và chủ quyền quốc gia về lãnh thổ: “(1) Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. (2) Tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu. |
Phương án này thể hiện ý kiến nhiều tầng lớp nhân dân, cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam, là thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đã được long trọng tuyên bố với nhân dân và toàn thế giới qua bản tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945. Tên gọi ấy được khẳng định trong Hiến pháp 1946, 1959 và chỉ được thay đổi bởi Hiến pháp 1980. Về mặt pháp lý, đến thời điểm này, tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay.
Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, Điều 58 dự thảo tiếp thu không còn quy định thu hồi đất với cả “dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc “thu hồi, bồi thường phải công khai, minh bạch, công bằng và do luật định”. |
Bên cạnh việc làm rõ hơn trách nhiệm của Đảng, quyền giám sát của nhân dân với Đảng, khoản 1 Điều 4 dự thảo mới có thêm phương án diễn đạt khái quát, cô đọng về vai trò lãnh đạo của Đảng: “Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Các nội dung khác thuộc về bản chất, nền tảng tư tưởng của Đảng đã thể hiện đầy đủ trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các văn bản khác, không cần đưa vào Hiến pháp như dự thảo hiện tại. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, cách diễn đạt này sẽ giúp Hiến pháp mới ổn định hơn, bền vững hơn, tránh phải sửa đổi 5-10 năm một lần mỗi khi văn kiện Đảng có điều chỉnh mới.
Cũng liên quan đến vấn đề Đảng trong Hiến pháp, dự thảo tiếp thu ở Điều 70 về nghĩa vụ của các lực lượng vũ trang xuất hiện hai phương án mới. Một là giữ nguyên, khẳng định các lực lượng vũ trang phải trung thành, bảo vệ tổ quốc và nhân dân. Phương án khác có thêm chủ thể Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng đứng sau tổ quốc và nhân dân.
Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng tiếp thu ý kiến đóng góp phong phú của nhân dân. Theo đó, Điều 15 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể “bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp” vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, đạo đức, sức khỏe cộng cồng và chỉ “theo quy định của luật”.
Dự thảo tiếp thu cũng làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước và những bảo đảm của Nhà nước để các quyền cơ bản của người dân là hiện thực và khả thi. Chẳng hạn, quyền sống (Điều 21) có thêm phương án bổ sung nội dung: “Hình phạt tử hình cho đến khi chưa được bãi bỏ, chỉ được áp dụng đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do luật định”. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 26) được bổ sung: “Trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này do luật định”.
Trong các điều khoản hiến định về quyền con người, nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện rõ ràng hơn ở Điều 32 dự thảo tiếp thu: “Người bị buộc tội được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Điều 39 dự thảo tiếp thu thể hiện sự bình đẳng của mọi người trong vấn đề hôn nhân, không phân biệt giới tính khi quy định: “Mọi người đủ tuổi do luật định có quyền kết hôn”. Từ đây mở ra khả năng xem xét, thừa nhận quyền cơ bản cho cả người đồng giới, lưỡng tính, chuyển giới.
Trên cơ sở báo cáo về việc tiếp thu ý kiến nhân dân đóng góp cho Hiến pháp của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngày 12/4, Thường vụ Quốc hội đã họp, tham gia thêm ý kiến. Vì tính quan trọng của nó, bản dự thảo tiếp thu này sẽ tiếp tục được hoàn thiện, để Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 7 tới thảo luận, góp ý trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận tiếp tại kỳ họp vào cuối tháng 5.
Tinh thần là tất cả vấn đề lớn của Hiến pháp, còn ý kiến khác nhau thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng phải đưa ra các phương án khác nhau để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục thảo luận cho đến khi Quốc hội quyết định, thông qua Hiến pháp mới tại kỳ họp cuối năm.
|
Theo Pháp luật TP HCM
Nhận xét
Đăng nhận xét