13/04/2013 09:45 (GMT + 7)
TT - Nếu chỉ “giấy trắng, mực đen”, có thể nói rằng giải pháp mua 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân này đã thành công hơn cả mong đợi.
Thế nhưng, nếu đi sâu vào phân tích cho thấy mức lãi của nông dân vẫn chỉ nằm trên giấy.
Theo công bố của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa bình quân của vùng ĐBSCL, vụ đông xuân hiện nay là 3.616 đồng/kg, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, để bảo đảm cho nông dân vùng ĐBSCL có lãi ít nhất 30%, giá lúa bình quân ở đây ít nhất phải đạt 4.701 đồng/kg. Trong khi đó, các số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho thấy liên tiếp trong sáu tuần triển khai kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo tại vùng ĐBSCL (từ ngày 21-2 đến 28-3), bình quân giá lúa thường dao động khoảng 5.150-5.300 đồng/kg.
Nếu tính bình quân giá lúa thường trong thời gian mua tạm trữ đạt 5.242 đồng/kg, cao hơn mức chuẩn nói trên 541 đồng, nông dân ở đây có lãi bình quân tới 45%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có quá nhiều bất cập trong việc mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo tại vùng ĐBSCL vừa qua.
Do có sự lệch pha giữa thời gian thu hoạch lúa và thời gian mua tạm trữ, một bộ phận không nhỏ nông dân không được hưởng lợi từ chương trình này. Giả định rằng diện tích và sản lượng lúa được thu hoạch trước và sau thời gian mua tạm trữ chiếm 15-25%, giá lúa thị trường trong hai giai đoạn này đều thấp hơn trong thời gian mua tạm trữ, sẽ có khoảng 40% nông dân vùng ĐBSCL bị loại khỏi “cuộc chơi” này.
Việc có quá nhiều tầng nấc trung gian trong hoạt động mua lúa gạo hiện nay, từ “cò ruộng”, thương lái đến nhà máy xay xát rồi mới đến tay doanh nghiệp mua tạm trữ, khiến chênh lệch giữa giá mua vào của doanh nghiệp với giá bán ra của nông dân khá lớn. Do đó, nông dân thậm chí không thể được hưởng lãi ít nhất 30%, còn mức lãi bình quân 45% như tính toán thật ra chỉ nằm trên giấy.
Số liệu của VFA cũng cho thấy trong 12 tuần từ đầu năm đến nay, chỉ có hai tuần giá lúa hạt dài cao hơn giá lúa thường 300 đồng/kg và một tuần cao hơn 250 đồng/kg, thời gian còn lại chỉ cao hơn 200 đồng/kg, đồng nghĩa với tình trạng nông dân phải “ôm lúa” chất lượng cao và lúa thơm. Nguyên nhân của hiện tượng này là do giá xuất khẩu gạo VN giảm mạnh, ngược lại với xu hướng tăng giá gạo của một số quốc gia xuất khẩu gạo khác.
Theo số liệu thống kê của một hãng tin phương Tây, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên 446 USD/tấn so với mức đáy 432 USD/tấn vào cuối năm trước. Tương tự, gạo 5% tấm của Pakistan cũng từ mức 423-425 USD/tấn lên 430-433 USD/tấn. Ngược lại, giá gạo cùng loại của VN lại “rơi tự do” từ 450 USD/tấn vào tháng 11-2012 xuống còn 400-404 USD/tấn hiện nay. Trong xu hướng giảm giá gạo xuất khẩu như vậy, việc tăng giá lúa cho nông dân là nhiệm vụ quá khó, nếu như không muốn nói là bất khả thi.
NGUYỄN ĐÌNH BÍCH (báo Tuổi Trẻ)
Nhận xét
Đăng nhận xét