Một vị chuyên gia tầm trung ở cả tuổi tác và sự nổi tiếng nói: “Chuyên gia thế này thì Chính phủ không làm được gì hết”...
Là tâm điểm của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 vừa diễn ra tại Nha trang, tái cơ cấu nền kinh tế vốn đang là câu chuyện thời sự với đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt lại càng trở nên “nóng” hơn qua mổ xẻ của các chuyên gia.
Với độ mở khá cao, diễn đàn này thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia kinh tế, tài chính từ nhiều lĩnh vực, địa bàn và lứa tuổi.
Nhìn lại một năm (lấy mốc từ Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân diễn ra vào tháng 4/2012 với chủ đề "Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế"), hầu hết các ý kiến từ diễn đàn đều tỏ ra sốt ruột vì sự ì ạch của quá trình này. Và câu hỏi có nên làm lại đề án tổng thể hay không cũng đã được đặt ra.
Một tuần trôi qua, ngày 10/4, một số báo điện tử dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, rằng trước khi diễn đàn được tổ chức, Bộ cũng có mời các chuyên gia đến để tham khảo ý kiến, và hầu hết các chuyên gia đều bày tỏ quan điểm thống nhất với đề án này.
Bộ trưởng Vinh cũng cho biết sẽ lắng nghe ý kiến các chuyên gia và nhắc lại lời của TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ngay tại diễn đàn, rằng đề án này được xem là khả quan nhất, tốt nhất của Chính phủ hiện nay.
Chúng ta phê phán Chính phủ ngập ngừng này kia trong tái cơ cấu kinh tế, có lẽ cũng có phần của chuyên gia chúng ta.
TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Như vậy, dù chưa có một bản kiến nghị chính thức từ diễn đàn như thông lệ, thì dư âm của nó cũng đã khiến vị “tư lệnh” cơ quan được Thủ tướng giao chủ trì soạn thảo đề án phải suy nghĩ.
Và phát biểu của ông, dù không nhắc đến một danh tính cụ thể nào để cho thấy các vị chuyên gia đã “thống nhất” với đề án có đồng thời là các vị sau đó đã nặng lời phê phán ở nơi khác hay không, vẫn không thể không khiến bạn đọc có sự liên tưởng nhất định.
Quá trình hình thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, từ khi mới nằm trong các đề xuất đến khi được Thủ tướng phê duyệt chỉ cách đây hai tháng, theo nhiều nhận xét là mang đậm dấu ấn các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế. Và những đề xuất, kiến nghị cho vấn đề này từng được chính một số vị chuyên gia nhận xét là “rất chụm”.
Nhưng rồi sự phân tán lại thấy rất rõ, khi cân đong kết quả thực hiện bước đầu và lộ trình tiếp theo.
TS. Nguyễn Đình Cung, một trong số những người chắp bút chính cho bản đề án cũng là người luôn được các nhà tổ chức diễn đàn đặt hàng về các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế.
Sau khi nghe khá nhiều lời phê về đề án, thậm chí có đề nghị nên làm lại bản khác, ông Cung khi phát biểu lần hai đã nhấn mạnh rằng, “đề án tái cơ cấu được nghiên cứu từ lâu thảo luận ở nhiều cấp và tất cả chúng ta ngồi đây đều có cơ hội tham gia vào quá trình đó”.
Tuy chưa thực sự hoàn hảo, song theo ông Cung thì bản đề án tổng thể vừa được phê duyệt là “phương án tốt nhất trong bối cảnh hiện nay”.
Còn làm lại theo đề nghị của một số ý kiến, ông Cung nói “chúng tôi là tội đồ gây nên việc đó nên không thể giao cho chúng tôi, song tôi tin các chuyên gia ngồi đây không ai làm tốt hơn chúng tôi”.
Một vị diễn giả trẻ ngồi bên gợi ý “có thể thuê tư nhân”. “Thuê tư nhân làm có thể tốt hơn, nhưng dứt khoát phải trả tiền, đó là rủi ro cần tính đến”, ông Cung lưu ý.
Không thuộc hàng cao niên cũng chưa thuộc hạng top các chuyên gia được săn đón, song vị Viện phó CIEM không chút ngại ngần khi nói, “chúng ta phê phán Chính phủ ngập ngừng này kia trong tái cơ cấu kinh tế, có lẽ cũng có phần của chuyên gia chúng ta”.
Tiên trách kỷ hậu trách nhân, bối cảnh kinh tế hiện nay có phần của chuyên gia, vì giới chuyên gia nói theo cảm tính cũng nhiều, tất cả mọi phân tích về chính sách phải chuẩn mực chứ không thể chỉ nói theo ý của mình, theo cảm tính được, ý kiến trong hai ngày diễn ra diễn đàn rất phân tán, ông Cung nói tiếp.
Sự phân tán, theo ông Cung, còn ở chỗ khi Thủ tướng đã đưa ra thông điệp rất nhất quán là năm 2013 tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn, nhưng, “mình lại cứ kiến nghị thêm rằng năm nay lạm phát không lo, phải lo thêm tăng trưởng và để GDP tăng 5,5% thì phải cơi nới chỗ này chỗ kia”.
Sự loay hoay điều chỉnh hàng tháng theo như một số chuyên gia tư vấn cho Chính phủ theo ông Cung là không ổn, vì các giải pháp điều chỉnh về cầu không có tác dụng, mà rõ ràng phải thay đổi về phía cung.
Với nhận xét quản lý tổng cầu chỉ mang tính nhất thời, ngắn hạn, thế nhưng một số vị chuyên gia lại gây sức ép với Chính phủ về điều hành theo hướng đó, ông Bùi Trinh (Tổng cục Thống kê) cũng tại diễn đàn đã nhấn mạnh, “nền kinh tế đất nước bị thế này có đóng góp không nhỏ của các chuyên gia, nhà kinh tế”.
Không có ai phản bác công khai. Chẳng những thế mà nhìn nhận mang tính “quy trách nhiệm” của cả ông Cung và ông Trinh còn nhận được sự đồng tình.
Đã là chuyên gia thì phải nói thật, nói hết, nói thống nhất ở mọi nơi mọi lúc, chứ không phải lựa gu của người nghe mà nói.
Một vị cựu quan chức cấp bộ
Một vị chuyên gia tầm trung ở cả tuổi tác và sự nổi tiếng nói với VnEconomy: “Chuyên gia thế này thì Chính phủ không làm được gì hết”.
Hỏi tại sao, ông bảo lẽ ra các chuyên gia nên tập trung trí tuệ vào nghiên cứu lộ trình và các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, thay vì các xử lý ngắn hạn là việc của các bộ phải làm.
“Đề án tái cơ cấu mục tiêu đến 2015 đạt được cái gì là câu hỏi rất muốn có câu trả lời từ phía các chuyên gia, nhưng mà họ chỉ đặt câu hỏi suông thế thôi”, ông nói.
Việc một số các vị luôn xuất hiện với tư cách chuyên gia song không cập nhật được thông tin, theo dõi không có hệ thống nên nói theo phong trào cũng được coi là ít nhiều gây tổn hại cho nền kinh tế. “Đã là chuyên gia thì phải nói thật, nói hết, nói thống nhất ở mọi nơi mọi lúc, chứ không phải lựa gu của người nghe mà nói”, một vị cựu quan chức cấp bộ nêu quan điểm.
Tuy nhiên thì ông cũng chưa hẳn đồng tình với đánh giá rằng các chuyên gia có thể gây sức ép lên điều hành của Chính phủ. Bởi như những gì ông biết thì Thủ tướng không phải khi nào cũng kết luận theo đa số, và nguyên tắc thủ trưởng cho phép người đứng đầu Chính phủ làm điều đó.
“Chuyên gia thì cũng có nhiều trường phái, lắng nghe ý kiến của đội ngũ này là cần, còn đương nhiên người nghe phải chịu trách nhiệm về quyết định của họ chứ, nên cũng không nên đổ lỗi cho chuyên gia nhiều quá”, một cựu quan chức Quốc hội bình luận.
Nhận xét
Đăng nhận xét