Mục tiêu của Tọa đàm là lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp hoàn thiện đề cương Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chuẩn bị. Đây là chương trình nghiên cứu tổng thể đặc biệt quan trọng đối với vùng ĐBSCL, được triển khai đồng thời với các chương trình nghiên cứu tổng thể vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3) và Tây Bắc. Theo phân công của Chính phủ tại Công văn số 1632/VPCP-KGVX ngày 27/02/2013 của Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan chủ trì và Đại học Quốc gia TPHCM là đơn vị phối hợp thực hiện Chương trình này.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, và PGS.TS. Phan Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ tọa cuộc Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm, về phía các Bộ, Ngành có Ông Hồ Đình Chinh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ; Ông Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng phụ trách Cơ quan đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh; Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Trần Đức Cường, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm; lãnh đạo Ban Quản lý Khoa học và Ban Hợp tác Quốc tế; lãnh đạo Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Về phía Đại học Quốc gia TPHCM có đại diện lãnh đạo, các nhà khoa học từ Ban Khoa học và Công nghệ, các trường đại học và viện nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Tham dự Tọa đàm còn có GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu; GS.TSKH. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, đại diện lãnh đạo, nhà khoa học từ các cơ quan nghiên cứu, trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ tính cấp thiết cần có một chương trình nghiên cứu tổng thể, đặc thù, phục vụ cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. Mục tiêu của chương trình nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL, xem xét từ nhiều góc độ của phát triển bền vững như kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, môi trường..., phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt là thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường như nước biển dâng, đặt trong mối quan hệ liên kết tiểu vùng sông Mekong, đồng thời đưa ra các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc cấp thiết nhất của vùng. GS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định tầm quan trọng của Chương trình đối với phát triển bền vững vùng ĐBSCL; của việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế, trong xử lý các vấn đề môi trường, bảo tồn hệ sinh thái...; của việc thiết kế đồng bộ các nghiên cứu có tầm nhìn phát triển theo nhiều cấp độ: cấp thiết trước mắt, trung hạn (đến năm 2030) và dài hạn (đến năm 2050); của việc xem xét tổng thể về liên kết vùng theo các chiều cạnh: cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp, thể chế và phối hợp chính sách cho phát triển. Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh, đây là chương trình tổng thể quốc gia về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL, là chương trình KH&CN do Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, quản lý nhà nước phối hợp triển khai. Đề cương Chương trình được xây dựng dựa trên sự thống nhất của 2 nhóm soạn thảo của 2 cơ quan chủ trì và phối hợp, nhằm đưa ra được chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và có tính khả thi.
Thay mặt nhóm soạn thảo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu khái quát nội dung đề cương được soạn thảo thống nhất dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu đánh giá, góp ý đối với bản dự thảo đề cương chương trình. Các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đúng tinh thần chỉ đạo của PTT Nguyễn Thiện Nhân, bám sát các yêu cầu, bức xúc của vùng ĐBSCL. Về cơ bản, các ý kiến thống nhất với tính cấp thiết, mục tiêu, các định hướng lớn của chương trình. Nhiều đại biểu đã có những góp ý hết sức cụ thể về bổ sung, hoàn thiện cấu trúc đề cương, các mục tiêu nghiên cứu; điều chỉnh và bổ sung các nội dung nghiên cứu theo các hợp phần; kế thừa, lồng ghép, phối hợp và liên kết với các nghiên cứu từ nguồn kinh phí khác được triển khai trên địa bàn để tránh trùng lặp; phạm vi thời gian; sự tham gia của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức thực hiện, trong đó cần nhấn mạnh chủ thể chịu trách nhiệm triển khai ngay các kết quả nghiên cứu của chương trình; về việc cụ thể hóa hơn các kết quả nghiên cứu.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, PGS.TS. Phan Thanh Bình đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các nhà khoa học đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL. Theo PGS. Phan Thanh Bình, chương trình cần hướng đến cung cấp luận cứ khoa học và công nghệ, triển khai đồng thời trên cả hai hướng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng nhằm phục vụ cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL; cần tổng hợp cơ sở pháp lý trong xây dựng chương trình, cụ thể hóa hơn các nội dung nghiên cứu; xem xét thiết kế chương trình theo giai đoạn sao cho phù hợp kỳ kế hoạch; bộ máy tổ chức, điều hành chương trình cần gọn nhẹ, hiệu quả. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải sớm hoàn thiện đề cương chương trình để trình Chính phủ phê duyệt, trong quan hệ triển khai đồng đều với các chương trình nghiên cứu vùng Tây Nguyên và Tây Bắc, đồng thời cũng chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho nhóm soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu nhằm hoàn thiện đề cương chương trình sớm nhất./. TS. Vũ Hùng Cường (Website Viện Hàn lâm KHXH VN)
Nhận xét
Đăng nhận xét