Người lao động cho rằng công ty sai, ngược lại công ty cũng đòi người lao động bồi thường vì làm nguy hại cho công ty.
Vừa qua, TAND TP.HCM đã đưa vụ cô T. kiện đòi Công ty M. bồi thường vì bị sa thải sai ra xét xử. Trong vụ này, công ty phản tố bảo cô T. có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bêu xấu lãnh đạo... nên cũng phải bồi thường.
Qua xem xét, HĐXX đã tạm dừng phiên tòa, chiều 27-3 tòa sẽ tiếp tục.
Làm lộ bí mật kinh doanh
Tại buổi xử trước, cô T. trình bày cô là nhân viên tư vấn tuyển dụng nhân sự của Công ty M. (kinh doanh ngành nghề cung ứng nguồn nhân lực). Hai bên thỏa thuận đến hết tháng 7-2012 thì hợp đồng lao động sẽ chấm dứt nhưng mới đến tháng 8-2011, công ty đã sa thải cô. Trước sự vi phạm này, cô khởi kiện đòi công ty phải hủy việc sa thải, thanh toán cho cô gần 1,2 tỉ đồng (gồm tiền lương, tiền hoa hồng tuyển dụng thành công ứng viên; bồi thường tổn thất tinh thần, chi phí khám, chữa bệnh…) và công khai xin lỗi cô.
Ngược lại, công ty phản tố cho rằng cô T. lấy danh sách khách hàng, đăng tải chào hàng trên trang web công ty mình (cũng kinh doanh ngành nghề tương tự) nên đã làm lộ bí mật kinh doanh, có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm kỷ luật lao động. Ngoài ra, cô cũng đưa hình ảnh một số lãnh đạo công ty lên mạng và có lời lẽ bêu xấu họ, làm hạ uy tín công ty nên cô phải bồi thường hơn 107 triệu đồng; công khai xin lỗi để lấy lại tên tuổi cho công ty.
Xử sơ thẩm, TAND quận 1 nhận định cô T. đã có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh. Cô lôi kéo khách hàng, quảng cáo cho công ty cô… là cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín công ty. Tuy nhiên, công ty không chứng minh được thiệt hại cụ thể. Do đó tòa tuyên bác toàn bộ yêu cầu của cô T. và của công ty.
Hai bên đã kháng cáo.
Đem về nhà làm thêm
Tại buổi xử phúc thẩm vừa qua, cô T. nói thêm: “Công ty chỉ có thể sa thải khi tôi trộm cắp hoặc có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty. Công ty không chứng minh được lỗi của tôi. Trong biên bản xem xét xử lý vi phạm kỷ luật lao động, công ty chỉ “đã và đang tiến hành xác minh rõ những thiệt hại”. Án sơ thẩm xác định “công ty chưa chứng minh được thiệt hại cụ thể” nhưng lại nhận định “sai phạm của bà T. ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín của công ty là rất mâu thuẫn”.
“Công việc nhiều, tôi gửi danh sách khách hàng vào mail riêng để về nhà làm thêm...” - cô T. giải thích cho cáo buộc mình đánh cắp bí mật kinh doanh qua việc gửi danh sách khách hàng vào mail riêng.
Theo cô T., cô luôn hoàn thành công việc, những tháng trước khi nghỉ, thu nhập của cô có tháng hơn 80 triệu đồng. Công ty chưa bao giờ xử lý cô không hoàn thành nhiệm vụ, chứng tỏ cô đã hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, công ty không cho cô làm việc, nói cô là người xấu, không có đạo đức khiến cô thực sự suy sụp tinh thần.
Phản bác, công ty cho rằng cô T. đã vi phạm an toàn hệ thống mạng, xâm phạm bí mật kinh doanh. Công ty kinh doanh ngành nghề cung ứng nguồn nhân lực nhưng cô T. lại lấy danh sách khách hàng, đăng tải chào hàng trên trang web công ty mình là không thể chấp nhận. Thông tin khách hàng, thông tin tuyển dụng chính là bí mật kinh doanh, sẽ được chuyển hóa thành lợi nhuận cho công ty. Cô T. đã “ăn cây táo rào cây sung”. “Lẽ ra cô phải toàn tâm toàn ý dành thời gian hành chính làm việc cho công ty nhưng cô lại dành cho công ty riêng... Việc vi phạm của cô T. đã rõ ràng, mong tòa bác đơn cô T. và chấp nhận phản tố của công ty...” - đại diện của Công ty M. nói.
Sau khi nghe các bên trình bày, chủ tọa thông báo tạm dừng phiên tòa đến chiều 27-3 sẽ tiếp tục.
Được đòi thiệt hại tinh thần
Trao đổi xung quanh vụ án, ThS Nguyễn Trương Tín (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết công ty hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần khi cô T. vi phạm kỷ luật lao động, gửi hình ảnh lãnh đạo lên một số trang mạng gây bức xúc và làm giảm uy tín công ty trên thương trường. Theo Nghị quyết 03 (ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao), thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin... vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu. Tuy nhiên, công ty phải chứng minh có thiệt hại xảy ra...
Luật sư Trịnh Công Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận thêm một khía khác: Tòa án cấp sơ thẩm nhận định cô T. có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh nhưng không xác định rõ bí mật kinh doanh là gì, lôi kéo ra sao, thiệt hại thế nào… là chưa giải quyết hết gốc rễ vấn đề. Cạnh đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp. Cá nhân cô T. không thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Còn nếu nói doanh nghiệp cô T. có hành vi này thì không thể giải quyết theo pháp luật lao động mà phải giải quyết theo các quy định về kinh doanh thương mại...
Cấp sơ thẩm có thiếu sót
Nhận định ban đầu của tôi là cấp sơ thẩm có một số thiếu sót nhất định. Các bản email giao dịch mà hai bên nộp cho tòa đều bằng tiếng Anh. Hai bên tự thỏa thuận và tự ghi phần dịch thuật vào bản in. Dù được xem là chứng cứ hay chỉ để tham khảo thì các văn bản này đều phải được dịch thuật theo đúng quy định. Tòa án cấp sơ thẩm không nhờ trung tâm dịch thuật dịch sang tiếng Việt bằng văn bản mà để cho các đương sự cam kết là diễn giải đúng ý nghĩa là không đúng. Mặt khác, tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu cô T. đóng tạm ứng án phí phần đòi tiền hoa hồng cũng là thiếu sót...
Thẩm phán ĐỖ GIANG, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm
|
Nhận xét
Đăng nhận xét