ĐỨC THIỆN | 03/04/2013 07:43 (GMT + 7)
TT - Đối phó tình trạng thất thu cước do các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí, MobiFone và Vinaphone đã tăng giá cước dịch vụ 3G thêm 25%. Với quyết định này, các nhà mạng sẽ bỏ túi khoảng 100 tỉ đồng/tháng.
Bắt đầu từ tháng 4-2013, giá cước dịch vụ 3G trọn gói dành cho thuê bao Internet di động của hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone sẽ đồng loạt tăng thêm 10.000 đồng/tháng. Cụ thể, khách hàng sử dụng gói cước Internet không giới hạn MIU của MobiFone và MAX của Vinaphone sẽ phải trả 50.000 đồng/tháng (trước đây chỉ 40.000 đồng).
Trước đây, gói cước tương tự của nhà mạng Viettel là MiMAX là 40.000 đồng nhưng khách hàng lại phải trả thêm phí duy trì 10.000 đồng/tháng. Như vậy, giá cước dịch vụ 3G không giới hạn của cả hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone đã tăng 25% và ngang với Viettel.
Không quản được nên tăng giá?
Nguyên nhân tăng giá dịch vụ 3G được đại diện một nhà mạng tiết lộ là nhằm làm giảm thất thu do các ứng dụng cho phép nhắn tin và gọi điện miễn phí trên các điện thoại di động thông minh (smartphone) gây ra. Theo các nhà mạng, các ứng dụng như Viber, Wala, Zalo, Line, WeChat, WhatsApp... cho phép người dùng nhắn tin, gọi điện cho nhau hoàn toàn miễn phí dựa trên kết nối 3G (gọi chung là dịch vụ OTT - Over The Top). Điều này đã khiến người dùng giảm bớt việc sử dụng các dịch vụ gọi điện, SMS cơ bản của các nhà mạng. Việc bùng nổ các ứng dụng trên tại VN cùng với lượng người dùng smartphone ngày càng tăng đã khiến doanh thu của các nhà mạng di động giảm sút nghiêm trọng.
Theo chia sẻ từ các nhà mạng, VN hiện đang quản lý khá chặt chẽ các hoạt động trong lĩnh vực viễn thông di động. Các đơn vị tham gia đều phải được cấp phép và tuân thủ sự quản lý của cơ quan chức năng. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông di động đều phải đóng góp khá lớn vào ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, các ứng dụng OTT phần nhiều đều của doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động không cần giấy phép tại VN nên cũng không phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Việc các ứng dụng hoạt động miễn phí dựa trên nền dịch vụ 3G của các nhà mạng sẽ làm suy giảm nghiêm trọng nguồn thu của nhà mạng. Qua đó làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước. Theo chia sẻ của MobiFone, các ứng dụng OTT đang làm ba nhà mạng “đại gia” thiệt hại 100 tỉ đồng mỗi tháng.
Các nhà mạng cho rằng Nhà nước - cụ thể là Bộ Thông tin và truyền thông - phải có biện pháp kiểm soát, quản lý các ứng dụng trên. Tuy nhiên, trong khi chờ giải pháp từ cơ quan nhà nước, các mạng di động đã chủ động giảm thất thu bằng cách tăng cước dịch vụ kết nối 3G không giới hạn. Sở dĩ họ điều chỉnh gói cước 3G mà không thay đổi nhiều ở các dịch vụ 3G khác là vì đa số thuê bao 3G di động đều đăng ký sử dụng gói cước không giới hạn. Việc tăng giá cước 3G được xem như hành động “trả đũa” của các nhà mạng đối với hoạt động “chùa” của các ứng dụng OTT.
Gói cước 3G không giới hạn của các nhà mạng trước và sau khi tăng giá
Gói cước 3G không giới hạn của các nhà mạng trước và sau khi tăng giá
| |||
MIU (MobiFone)
|
MAX (Vinaphone)
|
MiMAX (Viettel)
| |
Trước
|
- 40.000 đồng/tháng
- Lưu lượng tốc độ cao: 500MB
|
- 40.000 đồng/tháng
- Lưu lượng tốc độ cao: 500MB
|
- 40.000 đồng/tháng + cước duy trì dịch vụ 10.000 đồng/tháng
- Lưu lượng tốc độ cao: 500MB
|
Sau
|
- 50.000 đồng/tháng
- Lưu lượng tốc độ cao: 600MB
|
- 50.000 đồng/tháng
- Lưu lượng tốc độ cao: 600MB
|
Tăng 10.000 đồng, thu về hơn 100 tỉ
Số liệu từ Bộ Thông tin và truyền thông đầu năm 2012 cho thấy cả nước có hơn 16 triệu thuê bao 3G, trong đó ba nhà mạng Viettel, MobiFone và Vinaphone chiếm đến hơn 99%. Đến cuối năm 2012, Công ty nghiên cứu thị trường IDC công bố VN đã có 20 triệu thuê bao 3G.
Trong khi đó, các nhà mạng đều cho biết gói cước 3G không giới hạn được sử dụng nhiều nhất trong các dịch vụ 3G. Như vậy chỉ cần 50% trong tổng số thuê bao 3G tại VN sử dụng các dịch vụ 3G không giới hạn, việc tăng cước 25% sẽ đem về doanh thu 100 tỉ đồng mỗi tháng cho ba nhà mạng trên.
Con số thực tế chắc chắn sẽ còn cao hơn rất nhiều. Khi đó, các nhà mạng coi như không còn thất thu nữa mặc dù các ứng dụng OTT vẫn tiếp tục hoạt động “chùa”. Các nhà mạng cũng không cần chờ đến biện pháp kiểm soát của cơ quan nhà nước bởi đã có người dùng “bù lỗ” cho mình.
Thông tin về việc tăng 25% giá dịch vụ 3G của các nhà mạng khiến nhiều người dùng bức xúc. Anh Hoài Vũ (quận Tân Phú, TP.HCM) phản ảnh: “Lúc đầu nghe tăng giá 10.000 đồng có vẻ bình thường nhưng ngẫm lại họ tăng đến 25% thì không bình thường chút nào. Với hàng triệu thuê bao 3G, việc tăng giá sẽ mang lại doanh thu khủng cho các nhà mạng. Thời buổi cạnh tranh đáng lẽ họ phải giảm giá chứ sao lại tăng giá. Hơn nữa họ tăng giá thêm 25% nhưng phần dung lượng xài ở tốc độ cao lại chỉ tăng 20% (từ 500MB lên 600MB) như vậy là không tương ứng”.
Tương tự, khách hàng H.T. (quận 1, TP.HCM) cho rằng: “Nhà mạng không thể lấy nguyên nhân dịch vụ OTT gây thất thu để bắt người tiêu dùng phải gánh chịu. Đó là điều hết sức vô lý. Chưa kể thời gian gần đây, chất lượng dịch vụ 3G không tốt, tốc độ truy cập chậm, kết nối chập chờn, nhiều khi không vào Internet được”...
ĐỨC THIỆN
Bất hợp lý
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, việc tăng giá cước dịch vụ 3G không giới hạn của các nhà mạng di động cũng tương tự như tăng giá xăng, đều rất bất hợp lý. “Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi bên cung cấp dịch vụ đưa vào hợp đồng những điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phải giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Hợp đồng ở đây chính là thỏa thuận khi người dùng chấp nhận sử dụng gói cước 3G không giới hạn với giá 40.000 đồng/tháng. Các nhà mạng phải tham khảo ý kiến của người tiêu dùng về việc tăng giá cước trước khi quyết định có tăng giá hay không. Việc các nhà mạng tăng cước 3G ở đây hoàn toàn độc quyền bởi người tiêu dùng nếu không muốn sử dụng dịch vụ của họ nữa thì cũng không còn lựa chọn nào khác” - luật sư Hậu nói.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét