Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu và tăng thu nhập, nông dân nên chuyển sang trồng giống lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, khi lúa chất lượng cao đã chín đầy đồng thì giá thu mua chỉ nhỉnh hơn lúa IR50404 từ 200 - 300 đồng/kg.
Lúa chất đống trên đồng
Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân trồng từ 10 - 20% diện tích lúa chất lượng thấp, từ 60 - 70% lúa chất lượng cao (CLC), 15% lúa đặc sản… Chính vì thế, trong vụ đông xuân 2012 - 2013, nông dân đã trồng theo sự khuyến cáo này và kết quả là lúa đầy đồng nhưng giá lại thấp. Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Toàn tỉnh còn tồn khoảng 600.000 tấn lúa CLC. Giá mua lúa Jasmine tại ruộng chỉ khoảng 4.600 đồng/kg. Hiện nông dân đang đổ lỗi cho ngành nông nghiệp”. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ, trong vụ đông xuân vừa qua, Cần Thơ đã xuống giống 88.000 ha, đạt năng suất trên 7 tấn/ha, trong đó có đến 80% diện tích trồng lúa CLC. “Vào cuối tháng 2.2012, Cần Thơ có khoảng 300.000 tấn lúa CLC, nhưng đến thời điểm cùng kỳ năm nay, con số đó đã tăng lên gấp đôi, vào khoảng 600.000 tấn”. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cũng phản ánh: “Giá lúa CLC (lúa khô) tại tỉnh cũng chỉ dao động từ 6.100 - 6.200 đồng/kg, giảm từ 700 - 900 đồng/kg so với cùng kỳ. Trong khi ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân trồng nhưng doanh nghiệp (DN) lại không thu mua”.
Thu hoạch lúa Jasmine tại Kiên Giang - Ảnh: T.N |
Tỉnh Kiên Giang có đến 70% diện tích lúa đông xuân được người dân trồng các loại lúa CLC như: Jasmine, lúa hạt dài… Người dân cho biết trồng các loại lúa này chi phí cao hơn nhiều so với lúa thường. Ngoài ra, tỷ lệ rủi ro về sâu bệnh, dịch hại cũng nhiều hơn. Ông Phan Văn Hiền (ngụ ấp Kênh 9, xã Thạnh Đông, H.Tân Hiệp, Kiên Giang) ngậm ngùi: “Nông dân trong ấp đã thu hoạch diện tích trồng lúa Jasmine. Hiện lúa đang chất thành đống vì không bán được. Hàng xáo có đến cũng chỉ hỏi mua lúa IR50404. Cả tuần nay, thương lái đến gạ hỏi mua lúa Jasmine với giá 4.600 đồng/kg. Tôi túng quá nên phải bán vì còn trang trải cho cuộc sống gia đình”. Cùng cảnh ngộ đó, tại H.Phụng Hiệp (Hậu Giang), nông dân đã bán hết lúa Jasmine với giá khoảng 4.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT H.Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết: “Toàn huyện đã thu hoạch 2.500 ha lúa CLC nhưng bán với giá khá thấp. Nông dân không có kho trữ chờ giá lên nên đã bán vội để trả tiền ngân hàng, vật tư…”.
Thiếu quy hoạch
Theo ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên nhân lúa CLC có giá bán thấp là do các địa phương gieo sạ sớm và thu hoạch đồng loạt nên lượng cung ra thị trường lớn, dẫn đến khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Quang Bình, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu và hợp tác kinh tế quốc tế tỉnh Kiên Giang dẫn giải: “Vừa qua, Nhà nước giao chỉ tiêu cho DN mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhưng không nói rõ là phải thu mua loại gạo nào. Hiện chỉ có 2/7 công ty được giao chỉ tiêu thu mua lúa Jasmine, nhưng không biết họ mua trong bao lâu và với số lượng bao nhiêu”.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng vụ Kinh tế - xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ), cho rằng công tác quy hoạch và dự báo trong sản xuất lúa hiện nay còn nhiều bất cập. Nhà nước không quy định rõ là mua bao nhiêu gạo CLC, bao nhiêu gạo chất lượng thấp. Cho nên DN sẽ mua lúa chất lượng thấp vì chi phí ít và mau đủ số lượng như phân bổ hơn so với mua lúa CLC.
Theo tiến sĩ (TS) Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, năm 2012, Việt Nam xuất khẩu được 7,7 triệu tấn gạo, mức cao nhất từ trước đến nay nhưng bị các nhà kinh tế phê phán vì chất lượng gạo không cao, lại xuất thô và không có thương hiệu. Đáng lẽ DN phải có thị trường trước, từ đó cân đối 1 năm kế hoạch xuất bao nhiêu; trong đó phân ra bao nhiêu gạo đặc sản, gạo CLC, gạo trung bình rồi sẽ tiến hành thu mua trong dân. Nhưng hiện nay, ngành lúa gạo Việt Nam đi ngược lại, nông dân cứ trồng, khi có nhu cầu, thị trường thì DN mới mua. Song song đó, việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ trong vụ đông xuân là chủ trương đúng nhưng chưa phát huy hiệu quả. “Có nhiều điều bất hợp lý trong cách thu mua tạm trữ hiện nay như: thời gian, chỉ tiêu phân bổ cho từng địa phương chưa phù hợp, không định giá sàn, dân bán lúa còn Nhà nước tạm trữ gạo, xuất hiện lợi ích nhóm. Trong khi đó, để thực hiện kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, Nhà nước phải tốn 300 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất, cấp vốn… cho DN thực hiện”, TS Bảnh phân tích.
Thanh Nhàn
Nhận xét
Đăng nhận xét