Thứ Sáu, 29/03/2013 15:11 (GMT+7)
1. Trong tiếng Việt mình, hai từ “mục tiêu” và “mục đích” thường hay bị sử dụng lẫn lộn. Trong tiếng Anh, sự phân biệt giữa hai ý nghĩa này rất rõ ràng: mục đích là “purpose”, mục tiêu là “goal”.
Trước tiên cần phải chiết tự ra để dễ hiểu, “mục” nghĩa là thấy, “tiêu” là một điểm, “đích” là một nơi chốn.
Như vậy, mục tiêu nghĩa là một điểm có thể thấy, trong khi mục đích là một nơi có thể thấy. Bạn thấy sự khác nhau này rồi nhé. Ấy thế mà hai từ này vẫn cứ bị sử dụng loạn cào cào, cùng chuyển tải một ý nghĩa mà ba hồi mục tiêu, bốn hồi mục đích. Chưa kể, đôi khi người ta lại còn viết sai chính tả, mục đích viết thành… mụt đít, ý nghĩa hoàn toàn khác. Thật tai hại!
Trong doanh nghiệp, các mục tiêu (goals) là những vấn đề mà cả doanh nghiệp phải đạt đến, nhằm thực hiện trọn vẹn mục đích (purpose hay target). Các mục tiêu đó nói chung là việc hoàn tất các yêu cầu về quản lý tài chính, các chính sách nhân sự, các biện pháp quản lý sản xuất v.v... nhằm đưa cả doanh nghiệp đạt được một mục đích lợi nhuận cụ thể theo kế hoạch.
Trong doanh nghiệp, các mục tiêu (goals) là những vấn đề mà cả doanh nghiệp phải đạt đến |
2. Tương tự là cụm từ “tâm và tầm”. Gần đây, cụm từ này xuất hiện khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Người ta hay nói “doanh nghiệp phải phát triển theo hướng có tâm và có tầm”, đôi khi có người nói ngược lại “phát triển theo hướng có tầm và có tâm”. Cách nói nào đúng?
Theo bạn thì tâm có trước hay tầm có trước? Đối với doanh nghiệp, ở đây, “tâm” ngụ ý rằng doanh nghiệp ấy hoạt động phải dựa trên mục đích mang lại lợi ích cho tất cả: người lao động, xã hội và chính doanh nghiệp. Ý nghĩa của chữ “tâm” ở đây rất rộng, bao hàm cả đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Còn “tầm”, chỉ có nghĩa là tầm cỡ, quy mô, mức độ chuyên môn.
Giờ thì bạn hoàn toàn có thể tự suy luận ra: nếu không có “tâm”, đố cha nào có được cái “tầm”, phải không? Vậy mà nhiều người cứ thích phát biểu cái tầm có trước cái tâm.
3. Và những cái tên. Ở gần cầu Bình Lợi có một công ty từ trước 1975 tên là Sakymen, mới đọc tưởng là công ty của người Nhật, nhưng thật ra là viết tắt của “Sài Gòn kỹ nghệ mền”! Tên của Công ty Vissan thực chất là viết tắt của “Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản”, Vikyno là “Việt Nam Kỹ Nghệ Nông Cơ”.
Trong khi một số công ty có khuynh hướng viết tắt tên của mình cho có vẻ Tây, thì một cái tên khác thật đầy đủ nhưng lại tạo nên sự liên tưởng rất phản cảm: Công ty Thuốc Sát Trùng Miền Nam. Làm như là cả miền Nam đầy nhóc vi trùng nên phải sát trùng cả miền luôn vậy!
Gần đây nhất là sự cố tên của hãng hàng không tư nhân Air speed-up. “Air speed-up” nghĩa là “hàng không tăng tốc”, nhưng khi thể hiện trên văn bản giao dịch không bỏ dấu thì cái tên ấy trở thành “hang khong tang toc”, có thể diễn giải thành “hàng không tang tóc”. Đúng là pó tay!
Thảo nào dân Tây học chữ Việt cứ la làng “kho qua, kho qua…”. Mà bạn biết “kho qua” nghĩa là gì không? Có thể là “khó quá”, có thể là “khó qua”, có thể là "khổ quá", mà cũng có thể là… “khổ qua”!
Tiếng Việt đúng là… “kho qua”!
Nhận xét
Đăng nhận xét