Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Chính quyền địa phương dưới góc nhìn hệ thống hành chính nhà nước (22/03/2013)
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 cho phù hợp với Cương lĩnh phát triển đất nước 2011 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 và phù hợp với những yêu cầu thực tiễn luôn thay đổi là một công việc hệ trọng, đòi hỏi phải có tri thức cần thiết của quản trị mới quá trình thay đổi phức tạp, khó lường. Nhất là tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp và được hiến định rõ trong Hiến pháp (HP) sửa đổi lần này.
|
Thực trạng các quy định của Hiến pháp 1992 về chính quyền địa phương
So với HP 1980 thì HP1992 đã quy định vị trí của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân... Chức năng, nhiệm vụ của HĐND được khái quát (điều 120) là phù hợp với kỹ thuật của lập pháp. Thẩm quyền của đại biểu HĐND được đề cao, nhất là quyền chất vấn và quyền kiến nghị các cơ quan nhà nước ở địa phương (điều 122). Trong đó, thẩm quyền và trách nhiệm của UBND và chủ tịch UBND cùng chế độ làm việc tập thể được xác lập rõ.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành HP 1992 có thể nhận thấy 4 vấn đề bất cập sau đây: Thứ nhất, mô hình tổ chức chính quyền địa phương quy định trong HP không phù hợp với bối cảnh mới của thời kỳ chuyển đỏi, quá độ lên CNXH; không phân biệt chính quyên đô thị với chính quyền nông thôn.Việc phân chia các đơn vị hành chính lãnh thổ còn hình thức, tổ chức nhiều cấp chính quyền là không phù hợp với yêu cầu CCHC theo hướng giảm cấp và giảm đầu mối, tăng giao dịch trực tiếp của người dân với cấp chính quyền có trách nhiệm giải quyết công việc trong điều kiện hiện đại hoá nền hành chính, giải quyết trực tuyến công việc của dân ,doanh nghiệp của chính quyền qua mạng điện tử. Thứ hai, quy định HĐND là cơ quan quyền lưc nhà nước ở địa phương là chưa đúng với bản chất tổ chức quyền lực thống nhất trong một nhà nước đơn nhất của Việt Nam, vô hình chung đã hình thành hệ thống lập pháp ở cả địa phương, dễ tạo ra cát cứ, phân tán quyền lực thống nhất ở trung ương, trong khi nhà nước ta là nhà nước đơn nhất, thống nhất. Thứ ba, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là tập trung dân chủ là chưa phù hợp với thể chế nhà nước dân chủ - pháp quyền, một nguyên tắc tổ chức cửa đảng cộng sản. Áp dụng chế độ làm việc tập thể tràn lan, chưa đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu hành chính địa phương các cấp trong chấp hành hiến pháp và pháp luật , trong điều hành hành chính thống nhất, thông suốt từ trung ương tới cơ sở. Cuối cùng, HP 1992 chưa xác lập cơ chế phân cấp, phân quyền trong qua hệ trung ương- địa phương trong khi HP 1946 lại đã quy định khá rõ chế định này, do đó tính tự quản, tự chủ , tự chịu trách nhiệm của HĐND, của chính quyền địa phương chưa được xác lập để tăng tính chủ động, năng đông và trách nhiệm của chính quyền địa phương trước nhân dân địa phương mình và cơ quan nhà nước cấp trên.
Đã đến lúc cần tổ chức lại chính quyền địa phương
Yêu cầu quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả trong quản trị nền kinh tế thị trường đòi hỏi chúng ta phải tổ chức tinh gọn, ít tầng nấc, đầu mối; bộ máy chính quyền được điện tử hoá (E GOV) có khả năng quản lý có hiệu quả các quá trình thay đổi do biến động khó lường của thị trường và quốc tế. Chính quyền địa phương để có thể chủ động, năng động thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển KT-XH ở địa phương cần được Chính phủ phân cấp, phân quyền hợp lý, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm với sự kiểm soát của trung ương và tính minh bạch, giải trình cao. Do đó, cần quy định rõ việc nhà nước trực tiếp thống nhất nắm giữ và những việc cần trao quyền đầy đủ cho chính quyền địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cần xác định lại vị trí của chính quyền địa phương đúng với bản chất chấp hành hiến pháp và pháp luật thuộc tổ chức hành pháp - hành chính nhà nước trong hệ thống quyền lực nhà nước thống nhất. Ngoài ra, mô hình tổ chức chính quyền địa phương cần được phân biệt rõ giữa chính quyền đô thị với nông thôn cho phù hợp.
Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung
- Sửa lại tên chương cho đúng với bản chất tổ chức chính quyền địa phương: thay chương HĐND và UBND thành chương Chính quyền địa phương.
Về quy định các đơn vị hành chính Việt Nam nên ghi rõ: Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp có tổ chức HĐND và UBHC, do đó Điều 115 (sửa đổi, bổ sung ) nên viết:
1. Các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh;
Thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, và thị xã;
Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường.
2. Chính quyền địa phương có HĐND và UBHC được tổ chức thành hai cấp cơ bản ở :
Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Thành phố, thị xã, thị trấn, xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là chính quyền cơ sở.
3. Các đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt trực thuộc trung ương.
4. Việc tổ chức các cấp chính quyền ở địa bàn nông thôn và đô thị , các cấp hành chính và hành chính- kinh tế đặc biệt sẽ do một đạo luật quy định.
Điều 116 ( sửa đổi, bổ sung )
1. HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên....
2. UBHC là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, là cơ quan chấp hành của HĐND.
Điều 117 (mới bổ sung)
Chính quyền địa phương được tổ chức và hoạt động phù hợp với yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính tự chủ, tự quản, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên, quyết định những vấn đề riêng có của địa phương sau khi được phân cấp, phân quyền trong một đạo luật.
Các điều 117, 118, 119 của dự thảo sẽ là điều 118, 119, 110 và giữ như Dự thảo.
Thay UBND bằng UBHC cho phù hợp với chức danh Chủ tịch UBHC đối với các chính quyền cấp tỉnh, hoặc Thị trưởng đối với chính quyền đô thị các cấp. Đồng thời quy định Chủ tịch hoặc Thị trưởng do HĐND tỉnh, thành phố bầu và đề nghị Thủ tướng phê chuẩn (quyết định bổ nhiệm), quy định này đề cao vai trò người đứng đầu hành chính địa phương, nâng cao hiệu lực quản lý ,điều hành hành chính đảm bảo tính thống nhất ,thông suốt của nền hành chính.
Nên bổ sung Điều 119 quy định không chỉ Chủ tịch Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tham dự các cuộc họp của HĐND mà các tổ chức xã hội ở địa phương và nhân dân được tham dự, còn không dự các cuộc họp UBHC,vấn đề nay sẽ quy định trong quy chế phối hợp.
TS. Thang Văn Phúc
(Viện trưởng Viện những vấn đề phát triển (VIDS),
nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ)
|
Nhận xét
Đăng nhận xét