Mạnh tay với hôn nhân đồng tính với người nước ngoài
Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Chính vì vậy, cách đây vài ngày, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HNGĐ về quan hệ HNGĐ có yếu tố nước ngoài, trong đó quy định việc đăng ký kết hôn sẽ bị từ chối nếu các bên kết hôn cùng giới tính (nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ).
Việc cấm kết hôn đồng tính với người nước ngoài sẽ khiến người Việt sang quốc gia khác để kết hôn. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Luật sư Phạm Văn Phúc, Giám đốc văn phòng luật Phúc & Đồng sự cho biết Nghị định nêu rõ, việc đăng ký kết hôn sẽ bị từ chối nếu thuộc trong các trường hợp: Một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam; Bên kết hôn là công dân nước ngoài không đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú đối với người không quốc tịch; Việc kết hôn không do nam, nữ tự nguyện quyết định; Có sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn; Một hoặc cả hai bên kết hôn là người đang có vợ, đang có chồng; Một hoặc cả hai bên kết hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; Các bên kết hôn là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời.
Luật sư Phạm Văn Phúc cho biết thêm, các bên kết hôn đang hoặc đã từng là cha, mẹ nuôi và con nuôi, bố chồng và con dâu, mẹ vợ và con rể, bố dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng; Các bên kết hôn cùng giới tính (nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ).
Đặc biệt, việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác.
Một số chuyên gia nghiên cứu các văn bản pháp luật cho biết theo Nghị định, UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài; trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn.
Trường hợp người nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của một trong hai bên, thực hiện đăng ký kết hôn; nếu cả hai bên không đăng ký thường trú tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên, thực hiện đăng ký kết hôn.
Theo thạc sỹ Nguyễn Thành Nam, chuyên gia nghiên cứu các văn bản pháp luật tại TP.HCM, cơ quan đại diện thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nếu việc đăng ký đó không trái với pháp luật của nước sở tại; trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài kết hôn với nhau thì cơ quan đại diện thực hiện đăng ký việc kết hôn, nếu có yêu cầu.
Hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại sở Tư pháp (nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam) hoặc cơ quan đại diện (nếu đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện). Nghị định nêu rõ thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam không quá 25 ngày, kể từ ngày sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.
Một đám cưới đồng tính được tổ chức tại Việt Nam gây xôn xao dư luận
"Người Việt Nam kết hôn đồng tính với người nước ngoài là thực tế đã diễn ra"
Nhiều chuyên gia nguyên cứu xã hội học tại Việt Nam cho biết xã hội ngày một phát triển, ngày một hội nhập với thế giới. Giao lưu người trong nước với người nước ngoài ngày một gia tăng một cách tự nhiên và điều tất yếu cũng sẽ tự nhiên nảy sinh nhiều mối quan hệ tình cảm đặc biệt.
Trong đó, quan hệ tình cảm, yêu đương nam nữ là một hệ quả tất yếu, là chuyện thường ngày và được xã hội thừa nhận trong thế giới ngày nay. Nhưng một mặt khác không thể không nảy sinh và không thể không tính tới là việc quan hệ tình cảm, yêu đương của người trong nước với người nước ngoài mà đặc biệt là quan hệ tình cảm, yêu đương giữa nam với nam, giữa nữ với nữ và có thể dẫn tới kết hôn khép kín.
Thạc sỹ Nguyễn Thành Nam, chuyên gia nghiên cứu các văn bản pháp luật tại TP.HCM cho biết quan hệ HNGĐ có yếu tố người nước ngoài bắt đầu phát sinh và phát triển ở Việt Nam vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ 20 như hệ quả tất yếu của sự phát triển, hội nhập sâu rộng của nước ta. Trước đó, hiện tượng này chỉ mang tính chất cá biệt. Trong thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp điều chỉnh các quan hệ này.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình kết hôn có yếu tố là người nước ngoài diễn ra khá phức tạp. So với hiện nay thì giới đồng tính ở trong nước có kết hôn với người cùng giới là chưa có, nhưng việc kết hôn đơn thuần giữa người Việt Nam với người nước ngoài thì đang ngày một biến tướng. Quá trình đi tới hôn nhân đó thường rất nhanh chóng, vội vàng, đơn giản, hầu hết là được môi giới sắp xếp… và kết hôn chỉ vì mục đích chính là kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam
Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng viện ISEE, con người sống "cởi" hơn xưa là do cuộc sống ngày một phát triển, xã hội tuân theo quỹ đạo của sự tôn trọng lẫn nhau, tự do, bình đẳng được khẳng định trong sự tiến bộ xã hội. Cho nên, người đồng tính có quyền lên tiếng để tiến tới hôn nhân.
"Tôi cho rằng tình yêu đồng tính hai người thanh niên mới tổ chức đám cưới tại Kiên Giang đã dám làm điều mà hầu hết số đông người giống mình không dám làm. Họ thực sự là những người dũng cảm! Nếu hai thanh niên kia không dám đối diện với sự thật và cố gắng tìm hiểu, yêu rồi cưới hai cô gái, chắc chắn họ sẽ không hạnh phúc, bản thân hai cô gái cũng không hạnh phúc. Do vậy, việc cấm hôn với người nước ngoài là điều cần phải được bàn tính lại", ông Lê Quang Bình bày tỏ.
Nghệ sĩ hài X. (xin được giấu tên, ngụ TP.HCM) bày tỏ: "Ngay trong khoảng 5 năm trở về trước ở Việt Nam, vấn đề đồng tính luyến ái vẫn được cho là một "tệ nạn xã hội" cùng với các tệ nạn khác như: Mại dâm, ma túy… Đặc biệt, chỉ bàn luận về vấn đề đồng tính thôi cũng được xem là điều cấm kỵ. Vì thế, những người thuộc giới tính thứ ba chỉ có thể chia sẻ chuyện tình cảm của mình với bạn bè trong cộng đồng, không dám hoạt động công khai mà chỉ gặp nhau ở một vài địa điểm kín.
Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, cách nhìn của cộng đồng đã dần dần thay đổi. Các phương tiện truyền thông đề cập nhiều hơn về người đồng tính. Đoạn video đám cưới đồng tính đầu tiên tại Việt Nam được công khai trên mạng vào năm 2010 đã lan nhanh một cách chóng mặt và thu hút sự chú ý của cộng đồng. Về chủ đề này đã có nhiều bài viết, chương trình được đăng tải trên báo chí, phát sóng truyền hình và đặc biệt được những người đồng tính đưa trên các trang mạng, trang cá nhân để công khai giới tính và mối quan hệ của họ.
Thậm chí có một chương trình truyền hình trực tiếp về đề tài này đã giành được giải thưởng cao trong một cuộc thi. Tôi cho rằng, thực tế xã hội đang thay đổi, vì vậy việc người Việt Nam kết hôn đồng tính với người nước ngoài là thực tế đã diễn ra. Việc cấm của cơ quan chức năng chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng, người đồng tính Việt sẽ đến quốc gia công nhận hôn đồng tính để kết hôn với người nước ngoài”.
11 quốc gia hợp thức hóa hôn nhân đồng tính
Theo thống kê của AP, hiện nay trên thế giới đã có 11 quốc gia đã hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, kể từ khi Hà Lan là nước đầu tiên công nhận vào năm 2001. Ở Mỹ chỉ có một vài tiểu bang cho phép. Tại các nước lân cận Việt Nam như Thái Lan, mặc dù hiện nay người đồng tính, song tính và chuyển giới hoạt động khá sôi nổi nhưng nó tồn tại chủ yếu như một ngành công nghiệp giải trí và vẫn bị kỳ thị. Còn ở Indonesia, một nước Hồi giáo thì luật pháp nghiêm khắc cấm vấn đề đồng tính luyến ái. Ở Malaysia, người vi phạm còn có thể bị phạt tù đến 20 năm và bị quản thúc. Tuy vậy, vẫn nhiều nhóm người vẫn tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi cho người đồng tính.
Pháp luật thừa nhận thì xã hội sẽ thừa nhận
"So với ngày xưa, việc một người mang tính cách của giới tính đối lập và ngay cả việc sinh hoạt hàng ngày cũng mang tính đối lập thì phần đa cho họ là người lập dị, là biến thái… Không được xã hội thừa nhận và nhất là việc tẩy chay trong quan hệ tình cảm đồng tính là rất lớn. Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, người đồng tính không được xã hội thừa nhận là một con người. Họ bị phân biệt đối xử, bị coi như là những kẻ bệnh hoạn có lối sống không lành mạnh.
Trước đây, nhiều gia đình có con là người đồng tính phải hứng chịu búa rìu của dư luận, phải sống dằn vặt dày vò, không dám ra ngoài rất khổ sở. Gia đình nào có con cái như thế thì bị coi như là đồ bỏ đi, thậm chí có người phải tự tử. Quan niệm đó không còn phù hợp với xã hội ngày càng phát triển của ta cũng như của thế giới.
Tất nhiên trong quan hệ đồng giới, tình yêu đồng tính vẫn có những trường hợp không lành mạnh, nhưng đồng tính không phải là lỗi của họ mà là tự nhiên. Càng ngày người ta càng cho rằng, con người không chỉ có hai giới mà còn ba giới. Vấn đề mấu chốt hiện nay là Việt Nam không cho phép kết hôn đồng giới. Cho nên, nếu luật pháp thừa nhận thì xã hội cũng sẽ thừa nhận". (Giáo sư, tiến sĩ văn hóa Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng viện Văn hóa cho biết).
Định nghĩa hôn nhân trong luật sẽ thay đổi
Tuy nhiên, quá trình đi tới hôn nhân và giải quyết tranh chấp sau hôn nhân lại là một vấn đề rất nan giải. Vì, ở Việt Nam chưa có những điều khoản nào cho trường hợp đồng tính. Đó là trường hợp đồng tính các nguyên lão ngày xưa không thể nghĩ rằng vấn đề đồng tính lại được chấp nhận, được mở rộng và phát triển như hiện nay. Bình luận về sự kiện này, tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng nếu hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa thì định nghĩa về hôn nhân trong luật Việt Nam hiện nay sẽ phải thay đổi. Mà sự thay đổi đột ngột này có thể gây ra một "cú sốc" với nhiều người, thậm chí gây ngạc nhiên cho những nhà hoạt động thâm niên về quyền lợi người đồng tính. Do vậy, việc cấm của cơ quan quản lý Nhà nước có lý do của nó.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét