Lượng nhiều, chất chưa tương xứng
Báo Tin tức - TTXVN
Mặc dù có vị thế quan trọng và có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng đến nay các tỉnh ĐBSCL vẫn đang loay hoay với bài toán tăng trưởng.
Bỏ rơi thế mạnh
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, thời gian qua đơn vị này đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Kết quả, hơn 10 năm qua, toàn vùng đã thành lập mới 11 khu công nghiệp, thu hút 225 dự án, trong đó gần 70% thuộc các doanh nghiệp trong nước. Riêng công tác xúc tiến thương mại, du lịch…, được tổ chức thường xuyên, định kỳ, góp phần giúp doanh nghiệp quảng bá được sản phẩm, tìm kiếm thị trường… Tuy nhiên, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư của khu vực vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu định hướng, chiến lược chung nên chưa phát huy tối đa lợi thế của toàn khu vực.
Cuộc sống của người dân ĐBSCL vẫn còn lắm gian nan.
|
Cụ thể, với thế mạnh của vùng về nông nghiệp lúa nước, trái cây, thủy sản…, có thể phát triển thành sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, trở thành thương hiệu, lợi thế cạnh tranh so với những vùng khác trong nước hoặc khu vực. Nhưng thực tế, theo ngành du lịch, các sản phẩm du lịch của ĐBSCL vẫn là chuỗi hoạt động rời rạc, đơn lẻ và thiếu vắng dịch vụ bổ sung nên chưa đáp ứng được nhu cầu, sở thích của du khách. “Với đặc trưng sông nước nhưng đến nay du lịch đường sông, du thuyền trên sông vẫn chưa hình thành sản phẩm rõ nét. Ngoài ra, hệ thống cầu cảng, bến đậu, hệ thống phương tiện và dịch vụ đi kèm để trở thành loại hình du lịch riêng biệt của vùng cũng chưa tương xứng”, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.
Mặt khác, với thế mạnh về nông nghiệp nhưng cuộc sống của người trồng lúa và nuôi trồng thủy sản…, còn bấp bênh, lời giải cho bài toán sản xuất nông nghiệp bền vững, đầu ra ổn định, đời sống nông dân đảm bảo vẫn còn nhiều thách thức. Hiện lợi nhuận người trồng lúa bình quân chỉ đạt khoảng hơn 316.000 đồng/người/tháng, trong khi ngưỡng nghèo theo quy định đã có thu nhập 400.000 đồng/người/tháng. Người nuôi trồng thủy sản luôn phải gánh chịu nhiều rủi ro do các nguyên nhân từ “trên trời” như: biến động về giá, chậm hoặc không thanh toán tiền từ phía người mua, dịch bệnh, chất lượng nước không tốt… Các tỉnh ĐBSCL đặc biệt có thế mạnh về sản xuất rau quả nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát triển được vùng chuyên canh; chưa xây dựng được thương hiệu mạnh trên trường quốc tế nên hoạt động sản xuất và tiêu thụ rau quả cũng gặp nhiều khó khăn.
Năng lực nội tại yếu
Năm 2012, các tỉnh ĐBSCL có gần 43.000 doanh nghiệp, trong đó hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tỉ lệ tăng doanh nghiệp trung bình hàng năm của vùng là 9,5%/năm, chưa bằng một nửa tỉ lệ tăng trung bình của cả nước (21%). Cũng theo kết quả khảo sát trên, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp phá sản, giải thể ở khu vực này chiếm con số cao nhất: gần 14%, tiếp đến khu vực Tây Nguyên 10%... Các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, nhưng xương sống của nền kinh tế vùng đang rất yếu khi tỉ lệ doanh nghiệp tính trên số dân là 14 doanh nghiệp/10.000 dân, trong khi mức trung bình cả nước là 33 doanh nghiệp/10.000 dân. Điều này đặt ra câu hỏi bức xúc, vì sao so với một vùng kinh tế đầy tiềm năng, tốc độ phát triển của doanh nghiệp lại chậm chạp và yếu ớt đến như vậy.
Theo ông Khương, dù cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế do trình độ dân trí của người dân vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước”. ĐBSCL tuy phát triển nhưng thực tế chỉ dừng lại ở việc chú trọng đến khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên mà chưa chú trọng đến phát triển theo chiều sâu mang tính căn cơ, lâu dài. Vì thế, muốn thu hút được đầu tư, ĐBSCL cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện môi trường kinh doanh. Vị trí địa lý thuận lợi không còn đóng vai trò quyết định mà cần tận dụng tối đa sự liên kết cũng như mạng lưới cung ứng sẵn có và đặc biệt cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”, ông Khương nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Bài cuối: Liên kết vùng để nâng cao năng lực cạnh tranh
“Với sự chỉ đạo trực tiếp của bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi cũng đang kiến nghị các cơ chế, chính sách điều hành liên kết… giúp vùng phát triển bền vững”, ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư-Thương mại-Du lịch ĐBSCL được tổ chức mới đây tại tỉnh Tiền Giang, ông Sương cho biết: “Mục tiêu phát triển ĐBSCL trong thời gian tới là tiếp tục xây dựng nơi đây trở thành vùng kinh tế, sản xuất lương thực, thủy sản trọng điểm của cả nước. Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tại chỗ, vùng cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để cải thiện môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Với sự vào cuộc của các bộ, ngành…, khu vực ĐBSCL đang trên đường phát triển khẳng định vị thế của mình.
|
Ngay từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xây dựng khu vực ĐBSCL thành vùng kinh tế trọng điểm về sản xuất lúa gạo, thủy sản của cả khu vực sông Mê Công. Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì phối hợp các ngành chức năng và những tỉnh, thành trong khu vực đề xuất cơ chế đặc thù phát triển 3 sản phẩm chủ lực của vùng bao gồm: lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái. Theo đó, chủ trương của Nhà nước là không trực tiếp bao tiêu sản phẩm mà thực hiện theo cơ chế thị trường, dựa trên các chính sách khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với nhà nông. Ưu tiên mời gọi xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như thu hút đầu tư có chọn lọc những dự án khai thác các lĩnh vực thế mạnh của vùng như: chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành đang hoàn tất quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao và sẽ nhanh chóng triển khai vào thực tế. Công tác này không làm tràn lan mà chỉ tập trung vào những sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của từng địa phương. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, hàng loạt chính sách mang tính vĩ mô như: Nghị định 61 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp… đã giúp ngành nông nghiệp có những bước tiến căn cơ. Nhiều mô hình đang được triển khai như “Cánh đồng mẫu lớn”, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân áp dụng VietGap… đã giúp phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của vùng.
Do tính chất đặc thù, theo các chuyên gia kinh tế, công tác liên kết vùng, liên kết ngành nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của các tỉnh ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Vì vậy, ngay từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách về Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL và giao cho Ban Chỉ đạo vùng Tây Nam bộ đóng vai trò điều phối, hỗ trợ cho công tác liên kết vùng. Tuy nhiên, các địa phương hiện vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi tỉnh có cơ cấu kinh tế và sản phẩm na ná nhau nhưng lại phát triển độc lập không phát huy hết lợi thế so sánh qua liên kết nhằm chuyên môn hóa… Ngoài ra, sự chủ động liên kết với các địa phương, khu vực… có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ để hình thành các trục, tuyến phát triển chưa được triển khai một cách bài bản, chặt chẽ.
Theo ông Bùi Ngọc Sương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng đề án xúc tiến đầu tư chung cho toàn vùng ĐBSCL dựa trên cơ sở tiềm năng, nhu cầu phát triển của từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh không có lợi giữa các tỉnh, thành. Song song đó cần nâng cao công tác quy hoạch ngành, vùng, sản phẩm quan trọng, khuyến khích dành ưu đãi cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển ngành nghề là thế mạnh của vùng…
“Các ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, khảo sát tiềm năng kinh tế, đặc thù về văn hóa, lễ hội của từng địa phương để định hướng phát triển cho mỗi tỉnh, thành. Và quan trọng nhất, Chính phủ có cơ chế cụ thể về công tác điều phối liên kết vùng ĐBSCL và chính sách đặc thù trong việc thu hút đầu tư vào nơi đây”, ông Sương nói thêm.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Nhận xét
Đăng nhận xét