SGGP, Thứ hai, 20/05/2013, 09:00 (GMT+7)
Bộ Y tế đang lúng túng trong việc đề xuất có cho mang thai hộ hay không? Còn Bộ Tư pháp thì cho rằng cần “bàn thảo” thêm về vấn đề này. Trong khi thực tế nhu cầu mang thai hộ đang có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Thế nhưng, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP năm 2003 về sinh con theo phương pháp khoa học nghiêm cấm việc mang thai hộ và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đang có hiệu lực hiện hành cũng chưa quy định về điều này.
Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ TPHCM tư vấn cho các sản phụ. Ảnh: MAI HẢI
|
Gia tăng nhu cầu
Cưới nhau đã 3 năm nay nhưng chị L. (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) vẫn chưa mang thai được. Sau nhiều lần thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị L. bị teo buồng trứng, có biểu hiện u xơ tử cung nên khả năng có con là rất khó. Mặc dù đã tích cực chạy chữa, thậm chí đã 2 lần thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng nhưng thất bại. Theo chị L., các bác sĩ khuyên thụ tinh trong ống nghiệm nhưng khả năng thành công cũng rất thấp. “Vợ chồng em chỉ mong có mụn con mà khó quá. Em cũng nghĩ đến việc nhờ người mang thai hộ nhưng nghe người ta nói phải làm chui hoặc qua Thái Lan mới được nhưng rủi ro cao, lại tốn kém nhiều”, chị L. than thở.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, vợ chồng chị X. (ngụ Đồng Nai) đang rất lo lắng vì nguy cơ không có con rất cao. Lập gia đình được 2 năm, chị X. có thai ngoài tử cung nên phải mổ bỏ thai và cắt luôn một phần tử cung do bị u xơ. Mặc dù tỷ lệ có con vẫn còn ít ỏi nhưng cố gắng mãi mà đến nay chị X. vẫn chưa thụ thai trở lại được. “Nghe chỗ nào có bác sĩ hiếm muộn giỏi, em cũng thăm khám nhưng các bác sĩ khuyên chắc phải thụ tinh ống nghiệm. Nếu không thành công thì chỉ còn nước nhờ người mang thai hộ”, chị X. buồn rầu tâm sự.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ hiếm muộn của các cặp vợ chồng ở Việt Nam đang gia tăng. Theo nghiên cứu dịch tễ mới nhất do Bộ Y tế thực hiện, có 7,7% các cặp vợ chồng ở Việt Nam bị hiếm muộn (tương đương trên 1 triệu cặp vợ chồng cần khám và điều trị hiếm muộn, vô sinh). Chỉ riêng tại BV Từ Dũ TPHCM, hiện trung bình mỗi ngày tiếp nhận 200 - 300 lượt bệnh nhân đến khám và tư vấn về hiếm muộn. Trong khi cách đây 10 năm, con số này chưa tới vài chục.
Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, số chu kỳ bơm tinh trùng vào buồng tử cung mỗi tháng từ 200 - 250 ca, còn số chu kỳ thụ tinh ống nghiệm khoảng 150 - 200 ca/tháng với tỷ lệ thai lâm sàng đạt 35% - 40%. Nghĩa là khoảng trên 60% còn lại khả năng vô sinh rất cao. Bên cạnh các nguyên nhân vô sinh do bệnh lý (u xơ tử cung, dị dạng tử cung - âm đạo, buồng trứng đa nang…), vấn đề nạo phá thai không an toàn, viêm nhiễm sinh dục, viêm vùng chậu cũng góp phần tăng tỷ lệ hiếm muộn ở nữ giới. Đối với nam giới, tình trạng vô sinh có thể do bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, rối loạn quá trình sinh trưởng của tinh trùng.
Tuy nhiên, có hai nhóm người có khả năng vô sinh cao và nếu muốn có con phải nhờ mang thai hộ. Đó là những phụ nữ có tử cung không bình thường (tử cung bị dị dạng, tử cung bị bệnh lý như u xơ hay bệnh về nội mạc, do tai biến sản khoa trước đó phải cắt tử cung) và những người sức khỏe không cho phép để mang thai, như mắc bệnh tim.
Nhân đạo hay pháp lý?
Thực tế đã không ít cặp vợ chồng lén lút nhờ người khác mang thai hộ do bị vô sinh. Nhiều cảnh dở khóc dở cười vì nhờ mang thai hộ nhưng cuối cùng mất cả con lẫn tiền, hay tan vỡ hạnh phúc gia đình và quan trọng là đứa con sinh ra bị giằng chéo thủ tục pháp lý trong khai sinh, tranh chấp thừa kế… Thậm chí, cơ quan chức năng ở Việt Nam và cả nước ngoài đã từng phát hiện đường dây đưa người sang nước khác để mang thai hộ… Có tình trạng phức tạp trên là do Nghị định số 12/2003/NĐ-CP năm 2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học nghiêm cấm việc mang thai hộ và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đang có hiệu lực hiện hành cũng chưa quy định về điều này. Do vậy, để muốn có con, nhiều cặp vợ chồng vô sinh chỉ còn cách “lách luật”, đi ra nước ngoài hoặc lén lút thông qua các đường dây “cò”.
Vậy, liệu đã đến lúc cho phép mang thai hộ? Tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, mang thai hộ là một thành tựu của y học, là mơ ước làm mẹ của rất nhiều phụ nữ. Bản chất “mang thai hộ” là hết sức nhân văn. Còn TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, nhìn nhận về nguyên tắc sinh học ai đẻ con ra thì đứa trẻ là con của họ, nhưng mang thai hộ nên họ lại phải giao đứa bé cho người khác vì nó không mang dòng máu của họ. Đó là phá vỡ nguyên tắc nhưng lại mang mục đích nhân đạo.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng xuất hiện những tranh chấp về mặt pháp luật và cả tranh chấp về mặt sinh học. Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, dưới phương diện sinh học thì đứa bé ra đời từ mang thai hộ mang gien di truyền của người phụ nữ có trứng thụ tinh chứ không phải của người mang thai… Trong khi đó, về mặt pháp lý, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng việc cấm cho mang thai hộ là để tránh tình trạng lợi dụng mua bán con, nở rộ dịch vụ “đẻ thuê”. Thậm chí, nhằm lách luật để sinh con thứ ba... Song điều này vô hình chung đưa các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn vào “thế bí”, mặc dù có con là quyền chính đáng.
Hiện nay dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi đang được bàn thảo để trình Quốc hội xem xét, nhưng có quy định thêm cho mang thai hộ hay không vẫn chưa ngã ngũ. Đây là một vấn đề thực tiễn, có tính nhân văn, nhân đạo cao nhưng cũng là vấn đề pháp lý cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những hệ quả đáng tiếc.
TƯỜNG LÂM
Nhận xét
Đăng nhận xét