Hàng trăm ngàn sĩ tử ĐBSCL và hàng triệu học sinh toàn quốc đang vào cuộc đua nước rút cho 2 kỳ thi quan trọng: Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Cổng trường ĐH vẫn là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ. Trong khi nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập, sau thời kỳ được bung ra”, đang trong giai đoạn ngoi ngớp “đốt đuốc” tìm thí sinh.
Sinh viên và người lính. Ảnh: Nguyễn Công Hoá (dự thi ảnh đẹp Tây Nam Bộ) |
Từ số lượng ít ỏi các trường ĐH công lập nặng tính bao cấp trước đây, đến hàng loạt trường ĐH, CĐ ra đời, tạo “diện mạo mới”. Nhưng đáng tiếc, do nhiều trường “đẻ non” nên đến lúc phải “kế hoạch hoá sinh sản”, tiếp sức, thay đổi về chất, xiết lại trật tự kỷ cương... trước khi xuất hiện “cái chết hàng loạt” như nhiều người dự báo.
Tạp chí Times Higher Education (Anh) mới đây công bố bảng xếp hạng 100 ĐH hàng đầu châu Á. Việt Nam không có một trường ĐH nào trong bảng xếp hạng này. Mong ước có trường ĐH trong tốp đầu thế giới hay khu vực là cần thiết. Đã có những “khởi động” cho các trường ĐH xuất sắc đẳng cấp quốc tế, tốp đầu châu Á, khu vực... Nhưng quan trọng hơn là làm gì để hiện thực hoá điều đó, và đạt được để làm gì?
Mặc dù ngày càng có nhiều cán bộ quản lý với học hàm, học vị, nhưng số lượng công bố nghiên cứu khoa học quốc tế ở Việt Nam vẫn thưa thớt mà có người đã so sánh “chưa bằng một trường ĐH như Chulalongkorn hay Mahidol của Thái Lan”. Đã xuất hiện hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường làm công nhân, hàng loạt sinh viên bị từ chối việc làm. Trong khi chất lượng đào tạo ĐH ngày càng đáng lo ngại, thì mối quan tâm lớn của các trường vẫn là tăng chỉ tiêu, hạ điểm sàn, điểm chuẩn, thậm chí bỏ môn thi để “tuyển được nhiều” và có lãi. Cho đến nay, vẫn khó trả lời là các trường ĐH hoạt động với “động cơ” lợi nhuận hay phi lợi nhuận?
Đã có nhiều ý kiến và bài học cho giáo dục ĐH, CĐ ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Song, bài học từ hạt gạo của nông dân cũng rất đáng được các bậc thức giả và nhà hoạch định chính sách, chiến lược suy ngẫm. Hạt gạo Việt và vựa lúa miền Tây đã làm nên kỳ tích khi liên tục tăng trưởng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu để nhanh chóng chuyển từ một quốc gia thiếu lương thực trong thập niên 80 lên hàng cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới liền sau đó. Nhưng đằng sau của ngôi vị số 1, số 2 là cảnh “trúng mùa, mất giá”, lúa gạo tồn đọng - mua tạm trữ, là đời sống người dân chưa giàu lên tương ứng với đóng góp của họ.
Việc lọt vào bảng xếp hạng các trường ĐH xuất sắc châu Á hay trên thế giới không phải là mục tiêu quan trọng vì còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm. Giáo dục ĐH - bài học từ hạt gạo, rất đáng được học.
Nhận xét
Đăng nhận xét