Đại Đoàn Kết - 19/05/2013 13:45
LTS: Những khó khăn của nền kinh tế vẫn tiếp tục là lo ngại sâu sắc của toàn xã hội. Trong tuần qua, vấn đề càng tiếp tục nóng lên khi tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội trong kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không giấu quan ngại: ‘Tình hình tài chính thế này là tôi thấy xấu lắm”. Cho rằng lạm phát của năm 2012 còn 6,81% cũng là tốt, nhưng là "tốt quá” nên ảnh hưởng đến tăng trưởng: "Điều hành như vậy là dở, nếu CPI trên 7% thì bây giờ tăng trưởng không thấp thế, cái này là do điều hành”. Cũng tại phiên thảo luận này, cả tân Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đều có những phát biểu không lạc quan về thực trạng của nền kinh tế.
Ảnh: Minh Trang
Luật sư NGUYỄN TRẦN BẠT: "Tôi cho rằng tất cả những sự quan tâm cũng như sự bi quan về nền kinh tế được thể hiện bởi các lãnh đạo cấp cao trong phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội vừa rồi có lẽ là hơi chậm so với đòi hỏi của thực tế. Tình hình kinh tế đúng là khó khăn thật. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết, tôi đã nói rằng tôi thông cảm đến chi li cái khó khăn mà Chính phủ đang phải gánh. Khó khăn này không nói ra được, không kêu lên được…Sản xuất không phát triển được thì lấy đâu ra phương tiện để giải quyết vấn đề lao động thất nghiệp, và không giải quyết được vấn đề thất nghiệp thì lấy gì mà giải quyết sức mua."
Điều hành vĩ mô là một khái niệm khoa học, không phải là một thuật ngữ chính trị
Tôi cho rằng, tất cả những sự quan tâm cũng như sự bi quan về nền kinh tế được thể hiện bởi các lãnh đạo cấp cao trong phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội vừa rồi có lẽ là hơi chậm so với đòi hỏi của thực tế. Tình hình kinh tế đúng là khó khăn thật. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết, tôi đã nói rằng tôi thông cảm đến chi li cái khó khăn mà Chính phủ đang phải gánh. Khó khăn này không nói ra được, không kêu lên được. Điều hành vĩ mô là một khái niệm khoa học, nó không phải là một thuật ngữ chính trị để nói một cách đơn giản trên các phương tiện truyền thông. Điều hành vĩ mô là một loại hoạt động xã hội, một loại công nghệ chỉ đạo sự dao động, chuyển động của một cơ cấu đã được thiết kế và chuẩn bị phù hợp với các công cụ điều tiết vĩ mô.
Nền kinh tế không theo những nguyên tắc sẵn có trên thế giới
Tôi cho rằng chúng ta có một nền kinh tế khó điều hành vĩ mô theo quy luật của nhiều nền kinh tế trên thế giới, bởi vì nền kinh tế của chúng ta được thiết kế, được sắp đặt hoàn toàn không theo những nguyên tắc sẵn có trên thế giới. Cho nên nó không phải là một thực thể có thể điều hành bằng những công cụ phổ quát trên thế giới. Người ta điều hành vĩ mô một nền kinh tế là điều hành bằng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, thông qua các công cụ như tỷ giá, lãi suất, thuế, kiểm soát đầu tư công, chi tiêu công… Những công cụ như vậy không ứng dụng được trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta, vì nền kinh tế của chúng ta không được sắp đặt, không được thiết kế phù hợp với các công cụ vĩ mô ấy. Ví dụ, chúng ta dùng công cụ điều tiết vĩ mô là lãi suất chẳng hạn. Lãi suất nhiều lúc lên tới hơn 20%, vượt mọi ranh giới lãi suất thông thường mà các đồng tiền trên thế giới phải chịu đựng. Trong các sự vật có hai loại trạng thái đàn hồi được và không đàn hồi được. Có những vật tác động vào nó nhưng sau đó không tác động nữa thì nó vẫn có thể quay trở về dạng ban đầu. Còn có những vật tác động vào nó và sau đấy dừng lại thì nó không thể quay trở về dạng ban đầu được nữa. Nền kinh tế của chúng ta không phải là một cấu trúc đàn hồi, vì thế không tác động bằng các công cụ vĩ mô thông thường được.
Thật ra có vẻ như chúng ta cũng chưa hiểu nhiều về các công cụ, các chính sách vĩ mô. Ví dụ, trên thực tế chúng ta không có nền công nghiệp đúng nghĩa, kể cả công nghiệp phụ trợ, tức là không có sản xuất nhưng ta lại kích cầu. Chúng ta có gói kích cầu vào năm 2008, và hệ quả của gói kích cầu ấy là lạm phát và ta phải cố gắng để hạn chế lạm phát về mặt hình thức. Bởi vì công cụ vĩ mô là kích cầu ấy không ứng dụng được trong nền kinh tế. Chúng ta không có công cụ, không có tổng phổ của nền kinh tế để kiểm soát sự phân bố tiền vốn, sự phân bố quy mô đầu tư vào từng khu vực. Ví dụ chúng ta thấy xuất hiện rất nhiều cảng, thậm chí đã từng bàn đến vấn đề đường sắt cao tốc… Tất cả những nguyện vọng, những thể hiện như vậy cho thấy cấu trúc của nền kinh tế của ta có vấn đề.
LS Nguyễn Trần Bạt
Ảnh: T.L
Chúng ta cũng không phải là nền kinh tế có thể cứu hộ theo các công cụ truyền thống
Nền kinh tế này khó điều hành vĩ mô, vì nó không có cấu trúc tương thích với bất kỳ công cụ điều tiết vĩ mô nào mà thế giới đã nghĩ ra. Đấy mới chỉ là một nguy cơ. Nguy cơ thứ hai cũng không kém phần quan trọng là nền kinh tế của ta không cứu trợ được, vì không tương thích với bất kỳ cấu trúc kinh tế nào trên thế giới. Ta thấy là chỉ một Cộng hòa Síp thôi đã gây ra cả sự chấn động khổng lồ ở châu Âu, bởi vì có một bộ phận đen tối trên thế giới tập trung tiền tệ và quyền lực ở khu vực ấy và tạo ra một quốc gia có những mảng đen tối lớn đến mức lấn át cả quyền lực của chính phủ cầm quyền.
Chúng ta không phải là nền kinh tế có thể cứu hộ theo các công cụ truyền thống mà thế giới vẫn cung cấp để cứu hộ các nền kinh tế. Đấy là một nguy cơ có thật. Ta có thể đi xin tiền, có thể đi vay tiền, nhưng hệ thống của ta không đủ chặt chẽ để chịu đựng các thử thách của các thể chế kinh tế định cứu chúng ta, chẳng hạn như IMF. Rất nhiều nước châu Á trước đây không chịu đựng nổi kỷ luật của IMF trong việc cứu hộ, và do đó nó không được hưởng những cứu hộ như vậy. Coi chừng ta cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự.
Lãi suất như ở Việt Nam là lãi suất của một thị trường tiền tệ cho chính nó, chứ không phải cho sản xuất
Về gói cứu trợ thị trường BĐS 30.000 tỷ đã được chính thức tung ra tôi không nói thêm gì về chuyện này, nhưng tôi cảnh báo mọi người phải nhìn nhận một cách thận trọng. Khi đưa ra các bình luận tích cực về các hiện tượng như vậy cần phải thận trọng. Lãi suất như ở Việt Nam là lãi suất của một thị trường tiền tệ cho chính nó, chứ không phải cho sản xuất. Trên thế giới không ai sản xuất mà phải chịu đựng lãi suất tới 10%/ năm chứ chưa nói đến 20-30% như thời điểm trước đó. Chúng ta không có nền kinh tế công nghiệp, bởi vì tín dụng như vậy không phải là tín dụng để cung cấp cho phát triển công nghiệp. Phát triển công nghiệp là gì? Tất cả những chuyện kinh doanh từ vật liệu, nguyên liệu, năng lượng nằm trong đấy cả nên lãi thật của khâu công nghiệp ấy có một tí xíu thôi. Cho nên phải chịu đựng lãi suất tín dụng như vậy thì chắc chắn là không ai làm được. Cả trăm nghìn xí nghiệp bị mắc bệnh "cúm H5N1” cùng một lúc.
Sản xuất không phát triển được thì lấy đâu ra phương tiện để giải quyết vấn đề lao động thất nghiệp, và không giải quyết được vấn đề thất nghiệp thì lấy gì mà giải quyết sức mua. Không có sức mua thì lấy đâu ra cơ hội để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế. Chúng ta có một thị trường kinh doanh tiền tệ nằm bên ngoài mọi khu vực kinh tế. Với trạng thái này thì khó có thể can thiệp nổi bằng những chính sách điều hành vĩ mô, đồng thời sẽ bị chi phối bởi nhóm lợi ích.
Chỉ có thể tái cấu trúc nếu tìm được đồng thuận
Thủ tướng Chính phủ nói rất đúng là cần phải tái cấu trúc, nhưng tái cấu trúc như thế nào thì cá nhân tôi chưa thấy rõ. Bản chất của tái cấu trúc là tái cấu trúc lại tư tưởng kinh doanh trong mỗi một ngành công nghiệp, tái cấu trúc lại khuynh hướng của một nền kinh tế... Không thấy những dấu hiệu như vậy thì làm sao nói tái cấu trúc được. Cải cách có phải cứ muốn làm thì làm được ngay đâu, bởi không ai có đủ quyền lực tuyệt đối để làm bất kỳ cái gì mình muốn. Cải cách bao giờ cũng là kết quả của một cuộc vận động xã hội sâu sắc và tìm kiếm được những điểm đồng thuận tới hạn, và người ta chỉ có thể cải cách đến điểm đồng thuận ấy mà thôi. Phải tìm được điểm đồng thuận thì mới có cải cách.
Cỗ xe kinh tế đã chạy quá nhanh
Có lần trả lời báo Đại Đoàn Kết tôi có nói là chúng ta đã có một thời kỳ hội nhập nghiêm túc, chúng ta đã tham gia các công ước quốc tế, các hiệp ước quốc tế một cách khá nghiêm túc và khá bài bản. Những năm sau này, chúng ta đã trượt ra khỏi các trạng thái bài bản ấy do sự hăng hái thái quá, sự năng động thái quá trong điều hành nền kinh tế. Đấy là một trong những nhược điểm của điều hành kinh tế giai đoạn vừa rồi. Nếu không khen, không động viên hay không đánh giá được công lao trong điều hành kinh tế giai đoạn vừa qua thì chúng ta không công bằng. Nếu không có nhược điểm ấy thì nền kinh tế sẽ lờ đờ đi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chẳng gợi cho chúng ta bất kỳ điều gì. Nhưng nền kinh tế chạy nhanh quá thì nó có thể sa xuống hố. Nhân đây xin nói thêm, tôi đã viết một bài nhan đề "Con ngựa và cỗ xe kinh tế Việt Nam”, trong đó tôi nói là con ngựa chạy nhanh quá mà quên mất rằng cỗ xe kinh tế mà nó đang kéo không được thiết kế để chạy với tốc độ như vậy. Hầu hết các chủ thể đã văng ra, chỉ còn lại rất ít.
Luật sư Nguyễn Trần Bạt
|
Nhận xét
Đăng nhận xét