Những hình ảnh về “khu dinh cơ đồ sộ” của nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô được báo chí đăng tải gần đây đã gây bão trong dư luận. Khu dinh cơ là sự tương phản gay gắt với cuộc sống của phần lớn người dân đang sống dưới ngưỡng đói nghèo ở tỉnh miền núi xa xôi này. Đã không có lời giải thích nào được chủ nhân đưa ra, song, nếu có cũng sẽ không thuyết phục. Hà Giang vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào ngân sách trung ương, còn nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn đang là nạn nhân của thời kỳ “đại công trường” của tỉnh này chỉ vài năm trước. Bằng cách nào mà vị cựu quan chức có thể xây một dinh cơ như vậy?
Câu chuyện trên chỉ là một trong danh sách dài các câu chuyện không có hồi kết về cuộc sống xa hoa của rất nhiều người sau khi nghỉ hưu, hay thậm chí còn đương chức. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ghi nhận hiện tượng này trong một đề tài nghiên cứu: “Trong khi mặt bằng kinh tế chung còn thấp mà trong xã hội có một số người chơi ngông, xài sang hơn cả ở các nước phát triển thì đó là điều khó chấp nhận, đa phần là những người có được nhiều tiền nhờ sự kiếm chác một cách khuất tất, mờ ám… Thói hưởng lạc, sống gấp, hợm hĩnh, vênh vang về đồng tiền có được của không ít người là nhờ các mối quan hệ không bình thường với cán bộ, đảng viên có chức, quyền trong các cơ quan công quyền, hoặc có thể là do tham nhũng, ăn cắp, nhận hối lộ”. “Hiện tượng giàu lên rất nhanh, có nhiều nhà đất và có khối lượng lớn về tài sản, tiền bạc của một số cán bộ có chức, có quyền trong một số cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng càng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân không khỏi nghi ngại là có việc làm ăn, có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”.
Đề tài nghiên cứu trên nhận xét, kể từ khi đổi mới vào năm 1986 đến nay, nạn tham nhũng của quan chức tăng lên rất nhanh, trong đó gần 32% liên quan đến doanh nghiệp. Tình trạng quan chức thông đồng với doanh nghiệp để vụ lợi ngày càng nhiều, có dấu hiệu trầm trọng hơn trong tất cả các lĩnh vực. Ủy ban Kiểm tra Trung ương liệt kê hàng loạt các hình thức sau.
Nhóm thân hữu. Ở Việt Nam hiện nay các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến nhóm lợi ích trong việc vận động điều chỉnh chính sách. Không có bằng chứng pháp lý về nhóm thân hữu, nhưng trong thực tế, xung quanh một số nhân vật chủ chốt có vai trò quan trọng trong các quyết sách về kinh tế của Nhà nước đã thấp thoáng sự hiện diện của các doanh nhân thuộc các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Thậm chí, có một số tin đồn rằng, doanh nhân nào đó có thể dễ dàng ra vào nhà của một số nhân vật có quyền lực ở trung ương và địa phương. Nhóm thân hữu manh nha này có quan hệ hai chiều trong việc quan chức dàn xếp để doanh nghiệp nhận được ưu đãi, ngược lại, doanh nghiệp hoặc là đóng góp vào sự phát triển của địa phương để làm nổi bật thành tích của quan chức, hoặc là cung cấp cho bản thân quan chức các phương tiện để có thể leo cao hơn, để lo lót, chạy chọt khi doanh nghiệp phạm sai lầm và cung phụng cho những người thân thiết của quan chức. Đã xuất hiện hiện tượng các doanh nghiệp bao cấp cho một số quan chức các dịch vụ như chơi golf, du học, du lịch.
Nhóm chung lợi ích. Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra trích dẫn khảo sát năm 2012 do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức, theo đó có tới 40% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận họ có sử dụng quan hệ với quan chức để vụ lợi, và 43% không có ý kiến gì về vấn đề này. Hơn 19% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận sử dụng hối lộ để đạt mục đích. Các cơ quan mà nhóm này hướng đến là các ủy ban nhân dân, các cán bộ quản lý ngành.
Nhóm lợi ích cục bộ. Nhóm cán bộ thoái hóa trong các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng quyền lực của nhóm để ăn chia với doanh nghiệp. Chẳng hạn, vụ án tham nhũng xảy ra tại trạm kiểm soát liên ngành Đồng Bành, Lạng Sơn. Tại đây, nhóm cán bộ công chức đã câu kết với doanh nhân bớt xén tiền thuế chia nhau và dùng tiền đó để hối lộ cấp trên nhằm thăng chức và trụ lại trạm lâu hơn. Không ít cán bộ ở trạm này đã lên chức trạm trưởng, trạm phó, phó phòng nghiệp vụ cục thuế tỉnh. Một số cán bộ ở cục thuế giữ quyền ăn chia bằng cách đề xuất với ủy ban nhân dân luân chuyển cán bộ tại trạm ba tháng một lần, ra văn bản thu mức thuế thấp hơn quy định, bố trí người tại trạm để thu “quả” thực…
Quan chức sử dụng doanh nghiệp nhà nước để vụ lợi. Doanh nghiệp nhà nước có vị trí rất đặc biệt, quản lý khối tài sản khổng lồ, không đi kèm trách nhiệm giải trình cao nên khu vực kinh tế này là đầu mối để nhiều quan chức thiết lập các đường dây vụ lợi cho mình. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng quan chức tạo ô dù để bổ nhiệm những người thân tín vào các vị trí chủ chốt. Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã chuyển cho một số quan chức các cổ phần béo bở đứng tên những người tin cẩn của quan chức. Quan chức nhờ người khác đứng tên kết hợp với cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thành lập các công ty tư nhân hoặc liên doanh, sau đó sử dụng doanh nghiệp nhà nước để đẩy các hợp đồng béo bở cho doanh nghiệp của họ nhằm thu lợi lớn. Quan chức che chắn để cán bộ quản lý doanh nghiệp làm sai quy định như mua bán tài sản không minh bạch để nhận hối lộ của bên cung cấp rồi chia nhau, tài trợ cho quan chức đi nước ngoài bằng chi phí của doanh nghiệp nhà nước…
Vụ lợi cá nhân. Khá nhiều cán bộ, công chức của Việt Nam đã chủ động đòi hối lộ mới giải quyết công việc, hoặc thực hiện sai chế độ chính sách có lợi cho doanh nghiệp hối lộ. Khảo sát năm 2012 của Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện cho thấy có gần 16% cán bộ công chức thừa nhận bắt gặp hành vi của cán bộ, công chức gọi điện, viết thư tay can thiệp nhằm mưu lợi cho người thân trong 12 tháng qua; gần 22% cán bộ, công chức bắt gặp hành vi của cán bộ, công chức khác cố tình gây khó khăn khi giải quyết công việc để đòi hối lộ. Theo số liệu của Bộ Công an, trong số những người phạm tội hối lộ, cán bộ công chức chiếm đa số, hơn 65%.
Gây phiền hà cho doanh nghiệp để đòi tiền hối lộ. Tình trạng này là tương đối phổ biến. Cuộc khảo sát nói trên cho thấy, 5% số doanh nghiệp cho biết họ nhận được đề nghị bán, cho thuê tài sản giá rẻ, 5% nhận được đề nghị tài trợ tham quan, chi tiêu cá nhân, 8% nhận được đề nghị tuyển dụng họ hàng của công chức, 15% nhận được đề ghị tặng quà.
Bảo kê cho các hoạt động phi pháp. Bảo kê của những người có chức quyền cho doanh nghiệp buôn lậu; hay bảo kê đối với các hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy, gỗ lậu; hay bảo kê cho các nhóm người sử dụng đất công để trông giữ xe, làm dịch vụ.
Ngoài ra, còn có các hiện tượng quan chức hưởng hoa hồng vượt quá mức quy định công khai trong hợp đồng, hay lợi dụng thông tin công vụ để vụ lợi. Các thông tin sớm thường là thông tin quy hoạch đất, xây dựng và cải tạo đường giao thông, đô thị, dự án khu đô thị mới, dự án đầu tư công.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, hiện tại, một số doanh nghiệp còn tổ chức một bộ phận trực thuộc giám đốc hoặc hội đồng quản trị với chức năng duy nhất là duy trì và mở rộng quan hệ với chính quyền và cán bộ, đảng viên của chính quyền đó.
Từ những hình thức trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận xét, một số cán bộ, đảng viên có chức, quyền đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, câu kết, làm sân sau cho một số doanh nghiệp để trục lợi, hình thành các “nhóm lợi ích” không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, thậm chí có doanh nghiệp còn bỏ tiền mua phiếu cho quan chức lên vị trí cao hơn…
Ủy ban lo ngại rằng, bản chất mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp để trục lợi là một dạng tham nhũng đặc biệt, dẫn đến lợi ích nhóm có thể chi phối cả nền kinh tế, thậm chí là chính trị. Mối quan hệ không bình thường tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, bóp méo các chính sách của Nhà nước, thay vì ban hành để phục vụ lợi ích của đại bộ phận nhân dân, nó lại quay sang chỉ để phục vụ một số ít doanh nghiệp, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư chân chính.
Nhận xét
Đăng nhận xét