Hà Hữu Nga
13. Cân bằng công – nông nghiệp vùng
Khung lý thuyết này có nguồn gốc từ cuộc luận chiến công nông nghiệp và các quan niệm tăng trưởng cân bằng và bất cân bằng. Theo nghĩa rộng nhất, đó là một chiến lược ủng hộ cho cả vai trò của công nghiệp lẫn nông nghiệp trong phát triển. Sutcliffe [1971] đã đưa ra hai định đề: i) mức tăng thu nhập trong nông nghiệp vượt khỏi giới hạn sinh tồn đã kích cầu các đầu ra của các ngành công nghiệp gia công; và ii) mức tăng thu nhập trong khu vực công nghiệp giúp mở rộng sản xuất nông nghiệp thông qua việc tăng cầu về lương thực và các đầu vào công nghiệp dựa trên nông nghiệp. Vì vậy khung lý thuyết Phát triển Cân bằng Công – nông nghiệp (BAIDS - Balanced Agro-Industrial Development Strategy) đã đưa ra các mục tiêu cho mỗi khu vực như sau: về nông nghiệp, nhấn mạnh vào việc tăng sản xuất, cải thiện marketing, chuyển đổi việc thuê đất, cải thiện thu nhập và giảm khác biệt giữa các khu vực. Trong công nghiệp, người ta đã thực hiện việc thúc đẩy các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động bằng cách sử dụng các đầu vào nông nghiệp có sẵn tại địa phương và việc gia công qui mô nhỏ đã định hướng cho việc tiêu thụ ở nông thôn. Có thể nhận thấy các mối quan hệ của BAIDS với phát triển vùng ở hai cấp chính sách: quốc gia và vùng. Người làm chính sách quốc gia coi vùng như những đơn vị phân tích trong khi những tác nhân vùng lại trông vào sự cân bằng giữa các khu vực trong vùng.
Chiến lược Chính sách Quốc gia: Tăng trưởng cân bằng nhấn mạnh vào nhu cầu của những khu vực khác nhau của nền kinh tế đang phát triển cùng nhịp bước với nhau. Trong trường hợp BAIDS, người ta tán thành quan điểm cho rằng công nghiệp không được bỏ quá xa nông nghiệp và ngược lại. Vì vậy, khi các vùng khác nhau về vị thế trong phát triển công nghiệp và nông nghiệp và khác nhau về mức độ phong phú của các nguồn tự nhiên thì các khoản đầu tư không nên quá tập trung vào một vùng mà bỏ quên các vùng khác. Vì sự khác biệt vùng như vậy nên việc theo đuổi BAIDS sẽ nhất thiết phải ước tính tỷ lệ tăng trưởng trong mỗi khu vực và vùng sẽ đạt được sự cân bằng thoả đáng nhìn từ quan điểm quốc gia. Có thể thực hiện được điều này bằng cách khai thác việc chuyên môn hoá vùng về nông nghiệp và/hoặc công nghiệp gắn liền với việc phân bố vị trí của các đầu vào nguồn lực cho các khu vực này. Mức độ quyết định chuyên môn hoá vùng sẽ giúp xây dựng một chương trình hiệu quả bằng các khoản đầu tư nhằm hiện thực hoá mối liên kết công – nông nghiệp theo cách cân bằng.
Cuộc vận động phát triển vùng theo khung lý thuyết BAIDS là nhằm cung cấp hỗ trợ hạ tầng đầy đủ và cần thiết cho cả hai khu vực. Một hạ tầng cân bằng để hỗ trợ cho sự liên lập giữa nông nghiệp và công nghiệp cho đầu vào của mỗi khu vực là có tính quyết định về phương diện này. Điều đó giúp quyết định trước những ưu tiên cho phát triển công – nông nghiệp, việc thiết kế trước và lựa chọn các khoản đầu tư hạ tầng cơ sở để phục vụ cho quá trình này và việc kết hợp các chính sách khuyến khích và hạn chế thích hợp để hướng dẫn cho sự phát triển như vậy. Việc thực hiện các hoạt động ấy cũng sẽ kích thích các cuộc cải cách về chính sách công nghiệp hoá chẳng hạn như việc giải tập trung nhằm phát triển ngành công nghiệp chủ yếu đòi hỏi phải nhập khẩu các nguyên vật liệu và thay cho việc thúc đẩy những hoạt động kinh doanh dựa trên nông nghiệp ở qui mô rộng. Hơn nữa chính sách hạ tầng cơ sở dựa vào công nghiệp hoá cũng sẵn sàng hướng đến việc cung cấp các điều kiện vật chất thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Cuối cùng cần phải hợp lý hóa các chính sách và việc điều phối thể chế nhằm phát triển cả khu vực công nghiệp và nông nghiệp.
14. Liên kết phát triển vùng kinh tế
Liên kết là một khái niệm được phát triển trong kinh tế học vùng với các mối liên kết trước hoặc sau. Nếu tăng trưởng trong sản xuất của một ngành công nghiệp kích thích sản xuất trong các ngành công nghiệp cung ứng cho nó thì ngành công nghiệp đó có các liên kết sau. Chẳng hạn công nghiệp thép có các liên kết sau đối với công nghiệp khai khoáng quặng sắt, công nghiệp than và luyện than cốc cũng như công nghiệp giao thông vận tải tham gia vào vận chuyển các đầu vào đó cho công nghiệp thép. Liên kết trước xuất hiện khi các đầu ra của một ngành công nghiệp tạo khả năng cho việc sản xuất của các ngành công nghiệp có thể sử dụng được các đầu ra đó. Chẳng hạn công nghiệp sản xuất plastic tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cần plastic để vận hành sản xuất trong doanh nghiệp của mình. Nhà kinh tế học người Pháp J.R. Bourdeville đã tiến hành nghiên cứu ngành công nghiệp thép của bang Minas Gerais thuộc Brazil như một cực tăng trưởng. Mặc dù Perroux không chấp nhận ứng dụng khái niệm cực tăng trưởng cho các không gian địa lý, nhưng khái niệm này vẫn được ứng dụng rất nhiều cho các vùng địa lý. Những ứng dụng kiểu này đang ngày càng được làm sáng tỏ, chẳng hạn kinh tế vùng Paris có thể được coi là một cực tăng trưởng. Trường hợp Paris cho thấy tác động của phân cực đối với vùng địa lý xung quanh không phải bao giờ cũng là dương. Sức hấp dẫn của Paris lớn đến mức thật khó để có thể thúc đẩy bất cứ sự phát triển kinh tế nào trong khu vực ngoại vi của vùng Paris. Các tài liệu qui hoạch của Pháp vẫn coi đây là hiện tượng Paris và Sa mạc Pháp.
Lợi thế liên kết kinh tế vùng buộc các chính phủ và các thể chế cần tập trung vào tầm quan trọng của các chính sách tiền tệ và tài chính trong cạnh tranh vùng mặc dù trong thực tế thì đó là chính sách kinh tế vi mô tạo nên thịnh vượng cho vùng. Chính sách kinh tế vĩ mô chỉ mở đường cho năng suất chứ không cải thiện năng suất đó. Sơ đồ đầu tiên đó thể hiện cách thức thông qua việc ứng dụng các chính sách kinh tế vi mô thì có thể cải thiện được năng suất. Lý thuyết cụm tiến triển cùng với việc tiến hành đổi mới và tầm quan trọng của nó trong công nghiệp. Sơ đồ này mô tả cách thức mà một cấp độ năng suất của một vùng được phản ánh trong mức sống của vùng, trong đó mức tăng trưởng bền vững đòi hỏi duy trì một mức sống cao. Trong các vùng tiên tiến mức độ thịnh vượng chịu tác động bởi một quá trình đổi mới liên tục. Mức độ thịnh vượng trong một vùng được tạo bởi các cơ sở kinh tế vi mô mang tính cạnh tranh dựa trên cơ sở các cấu trúc phức tạp của các công ty và các ngành công nghiệp của vùng đó. Tuy nhiên khi môi trường kinh doanh của các công ty quyết định mức độ phát triển tinh xảo đó thì người ta cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng của môi trường kinh doanh vùng, mà chất lượng đó lại bao gồm trong bốn thuộc tính tác động đến cả năng suất và năng lực đổi mới hiện thời.
Michael Porter đã tạo ra cách tiếp cận kim cương để thể hiện bốn thuộc tính đó. Bốn điểm của viên kim cương thể hiện 4 thuộc tính cơ bản tác động đến năng suất và đổi mới kinh tế vùng, trong đó mỗi thuộc tính đều tự củng cố và đều có một vai trò quan trọng không thể thay thế đối môi trường kinh doanh của vùng và tất cả đều vận hành theo phương thức liên động với tư cách là một hệ thống. Cách tiếp cận kim cương là một phương pháp độc đáo trong đó vai trò và tác động của mỗi thuộc tính đều được lý giải một cách chi tiết đối với mỗi cụm vì cấu trúc của mỗi cụm đều chịu tác động bởi thái độ của mỗi vùng hướng tới duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế của chính vùng đó. Như vậy có thể khẳng định rằng cụm với tư cách là kết quả của các cải thiện môi trường hoạt động kinh tế vùng “là một nhóm các công ty liên kết chặt chẽ với nhau và gần gụi về phương diện địa lý cùng với các thể chế đi kèm trong một lĩnh vực riêng biệt được gắn kết chặt chẽ bởi các tương đồng và bổ sung”. Với tư cách là tổng của các bộ phận thuộc về một giá trị lớn hơn mỗi công ty hoặc mỗi thể chế đơn độc, việc liên kết thành các cụm kinh tế đã tạo ra sự đồng hợp vùng kinh tế.
Hệ quả của các liên kết đó là các lợi thế sau: 1) Cải thiện tính cạnh tranh phát sinh từ việc cải thiện năng suất theo ba cách: i) cải thiện năng suất thông qua việc cải thiện cách tiếp cận đối với các nhà cung cấp chuyên môn hoá, các kỹ năng và nguồn thông tin; ii) nâng cao tầm quan trọng của đổi mới với tư cách là một nhu cầu cho việc cải thiện các quá trình sản xuất; iii) khi đã được hình thành thì các cụm sẽ phát triển như một kết quả của quá trình tạo ra các công ty mới và khả năng tiếp cận với các nhà cung cấp mới. 2) Các nguyên nhân cho việc tăng trưởng phổ biến của các cụm: i) số người tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, mức độ giải tập trung hoá các quá trình ra quyết định đối với các cấp vùng và thành phố, và đổi mới vai trò của các tổ chức quốc tế bằng cách tìm kiếm các công cụ mới cho việc xây dựng chính sách; ii) sử dụng các chính sách công nghiệp truyền thống chẳng hạn như trợ cấp cho các ngành công nghiệp không có khả năng cạnh tranh, bằng cách cố gắng xây dựng các ngành công nghiệp mới từ điểm xuất phát và việc cố gắng thu hút các khoản đầu tư nước ngoài không tương thích là một việc làm không hiệu quả; iii) toàn cầu hoá thị trường quốc tế; bằng việc giảm bớt các rào cản thương mại, các nhà sản xuất có thể cạnh tranh một cách tự do trong bất cứ hoạt động kinh tế nào ở cấp toàn cầu. Thực hiện được các công việc đó các vùng có thể thực hiện được khả năng cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp mà họ được hưởng các lợi thế. Vì vậy toàn cầu hoá đang hướng đến một quá trình chuyên môn hoá của các nền kinh tế vùng. Các liên kết kinh tế hỗ trợ khuynh hướng này bằng cách dựa trên các khác biệt địa phương, bằng cách tìm kiếm một sự tăng trưởng ngoại sinh của các nền kinh tế vùng, bằng cách củng cố các khoản tài sản đã thể hiện trong các nền kinh tế địa phương [Porter 1998].
15. Phát triển vùng kinh tế xuyên quốc gia
Theo Douglass [1998], khung lý thuyết phát triển vùng xuyên quốc gia gồm sáu nhân tố: i) bổ sung lợi thế kinh tế nhằm khắc phục những khác biệt về mức độ phong phú của các nguồn thiên nhiên và các yếu tố thiên phú; ii) khai thác lợi thế gần kề về địa lý nhằm tối thiểu hoá các chi phí giao dịch, chi phí vận tải và tận dụng được các tương đồng văn hoá và ngôn ngữ; iii) tận dụng các cam kết chính trị và thiện chí của các quốc gia thành viên trong đàm phán cấp cao; iv) điều phối chính sách, đặc biệt là hàng rào thuế quan, quy định về việc làm, bất động sản, tài chính, đầu tư nước ngoài và tỷ giá hối đoái; v) phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, hải quan, kho bãi, cảng biển; vi) tối thiểu hoá các chi phí khởi động bằng cách tận dụng các hạ tầng vật chất đã có của mỗi quốc gia thành viên; và vii) các vùng xuyên biên giới không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn nhằm đạt được mục tiêu tăng cường hợp tác, ổn định chính trị, phát triển xã hội, và đặc biệt là phát triển các nguồn nhân lực cho vùng.
Việc sáng tạo ra các vùng xuyên biên giới được thể hiện bằng các tam giác tăng trưởng và những loại hình hợp tác khác của các khu vực cắt qua các biên giới quốc gia là điểm nổi bật của Châu Á đặc biệt là trong những năm 1990. Hiện nay có một số vùng như vậy do chính phủ đỡ đầu đang hoạt động: 1) Chương trình Phát triển Khu vực sông Tumen (Tumen River Area Development Program (Russia, China, North Korea, South Korea, Japan); 2) Tam giác Tăng trưởng Nam Trung Quốc - Southern China Growth Triangle (Hồng Kông, Đài Bắc, Quảng Đông, và Phúc kiến); 3) Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng (Greater Mekong Subregion hoặc GMS bao gồm các vùng ở Việt Nam, Laos, Cambodia, Thailand); 4) Tam giác Tăng trưởng Singapore-Johor- Riau Growth Triangle (Singapore, Malaysia and Indonesia); 5) Tam giác Tăng trưởng Cămpuchia – Lào - Việt Nam; 6) Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN (the Brunei Darussalam-Indonesia-Malaysia-Philippines (BIMP) East ASEAN Growth Area (EAGA) [Phạm Văn Linh 2001].
Douglass cho rằng các vùng kinh tế xuyên biên giới bao gồm các địa điểm đã từng chứng kiến những xung đột chính trị và ý thức hệ trầm trọng trong những năm vừa qua giờ đây đã trở thành những khu vực tích hợp và hợp tác kinh tế quốc tế. Việc giảm căng thẳng chính trị có thể giải thích một phần cho việc hình thành các hợp tác vùng đang được nhen nhóm lại. Tang và Thant [1994] đã cho rằng yếu tố ấy đang phát triển cùng với những nguyên do truyền thống trong hợp tác vùng ở Châu Á chẳng hạn như việc tăng các lợi thế qui mô kinh tế, việc khai thác các yếu tố bổ sung trong sản xuất và việc mở rộng qui mô thị trường. Các vùng xuyên biên giới là cái mà Douglass [1998] gọi là các “không gian xuyên quốc gia” mới xuất hiện, một thuật ngữ của bộ môn địa lý được tách ra khỏi những qui định thông thường của nhà nước dân tộc bằng sự phân biệt các cấp độ. Các loại hình không gian xuyên dân tộc cổ điển hơn ấy bao gồm cả các khu chế xuất EPZs (Export Processing Zones) hoặc các khu vực cảng tự do. Trong khi cả hai hình thức đều khai thác tính di động quốc tế của vốn và chi phí so sánh lao động thấp thì vẫn có những khác biệt cơ bản về các đặc điểm của một tam giác tăng trưởng hoặc các vùng xuyên biên giới so với các EPZs. Trước hết đó là sự tham gia của một vài quốc gia so với EPZs chỉ có một quốc gia thực hiện. Thứ hai, có hàng loạt hoạt động đa dạng từ kinh tế (kể cả du lịch) đến văn hoá, thậm chí cả giáo dục nữa so với EPZs chỉ gia công hàng là chính. Thứ ba, có sự điều phối chính sách phức hợp hơn nhiều so với điều phối chính sách tại EPZs.
16. Vai trò đô thị trong phát triển vùng kinh tế
Sự tăng tốc, tăng phạm vi, qui mô và tính phức hợp của toàn cầu hoá ngày càng tác động mạnh mẽ đến quá trình chuyển đổi các cấu trúc không gian và cấu trúc xã hội. Trong những năm gần đây rõ ràng có rất nhiều cách định nghĩa, phân loại và quản lý các loại hình đô thị mới (thành phố thế giới, siêu đô thị, các vùng đô thị trung tâm mở rộng) gắn liền với các thực tiễn kết nối toàn cầu và kết nối các lực lượng kinh tế. Cùng với quá trình toàn cầu hoá người ta đã chú ý nhiều hơn đến các thành phố và các vùng đô thị khi phải đối mặt với những thách thức lớn hơn để cố chống lại những sức ép và những hệ luỵ của một nền kinh tế toàn cầu mới. Ngày nay có một loại hình không gian mới thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu phát triển vùng, đó là hệ thống thành phố thế giới.
Theo Douglass [1998] thì “thành phố thế giới” là một thuật ngữ đã có từ lâu, do Geddes sáng tạo ra năm 1915 sau đó đã được Peter Hall sử dụng lại năm 1966. Tuy nhiên việc sử dụng thuật ngữ ấy không bao hàm các quá trình toàn cầu hoá đã diễn ra sau những năm 60. Sassen [1997] cũng cho thấy các quá trình này bao gồm toàn cầu hoá sản xuất công nghiệp và sự phát triển đầy đủ các lĩnh vực tài chính ở phạm vi thế giới. Ngày nay các thành phố thế giới đã có vai trò là “những quá trình tập trung thông tin khổng lồ” về các cơ hội đầu tư, các thị trường, về việc quản lý và thực tế đó đã tạo điều kiện cho sự phát triển “một hạ tầng rộng lớn bao gồm các điểm nút chiến lược với mức độ siêu tập trung của các phương tiện”. Hiện nay các chính phủ ra sức chạy đua trong cuộc cạnh tranh nhằm tái cấu trúc lại các vùng đô thị chủ yếu của nó nhằm dành được vị thế thành phố thế giới bằng cách tạo ra môi trường cho tư bản toàn cầu và để sản xuất các dịch vụ hỗ trợ cho phép “tăng tập trung hoá các chức năng kiểm soát xuyên quốc gia là cái cần thiết để quản lý các hoạt động và các liên kết rải khắp toàn cầu”. Vì vậy các thành phố thế giới đã được coi là những điểm kiểm soát và các trung tâm quyền lực và ra quyết định [Clarke 1996].
Có sự phân biệt các tiêu chuẩn để xác định một thành phố thế giới hoặc phân loại các thành phố hiện tồn trên thế giới. Ba học giả chủ yếu đã đưa ra các quan điểm của họ về vấn đề có liên quan. Theo Friedmann [1995] thì có bốn tiêu chuẩn: 1) số lượng các trụ sở của các thể chế quốc tế; 2) sự tăng trưởng nhanh của khu vực doanh nghiệp; 3) các phương thức giao thông vận tải chủ yếu; 4) sự tồn tại của một trung tâm tài chính chủ chốt. Simon [1995] đã giảm các tiêu chuẩn chủ yếu xuống còn ba, nhưng lại đưa thêm các phương tiêu chuẩn mới: 1) sự tồn tại của một phức hợp dịch vụ tài chính tinh xảo phục vụ cho một nhóm khách hàng toàn cầu; 2) một cấp độ mạng lưới quốc tế của các dòng thông tin truyền thông về vốn; và 3) một chất lượng sống cho phép hấp dẫn và lưu giữ được những người di cư quốc tế có kỹ năng lao động cao. Ngoài ra Short và các cộng sự [1996] cũng liệt kê tám loại chức năng thể hiện một thành phố có vị thế thế giới. Đó là: 1) tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm); 2) các trụ sở công ty xuyên quốc gia (sản xuất/phân phối hàng hoá); 3) bốn dịch vụ bắt buộc (các dịch vụ cho nhà sản xuất công nghệ cao: giáo dục, y tế, bảo hiểm, giải trí); 4) giao thông vận tải (hàng không, hàng hải); 5) thông tin (sáng tạo, xử lý, phân phối); 6) hệ tư tưởng/chính trị (các mối liên hệ giữa xã hội dân sự và hoạt động kinh tế của chính phủ; 7) văn hoá (“sản xuất”/phân phối); và 8) các sự kiện “ngoạn mục” tầm cỡ thế giới.
Sự hình thành hệ thống thành phố thế giới có một tác động lớn theo cách thức chiến lược phát triển vùng được xác lập tại nhiều quốc gia khác nhau vì nó có một ý nghĩa quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của đất nước. Việc thay đổi lợi thế so sánh từ các nguồn tự nhiên sang “các tài sản được sáng tạo ra” [UN 1994] bao gồm những khoản đầu tư vào môi trường đã được xây dựng là một thách thức mới mà ngày nay các quốc gia đều phải đối mặt. Douglass [1998] đã đưa ra câu hỏi liên quan đến vấn đề này: 1) các thành phố có thể phát triển cũng như suy thoái vì cạnh tranh liên thành phố tăng ở quy mô quốc tế không?; và 2) việc xây dựng một thành phố thế giới có thể được tăng tốc và có thể đạt được thông qua các can thiệp chính sách có mục đích của chính phủ không? Khi suy ngẫm về các câu hỏi này, ông đã thừa nhận rằng hiện tượng xây dựng một thành phố thế giới là một quá trình cạnh tranh năng động chứ không phải là một kết thúc phát triển. Vì vậy sẽ không có gì đảm bảo rằng các thành phố đang đứng ở vị trí đầu bảng vẫn sẽ tiếp tục duy trì được vị trí của nó; và các thành phố, thông qua quy hoạch chiến lược hoàn toàn có thể chiếm lĩnh được một vị thế như vậy. Liên quan đến vấn đề này, ông viện dẫn sự chuyển mình gần đây của các chính phủ ở Châu Á hướng đến cái mà ông gọi là “sự hình thành thành phố thế giới có tính hướng đích”. Tại Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu An cư Nhân văn (Korea Research Institute for Human Settlements - KRIHS) đã xây dựng kế hoạch phát triển Seoul trở thành một trung tâm toàn cầu chủ chốt. Để đạt được mục đích này, người ta đã thiết lập một qui hoạch không gian và đã xác định những siêu-dự án chủ đạo trong đó có nhiều dự án nằm ngoài lãnh thổ quốc gia Hàn Quốc.
Hồng Kông, một trung tâm ngân hàng và truyền thông của vùng Châu Á Thái Bình Dương vừa mới xây dựng xong một sân bay tầm cỡ thế giới mới vì vậy mà đã tăng cường được vị thế của nó trong cạnh tranh toàn cầu. Singapore bên cạnh việc củng cố Sân bay Quốc tế Changi để cạnh tranh với Hồng Kông đã bắt đầu thực hiện các kế hoạch để trở thành một trung tâm thông tin Châu Á và Thế giới. Họ đã kiến tạo các “habitats khoa học” (science habitats) bao gồm “các môi trường làm việc - sống - học tập và giải trí tổng thể, đồng hợp chất lượng cao” để thu hút và lưu giữ các tài năng hàng đầu, đồng thời xây dựng công viên tài chính viễn thông số một trên thế giới cho các hệ thống truyền thông và computer [Corey 1997]. Malaysia cũng chứng tỏ một tham vọng lớn trong việc tạo đà cho Kuala Lumpur trở thành một thành phố thế giới. Bắt đầu bằng việc xây dựng toà Tháp đôi cao nhất thế giới, nước này đã xúc tiến kế hoạch phát triển một khu trung tâm văn phòng xung quanh toà tháp đó. Thành phố sẽ kết nối với một sân bay quốc tế được thiết kế để trở thành trung tâm toàn Châu Á. Một Siêu Hành lang Đa phương tiện cứng hoá với hạ tầng viễn thông tối tân đã được lắp đặt nhằm tạo ra các thành phố “kỹ thuật số” và các hành lang liên đô thị [Mercado R.G. 2003].
17. Vùng kinh tế siêu đô thị
Vào những năm 70 hầu hết tư duy và chính sách về các vùng đô thị trung tâm đều nhằm làm chậm lại mức độ tăng trưởng của nó bằng cách phát triển các vùng khác của đất nước. Vào những năm 1990 bằng lập luận dựa trên việc kiểm soát sự tăng trưởng của nó, định hướng chính sách đã thay đổi nhằm quản lý tốt hơn các vị trí này. Hơn nữa điều đó liên quan đến quan điểm cho rằng các vùng trung tâm đô thị lớn tạo ra thịnh vượng, việc làm, tư tưởng, lợi nhuận và sự tăng trưởng của nó là có lợi cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Việc quản lý tốt các đô thị trung tâm cũng gắn liền với mục đích phát triển bền vững vì đó là những vấn đề hàng đầu của quá trình phát triển. Tuy nhiên người ta cũng thấy rõ rằng với qui mô sẵn có, với mật độ dân số cao, các vùng đô thị trung tâm mắc phải hàng loạt vấn đề nghiêm trọng về môi trường, đất đai, quản lý giao thông [Stubbs and Clarke, 1996]. Sự tăng trưởng chắc chắn và không thể dự đoán trước trong khu vực đô thị và nhu cầu quản lý trí tuệ được coi là thách thức chính khi tương lai nhân loại chủ yếu mở ra bằng con đường đô thị [Fuchs 1994]. Siêu đô thị là thuật ngữ được sử dụng để mô tả một thành phố mà dân số của nó vượt quá 8 triệu người (theo định nghĩa của Liên hợp quốc (UN) 1980) hoặc 10 triệu theo các văn liệu mới đây [Clarke 1996]. Trong khi định nghĩa này chỉ dựa trên quy mô dân số thì tính chất phức tạp của một siêu đô thị và vai trò ngày càng tăng của nó trong quá trình phát triển không ngừng mở rộng. Vì vậy cần phải xây dựng chính sách và hệ thống đánh giá dựa trên một tập hợp toàn diện các tiêu chuẩn đã được đề xuất để phân loại các siêu đô thị, bao gồm cả các nguồn tài chính, cấu trúc công nghiệp/thương mại, vai trò chính trị, các phương tiện giáo dục, nguồn nhân lực khoa học, các chức năng dịch vụ, và vị trí của nó trong hệ thống thế giới. Trong khi đó các siêu đô thị được xác định dựa vào định nghĩa mới đây nhất với 10 triệu dân hoặc nhiều hơn. Vào thời gian 1994 đã có 14 siêu đô thị trong đó có 9 ở Châu Á. Vào năm 2015 dự tính sẽ có 28 thành phố, trong đó 17 sẽ là các thành phố thuộc Châu Á [Goldstein 1994].
Năm 1994 một hội nghị chủ yếu được ADB (Asian Development Bank), WB (World Bank) và Liên hợp quốc (United Nations) đồng tài trợ đã thực hiện các nghiên cứu quản lý siêu đô thị vì chúng liên quan đến các cấu trúc thể chế, quản lý môi trường, quản lý giao thông, quản lý đất, phát triển khu vực tư nhân, phát triển tài chính trong cả viễn cảnh vĩ mô và các kinh nghiệm riêng của các siêu đô thị cùng các mối quan tâm đó [Stubbs and Clark, 1996]. Hội nghị đã đưa ra các khuyến nghị về các vấn đề sau: i) củng cố các chính quyền địa phương bằng cách ra các quyết định minh bạch hơn và cải thiện điều phối cả theo chiều dọc và chiều ngang; ii) điều tiết nhu cầu về các dịch vụ chẳng hạn như nhu cầu về cấp nước và giao thông tư nhân; iii) giảm việc gây thêm chất thải và ô nhiễm; iv) làm cho đất sinh lợi và chuyển giao đất hiệu quả hơn; v) tư nhân hoá các dịch vụ và/hoặc các hoạt động liên quan đến việc cung cấp dịch vụ ở những nơi mà khu vực tư nhân có thể thực hiện hiệu quả hơn khu vực công cộng; vi) tăng cường trách nhiệm của người sử dụng các dịch vụ chẳng hạn như cấp nước và giao thông công cộng, tạo ra lợi nhuận cao hơn từ thuế tài sản; và vii) khai thác tốt hơn các nguồn vốn phi chính phủ. Báo cáo cũng đã nhấn mạnh đến những thách thức mà các thành phố phải đối mặt và đã đưa ra quan điểm cho rằng việc quản lý tốt các thành phố có thể tạo ra một môi trường kinh tế cung cấp nhiều cơ hội việc làm và đa dạng hoá các hàng hoá và dịch vụ hơn [Stubbs and Clark, 1996].
18. Đô thị hoá vùng kinh tế
Khuynh hướng đô thị hoá và phát triển các thành phố rất lớn tại các quốc gia đang phát triển đang trở thành mối quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu thế giới. Vào năm 2000 người ta đã ước tính 45% dân số các nước đang phát triển sống trong các vùng đô thị [Oberai 1993: 58-73]. Các thành phố này thường tạo ra những trung tâm nghèo đói, bất bình đẳng thu nhập, ô nhiễm môi trường và nhiều vấn đề xã hội kèm theo. Nhưng dù sao đô thị hoá vẫn được đánh giá là một tiến trình cần thiết và quan trọng của phát triển, đặc biệt là phát triển vùng. Giờ đây người ta đã thừa nhận rằng đô thị hoá được tạo bởi một trào lưu hướng tới năng suất và hiệu xuất kinh tế tăng, và nói chung nó đem lại nhiều lợi ích. Mặc dù di cư không phải là nguồn chính của hiện tượng tăng trưởng dân số đô thị nhưng những người di cư trẻ tuổi đã làm tăng tỷ lệ dân số đáng kể khi họ tới sống tại đô thị và làm cho tỷ lệ sinh tăng và tỷ lệ chết giảm. Tại các nước đang phát triển đô thị hoá chủ yếu bắt đầu bằng các dòng lao động thừa ở vùng nông thôn đổ vào đô thị. Vì khu vực nông thôn không đủ sức đảm bảo cho số cư dân này nên đô thị hoá và sự phát triển của các thành phố đã trở thành một tất yếu. Trong khi đó các thành phố cũng không cung cấp đủ việc làm cho lực lượng lao động dư thừa này nên đã xuất hiện tình trạng nghèo đói đô thị do đô thị hoá quá nhanh. Ngoài ra người di cư còn phải đối mặt với một trạng huống khác, đó là họ bị hút vào các thành phố bởi các lực kinh tế rất mạnh với hy vọng tìm được cơ hội cải thiện việc làm và chất lượng sống. Về phương diện lý thuyết, các yếu tố quyết định di cư thường là những lực lượng quyết định vị trí tạo ra việc làm - thực chất và mô thức công nghiệp hoá, bước phát triển của nông nghiệp, và sự tăng trưởng của các mạng lưới giao thông và thông tin truyền thông. Trên thực tế không phải là những người di cư quyết định tỷ lệ và mức độ đô thị hoá mà chính là vị trí và tỷ lệ tăng trưởng của công nghiệp và nông nghiệp tạo thêm việc làm trong các vùng này đã quyết định quá trình đô thị hoá [Oberai 1993: 58-73].
Hiệu quả kinh tế đặc trưng cho quá trình đô thị hoá vùng có thể được xem xét bằng mô hình quá trình kinh tế đơn giản hoá. Đô thị hoá vùng đóng góp cho sự phát triển vùng bằng cách tăng hiệu quả và đầu ra cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Với các quá trình ngắn hạn hiệu quả được tạo ra thông qua sự di chuyển lao động đến một vị trí có năng suất cao hơn, đó là các khu vực đô thị. Lợi thế kinh tế rõ ràng nhất của các đô thị chính là năng suất sinh ra từ ba điều kiện kinh tế. 1) Trước hết các thành phố tạo ra các lợi thế qui mô kinh tế đô thị trong đó bao gồm hai thị trường đều lớn, đó là thị trường cung và thị trường cầu, nhưng quan trọng là hai thị trường này lại là một về phương diện không gian. Yếu tố không gian này đã giúp tối thiểu hoá chi phí sản xuất trung bình, đặc biệt là các loại phí vận tải và phí truyền thông, giao tiếp được giảm đi đáng kể. 2) Thứ hai, lợi thế tập trung kinh tế trong các thành phố cũng làm tăng năng suất. Việc các xí nghiệp cùng loại hoặc có liên quan đến nhau tập hợp thành cụm làm tăng đáng kể các hiệu suất bổ sung cũng giúp làm giảm các chi phí. 3) Cuối cùng, các thành phố có các lợi thế vị trí hơn hẳn trong việc tăng hiệu suất, chẳng hạn sự có sẵn của các nguồn tự nhiên trên thị trường cùng mạng lưới giao thông vận tải. Lợi thế năng suất ở các thành phố rất lớn,các nhà kinh tế học vùng ước tính vào khoảng 60% GDP của các nước đang phát triển được tạo ra tại các khu vực đô thị, mặc dù các khu vực này chỉ chiếm 1/3 dân số [Peterson 1991: 17].
Hiệu suất cao của các vùng đô thị cho phép trả lương cao cho người lao động. Khi thu nhập tăng thì các khoản tiết kiệm cũng tăng và làm tăng thêm nguồn vốn cho công nghiệp hoá. Mặc dù các nhu cầu vốn ban đầu ở các vùng đô thị thường cao hơn so với các vùng nông thôn nhưng việc đầu tư vào vùng đô thị sẽ đưa lại các lợi ích to lớn về y tế, xã hội và thương mại so với vùng nông thôn. Kích thích tố thứ hai đối với tăng trưởng đô thị khi thu nhập tăng là các hiệu ứng Engel (Engel’s law). Người tiêu dùng sẽ chi tiêu với một tỷ lệ cao khoản thu nhập bổ sung để mua sắm các loại hàng xa xỉ và dành một tỷ lệ nhỏ cho các hàng hoá cơ bản. Do đó tăng thu nhập sẽ hạ thấp toàn bộ khoản chi cho các nhu cầu thiết yếu như lương thực chẳng hạn. Như vậy có nghĩa là cấu trúc cá nhân bắt đầu thay đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các hàng hoá phi lương thực chẳng hạn như chăm sóc sức khoẻ, nhà cửa, các loại hàng gia công, kích thích mở rộng thêm khu vực công nghiệp [Williamson 1991: 247]. Quá trình mở rộng này dẫn đến tăng cơ hội có việc làm vì vậy cũng làm tăng mức di động của các yếu tố lao động, trước hết là di cư. Tuy nhiên vì mật độ dân số các vùng đô thị tiếp tục tăng thì giá đất và các chi phí chung cho cuộc sống sẽ tăng theo bằng cách thu hẹp khoảng cách lương thực tế giữa việc làm ở nông thôn và ở vùng đô thị. Tuy nhiên vượt khỏi một điểm phát triển đô thị thì các lợi ích biên của lợi thế qui mô và lợi thế tập trung kinh tế sẽ giảm đi nhanh chóng. Các hiệu ứng này được sử dụng để làm chậm các quá trình di cư và đô thị hoá, vì về phương diện lý thuyết có thể đạt được kích cỡ đô thị cân bằng ở những nơi mà các lực lượng tạo điều kiện cũng như cản trở tăng trưởng đô thị sẽ cân bằng. Đô thị hoá một cách hiệu quả sẽ thực sự tạo ra một mạng lưới tích hợp đô thị trong đó mối vùng đô thị chuyên môn hoá vào một số hoạt động kinh tế khác nhau [Oberai 1993: 60 - 67]. Cuối cùng hiệu quả dài hạn của đô thị hoá sẽ làm tăng mức thu nhập trong toàn bộ nền kinh tế.
Trong những năm gần đây, một số học giả đã cố gắng cảnh báo về sự sùng bái quá đáng các thành phố mà bỏ quên nông thôn, vì vậy họ đã đưa ra lý thuyết phát triển vùng tổng hợp đô thị và nông thôn. Koppel [1991] cho rằng cần phải thừa nhận sự tồn tại của hiện tượng phân đôi trong khuôn khổ mật độ dân số và văn hoá vật chất và không thể phủ nhận được rằng vẫn phải có những vùng nông thôn. Tuy nhiên giới nghiên cứu đã chưa thể tìm ra được một lập trường trung dung cho việc định nghĩa phát triển giữa hai khu vực thay cho việc nhấn mạnh duy nhất chiều góc đô thị. Ông cho rằng phát triển đã hầu như trở thành đồng nghĩa với đô thị và vì vậy mà luôn luôn bị cuốn hút vào việc định nghĩa quá trình chuyển đổi nông thôn – đô thị của một vùng là cận-đô thị hoá hoặc trung điểm của liên thể nông thôn-đô thị là “cận-đô thị”. Ông cũng gợi ý rằng cần phân tích kinh tế - xã hội ở các vùng tương tác đang nổi lên ấy không phải với tư cách là dạng chuyển tiếp mà là những dạng riêng biệt độc lập với các tác động nông thôn hoặc đô thị. Một số tác giả đã định nghĩa các vùng mới này là các vùng đô thị trung tâm mở rộng [Ginsburg, 1991; McGee, 1991], là đô thị trung tâm phân tán [Jamieson,1991] và vùng xen cài đô thị trung tâm. Những thái độ dè dặt về các thuật ngữ này đã thể hiện rõ khi họ gợi ý khái niệm “mảnh vãi đô thị” hoặc là sự mở rộng các khu vực xây dựng một thành phố lớn hơn là xuất hiện hoặc nhận ra các liên kết giữa hai khu vực này.
Douglass [1998] đã khẳng định rằng sự phân đôi nông thôn – đô thị không còn hữu dụng với tư cách là những loại hình tổ chức mới của sản xuất, công nghệ nữa, và tính di động lao động đã xuất hiện thông qua các khả năng siêu việt của viễn thông và các mạng lưới giao thông cũng như công nghệ sinh học. Sau đó ông cho rằng quan niệm thay thế cho sự phát triển nông thôn tái định nghĩa các vùng nông thôn không còn chỉ có duy nhất nông nghiệp với các thôn làng nữa mà còn là “một phần của mạng lưới vùng và đô thị mở rộng vượt khỏi nông thôn vươn tới các phạm vi toàn cầu”. Mô hình mạng lưới vùng được ông đề xuất là loại gạt bỏ mô hình cực/trung tâm tăng trưởng trong khuôn khổ mở rộng các khu vực kinh tế không giới hạn ở hệ thống gia công đô thị. Đó là một hệ thống đô thị bình diện bao gồm một số trung tâm kết nối với các vùng nội địa, một trường tương tác phức hợp nông thôn – đô thị với các kích thích tố tăng trưởng nảy sinh từ cả các vùng nông thôn lẫn đô thị và sự phụ thuộc vào các hệ thống quy hoạch giải tập trung, đòi hỏi những can thiệp chính sách không chỉ liên quan đến công nghiệp mà còn liên quan đến công-nông nghiệp, đến việc gia công dựa trên các nguồn và sự đa dạng hoá nông nghiệp cũng như các dịch vụ đô thị ở mức độ đáng kể.
19. Xác định ưu tiên phát triển vùng kinh tế
Theo cách hiểu thông thường, xác định ưu tiên là một thao tác kế hoạch có tính khoa học, dựa trên yêu cầu của những nhiệm vụ phải được thực hiện, người ta đánh giá tính cấp thiết, mức độ phức tạp, tầm quan trọng, hiệu quả và phạm vi ảnh hưởng của kết quả cuối cùng của nhiệm vụ, hoặc hành động đối với các mục tiêu đã được đề ra để ưu tiên cung cấp các nguồn: thời gian, nhân lực, tài chính, vật tư, công nghệ, chính sách, thể chế v.v...theo các tiêu chí định tính và định lượng bao gồm: i) cung cấp nguồn lực thời gian bằng cách sắp xếp cấp độ ưu tiên theo trật tự và độ dài (trước, sau; ngắn hạn, trung hạn, dài hạn); ii) cung cấp nguồn nhân lực bằng cách sắp xếp cấp độ ưu tiên về số lượng (ít, trung bình, nhiều); về chất lượng (bình thường, khá, giỏi); iii) cung cấp nguồn lực tài chính bằng cách sắp xếp cấp độ và qui mô ưu tiên (thấp, trung bình, cao; nhỏ, vừa, lớn hoặc ít, trung bình, nhiều); iv) cung cấp nguồn lực vật tư bằng cách sắp xếp cấp độ và qui mô ưu tiên (thấp, trung bình, cao; nhỏ, vừa, lớn hoặc ít, trung bình, nhiều); v) cung cấp nguồn lực công nghệ bằng cách sắp xếp các ưu tiên theo cấp độ hiện đại (thấp, trung bình, cao, v.v...); vi) cung cấp nguồn lực chính sách và thể chế bằng cách sắp xếp thứ bậc ưu tiên theo mức độ tạo thuận lợi cho phát triển (ít, trung bình, nhiều, rất nhiều; hoặc thấp, trung bình, cao, rất cao).
Trong phạm vi bài viết này khái niệm xác định ưu tiên phát triển bền vững vùng kinh tế cũng được hiểu theo cách thức trên. Đất nước đang đứng trước một nhiệm vụ to lớn với những khối lượng công việc đồ sộ khác nhau cần phải được tiến hành, đó là phát triển bền vững các vùng kinh tế của cả nước trong điều kiện các nguồn lực được cung cấp để thực hiện nhiệm vụ đó là hữu hạn về cả về thời gian, nhân lực, tài chính, vật lực, công nghệ và các nguồn lực khác, v.v...Thực tế đây là một quá trình tái tổ chức toàn bộ nền kinh tế - xã hội của đất nước theo những cách thức không những chưa hề có, mà còn trái ngược hẳn với các tiền lệ trong lịch sử dân tộc, đó là: i) phương thức tổ chức thực hiện dựa trên cơ sở khoa học; ii) phương thức phát triển đất nước bằng mở cửa, hội nhập trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang biến đổi hàng ngày. Vì vậy mức độ phức tạp của việc thực hiện nhiệm vụ là rất cao và phạm vi ảnh hưởng của các kết quả đạt được là rất to lớn, và có tính quyết định đối với tương lai phát triển của đất nước. Đứng trước một sứ mệnh trọng đại như vậy, những người có trách nhiệm, đặc biệt là các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đất nước không thể có một lựa chọn nào khác hơn là thực hiện nhiệm vụ của mình một cách khoa học, dựa trên những tiền lệ phổ biến của nhân loại hiện đại, kết hợp với thực tế Việt Nam để đúc rút được các cơ sở lý thuyết và thực tiễn hữu ích cho việc xác định các ưu tiên phát triển vùng kinh tế của đất nước.
_____________________________________
Còn nữa...
Tài liệu tham khảo
Clarke, Giles 1996. Megacity Management: Trends and Issues. In Megacity Management in the Asian and Pacific Region, Volume 1. ADB, Manila.
Corey, Kenneth 1997. Digital Dragons and Cyber Communities; the Application of Information Technology and Telecommunications Public Policies and Private Partnerships to the Planning of Urban Areas. International Journal of Urban Science, 1:2, 184-209
Douglass, Mike 1998. Globalization, Inter-City Network and Rural Urban Linkages: Rethinking Regional Development Theory and Policy. Paper presented at the UNCRD sponsored Global Forum on Regional Development Policy, 1-4 December, Nagoya, Japan.
Friedman, M. 1995. From outcomes to budgets: An approach to outcome based budgeting for family and children s services. Washington, DC: Center for the Study of Social Policy.
Fuchs Roland, Ellen Brennan, Joseph Chamie, Fu-chen Lo and Juha Uitto (eds.) 1994. Megacity Growth and the Future, United Nations University Press, Tokyo, New York, Paris.
Ginsburg, Norton, Bruce Koppel, and Terry McGee (eds.) 1991. The Extended Metropolis: Settlement Transition in Asia. Honolulu: University of Hawaii Press.
Goldstein, Sidney 1994. Demographic Issues and Data Needs for Megacity Research. In Megacity Growth and the Future, Roland Fuchs, Ellen Brennan, Joseph Chamie, Fu-chen Lo and Juha Uitto (eds.) United Nations University Press, Tokyo, New York, Paris.
Jamieson N. 1991. Dispersed Metropolis in Asia: Attitudes and Trends in Java.
Koppel, Bruce 1991. The Rural-Urban Dichotomy Reexamined: Beyond the Ersatz Debate. In The Extended Metropolis (Settlement Transition in Asia), Norton Ginsburg, Bruce Koppel and T.G. McGee, eds., University of Hawaii Press, Honolulu.
McGee, Terry 1991. The Emergence of Desakota Regions in Asia: Expanding a Hypothesis.
Mercado R.G. 2003. Regional Development in the Philippines: A Review of Experience, State of the Art and Agenda for Research and Action. Philippines Institute for Development Studies – Discussion Paper Series No. 2002 – 2003.
Oberai A. S. 1993. Population growth, employment and poverty in thirdworld mega-cities: analytical and policy issues. New York: St. Martin's Press, xv-224 p.
Peterson George E., G. Thomas Kingsley and Jeffrey P. Telgarsky 1991. Rethinking the Role of Urban Areas in National Economic Development. In Urban Economies and National Development, editedby George E. Peterson, G. Thomas Kingsley and Jeffrey P. Telgarsky, Policy Research Series, USAID Washington, D. C., 1991, Chapter 1, pp. 5-21.
Phạm Văn Linh 2001. Các khu kinh tế cửa khẩu biên giới Việt – Trung và tác động của nó tới sự phát triển kinh tế hàng hoá ở Việt Nam (Sách tham khảo). Nxb. Chính trị Quốc gia.
Porter, Michael 1998. On Competition. Boston: Harvard Business School Press.
Sassen, S. 1997. Cities in the Global Economy, International Journal of Urban Sciences, 1:1, 11-31.
Short, J.R., Y. Kim, M. Kuus and H. Wells 1996. The Dirty Little Secret of World Cities Research: Data problems in Comparative Analysis. International Journal of Urban and Regional Research, 20:4, 697-717
Simon, D. 1995. The World City Hypothesis: Reflections From the Periphery. InWorld Cities in a World System, ibid.
Stubbs, Jeffry and Giles Clark (eds.) 1996. Megacity Management in the Asia and Pacific Region. Volume One, ADB/UNDP/UNCHS (Habitat)/World Bank, ADB, Manila.
Sutcliffe R.B. 1971. Industry and Underdevelopment. Addison - Wesley Publishing Company, London.
UN, Division for Sustainable Development. 1995. Indicators of Sustainable Development: Guidelines and Methodology (Approved by the Commission on Sustainable Development at its Third Session in 1995).
UN 2008. Indicators of Progress: Guidance on Measuring the Reduction of Disaster Risks and the Implementation of the Hyogo Framework for Action. Indicators of Progress Published by the United Nations secretariat of the International Strategy for Disaster Reduction (UN/ISDR), Geneva, Switzerland January 2008 © United Nations, 2008 © UN/ISDR.
Williamson J.G. 1991. The Macroeconomic Dimensions of City Growth in Developing Countries: Past, Present and Future. In Proceedings of the World Bank Annual Conference on Development Economics, 1991, 1992, pp. 241-266.
Nhận xét
Đăng nhận xét