Lễ ký kết hợp tác của doanh nghiệp tại MDEC Cà Mau 2011. Ảnh: CTV
|
Liên kết để phát triển là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế thị trường và yêu cầu này được đặt ra nhiều năm qua, nhưng các liên kết vẫn “nghẽn” vì từ lý luận đến thực tiễn còn nhiều việc chưa giải quyết thấu đáo. Do vậy, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, vấn đề liên kết vùng đang cần một tư duy mới để giải quyết bất cập, giúp mối liên kết vận hành hiệu quả.
Từ lý luận đến thực tiễn: nhiều rào cản
Cả nước hiện có 6 vùng kinh tế trọng điểm; vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Đề án thành lập vào năm 2009 (Quyết định 492/2009/QĐ-TTg ngày 16-4-2009) gồm 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Từ năm 2007 đến nay, thông qua các Diễn đàn Hợp tác kinh tế (MDEC), lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL, cùng các bộ ngành Trung ương đã ra tuyên bố chung khi kết thúc diễn đàn hằng năm, chủ yếu tập trung vào các kiến nghị chính sách cho vùng, hoạt động mời gọi đầu tư, xúc tiến, quảng bá hình ảnh… nhưng có nhiều kiến nghị chưa được giải quyết thỏa đáng, các liên kết còn mờ nhạt. Hơn nữa, việc “phân vai” để thực hiện liên kết chưa cụ thể, nặng tư duy địa giới hành chính địa phương. Tại hội nghị tổng kết tình hình kinh tế- xã hội ĐBSCL năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức đầu tháng 2-2013, phần lớn các ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng đều cho rằng ĐBSCL cần “nhạc trưởng” xâu chuỗi liên kết đưa vùng phát triển bền vững. Quyết định 492/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định: Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, có đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước… Song, phần lớn các sản phẩm chủ lực này vẫn tự “bơi” ra biển lớn, các địa phương có điều kiện tương đồng trong sản xuất các sản phẩm này chưa có liên kết sản xuất, quy hoạch vùng, xúc tiến thương mại… Chính sự khu biệt trong phát triển này vô tình làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: “Nhu cầu liên kết vùng tại ĐBSCL có và cấp thiết, nhưng đến nay chưa có nghiên cứu nào thực sự khả thi. Các cơ chế, chính sách đề xuất cho vùng từ các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo, các địa phương trong vùng đưa ra thảo luận đều chưa tìm được tiếng nói chung, do vướng nhiều cơ chế, chính sách pháp luật. Đơn cử như việc liên kết làm du lịch, ĐBSCL ký kết hợp tác với TP HCM, nhưng vẫn chưa tạo được mối liên kết bền chặt. Trên thực tế các sản phẩm du lịch của ĐBSCL còn nghèo nàn, na ná nhau, nên chưa hút được du khách, do chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, đại diện cho từng tiểu vùng sinh thái khác nhau”. Ông Sương cho rằng, xây dựng liên kết vùng, trước hết phải vượt qua ranh giới hành chính địa phương và làm thay đổi nhận thức của từng cán bộ đứng đầu địa phương, đặt lợi ích vùng lên trên lợi ích địa phương. Có như vậy mới vực dậy ĐBSCL thoát cảnh đầu tư manh mún, nhiều sản phẩm chủ lực, nhưng thu nhập của người dân vẫn thấp.
Các chuyên gia nghiên cứu về liên kết vùng đưa ra nhận định là: phát triển liên kết vùng cần bắt đầu từ sản phẩm đặc thù để đề xuất quy hoạch, xây dựng liên kết mới phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, từ lý luận đến thực tiễn cuộc sống còn nhiều việc phải tính toán chi ly. Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tìm hiểu về liên kết vùng, tiến sĩ Nguyễn Văn Huân, Phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế vùng (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng: liên kết vùng phải dựa trên liên kết dọc, ngang. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, tác động của nền kinh tế thị trường, các dòng chảy văn hóa, dịch chuyển dân cư, những sự cố môi trường… là những vấn đề buộc các địa phương phải liên kết lại với nhau để giải quyết bất cập nảy sinh. Song, các vùng kinh tế đang trong tình trạng rối quy hoạch, các quy hoạch của địa phương “đá” với quy hoạch Trung ương, mâu thuẫn này không giải quyết lâu ngày trở thành căn bệnh khó chữa. Trên mảng quy hoạch đô thị, trong công tác quy hoạch hiện nay của các bộ, ngành Trung ương và địa phương lại tách rời khỏi không gian nông thôn, điều này khiến khoảng cách giàu- nghèo ngày càng nới rộng. Cụ thể như: TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long có chung dòng sông Hậu, Cần Thơ quy hoạch khu đô thị Nam Cần Thơ, tạo cảnh quan, điểm nhấn và giải quyết nhà ở cho cư dân đô thị, thì bên kia sông, Vĩnh Long lại quy hoạch khu công nghiệp Bình Minh, những ngành nghề thu hút vào khu công nghiệp này (thủy sản, các ngành hóa chất…) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân khu đô thị Nam Cần Thơ. Hay TP HCM đã ký kết hợp tác với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhưng hầu hết các biên bản ký kết này không được đưa vào trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Do vậy, cần nhận diện vùng đặt trong tương quan kinh tế quốc tế, nhận diện thực trạng, điểm yếu, mạnh để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh.
Cần tư duy mới
Ngày 6-2-2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án liên kết vùng ĐBSCL) đã có văn bản gởi các địa phương để lấy ý kiến đóng góp hoàn chỉnh đề án. Theo đó, liên kết bắt buộc được xác định gồm: liên kết quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi; đào tạo nhân lực; quy hoạch khu kinh tế; quy hoạch xây dựng bệnh viện… Còn liên kết tự nguyện thì được phân theo ngành, sản phẩm đặc thù của vùng (trái cây, thủy sản, gạo…). Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp cùng viện, trường trong vùng xây dựng cơ chế liên kết riêng cho ngành gạo, thủy sản, trái cây để đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế phù hợp với tình hình mới. Hiện các nghiên cứu liên kết vùng ĐBSCL đang được các bộ, ngành Trung ương và địa phương phối hợp thực hiện. Theo đánh giá của các chuyên gia, các bộ ngành Trung ương và địa phương, các ký kết hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL với TP HCM, với các vùng kinh tế khác cả nước chưa đi vào cụ thể, chung chung, nên chưa tạo ra chuỗi liên kết thống nhất. Vấn đề liên kết đã được đặt ra từ lâu và có nhiều bài học kinh nghiệm, tuy nhiên để có đáp án tốt rất cần tư duy mới trong cách nhìn nhận, giải quyết mấu chốt liên kết.
Vừa qua, đồng chí Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương do tiến sĩ Trần Kim Chung, Phó viện trưởng dẫn đầu đến để tìm hiểu về liên kết vùng tại ĐBSCL, đồng chí Sương đề nghị viện nghiên cứu và đề xuất cơ chế liên kết vùng khả thi cho ĐBSCL. Tiến sĩ Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: nghiên cứu liên kết vùng trước hết cần rà soát lại các chủ trương, chính sách từ Trung ương đối với vùng, xác định chủ thể liên kết, yếu tố tạo vùng, cấp độ vùng, cơ chế phối hợp, nguồn lực thực hiện và có chế tài thực hiện. Đặt vùng trong sự phát triển, giao thoa với các vùng kinh tế khác cả nước; các quy hoạch phải mang tính vùng (sự tương tác giữa các địa phương trong quy hoạch). Trước mắt là nghiên cứu dựa vào các sản phẩm chủ lực (gạo, cá, tôm, trái cây) của ĐBSCL để xây dựng các mối liên kết, từ đó mở rộng không gian liên kết.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huân, Phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế vùng (Viện Kinh tế Việt Nam) nói: “Muốn xác định cơ chế liên kết cần đánh giá các chính sách, cơ chế từ Trung ương thời gian qua đã thúc đẩy kinh tế vùng phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh vùng. Phân tích cho được xu hướng mới và định dạng sự phát triển của ĐBSCL trong tương lai. Cần kế thừa chính sách, cơ chế cũ có hiệu quả để phát triển nâng tầm thành chính sách mới hoàn chỉnh”. Các chuyên gia nghiên cứu về liên kết vùng đều chung nhận định: ĐBSCL cần có liên kết ngang, dọc chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, với các vùng kinh tế trọng điểm cả nước và quan trọng là phải đặt lợi ích vùng lên trên lợi ích địa phương. Và vấn đề cốt lõi là các chính sách nghiên cứu phải mang tính khả thi, ứng dụng thực tiễn cao để đơn vị thụ hưởng- ĐBSCL dựa vào đó phát huy.
Gia Bảo
Nhận xét
Đăng nhận xét