Chuyển đến nội dung chính

Rong ruổi cùng xe ôm là cháu nội Vua Thành Thái


Vài lời: Một bài phóng sự hay của anh bạn bên Báo Lao Động. Mình có biết một chi tiết liên quan đến ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu, lúc mình còn công tác tại Văn phòng UBND tỉnh Cần Thơ. Bài PS có nhắc năm 2005, ông Vĩnh Giu được tặng nhà tình thương, thật ra là vào khoảng năm 2001-2002, mình không nhớ rõ, nhưng chắc chắn là không phải là năm 2005 như trong bài phóng sự nêu (có thể do ông Nguyễn Phước Bảo Tài, con trai ông Vĩnh Giu nhớ không chính xác lắm). Vì thời đó chưa chia tỉnh Cần Thơ thành TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Phong Quang đang là Chủ tịch UBND tỉnh. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người chỉ đạo ông Chủ tịch tỉnh Cần Thơ cần xem xét hỗ trợ cho ông Vĩnh Giu nhà tình thương và một số tiền, khi biết ông này sống ở Cần Thơ trong cảnh túng quẫn. Qua đó, cũng thấy cái tình, tấm lòng của một tầm nhìn lớn.    

Không phải rong ruổi bằng xe song mã của thời vua chúa, hay xe hơi lộng lẫy của bậc vương giả, mà là đi xe ôm. Có một người cháu nội vua đang sống bằng nghề chạy xe ôm bằng chiếc xe gắn máy cũ kỹ.


Bảo Tài chở tác giả đi công tác.
Bảo Tài chở tác giả đi công tác. 

Tôi đã có một ngày được hoàng tôn Nguyễn Phước Bảo Tài - cháu nội Vua Thành Thái - chạy xe ôm đưa đi rong ruổi khắp miền sông nước Hậu Giang.

Hoàng tôn nhọc nhằn mưu sinh

Biết Nguyễn Phước Bảo Tài hành nghề chạy xe ôm, tôi đã “cắc cớ” thuê anh chở đi công tác ở Hậu Giang, một tỉnh giáp với TP.Cần Thơ. Bảo Tài cho biết, anh đã từng chở khách đi xa hàng trăm cây số, vì vậy chở tôi đi Hậu Giang (cách TP.Cần Thơ khoảng 50 cây số) là “chuyện nhỏ”. Đúng hẹn, tôi đến “bến xe” của anh - một quán cơm nhỏ dưới chân cầu Nguyễn Việt Dũng, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ. Bảo Tài đang tất bật “bưng bê” trong quán cơm không tên. Ngoài nghề chạy xe ôm, vợ chồng anh còn thuê một khoảnh đất nhỏ cất “chòi” mở quán cơm.

Bảo Tài bảo tôi ngồi đợi anh cho qua giờ “cao điểm” rồi đi. Quán cơm nằm giữa khu lao động, cạnh Trường Đại học Tây Đô, vì vậy mà toàn khách bình dân, rất đông lúc sáng sớm, nhưng chỉ sau 7 giờ là vắng tanh. Nhà vợ chồng Bảo Tài ở xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ), cách đó cả chục cây số. Hằng ngày, cứ khoảng 3 giờ sáng, vợ chồng anh rời khỏi nhà, đến quán. Trong khi vợ anh - chị Nguyễn Bích Thủy - lo “nổi lửa” nấu cơm thì Bảo Tài xuống chợ nổi Cái Răng mua rau cải, rồi ghé các lò mổ mua thịt đem về làm thức ăn. Xong anh quay về nhà chở đứa con gái nhỏ (đứa con duy nhất, bị bệnh thiểu năng) đến trường, rồi quay trở lại quán phụ vợ giờ cao điểm. Quá 7 giờ sáng mới là lúc anh bắt đầu 1 ngày chạy xe ôm.

Chuyện kể trên đường đi

Khi khách đến ăn cơm đã ngớt, Bảo Tài giao quán cho vợ, cùng tôi lên đường. Hành trang của anh cho một chuyến đi xa thật đơn giản: Chiếc giỏ nhỏ đựng chai nước, hộp cơm, chiếc võng, cái áo mưa và một ít thuốc (anh bị bệnh cao huyết áp). Anh cho biết, chạy xe ôm không được bao nhiêu tiền, nếu ăn uống dọc đường sẽ chẳng còn gì đem về gia đình, vì vậy phải mang cơm, nước uống theo.

Con đường mới mở nối thẳng TP.Cần Thơ với TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) thật thoáng đãng, mặt nhựa phẳng lỳ, xe các loại chạy như bay. Chỉ có Bảo Tài là chạy từ từ, tốc độ khoảng 40 – 50km/h. Anh cho biết, từ sau cái lần bị té xe, rồi thêm chứng bệnh cao huyết áp, anh luôn chạy xe chậm, đề phòng tai nạn. “Hầu hết khách đi xe đều hài lòng chuyện chạy chậm của tôi. Chỉ thỉnh thoảng mới có khách trẻ tuổi thúc tôi chạy nhanh. Bây giờ, ai cũng thấy tai nạn giao thông luôn rình rập, cẩn thận vẫn hơn” - Bảo Tài nói. Cũng nhờ xe chạy chậm mà tôi và anh có thể trò chuyện trên đường đi, những câu chuyện về một thời chưa xa mà ngỡ như là cổ tích.

Anh là 1 trong 7 người con của hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu – 1 trong 9 người con của Vua Thành Thái và hoàng phi Chí Lạc. Sau 31 năm bị lưu đày trên đảo Reunion, năm 1947 Vua Thành Thái và gia đình được thực dân Pháp cho về nước. Nhưng gia đình “nhà vua” không được sống bên nhau, cựu hoàng bị quản thúc ở Vũng Tàu, còn các “hoàng tử” thì phiêu bạt mỗi người một nơi, bị thực dân Pháp theo dõi gắt gao. Năm 1949, hoàng tử Vĩnh Giu bị đưa xuống Cần Thơ làm cầu đường. Năm 1951, ông kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa (người Cần Thơ) và sinh được 7 người con.

Ông Vĩnh Giu phải làm nhiều nghề để nuôi con, trong khi chính quyền thuộc địa luôn gây khó khăn, vì vậy mà các con ông không ai được học hành lên cao. Sau năm 1975, ông Vĩnh Giu làm nghề sửa xe đạp để sống, cả nhà ông sống nương nhờ nhà mẹ vợ trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng. Bảo Tài sinh năm 1964, từng làm nhiều nghề, kể cả bán vé số, trước khi cố định với nghề chạy xe ôm. Mãi đến năm 40 tuổi anh mới lấy vợ, sinh được bé gái Nguyễn Phước Thanh Tuyền, nay được 7 tuổi. Cô bé có khuôn mặt “hoàng tộc” thật đẹp, nhưng bị “suy não” từ khi mới sinh ra. Tất cả những người con của “hoàng tử” Vĩnh Giu đều nghèo, trong đó Bảo Tài là nghèo nhất. Cách đây vài năm, vợ chồng anh còn sống trong chòi lá tạm bợ, nhờ những nhà hảo tâm giúp xây tặng nhà tình nghĩa, nay nhà cửa đàng hoàng hơn.

Ước nguyện đơn sơ

Đến Vị Thanh, trong khi tôi “tác nghiệp” nghề báo, Bảo Tài chọn một gốc cây có bóng mát để giăng võng nằm nghỉ. Xong chuyện, tôi kêu anh chở tiếp đến một quán cơm để ăn trưa. Tôi định kêu cơm cho cả anh, nhưng Bảo Tài đã ngăn lại, rồi lấy trong giỏ ra hộp cơm đem từ nhà. Ăn cơm xong, anh uống viên thuốc trị cao huyết áp bằng chính chai nước chín đem theo từ nhà. Chúng tôi lại đi, anh lại kể về gia đình mình.

Bảo Tài (thứ 2 từ trái sang) cùng gia đình trong ngày giỗ cha là hoàng tử Vĩnh Giu. Ảnh: Kỳ Quan
Bảo Tài (thứ 2 từ trái sang) cùng gia đình trong ngày giỗ cha là hoàng tử Vĩnh Giu. Ảnh: Kỳ Quan

Hoàng tử Vĩnh Giu và gia đình sống nghèo khó, chen chúc trong con hẻm nhỏ ở TP.Cần Thơ suốt thời gian dài mà không ai biết. Đến năm 2005, báo chí phát hiện, đăng tin. Mấy hôm sau, ông Vĩnh Giu bất ngờ đón một vị khách đặc biệt: Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông Sáu Dân rất xúc động trước cảnh sống nghèo khó của gia đình hoàng tử Vĩnh Giu. Ông đã vận động địa phương Cần Thơ tặng nhà cho Vĩnh Giu, đồng thời giúp công ăn việc làm cho các con ông, Bảo Tài được tặng chiếc xe gắn máy để mưu sinh. Nhờ đó mà năm 2007, khi ông Vĩnh Giu qua đời, các con mới có chỗ làm đám tang cho cha.

Xế chiều, khi xong công việc ở Hậu Giang, tôi cùng Bảo Tài trở về Cần Thơ. Dọc đường, trời đổ mưa như trút nước, sấm chớp liên hồi. Chúng tôi trở nên thật nhỏ bé, yếu đuối giữa cánh đồng Bảy Ngàn mênh mông. Bảo Tài tấp vào một cây xăng, vừa tháo nón bảo hiểm vừa nhỏ nhẹ nói với tôi: “Mưa lớn như vầy, có áo mưa cũng ướt hết, lại nguy hiểm. Mình đụt mưa chừng nào tạnh rồi đi”.

Cả 2 chúng tôi đều co ro vì lạnh. Trong tiếng sấm ì ầm từ xa vọng lại, trong tiếng mưa rì rào, Bảo Tài cho tôi biết anh có một ước nguyện đơn sơ: Được “mạnh giỏi” chạy xe ôm, mỗi ngày để dành ít tiền, để khi kha khá sẽ làm chuyến “hành hương” về Huế thăm mộ cha ông và ngắm nhìn những vết tích một thời huy hoàng của họ... Từ ngày hoàng tử Vĩnh Giu qua đời được đưa về Huế an táng, tới nay Bảo Tài chưa lần nào đi Huế viếng mộ cha, lăng mộ của tổ tiên.

Cơn mưa đầu mùa đến nhanh mà đi cũng nhanh. Bảo Tài chở tôi đi tiếp, về tới Cần Thơ cũng vừa lên đèn. Tôi định trả cho anh số tiền nhiều hơn một chút, để anh sớm đạt ước nguyện đơn sơ của mình, nhưng Bảo Tài kiên quyết từ chối, anh chỉ nhận đúng giá, một cái giá rất bình dân ở vùng nông thôn miền tây. Anh cho biết, vợ anh đã đón con về nhà, đang chờ chồng về ăn cơm chiều. Với một người cháu nội nhà vua nhà Nguyễn dòng dõi cao sang sao mà niềm hạnh phúc thật đơn sơ, ước nguyện cũng đơn sơ đến thế!

Theo Nguyễn Phấn Đấu Lao Động

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Định Dương Quốc Định  sinh năm 1967,

Phải dẹp bỏ '"quy định riêng"

   TRẦN HỮU HIỆP Báo Tuổi Trẻ - 30/08/2021 11:25 GMT+7 TTO - Nỗ lực của các địa phương để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh là rất đáng ghi nhận, nhưng cách làm cứng nhắc, thiếu phối hợp, biểu hiện cục bộ địa phương gây chia cắt không gian vùng, làm tắc nghẽn lưu thông cần phải được dẹp bỏ. Xe chở hàng tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ chờ làm thủ tục trung chuyển hoặc đổi tài xế sáng 26-8 - Ảnh: CHÍ CÔNG Mấy ngày qua, đã xảy ra tình trạng xe chở hàng ùn ứ ở cửa ngõ Cần Thơ. Giao thông "luồng xanh" bị ách tắc tại đầu mối giao thông quan trọng nhất của vùng ĐBSCL. Các địa phương phàn nàn, nhiều doanh nghiệp kêu than, hiệp hội ngành hàng bức xúc kêu cứu, kiến nghị tháo gỡ... "Quy định riêng" của TP Cần Thơ đối với hàng "quá cảnh", dù đã đảm bảo các yêu cầu chung về phòng dịch và được "thông chốt" khi qua các địa phương khác, nhưng khi vào địa bàn thành phố vẫn phải thực hiện các thủ tục khai báo trước với các sở ngành và buộc phải tập kết hàn