Trần Hữu Hiệp
Bài trang 24 - Tạp chí cộng sản - Hồ sơ & Sự kiện
Làm gì để hàng chục triệu
nông dân ĐBSCL trở thành “doanh nhân nông nghiệp”làm giàu được bằng nghề nông?
Đó là một trong những câu hỏi lớn đang đặt ra để hiện đại hóa ngành sản xuất
lúa gạo, thuỷ sản, cây ăn trái và xây dựng nông thôn mới ở vùng đất Chín Rồng.
Từ một nước thiếu đói thập niên 80, Việt
Nam đã nhanh chóng trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Chỉ sau hơn hai thập
niên, sản lượng lúa ĐBSCL đã được nhân lên gần gấp ba lần, từ hơn 9 triệu tấn
(năm 1990) lên 24,3 triệu tấn (năm 2012), luôn chiếm hơn 50% sản lượng, hơn 90%
kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước. Cùng với lúa gạo, thuỷ sản, trái cây vùng này cũng
góp phần quyết định tăng trưởng ngành nông nghiệp và đảm bảo “sức khoẻ nền kinh
tế” cả nước; tạo ra kỳ tích, mà
công đầu thuộc về những người nông dân. Nhưng kỳ tích trong quá khứ chưa phải là bảo đảm cho
thành công của tương lai. Một cách tiếp cận “làm như mọi khi” chắc chắn sẽ
không hiệu quả trước yêu cầu và thách thức mới. Phía sau kỳ tích với ánh hào quang từ ngôi vị số
1, số 2 thế giới của xuất khẩu gạo, tôm, cá tra là thách thức lớn hơn phía
trước, những ”nông dân sản xuất giỏi” cần phải vượt qua để trở thành ”doanh
nhân kinh doanh giỏi”. Phát triển ”Kinh doanh nông nghiệp - Agribusiness” – như
khuyến cáo của Nhóm chuyên gia Hà Lan khi xây dựng ”Kế hoạch châu thổ sông Cửu
Long đến năm 2100” đã đề xuất, rất cần được nhận diện thách thức, cách thức
tiếp cận chiến lược và thực thi hiệu quả. Trong đó, nông dân ĐBSCL là chủ thể
chính.
“Thách thức kép”
Hai thách thức lớn đang đặt ra đối với nông dân ĐBSCL cần được giải
quyết bằng sự tiếp cận đa ngành. Một là, từ tác động của biến đổi khí hậu, xâm
nhập mặn, ảnh hưởng xấu từ thượng nguồn sông Mê Kông gây khô hạn, cùng với
nhiều tác động tiêu cực khác của thị trường nông sản, điệp khúc “trúng mùa mất
giá, được giá, hết hàng” chưa có lời giải căn cơ. Hai là, nội tại nền sản xuất
nông nghiệp đang chuyển từ “tăng lượng” sang “đổi chất” còn nhiều bất cập. “Thách
thức kép” như
“hai gọng kiềm” mà ĐBSCL cần phải thoát ra nếu muốn giữ và phát huy vị thế của
một trung tâm trong mạng lưới sản xuất nông sản toàn cầu. Thách thức càng
lớn hơn khi điều kiện sản xuất của nông dân trong vùng
hiện nay như ”Cây đòn gánh”. Đầu vào nặng trĩu vốn đầu tư, chi phí ngày càng cao.
Đầu ra là tiêu thụ nông sản bấp bênh, giá thấp. Người nông dân vừa gánh, vừa bị
“lắc lư” trong thế dễ ngã.
Một kết quả nghiên cứu được Viện Chiến
lược phát triển nông nghiệp và nông thôn viện dẫn, tại An Giang, lợi nhuận bình
quân từ trồng lúa niên vụ 2009-2010 chỉ hơn 300 ngàn đồng/người/tháng, trong
khi ngưỡng nghèo là 400 ngàn đồng/người/tháng. Tương tự, nghiên cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo” của
Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho thấy; về lý thuyết, quy mô sản xuất lúa từ
3ha/người trở lên mang lại lợi nhuận tối ưu. Nhưng với đặc thù sản xuất manh
mún hiện nay, bình quân chỉ khoảng 0,4ha/hộ, tức khoảng 0,1ha/người, thì nông
dân khó làm giàu. Theo tính toán, kết quả “30% lợi nhuận” của người trồng lúa
(nếu có) còn thấp hơn mức thu nhập 1 USD/người/ngày. Chuỗi giá trị lúa gạo nói
riêng và các nông sản hàng hoá ở ĐBSCL hiện nay còn quá nhiều tầng nấc mà lại
quá ít giá trị gia tăng. Người nông dân không được hưởng lợi bao nhiêu từ sự
gia tăng đó. Cần thấy rằng, những mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “công ty cổ phần
nông nghiệp” được kỳ vọng thời gian qua, cũng chỉ chủ yếu giúp nâng cao giá trị
các công đoạn làm ra hạt lúa (giống, kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tác động chính
sách đầu vào). “Chuỗi giá trị” quan trọng hơn, cần sự tác động tích cực hơn lại
đang nằm ở các khâu từ hạt lúa trên đồng ruộng đến hạt gạo hàng hóa trên thương
trường. Chính công đoạn này đang tác động mạnh mẽ vào “túi tiền” của người nông
dân. Con đường làm giàu của nông dân đồng
bằng không thể chỉ đi lên bằng ánh hào quang của kỳ tích đã tạo ra, mà phải cần
sự tiếp cận đa ngành. Trong đó, việc thương mại hoá ngành sản xuất nông sản và
doanh nhân hoá nông dân đang là yêu cầu bức xúc.
Doanh nhân hoá
nông dân
Khái
niệm “công nhân nông nghiệp” đã xuất hiện ở vùng ĐBSCL hơn 2 thập niên trước,
nhưng chưa có điều kiện phát triển. Gần đây, việc hình thành các cụm ngành hàng
trong các lĩnh vực sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản, thành công bước đầu
của mô hình “cánh đồng mẫu lớn” và “thách thức kép” trong nông nghiệp đang đặt
ra yêu cầu bức xúc cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, gắn với
xây dựng nông thôn mới, hiện đại hoá nông nghiệp. Mặc dù Chính phủ đã triển
khai chương trình xây dựng nông thôn mới toàn diện, đào tạo nghề nông thôn trên
cả nước với 3 trọng tâm là đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp và nâng
cao trình độ cán bộ cơ sở. Nhưng đòi hỏi từ vùng sản xuất nông sản hàng hoá lớn
nhất nước này đang đặt ra yêu cầu “đổi về chất có trọng tâm” đối với nguồn nhân
lực trong nông nghiệp, hơn là cung cấp kiến thức nghề chung chung. Đó không chỉ
là trình độ sản xuất, canh tác để làm ra “nhiều lượng” mà rất cần kiến thức
kinh doanh để tạo ra “nhiều giá trị lợi nhuận”. Để “kinh doanh nông nghiệp” hiệu quả,
không thể thiếu “doanh nhân nông nghiệp”.
Thương trường là cạnh
tranh, muốn cạnh tranh phải có nguồn lực và kiến thức. Đó không chỉ là kiến thức của người làm ruộng, trồng cây, nuôi cá mà quan trọng hơn là tri
thức doanh nhân, biết quản lý đồng vốn, quản trị doanh nghiệp, ... Đòi hỏi khắc
nghiệt từ thương trường buộc những người nông dân ngày nay phải chuyển từ tư
duy “làm ra nhiều nông sản” sang “làm ra nhiều giá trị từ nông sản”. Người nông
dân cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh.
Yêu cầu đặt ra là việc “doanh nhân hóa
nông dân”phải được diễn ra trong điều kiện sản xuất nông nghiệp và không gian
của nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí phát triển toàn
diện, nhưng điều kiện đảm bảo vững chắc cho nó chính là ”chất lượng nhân lực
nông thôn”. Cần một cuộc tiến công mạnh mẽ vào lĩnh
vực tam nông để khai thác hết tiềm năng đất Chín Rồng. Doanh nhân nông nghiệp
và nông dân phải dựa sát vào nhu cầu, điều kiện của nhau để sản xuất, kinh
doanh. Đó cũng chính là ”bản lề” để ”doanh nhân hoá nông dân” trong tiến trình xây dựng nông thôn
mới ở ĐBSCL.
Đào tạo nghề nông
nghiệp, tập trung nâng cao giá trị sản xuất ngành trồng lúa, trái cây và nuôi
thuỷ sản, tạo ra sản phẩm chủ lực vùng và quốc gia. Đào tạo nghề phi nông
nghiệp để chuyển nghề và tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông
thôn... là những cách thức không chỉ giúp ”cây đòn gánh” của người nông dân
được cân bằng mà còn phương thức làm giàu từ nông nghiệp.
Nhận xét
Đăng nhận xét