Chuyển đến nội dung chính

Đề “mở ép”, bài thi “thảm họa”

(LĐCT) - Số 19 - Chủ nhật 12/05/2013 07:30

“Phong trào” ra đề mở được khởi xướng và cổ vũ từ Bộ GDĐT, với việc đưa đề nghị luận vào cả những cuộc thi mang tính toàn quốc như thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ với tần suất ngày càng nhiều trong vài năm trở lại đây.    

Đề “mở ép”, bài thi “thảm họa”
Đề văn mở được đưa vào cả những cuộc thi mang tính toàn quốc như thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ - ảnh: Giang Huy                    
Mục đích của việc đưa đề mở nhằm hạn chế việc học tủ, học vẹt, đồng thời phát huy tính sáng tạo của học sinh… Tuy nhiên, việc mở đề văn cũng đã thể hiện mặt trái mà nếu không sớm khắc phục, đề mở sẽ là nguyên nhân chính của việc ra đời những bài văn “thảm họa”.

Từ những đề thi hay

Đề thi học kỳ II môn văn của khối 11 trường THPT Hà Nội - Amsterdam ngày 3.5 đang gây sốt trong giới học sinh. Đề bài vô cùng đặc biệt bởi sự xuất hiện của một câu nghị luận xã hội liên quan tới ca khúc "Instant Karma" của John Lennon. Câu hỏi nghị luận 3 điểm này như sau: “Phải chăng chúng ta đều tỏa sáng, như mặt trăng, như những vì sao và như mặt trời… Đó là lời trong một bài hát nổi tiếng của John Lennon, thành viên của ban nhạc huyền thoại The Beatles. Bằng một bài văn nghị luận khoảng 400 từ, anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về thông điệp mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm trong câu hát ấy”.

Có thể có học sinh còn chưa biết tới ca khúc "Instant Karma", nhưng cách ra đề bài câu nghị luận xã hội này rất đáng chú ý. Giáo viên ra đề đã dùng cụm từ "bày tỏ suy nghĩ" thay vì "nêu ý kiến", "trình bày ý kiến", "trình bày suy nghĩ", "trình bày quan điểm" như vô vàn những bài nghị luận xã hội khác. Chữ "bày tỏ" dùng ở đây đầy tính thúc đẩy sức sáng tạo, đem tới cảm giác thoải mái, sự tự do trong cách suy luận và viết cho học sinh. Chắc chắn học sinh sẽ không cảm thấy gò bó và khó khăn trong việc hoàn thành bài thi này.

Đề văn độc đáo này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Đa số cư dân mạng đều bày tỏ sự yêu thích bằng những ý kiến như “hay", "sáng tạo"...

Trước đó, bài văn “Nghĩ về đồng tiền” của học sinh Nguyễn Trung Hiếu đã gây xúc động mạnh cho bạn đọc cũng xuất phát từ một đề văn mở của cô giáo Đặng Thị Nguyệt Anh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Giáo viên này vốn nổi tiếng vì những đề văn thực sự sáng tạo, bất ngờ như: “Do một lỗi lầm nào đó, em bị phạt phải biến thành một con chuột (hoặc vẹt, gián, chó sói...) trong 3 ngày. Trong khoảng thời gian đó, em đã trải qua những sự việc nào, rút ra bài học gì? Vì sao em mong chóng được trở lại làm người?”, hay các đề mở rất ngắn như: Hãy viết bài văn nghị luận về chủ đề liên quan đến đời sống văn hóa, xã hội: “Hoa hậu có cần tốt nghiệp THPT?”, “Bàn về đồng phục học đường”, “Tại sao không?”, “Phải chăng tôi đã sai?”…

Những năm vừa qua ngành giáo dục đẩy mạnh đổi mới thi cử, mà một trong những nội dung là đổi mới cách ra đề, rõ rệt nhất là đối với đề văn. Tuy nhiên, những đề văn mở gây được tiếng vang như trên không nhiều.

Học sinh tha hồ bịa

Từ khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngành GDĐT khuyến khích giáo viên ra đề theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, không ít học sinh đã biến sáng tạo thành… bịa chuyện, bất kể logic.

Từ “tiếng vang” của các bài văn gây xúc động của những học sinh có gia cảnh khó khăn, cộng với việc quan niệm đề mở là có thể thoải mái viết, nên không ít học sinh thay vì viết về hoàn cảnh thực, suy nghĩ thực đã tha hồ “tô vẽ” cho bài văn của mình với mục đích đạt điểm cao. Một giáo viên chủ nhiệm dạy văn lớp 10 kể lại “kỷ niệm” của lần ra đề bài đầu năm học. Vì muốn biết rõ hơn gia cảnh của học sinh, cô đã ra một đề bài cho các em nói về gia đình mình. Khi thu bài, cô “giật mình” phát hiện ra học sinh nửa lớp đã hóa… con nhà nghèo.

Phổ biến là bố mẹ là cán bộ, công nhân thu nhập thấp, hàng tháng chắt chiu tiền lương nuôi con ăn học. Mẹ bán rau, đi phụ việc hàng cơm, dọn dẹp… là sự lựa chọn tâm đắc thứ hai của học sinh. Có trường hợp cô muốn rớt nước mắt khi đọc thấy em H. mồ côi cả cha lẫn mẹ sau một tai nạn giao thông, hai chị em phải nương tựa vào bà nội. Có điều, khi xem sơ yếu lý lịch học sinh, thì H. vẫn đang ung dung sống tại khu chung cư cao cấp ngay giữa thủ đô với bố, mẹ mở công ty tư nhân. Tất cả những học sinh tự nhận “nhà nghèo” đều có cuộc sống ngoài đời thực khác xa với những gì các em đưa vào bài văn của mình.

Với một đề văn mở làm trong quy mô nhỏ, giáo viên còn có thể biết được phần nào là suy nghĩ thật của học sinh. Còn với thi tốt nghiệp, thi đại học thì các thầy cô chỉ biết chấm. Đặc biệt, với những đề mở về quan niệm sống, lối sống, thì theo các giáo viên dạy văn, đa số đi theo “đường một chiều”, ca ngợi cái tốt chê bai cái xấu, dù tại sao lại xấu chắc không ít học sinh không thể lý giải.

Ngành cũng tự làm khó

Ngay cả các đề văn mở trong các kỳ thi quốc gia những năm qua như thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ cũng gây tranh cãi. Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 khối D yêu cầu học sinh bàn luận về “ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là thảm họa”, bên cạnh những ý kiến khen ngợi thì cũng không ít người cho rằng đề thi này chỉ dành cho những thí sinh có thần tượng thoải mái phóng bút làm bài. Còn những thí sinh chẳng may không thần tượng ai thì chỉ có nước bỏ qua, nhận trượt luôn. Tuy nhiên phổ biến hơn sẽ là… khẩn trương dựng lên cho mình một thần tượng. Nhưng nếu làm thế thì lại là không trung thực, giả dối. Mà nếu học sinh nào có “lỡ” thần tượng một nhân vật anh hùng, danh nhân văn hóa nào đó chắc cũng khó xoay sở với vế thứ hai của đề thi này - “say mê quá là thảm họa”.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức một tháng trước đó, đã có câu hỏi mở trình bày ý kiến về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Không ít thí sinh, để được điểm cao, sẽ đi ngay theo… định hướng đã được đưa ra trong đề, bất luận đó có phải là suy nghĩ thật của bản thân hay không.

“Éo le” cho chính ngành giáo dục, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, những clip tố cáo tiêu cực thi cử ở hội đồng thi THPT dân lập Đồi Ngô được tung ra, nói lên sự dối trá ngay trong một kỳ thi bàn về sự trung thực.
Chi Mai

Chính người ra đề đã hạn chế sáng tạo của học sinh

(LĐCT) - Số 19 - Chủ nhật 12/05/2013 06:5      
TS Đinh Văn Thiện – Khoa Văn ĐH Sư phạm Hà Nội, đã cảnh báo về những hạn chế của “phong trào” ra đề mở như hiện nay.    
Ông có nhận xét gì về việc “mở” đề văn như hiện nay?

- Việc ra các đề văn theo hướng mở rõ ràng có tác dụng khi không bị đóng khung vào những phạm vi gò bó nào đó của sách giáo khoa. Khi đề bài không bị gò vào một định hướng có sẵn thì học sinh sẽ được tự do suy nghĩ, chỉ cần cấu trúc đề gợi được cho học sinh sáng tạo. Những đề bài này cũng giúp học sinh có được kiến thức thực tế, không bị đóng khung theo những khuôn mẫu đã có sẵn.

Theo ông, tại sao bên cạnh sự ủng hộ ban đầu, ngày càng có những ý kiến không hay về đề mở, kể cả đối với những đề thi cấp quốc gia?

- Hạn chế của các đề mở hiện nay chính là dấu hiệu hình thức, cố gắng định hướng học sinh vào một hình thức, nội dung, quan niệm cụ thể, khiến học sinh bị hạn chế phần nào sức sáng tạo của mình. Bản thân bất kỳ một vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế nào cũng đều không phải là “mở” hay “khép” mà chính định hướng của người ra đề đã tạo thành “mở” hay không. Không nên để học sinh bị “ép” phải viết, phải nghĩ theo ý nghĩ của người ra đề. Rất nhiều vấn đề xã hội đã được đưa vào đề bài thi, nhưng hầu như các vấn đề đó đều yêu cầu học sinh phải viết về một khía cạnh theo cách nghĩ của người ra đề chứ không phải để học sinh tự do suy nghĩ. Chính sự ép buộc này đã khiến đề không thật sự là “mở” một cách triệt để.

Vậy làm thế nào để một đề văn mở được chấp nhận và phát huy tác dụng như kỳ vọng của ngành giáo dục?

- Thời chúng tôi còn đi học, đề văn cũng toàn là dạng đề mở, kể cả nghị luận văn học. Ví dụ đề bài chỉ đưa ra một câu nói của Nguyễn Văn Trỗi và yêu cầu: Anh/chị nghĩ thế nào về câu nói này, chúng tôi được phép viết về mọi suy nghĩ của mình xung quanh câu nói đó, chứ không bị ép phải viết về sự dã man của đế quốc Mỹ. Đến thời kỳ cải cách giáo dục, bộ đề ôn thi môn văn 93 câu của Bộ GDĐT đã ép người ta vào một thói quen suy nghĩ, viết theo những khuôn mẫu đã có sẵn, tiêu diệt đi tính sáng tạo của học trò.

Bản thân vấn đề xã hội được đặt ra trong các đề thi môn văn không có lỗi, lỗi nằm ở chính cách nghĩ của người ra đề. Nên để học sinh phát huy được sự sáng tạo trong suy nghĩ, cách viết của mình một cách cao nhất, đó mới thật sự là một đề văn “mở”.

Xin cảm ơn ông
Đức Hạnh thực hiện
 
Ý kiến:

* Bà Nguyễn Bích Ngọc (giáo viên văn nghỉ hưu): Không ít thầy cô “mở” quá đà

Từ khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngành giáo dục khuyến khích giáo viên ra đề theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên không ít thầy cô giáo ra đề “hơi quá đà”, không rõ mục đích giáo dục là gì, thậm chí còn kích động những suy nghĩ phản giáo dục trong học sinh, có thể thấy điều này trong đề văn nhập vai Cám. Có những em học sinh đã viết: Cám xuống âm phủ tố cáo Tấm, Tấm bị Diêm vương phanh thây vì đã giết người… Chính kiểu đề bài này đã giúp cho học sinh tiếp cận với cái xấu, suy nghĩ về cái xấu và viết về cái xấu.

Tùy từng vấn đề được đặt ra mà giáo viên giúp học sinh “mở”, sáng tạo như thế nào. Ví dụ như đề thi ĐH năm ngoái về câu nói của Tổng thống Mỹ A.Lincoln (1809-1865): “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”, với đề bài này, nên để học sinh tự bày tỏ suy nghĩ của mình hơn là ép các em phải “trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống”.

Vì thế, đề văn mở hay không, có hay hay không phụ thuộc rất nhiều cách nghĩ và tầm nghĩ của người ra đề.

* Bà Trần Thu Hường (giáo viên Trường THPT Minh Khai, Hà Nội): Mở nhưng phải chính xác

Đề văn mở là rất tốt, khuyến khích những suy nghĩ sáng tạo, mới lạ. Dạy văn trong nhà trường càng phải như thế. Tuy nhiên, dù mới mẻ, khác lạ, mở đến đâu vẫn phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, thẩm mỹ và yêu cầu giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ.

Trong SGK ngữ văn lớp 6 có một bài yêu cầu học sinh tưởng tượng cuộc đọ sức giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trong điều kiện ngày nay với máy xúc, máy ủi, ximăng cốt thép, máy bay trực thăng, điện thoại di động, xe lội nước… đã khiến không ít học sinh có cái nhìn méo mó, xuyên tạc về một hình tượng nỗ lực chống thiên tai của dân tộc đã được định hình từ lâu. Liệu có chấp nhận được không khi các em viết: Sơn Tinh vừa lái máy xúc vừa dùng điện thoại di động gọi đệ tử tới giúp sức, người đổ ximăng, người ngồi trên xe lội nước… còn Thủy Tinh lao máy bay trực thăng tới chiến đấu?

Có một thực tế là nhiều học sinh hiện nay có cách nghĩ: Viết về các vấn đề đời sống thì phải càng thê thảm, tang thương thì mới hy vọng đạt điểm cao. Nhiều em đã không ngần ngại bịa đặt những sự việc không có thật trong cuộc sống nhằm động đến lòng thương cảm của người chấm bài. Có học sinh sẵn sàng để bố bị đi tù vì làm ăn phi pháp khi viết về bài văn bày tỏ chính kiến về lòng trung thực, trong khi ngoài đời bố em hoàn toàn không phải như vậy.

Vì thế, cách dạy, cách hướng dẫn của giáo viên đối với các đề bài mở với học sinh là vô cùng quan trọng.

* Đinh Thu Hằng (học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hà Nội): Thích các vấn đề cuộc sống

Khi mới làm đề bài dạng mở, bọn em cũng gặp khá nhiều khó khăn. Vì nếu các bài phân tích, bình luận, chứng minh đã có các “phom” sẵn với đủ dẫn chứng thì với bài nghị luận xã hội, bọn em phải tự xây dựng dàn bài và tự viết. Phải diễn đạt ý của mình bằng câu văn thế nào cho hoàn chỉnh, cô đọng, súc tích không phải là việc dễ dàng, đồng thời viết bài dạng này rất dễ sa đà thành kể lể dài dòng. Tuy nhiên, em rất thích những đề bài như thế này, đặc biệt là khi đề cập đến những vấn đề thiết thực của đời sống xã hội như: Quan niệm về đồng tiền, về sống thử, về thần tượng… Em được bộc lộ những suy nghĩ thật, quan điểm thật của mình chứ không như các bài phân tích, chứng minh luận điểm khác.
Nguyên Minh ghi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Định Dương Quốc Định  sinh năm 1967,

Phải dẹp bỏ '"quy định riêng"

   TRẦN HỮU HIỆP Báo Tuổi Trẻ - 30/08/2021 11:25 GMT+7 TTO - Nỗ lực của các địa phương để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh là rất đáng ghi nhận, nhưng cách làm cứng nhắc, thiếu phối hợp, biểu hiện cục bộ địa phương gây chia cắt không gian vùng, làm tắc nghẽn lưu thông cần phải được dẹp bỏ. Xe chở hàng tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ chờ làm thủ tục trung chuyển hoặc đổi tài xế sáng 26-8 - Ảnh: CHÍ CÔNG Mấy ngày qua, đã xảy ra tình trạng xe chở hàng ùn ứ ở cửa ngõ Cần Thơ. Giao thông "luồng xanh" bị ách tắc tại đầu mối giao thông quan trọng nhất của vùng ĐBSCL. Các địa phương phàn nàn, nhiều doanh nghiệp kêu than, hiệp hội ngành hàng bức xúc kêu cứu, kiến nghị tháo gỡ... "Quy định riêng" của TP Cần Thơ đối với hàng "quá cảnh", dù đã đảm bảo các yêu cầu chung về phòng dịch và được "thông chốt" khi qua các địa phương khác, nhưng khi vào địa bàn thành phố vẫn phải thực hiện các thủ tục khai báo trước với các sở ngành và buộc phải tập kết hàn