26/10/2012 07:53:57
Thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ tam nông, từ quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, vùng nguyên liệu, đến đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ giống, cơ giới hóa, sau thu hoạch, đến tiêu thụ nông sản, vay tín dụng. Nhưng, thực tiễn cho thấy, nhiều chính sách chưa đi vào trọng tâm, không đồng bộ, chậm đi vào cuộc sống.
Một số chính sách hỗ trợ mang tính “theo đuôi thiệt hại”, lẫn lộn giữa “làm kinh tế” và “chăm lo an sinh xã hội”, nặng tính ban phát, đối phó, thực hiện rời rạc, lãng phí nguồn lực.
Người nuôi được hỗ trợ khi tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt; heo lở mồm, long móng; gà, vịt bị cúm gia cầm. Người trồng được hỗ trợ khi lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; cam quít bị bệnh vàng lá gân xanh; nhãn bị bệnh chổi rồng chết hàng loạt. Giá dừa, lúa gạo, cá tra xuống thấp mới có hỗ trợ, mua tạm trữ. Chính sách luôn bị “độ trễ” khi đến người dân. Lại có những chính sách “bán hàng kèm”, “hai trong một” không phát huy tác dụng. Nhiều nông dân phấn khởi trước chính sách hỗ trợ “cơ giới hóa nông nghiệp”, nhưng Quyết định 63/2010/QĐ-TTg chỉ cho phép hỗ trợ mua máy có tỷ lệ nội địa hóa ít nhất 60%, nên họ đành “từ chối”, chọn máy ngoại giá cả chấp nhận được, tiện dụng và chất lượng hơn. Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực gần 2 năm, theo báo cáo của nhiều địa phương, chưa đi vào cuộc sống. Nhiều nông dân không tiếp cận được vốn vay vì điều kiện vay “đòi thế chấp tiếp”. Nhiều doanh nghiệp hưởng ứng chủ trương xây kho tạm trữ lúa, đến nay chưa được hỗ trợ lãi vay. Doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cần máy sấy lúa gắn với kho chứa thì không được hỗ trợ vì chính sách chỉ lo cho quy mô nông hộ. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được ca tụng, nhưng cũng đang bị vướng, do nông dân vào “cánh đồng mẫu lớn” thì mất hỗ trợ đầu tư kênh mương thủy lợi, giống, mua máy nông nghiệp, hệ thống sấy lúa... trong khi những vấn đề lớn như chính sách “tích tụ ruộng đất”, đảm bảo tỷ lệ vốn cổ phần của nông dân, cổ phần của doanh nghiệp trong nước… để loại hình công ty cổ phần này không bị thao túng trên sàn chứng khoán, vẫn còn đang… nghiên cứu.
Thực tế đang cần một hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ, căn cơ cho tam nông. Nông dân cần “cung hàng sỉ” ổn định lâu dài hơn là chính sách cấp “hàng lẻ” nhất thời. Tư duy làm chính sách cần được đổi mới mang tính chủ động, dựa vào thế mạnh, tiếp cận theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng. Để có được một cơ chế, chính sách đặc thù cần tư duy tiếp cận thực tiễn - thước đo hiệu quả của cơ chế chính sách, cần rà soát lại các cơ chế, chính sách cho tam nông, thay sự “bị động theo đuôi” bằng tính chủ động hỗ trợ để làm tốt, phải gắn lợi ích của nông dân, doanh nghiệp với định hướng và quy hoạch của Nhà nước và chủ động trước biến động của thị trường.
TRẦN HỮU HIỆP
Nhận xét
Đăng nhận xét