Trần Hữu Hiệp
Kinh tế Sài Gòn Online - Thứ Sáu, 20/01/2017
Lễ chùa, trong tâm thức của nhiều người Việt không chỉ là cầu an, đặng phước, mà còn là từ tâm, tìm về thanh thản. Ảnh TL |
“Mùng một tết cha, mùng
hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Cách gọi “cha, mẹ, thầy” mang tính biểu trưng
chỉ các mối quan hệ, tình cảm, đạo đức, trách nhiệm gia đình và xã hội của mỗi
cá nhân. Quê tôi, người ta còn gọi “Mùng một tết cha, mùng hai tết bạn, mùng ba
tết thầy”. Đấng sinh thành cha, mẹ, không phân biệt nội, ngoại.“Mùng một tết cha,
mùng hai tết mẹ” còn là biểu trưng của nguồn cội tổ tiên. “Mùng hai tết bạn” –
Có lẽ cha ông xưa xuôi về phương Nam mở cõi, trước bao hiểm nguy sói hung, hổ
dữ, thì ngoài gia tộc, là xóm làng, bè bạn sống chết có nhau. Nên ngày tết
không chỉ là ngày của gia đình, mà còn là ngày của bạn bè, lối xóm.
Sau khi chăm chú nghe ý
nghĩa nhân văn của ba ngày tết, con gái tôi bảo: “Phải gọi là bốn ngày tết mới
đúng chớ ba, sao lại bỏ ngày ba mươi”. Cuối năm cũng là dịp lễ chùa. Và con gái
tự thêm vào “Ba mươi tết chùa”.
Ngôi chùa! Tôi rời quê
ra phố hơn 35 năm, mỗi dịp tết về lại chốn xưa. Cái xóm nhỏ có ngôi chùa nằm ở
ngã ba sông. Bên này sông là nhà thờ Công giáo và hội thánh Tin Lành. Bên kia
sông là ngôi chùa Khmer, còn cạnh nhà tôi là một chùa Phật. Nghe ông tôi kể,
ngôi chùa cổ này đã có từ thời cố tôi còn nhỏ, còn nhà thờ, hội thánh mới có
sau này. Nhiều thiết chế tôn giáo quần cư trong một xóm nhỏ, kể cũng lạ. Có lẽ
người dân xứ tôi dễ mở lòng tiếp nhận các đạo từ tâm, miễn là cái đạo đó khuyên
con người làm điều tốt, việc thiện.
Âm thanh quen thuộc đi vào
ký ức tuổi thơ tôi là tiếng trống chùa vang lên điểm sang canh giữa đêm khuya.
Thỉnh thoảng tiếng trống chùa hòa tiếng chuông nhà thờ ngân nga. Thời trước,
dân xứ tôi không nhà nào có cái đồng hồ xem giờ. Tiếng trống chùa, chuông nhà
thờ chính là đồng hồ báo thức của cả xóm. Má tôi theo cái âm thanh đó mà thức
dậy nấu cơm khuya đi ruộng. Bọn trẻ chúng tôi thì lấy đó làm giờ báo thức để
dậy học bài. Nhớ xưa má bảo, học trò phải dậy sớm học bài khi bụng còn đói, học
như ăn cơm, nuốt chữ mới mau thuộc, nhớ dai. Kinh nghiệm học bài của người
không biết chữ như má tôi vậy mà hiệu nghiệm. Anh em tôi ai cũng học giỏi. Tiếc
vì nhà nghèo, đông anh em mà các chị tôi đều phải bỏ học nửa chừng để các em
trai được học tiếp, ra trường huyện, lên trường tỉnh, rồi đi Sài Gòn, để sau
này có những năm tháng du học xứ người. Mấy mươi năm lạc loài nơi phố thị, ký
ức tuổi thơ tôi còn vẳng xa tiếng trống chùa.
Lễ chùa, trong tâm thức
của nhiều người Việt không chỉ là cầu an, đặng phước, mà còn là từ tâm, tìm về
thanh thản, nên ngày tết cũng là dịp lễ chùa. “Ba mươi tết chùa”, lần đầu tiên
nghe con gái gọi lạ, nhưng ngẫm ra có lý. Ba mươi tết là ngày “rước ông bà” về
chung vui với con cháu. Đêm ba mươi là thời khắc giao thừa, chuyển giao cũ –
mới. Ý nghĩa “ba mươi tết chùa” không chỉ hạn hẹp trong lễ chùa mà còn là từ
tâm ở đời, nên ngày tết đâu dễ quên.
Đi lễ chùa, con gái lại
hỏi, có người tặng tiền tỉ để xây chùa, vậy đó có phải là người tốt? Lại khó
trả lời cặn kẽ cho con trẻ. Xây chùa, hỗ trợ người nghèo tiền tỉ hay việc con gái
nhịn ăn sáng cho một cụ già cơ nhỡ 10.000 đồng đều là biểu hiện của việc làm từ
thiện. Từ tâm khó so hơn kém bằng tiền. Nhưng để làm người tử tế, người tốt thì
phải phấn đấu cả đời. Người bỏ ra tiền tỉ làm từ thiện từ số tiền ngàn tỉ không
trong sạch, đâu phải từ tâm. Ngược lại, dù không tiền làm từ thiện, nhưng anh
công an không ngại hiểm nguy bắt cướp, vị chánh án phán tội chết cho tử tội vì
công lý, công bằng cũng đều hướng thiện, từ tâm.
“Ba mươi tết chùa, mùng
một tết cha, mùng hai tết bạn, mùng ba tết thầy”. Cuối năm lễ chùa cùng con
gái, ngẫm chuyện đời, từ tâm và hướng thiện.
https://thesaigontimes.vn/cuoi-nam-le-chua/
Nhận xét
Đăng nhận xét