Trần Hữu Hiệp
SGGP11/02/2022 06:13 (GMT+7)
Năm mới phải nghĩ mới,
làm mới để đạt hiệu quả cao hơn, không chỉ là kỳ vọng mà còn là mệnh lệnh của
phát triển tam nông.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và
nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt. Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản
xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương,
theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh
tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới.
Mô hình sản xuất tôm ở ĐBSCL. Ảnh: PHAN THANH |
Phải thừa nhận những bất cập, tồn tại nhiều năm qua của vấn đề
tam nông, khi nhiều vùng nông thôn chưa phải là nơi đáng sống, sản xuất nông
nghiệp trong thế khó, chi phí cao; chất lượng kém, manh mún, tự phát; tác động
đến môi trường, hệ sinh thái, nền nông nghiệp đánh đổi, nền nông nghiệp mù mờ,
nền nông nghiệp lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu, tập trung sản xuất, thiếu
kết nối cung - cầu. Vẫn còn nhiều nông dân chân lấm tay bùn, sản xuất phụ thuộc
vào thời tiết và phó mặc cho những may rủi của thị trường.
Nhưng, thực tế ở nước ta đã xuất hiện nhiều mô hình tốt. Không
khó để nhận thấy, ở ĐBSCL - vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đang ngày
càng có nhiều nông dân phấn đấu trở thành doanh nhân nông nghiệp. Đang có một
thế hệ trẻ trong nông thôn nhiều khát vọng, được đào tạo bài bản, biết kỹ
thuật, công nghệ, có kiến thức kinh doanh, nhạy bén với thị trường, mang dáng
dấp những người nông dân thông minh.
Tư duy “kinh tế nông nghiệp” đang hiển hiện trong đời sống nông
dân và sinh hoạt, làm ăn ở nông thôn. Ăn tết năm nay, nhiều nông dân miền Tây
hỏi thăm nhau, không còn là những câu hỏi trúng hay thất mùa, được bao nhiêu
tấn lúa, trái cây, tôm, cá… mà là những câu hỏi về thu nhập, lợi nhuận, thị
trường đang hút hàng nào, bán nông sản qua mạng nhiều hay ít. Điện thoại cầm
tay của nông dân không chỉ là cái alô, mà còn là công cụ kích hoạt máy tưới,
máy bơm cho ruộng lúa, miếng rẫy, mảnh vườn, vuông tôm, là kênh bán hàng điện
tử.
Từ dấu chân lấm bùn của nông nghiệp
truyền thống, đông đảo nông dân đã chuyển sang chú trọng giá trị, thị trường và
ứng dụng công nghệ số. Chuyển đổi số không còn là giải pháp lựa chọn mà đã trở
thành mệnh lệnh phát triển. Đã có hơn 2 triệu hộ nông dân được đào tạo kỹ năng
số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng
ngàn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công
cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
Tất nhiên, thực tiễn đang đòi hỏi nhiều hơn nữa các cơ chế,
chính sách, thể chế mới đáp ứng yêu cầu xây dựng các mô hình mới tích hợp đa
giá trị, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn quá trình doanh nhân hóa nông dân. Cần
nhiều hơn chính sách hỗ trợ nông dân, đưa đào tạo nghề và lao động nông thôn
vào thực chất trong quá trình chuyển dịch, chứ lâu nay đào tạo nghề cho lao
động cho nông thôn như thủ tục hành chính, còn nhiều bất cập.
“Tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật” của người đứng đầu
ngành NN-PTNT có ý nghĩa quan trọng, với kỳ vọng tăng tốc mạnh mẽ, vận hành
suôn sẻ và thành công các kịch bản phục hồi kinh tế. Hướng đến mục tiêu xây
dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, có năng suất, chất
lượng cao, hiệu quả, giá trị; bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu
trong khu vực và trên thế giới.
https://www.sggp.org.vn/tu-duy-mo-hanh-dong-nhanh-ket-qua-that-post626458.html
Nhận xét
Đăng nhận xét