SGGP17/11/2022 06:11 (GMT+7)
ĐBSCL có 7 tỉnh giáp biển nhưng tất cả 13 tỉnh, thành trong vùng đều có cảng biển. Các cảng trong khu vực phụ thuộc 3 luồng chính là Định An, Trần Đề và kênh tắt Quan Chánh Bố. Tình trạng nhiều năm qua, các luồng bị bồi lắng, tàu trọng tải lớn chuyên chở container không vào được khiến một số cảng biển chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 25%-30% công suất. Sau nhiều thập kỷ nỗ lực thông luồng, xây cảng, cánh cửa ra Biển Đông của đồng bằng vẫn chưa chịu mở.
Kết quả là gần 80% hàng hóa xuất khẩu trong vùng muốn ra thế giới vẫn phải “mượn đường” vòng lên TPHCM và cụm cảng miền Đông Nam bộ. Ước tính tăng chi phí thêm khoảng 5-10USD/tấn hàng xuất khẩu, làm đội giá thành, giảm sức cạnh tranh sản phẩm cũng như tăng chi phí hàng nhập khẩu bằng đường biển vào vùng ĐBSCL.
Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, mang đặc trưng của một trung
tâm đa chức năng, có sức thu hút, tác động lan tỏa đến các địa phương trong
vùng. Cùng với TPHCM, đô thị này là “2 nút kép” tạo ra không gian phát triển
liên vùng, đồng thời là cửa ngõ ra Biển Đông của tiểu vùng Mekong.
Cần Thơ ngày càng thể
hiện rõ hơn vai trò trung tâm vùng nhưng cũng đang bộc lộ những hạn chế, yếu
kém. Nguyên nhân được nhận diện chính là thiếu động lực mạnh mẽ, chưa tạo ra
nguồn lực lớn để tạo sự phát triển đột phá. Chính vì vậy, việc xem xét thí điểm
một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng.
Nghị quyết 45/2022/QH15
ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển TP Cần Thơ, trong đó có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với
dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ được
xem là cơ hội vàng để mở cửa ra biển cho đồng bằng. Dự án này cũng được xem là
nguồn bổ sung quan trọng cho cơn khát cát san lấp nền, cát xây dựng các công
trình giao thông trọng điểm của vùng được Trung ương ưu tiên đầu tư từ năm
2023-2025.
Tuy nhiên, để khơi thông
luồng Định An, mở cánh cửa cho nông sản vùng này ra Biển Đông đi các nước, việc
nạo vét luồng phải đáp ứng các yêu cầu tăng cường liên kết vùng, đặc biệt cần
sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Hàng hải, Bộ GTVT, TP Cần Thơ, các tỉnh, đặc biệt
là 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng là địa bàn gần cửa sông Hậu, thuộc khu vực nạo vét,
chọn lựa bãi chứa bùn thải để xử lý thay vì thải ra biển như cách làm lâu nay.
4 yêu cầu
bắt buộc để thực hiện cơ chế nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ là: thực
hiện phương thức xã hội hóa, chọn lựa nhà đầu tư đủ năng lực; đảm bảo chuẩn tắc
luồng hàng hải cho tàu trọng tải từ 10.000 tấn ra vào các cảng trên sông Hậu dễ
dàng; quy mô dự án từ 500 tỷ đồng trở lên và phải có báo cáo đánh giá tác động
môi trường, đảm bảo chống sạt lở, không ảnh hưởng tiêu cực dòng chảy.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết
45/2022/NQ-QH15, các cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai kế hoạch, chuẩn
bị để sớm kích hoạt cơ chế, chính sách đặc thù là nỗ lực rất đáng ghi nhận, dự
kiến có thể triển khai nạo vét luồng vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn
chưa thể xác định đơn vị được chọn lựa thực hiện dự án, địa điểm cụ thể, quy mô
diện tích kèm theo cũng như để triển khai công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng
chính sách giảm, miễn tiền thuê đất cho đơn vị thuê bãi chứa bùn thải là sản phẩm
thu hồi từ nạo vét, cùng với những lo ngại tính chất thi công trong mùa mưa bão
hàng năm… là những vấn đề cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ.
Mở cửa biển
cho miền Tây qua việc khơi thông luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bằng cơ chế,
chính sách đặc thù đòi hỏi năng lực tổ chức bộ máy, hiệu quả thực thi của TP Cần
Thơ, yêu cầu tăng cường liên kết vùng, thu hút các nguồn lực và tác động lan tỏa,
cần sự đồng thuận và tham gia của các địa phương, người dân và doanh nghiệp.
https://www.sggp.org.vn/mo-cua-ra-bien-cho-dong-bang-post659046.html
Nhận xét
Đăng nhận xét