Hòa Minh
DNVN - Thứ Bảy, 30/04/2022, 17:22 (GMT+7)
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trù phú với nhiều loại
trái cây, văn hóa ẩm thực phong phú hấp dẫn, con người hiền hòa, chân chất, son
sắt, nghĩa tình, có dòng MeKong nổi tiếng và những sản phẩm du lịch độc đáo,
đặc thù như: du lịch cộng đồng, sinh thái, biển đảo... đủ sức hấp dẫn để “níu
chân” du khách.
Với tiềm năng to lớn nhưng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại đang ở “vùng trũng” so với các vùng miền của cả nước. Nhận diện tiềm năng, cơ hội và tìm giải pháp khắc phục những yếu kém để du lịch tăng tốc đã và đang là vấn đề cấp thiết để ĐBSCL vươn lên phát triển trong thời gian tới.
Du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn cây ăn trái, văn hóa ẩm thực… là thế mạnh của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.Chưa xứng với tiềm năng
ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng phì nhiêu là lớn
nhất Đông Nam Á và thế giới, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo
xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại
cây ăn trái.
Theo các chuyên gia, du lịch ĐBSCL gắn liền với các sản
phẩm du lịch như du lịch sông nước, miệt vườn. Đến nơi đây là tìm về thiên
nhiên và ẩm thực dân dã phong phú hấp dẫn. Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng có nhiều lợi
thế, tiềm năng lớn về du lịch tâm linh, biển đảo, vùng ngập mặn… là một trong 7
vùng du lịch đặc trưng được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, ưu thế, tiềm năng
to lớn về du lịch của ĐBSCL chưa được khai thác, phát huy để mang lại nguồn thu
lớn.
PGS. TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch và khách
sạn, Đại học kinh tế Quốc dân thông tin: Năm 2019, Việt Nam đón khoảng 18 triệu
lượt khách quốc tế, tăng gấp đôi so với 5 năm trước đó, 47 triệu lượt khách nội
địa, doanh thu hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu về du lịch vùng
ĐBSCL chỉ là 30 nghìn tỷ, chiếm 4%, một con số rất khiêm tốn, trong khi chúng
ta có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hết”.
Năm 2018, khu vực ĐBSCL thu hút 40,7 triệu lượt khách,
trong đó có 3,4 triệu lượt khách quốc tế. Với dân số khoảng 20 triệu dân, trung
bình mỗi năm, một người dân ở ĐBSCL chỉ đón được 2,8 lượt khách nội địa và 0,39
lượt khách quốc tế. Con số này rất khiêm tốn với một vùng đất được thiên nhiên
ưu đãi để phát triển du lịch như ĐBSCL là rất đáng suy gẫm.
Ông Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch hiệp hội Du lịch ĐBSCL
chia sẻ: ĐBSCL là vùng đất phì nhiêu, với rất nhiều tiềm năng để phát triển du
lịch dựa trên cảnh quan, sinh thái, văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống, dễ
dàng kết nối với TP Hồ Chí Minh và các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, du
lịch của vùng chưa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do còn nhiều
điểm nghẽn. Các sản phẩm du lịch trùng lắp, đơn điệu. Nguồn nhân lực dành cho
du lịch còn yếu. Đầu tư cơ sở hạ tầng, du lịch chưa đủ mạnh. Tính liên kết vùng
còn hạn chế… Những hạn chế này không thể khắc phục trong ngày một ngày hai, mà
phải có giải pháp căn cơ để từng bước tháo gỡ và phát triển".
Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Công ty du lịch Viettravel,
chi nhánh Cần Thơ cho biết: Rào cản lớn của ngành du lịch đồng bằng khiến nơi
này dù nhiều tiềm năng nhưng chưa thoát khỏi vùng trũng về du lịch là giao
thông kết nối. Cơ sở vật chất du lịch, tài nguyên thiên nhiên chưa được đầu tư,
khai thác đúng mức. Sản phẩm du lịch còn kém hấp dẫn, thiếu sức hút; việc xúc
tiến, quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế”.
Đồng quan điểm với các ý kiến trên, Ông Nguyễn Hồng Hiếu -
Giám đốc Công ty lữ hành Quốc tế HIEUTOUR cho biết thêm: Bên cạnh cơ sở vật
chất du lịch còn đơn điệu, chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa đến nơi đến chốn
cũng như chất lượng phục vụ cần phải được nâng cao hơn thì vấn đề ô nhiễm môi
trường, rác thải là nguyên nhân làm cho du khách đến một lần rồi không quay lại
nữa. Thế mạnh của nơi đây là du lịch sông nước, miệt vườn. Du khách đặc biệt
thích đi xuồng khám phá kênh rạch với vườn cây bóng mát. Tuy nhiên, việc vứt
rác thẳng xuống sông, kênh rạch theo tập quán của bà con là vấn đề rất nan
giải.
Nói về những hạn chế, bất cập, rào cản của du lịch ĐBSCL,
ông Trương Vĩnh Thành - Giám đốc công ty CP du lịch Đồng Tháp chia sẻ: Chúng ta
nói nhiều về sự liên kết du lịch, thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững
nhưng vấn đề ở đây là doanh nghiệp (DN) làm gì để liên kết, liên kết như thế
nào để tránh sự lãng phí trong đầu tư. Thêm nữa, DN cũng muốn đầu tư để đa dạng
hóa sản phẩm du lịch thu hút khách. Nhất là đầu tư, khai thác hiệu quả hơn tài
nguyên thiên nhiên, tài nguyên về lịch sử. Tuy vậy, những tài nguyên này do Nhà
nước quản lý, như vậy phải có cơ chế chính sách cụ thể như thế nào để khuyến
khích đầu tư”.
Theo các chuyên gia về du lịch ĐBSCL, một trong những nguyên nhân lớn khiến du lịch nơi đây phát triển chưa tương xứng với tiềm năng đó là việc chưa biến ưu thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đặc trưng thành lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh với các vùng miền khác. Những điểm nghẽn cùng với sự đầu tư, liên kết còn rời rạc, tạo ra rào cản lớn để du lịch ĐBSCL cất cánh.
Đánh giá về du lịch vùng ĐBSCL, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Mặc dù
tiềm năng và thế mạnh du lịch của ĐBSCL rất lớn, khả năng còn nhiều, nhưng tốc
độ phát triển thuộc nhóm chậm nhất cả nước. Nếu địa phương nào cũng có sản phẩm
du lịch na ná, cũng là sông nước, miệt vườn … rất khó phát triển”.
Níu chân du khách
Hội thảo “Du lịch ĐBSCL - Cơ hội để bứt phá” do Cục phát
triển DN (Bộ kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tổ
chức vào ngày 26/4 đã quy tụ hơn 100 đại biểu là đại diện Tổng cục Du lịch, Bộ
VH-TT&DL; đại diện VCCI Cần Thơ; Hiệp hội và DN các tỉnh, thành ĐBSCL, các
chuyên gia về du lịch trong và ngoài nước. Hội thảo nhằm hồi phục, tăng cường
năng lực cạnh tranh, đề ra các giải pháp để phát triển ngành du lịch bền vững
cho ĐBSCL.
Bà Phạm Lê Thảo - Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du
lịch) thông tin: “Từ ngày 15/3 đến 15/4, có khoảng 40 nghìn khách quốc tế đến
Việt Nam, dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới. Để đón cơ hội này, ĐBSCL cần
có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, lưu trú. Đa dạng các sản phẩm du lịch và mang
tính đặc thù, tạo được sự khác biệt. Tăng cường liên kết, bảo đảm nguồn nhân
lực chất lượng. Xây dựng nền tảng số, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát
triển du lịch. Nâng cao năng lực các điểm đến. Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát các hoạt động du lịch, bảo đảm phát triển du lịch bền vững".
Ông Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết: Đón cơ hội mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức diễn đàn, hội thảo, đẩy mạnh ký kết, liên kết, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch vùng. Bên cạnh những khởi động tích cực, du lịch ĐBSCL cần có giải pháp khắc phục những hạn chế về cơ sở hạ tầng du lịch, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, môi trường du lịch an toàn, hấp dẫn".
Để du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch, cụm liên kết hợp
tác phát triển du lịch phía Đông vùng ĐBSCL gồm Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng
Tháp, Bến Tre… đang triển khai nhiều giải pháp kích cầu, khôi phục du lịch, đa
dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết vùng, mở các tour, tuyến,
phát triển sản phẩm du lịch mới để níu chân du khách.
Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung xây dựng nâng cao giá trị các
sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch văn
hóa - tâm linh và du lịch làng nghề. Trong đó, khu vực cù lao An Bình, huyện
Long Hồ của tỉnh sẽ tập trung phát triển du lịch homestay. Hiện nơi này có 2
homestay đạt chuẩn ASEAN và 1 homestay đạt chuẩn cấp tỉnh. Tỉnh cũng đang hoàn
thiện sản phẩm du lịch “Về Vĩnh Long xem hát bội” nhằm tạo thêm sức cạnh tranh.
Đồng thời, tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện thủ tục, hoàn thành hồ sơ sớm triển
khai dự án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL và Di sản đương đại Mang Thít.
Tỉnh Tiền Giang có vị trí thuận lợi để phát triển những sản
phẩm du lịch gắn với vùng sinh thái nước mặn, nước ngọt, sông nước kết hợp sinh
thái vùng ngập phèn Đồng Tháp Mười, cảnh quan vườn cây ăn trái và du lịch tâm
linh. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng các tour du lịch mới hấp dẫn du khách như
tuyến du lịch sinh thái miệt vườn gắn với khu Quảng trường Hùng Vương - Điền
Lan Thôn Trang - Chùa Vĩnh Tràng - Làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho và Cù lao Thới Sơn.
Tỉnh Tiền Giang cũng đang tiến hành phục dựng di tích lịch sử Đám lá tối trời
kết hợp tham quan du lịch biển Tân Thành, các di tích văn hóa - lịch sử tại thị
trấn Gò Công…
Với lợi thế về du lịch sinh thái, Bến Tre hấp dẫn du khách
bằng các sản phẩm du lịch đặc trưng, thú vị, đậm chất miệt vườn như chèo xuống
trong rạch, trải nghiệm một ngày làm nông, tát mương bắt cá… Theo lãnh đạo sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện Bến Tre có 57 làng nghề, trong
đó, có các làng nghề thu hút khách tham quan như sản xuất giống, hoa kiểng; chế
biến cá khô, nấu rượu, làm kẹo dừa.
Tại TP Cần Thơ, có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như chợ nổi
Cái Răng lớn nhất miền Tây. Nơi đây mang đậm nét đặc trưng vùng sông nước với
hàng trăm ghe tàu mua bán trao đổi hàng hóa. Làng du lịch Mỹ Khánh với những
trải nghiệm văn hóa ẩm thực Nam Bộ hấp dẫn. Làng du lịch Ông Đề phong phú sản
phẩm du lịch những trò chơi dân gian, khơi gợi ký ức tuổi thơ. Khu du lịch Cồn
Sơn sẽ là những trải nghiệm làm bánh dân gian Nam Bộ, xem cá Lóc bay, cá Trê
vượt cạn và thưởng thức món ăn miệt vườn… Mới đây, TP Cần Thơ có thêm những
điểm tham quan mới, hứa hẹn thu thu hút nhiều du khách là Đền thờ Vua Hùng TP
Cần Thơ, Phố Ông Lang ở huyện Phong Điền…
Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch bền vững phải
dựa trên 6 trụ cột đó là giữ gìn tài nguyên môi trường, trách nhiệm văn hóa, xã
hội, phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm trả lương ổn định cho
người dân địa phương, khách hàng thỏa mãn và DN có lợi nhuận. Du lịch có trách
nhiệm là phải tạo ra một điểm đến đẹp hơn để du khách tham quan và trải nghiệm.
Có một thực tế là trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch
COVID-19, nhiều DN, cơ sơ kinh doanh du lịch lúng túng trước những thay đổi của
thị trường và cần có các nguồn lực hỗ trợ qua thời gian dài hoạt động cầm chừng
hoặc đóng cửa, dừng kinh doanh. Dự án phát triển du lịch ĐBSCL được triển khai
mới đây là dự án hỗ trợ khu vực tư nhân lớn nhất Việt Nam do Cơ quan Quốc tế Mỹ
tài trợ và Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ dự án.
Dự án nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN nhỏ và
đang tăng trưởng của Việt Nam thông qua cung cấp các gói hỗ trợ đa dạng, trong
đó các DN du lịch là một trong những đối tượng chính của dự án. Ông Nguyễn Đức
Trung - Phó Cục trưởng Cục phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết:
“Chúng tôi hy vọng, thông qua dự án này các DN du lịch được tư vấn chiến lược,
nắm bắt thị trường, đổi mới tư duy làm du lịch, nâng cao tính cạnh tranh đối
với các sản phẩm du lịch. Qua đó giúp các DN du lịch ĐBSCL phát triển mạnh mẽ
hơn trong thời gian tới”.
Nhận xét
Đăng nhận xét