Kiên Giang
NB & CL - 08:00, 27/03/2020
(NB&CL) “Ở đâu trồng nhiều lúa
nhất, ở đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất, người dân ở đó cũng nghèo nhất”,
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - người có nhiều nghiên cứu, báo cáo về kinh tế - xã hội
ĐBSCL đã đúc kết đắng chát như vậy.
1. Chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm Đề án an ninh lương thực (ANLT) quốc gia vào sáng 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm “Phải chốt cứng diện tích trồng lúa, sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ”. Một lần nữa, ANLT được xác định là vấn đề sống còn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành toàn cầu và vấn đề hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt tại vựa lúa ĐBSCL.
Do hạn mặn, nhiều cánh đồng lúa ở ĐBSCL chỉ thu về phần nhiều là rơm rạ - Ảnh. Lê Thế Thắng. |
Vấn đề ANLT luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Và trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, môi trường, nông nghiệp, nông thôn trở thành nơi trú ẩn tìm về, một hệ đệm, giá đỡ cho nền kinh tế.
Hạt gạo và các loại cây lương thực vẫn
là nguồn nuôi sống hằng ngày của gần trăm triệu dân Việt Nam. Việt Nam từ quốc
gia thiếu đói đã vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, đóng góp cho
khoảng 20% lượng gạo thương mại toàn cầu và ANLT trên thế giới.
ĐBSCL được xem là vựa lúa của cả nước,
nhưng việc “chốt cứng” ANLT sẽ làm mềm hóa kinh tế nông dân.
Giờ đây, người nông dân trồng lúa ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào các cửa hàng
vật tư nông nghiệp, giá lúa bị thương lái ép giá ngay tại đồng, thậm chí từ đầu
vụ.
Cần nhớ rằng Việt Nam sản xuất ra gần
30 triệu tấn gạo, trong khi gạo sử dụng trong nước khoảng 9 triệu tấn, còn lại
đem xuất khẩu. Thế nên, sản xuất nhiều gạo hơn không hẳn là giải pháp cho ANLT,
giúp nông dân làm giàu mà cần cách tiếp cận đa ngành trước những thách thức về
an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, thiên tai hạn mặn đang đầy bất an mới là
bức thiết.
2. Trận hạn mặn khốc liệt nhất
trong lịch sử 2016 vẫn còn ám ảnh với những “di chứng” của nó,
mà bên cạnh các thiệt hại về lúa, màu, cây ăn trái,… di chứng nặng nề nhất là
trên chính thân phận con người.
Theo đó, chỉ riêng hai tỉnh Kiên Giang
và Sóc Trăng đã có hơn 40.000 người bỏ quê đi làm ăn xa trong túng quẫn. Tác
động của hạn mặn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm mất sinh kế của
người dân và đang để lại những di chứng xã hội ở nông thôn miền Tây Nam bộ, vốn
được xem là một không gian an bình, đáng sống.
Di dân tự do trước các tác động tiêu cực không phải đến bây giờ mới xảy ra. Mấy năm gần đây đã có bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là người trẻ tuổi bỏ ruộng đồng di cư lên thành thị mưu sinh. Các kết quả nghiên cứu cho thấy ĐBSCL là một trong những vùng có tỷ suất di cư cao và xu hướng tăng dần. Xét trên bình diện chung thì sự dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển là một tất yếu. Song, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng di cư bị động. Đã có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận lao động, phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.
Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập
thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm ở nông
thôn là nguyên nhân “đẩy” lao động nông thôn ra khỏi khu vực
truyền thống một cách chông chênh. Trong bối cảnh đó, cơn hạn mặn khốc liệt vừa
qua như một “cú đấm hội đồng” lên “thân thể” các
gia đình nông dân, nông thôn miền Tây.
Người miền Tây từ bỏ ruộng vườn để
trôi dạt với đủ nghề nghiệp. Cay cực có mà cay đắng cũng có. Nhem nhuốc dầu mỡ
có mà diêm dúa phấn son cũng có…
3. Những
ngày hạn mặn 2020, ĐBSCL đầy rẫy những cánh đồng khô cháy, những dòng kênh nứt
nẻ, những khu vườn héo rũ vì thiếu nước tưới. Nhiều nơi, người nông dân cào lớp
đất mặt ruộng đem bán cho bên san lấp mặt bằng.
Theo TS Trần Hữu Hiệp, xác định lúa
gạo là vấn đề chiến lược, chúng ta đã có nhiều chính sách tốt. Tuy nhiên, trong
khi nhiều quốc gia sản xuất lúa có những điều chỉnh quan trọng về chính sách
lúa gạo, chúng ta cũng cần “hệ điều hành mới”, giữ nguyên tắc “2
đảm bảo”, đó là ANLT và nâng cao thu nhập người trồng lúa. ANLT không chỉ
là sự đảm bảo chắc chắn đủ gạo ăn và các loại cây lương thực, còn phải đảm bảo
nhu cầu dinh dưỡng và sinh kế người nông dân.
Trong khi xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng và yêu cầu tiếp cận đa ngành, phối hợp liên ngành trong giải quyết vấn đề ANLT, cần xác định “3 trọng tâm”, “1 địa bàn vùng trọng điểm” và “gắn kết hệ thống” đảm bảo ANLT quốc gia. “3 trọng tâm” là lấy sản xuất nông nghiệp thích ứng điều kiện tự nhiên thay đổi và thị trường thay đổi để định hướng hệ thống đầu vào, tổ chức sản xuất. “1 địa bàn vùng trọng điểm” là ĐBSCL. Cần có chiến lược, chương trình khung cho 10 năm, kế hoạch đầu tư công về nông nghiệp và lương thực cho 5 năm và hằng năm. Có cơ chế, chính sách rõ ràng để thu hút đầu tư tư nhân, không chung chung. Đối với các vùng, miền khác công bố rõ ràng ưu tiên lĩnh vực khác có lợi thế hơn không phải là nông nghiệp. Cụ thể là cần tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy hoạch sử dụng đất trong việc thực hiện chủ trương giữ 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa...
Tiếp đó, cần tiếp tục tăng cường chiến
lược đa ngành, lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu như xây dựng nông thôn
mới, xóa đói giảm nghèo, chống suy dinh dưỡng trẻ em... để cùng đảm đương nhiệm
vụ ANLT quốc gia và chống suy dinh dưỡng, không chỉ đặt gánh nặng lên vai người
trồng lúa.
Qua đợt hạn mặn khốc liệt 2020 này,
cũng như hồi năm 2016, đã đến lúc phải bỏ đi gánh nặng “an ninh lương
thực” trên vai người nông dân, phải tính toán lại diện tích trồng lúa
bao nhiêu là đủ cho nhu cầu trong nước, có xuất khẩu thì là những loại gạo
ngon, mang lại lợi nhuận cao. Cây lúa thực sự đem đến nhọc nhằn hơn cho người
nông dân, chiếm nhiều diện tích đất, tốn nhiều nước tưới nhưng giá trị rẻ mạt. “Ở
đâu trồng nhiều lúa nhất, ở đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng cao nhất. Ở đâu
trồng nhiều lúa nhất, người dân ở đó nghèo nhất”, TS Trần Hữu Hiệp đúc kết.
Và đó là một nghịch lý đắng chát ở
miền Tây Nam bộ.
Nhận xét
Đăng nhận xét