Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 20-06-2022
- 08:00|Góc nhìn
Dự
kiến, ngày mai (21-6), tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội
nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là hội nghị công bố quy hoạch tích hợp cấp vùng lần đầu tiên của cả nước, được lồng ghép "6 trong 1": Công bố quy hoạch; triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện kế hoạch quy hoạch vùng; xúc tiến, kêu gọi đầu tư; quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người ĐBSCL và công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển. Đây được xem là "hội nghị hành động" để tạo ra nguồn lực mới hiện thực hóa quy hoạch vùng ĐBSCL.
Quy
hoạch tích hợp vùng ĐBSCL được xem là sản phẩm của việc "chuyển hướng
chiến lược" trong tư duy phát triển vùng, từ "khai thác tối đa tiềm
năng, thế mạnh" sang "thích ứng thuận thiên", phục hồi và tăng
cường "sức khỏe" cho đồng bằng, biến thách thức thành cơ hội; lấy con
người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi trong suốt quá trình phát
triển.
Vấn đề
cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn
lực phát triển. Theo đó, cần ưu tiên các nhóm giải pháp:
Một
là, cơ chế, chính sách bảo đảm liên kết vùng. Hoàn thiện thể chế điều phối
vùng, tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng Điều phối vùng. Tạo
sự liên kết giữa các địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp, định vị lợi thế
cạnh tranh. Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn
với tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của vùng.
Hai
là, tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư
công, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là trong khối tư nhân. Thúc
đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay,
tăng cường năng lực các thành phần kinh tế. Với nguồn lực có hạn, việc chọn mục
tiêu trọng tâm, đột phá, khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, lãng phí, kém
hiệu quả trong đầu tư là yêu cầu quan trọng hàng đầu.
Ba là, tổ chức, giám sát thực hiện quy hoạch, đầu tư, phát triển
hạ tầng theo quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ, giải quyết các "điểm
nghẽn" phát triển trong giao thông vận tải và thích ứng biến đổi khí hậu
phù hợp với quy hoạch vùng được phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về chống
sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông.
Bốn là, nhóm giải pháp
về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và khoa học, công nghệ cần được
xem là chìa khóa thành công trong phát triển vùng. Theo đó, ưu tiên phát triển
nguồn nhân lực theo hướng phục vụ các ngành lợi thế của vùng và tăng cường đào
tạo, thu hút số lao động trẻ có trình độ chuyên môn, tay nghề.
Ở tầm nhìn dài
hạn, mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng đất an toàn, trù phú, thịnh vượng
trong tương lai đến nhanh hay chậm đòi hỏi những nỗ lực vượt qua các thách thức,
tận dụng thời cơ, hành động đột phá và không hối tiếc. Diện mạo tương lai ĐBSCL
đã được định hình rõ, cần những gam màu sáng bằng tư duy, cách tiếp cận và hành
động thực tế để hiện thực hóa quy hoạch đi từ văn bản hay thành thực tiễn
tốt.
https://nld.com.vn/goc-nhin/nguon-luc-moi-cho-dbscl-20220619221754651.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét