VOV - Thứ Ba, 08:00, 28/06/2022
VOV.VN - Để giải bài toán “lãng phí đầu tư công” trước tiên
cần có quy hoạch phù hợp, xác định được những ưu tiên đầu tư, phải có chủ
trương đầu tư đúng đắn, đầu tư kịp thời, đồng bộ và có tính liên kết.00
07:08
Cần
xác định và xử lý được trách nhiệm
Trao đổi xung quanh vấn
đề tồn tại nhiều công trình, dự án được đầu tư không/hoặc chưa hiệu quả trong vùng ĐBSCL, Luật sư
Nguyễn Văn Giáp, Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang cho rằng, Luật Thực hành tiết
kiệm chống lãng phí quy định “lãng phí là sử dụng không hiệu quả, làm thất
thoát nguồn vốn, thời gian, nhân lực, tài nguyên quốc gia...” trong đầu tư các
công trình, dự án không hiệu quả thể hiện rõ việc làm thất thoát nguồn vốn. Tuy
nhiên, rất khó để xác định trách nhiệm là của ai nên cũng rất khó xử lý. Không
xử lý được thì không đảm bảo được tính răn đe.
“Lãng phí và tham nhũng
cái nào cũng rất tai hại cho nhà nước. Tham nhũng hầu hết vào túi cá nhân, còn
lãng phí ở tập thể thành ra đổ qua đổ lại, không ai chịu trách nhiệm. Nếu chỉ
chống tham nhũng mà không chống lãng phí thì chỉ được một nửa. Thành ra không
thể không xử lý, bây giờ phải quy trách nhiệm người quản lý tài sản công tới cỡ
nào, rồi trọng trách như thế nào”, Luật sư Nguyễn Văn Giáp nêu ý kiến.
Nhiều công trình đầu tư
thể hiện rõ lãng phí nhưng khó xác định trách nhiệm. Trong ảnh: Nhiều khối nhà
của Trung tâm tập huấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp ĐBSCL bỏ không
nhiều năm qua.
Ông Trần Hữu Hiệp,
chuyên gia nghiên cứu độc lập về phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL cũng cho
rằng, đang tồn tại tình trạng khó xử lý trách nhiệm của cá nhân trong việc đầu
tư lãng phí. Điều này một phần đến từ quy định chưa chặt chẽ, một phần là việc
thực hiện các quy định chưa đủ quyết liệt.
Theo ông Hiệp, nguyên
nhân hàng đầu dẫn đến lãng phí vốn nhà nước qua việc đầu tư các công trình, dự
án là xác định chủ trương, ra quyết định đầu tư cho các công trình, dự án chưa
thật sự cần thiết. Phải ngăn chặn ngay từ đầu việc cho chủ trương đầu tư, ra
quyết định đầu tư các công trình không cần thiết. Để làm được việc này,
cần có những quy định thật chặt chẽ. Phải quy được trách nhiệm cho người ra
quyết định đầu tư, từ đó, mới có địa chỉ rõ ràng để xử lý.
“Việc thất thoát, lãng phí đầu tư công giống như căn bệnh kéo dài. Phải rà soát lại các quy định liên quan từ việc ra chủ trương đến quyết định đầu tư. Đặc biệt là những quy định về đấu thầu, xây dựng công trình và chọn lựa nhà đầu tư. Quy trách nhiệm như thế nào, quy định về cơ chế đối với tài sản công ra sao là những toa thuốc trị “căn bệnh” này. Đưa ra phác đồ điều trị là rất cần thiết nhưng chưa đủ, cái quan trọng nhất là trong quá trình điều trị phải thật sự kiên quyết”, ông Hiệp nói.
Ông Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia nghiên cứu kinh tế. |
Ông Trần Hữu Hiệp phân
tích thêm, trong giai đoạn được xem là thời kỳ phục hồi hậu Covid-19 hiện nay,
Đảng, Nhà nước đang có nhiều chương trình, kế hoạch đầu tư để giúp kinh tế - xã
hội phục hồi. Trong bối cảnh như vậy, nguồn vốn để tái thiết càng phải sử dụng
hiệu quả. Đặc biệt, trong điều kiện nhiều tỉnh vùng ĐBSCL chưa cân đối
được thu chi, phải tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương thì phân bổ vốn
phải thật sự minh bạch, tránh việc chạy dự án để được bố trí vốn rồi xây dựng
những công trình chưa cần thiết.
Tránh
“chia phần”, đầu tư theo ưu tiên
Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó
trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc
hội cũng nhìn nhận, có tồn tại lợi ích nhóm, tính cục bộ địa phương trong việc
sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Có thể có nơi, có đơn vị bằng quan hệ ngoại giao
của mình tốt hơn thu hút được nguồn vốn, lôi kéo được nhiều dự án. Trong đó, có
các dự án chưa thật sự bức xúc, chưa thật sự cần thiết và vấn đề này cần được
ngăn chặn để tránh lãng phí.
Ông Hận cho biết thêm,
rất dễ để thấy được việc quy hoạch đã qua không đồng bộ, kế hoạch đầu tư công
còn manh mún theo kiểu “mỗi chỗ một ít”. Như hệ thống thủy lợi của vùng ĐBSCL,
đầu tư chỗ này chỗ kia thiếu, không liên kết được với nhau. Cần hạn chế đầu tư
theo kiểu chia phần mà cần tập trung cho những công trình, dự án có tính chất
liên kết các tỉnh trong vùng, và xa hơn là liên kết các vùng để tạo cú hích
phát triển.
Thủy lợi vùng ĐBSCL chưa
được đầu tư đồng bộ. Trong ảnh: Công trình đập thép ngăn mặn tại tỉnh Tiền
Giang có hiệu quả không cao.
Trong điều kiện nguồn
lực nhà nước có hạn, các tỉnh trong vùng ĐBSCL đa số đều khó khăn thì đầu tư
công trong vùng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển, từ đó, cần huy động
thêm nguồn vốn từ xã hội, tư nhân. Để thu hút được vốn tư nhân, phải xác định
rõ và đầu tư được những công trình, dự án bức thiết, có tính chất là nền móng
để thu hút đầu tư. Cần thiết nhất ở vùng ĐBSCL hiện nay là những công trình
giao thông, nhưng đầu tư là phải phát huy được hiệu quả ngay.
“Cần xác định được chiến
lược của từng tỉnh, của khu vực ĐBSCL là gì, trọng tâm ở đâu từ đó xây dựng kế
hoạch đầu tư bài bản, quy hoạch chi tiết, chiến lược đầu tư đúng hướng và đồng
bộ. Do nguồn lực có hạn nên cái nào thật sự cần thiết mới đầu tư, xây dựng xong
phải phát huy được hiệu quả ngay. Còn, những công trình gây bức xúc, nhưng cần
phải đầu tư đồng bộ mới phát huy được hiệu quả, chưa đủ điều kiện đầu tư 1 lần
thì chậm lại, khi nào đủ nguồn lực làm 1 lượt mới phát huy tác dụng”, ông Nguyễn
Quốc Hận nêu rõ.
Ông Nguyễn Quốc Hận, Ủy
viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
“...đồng
tiền là mồ hôi nước mắt của đồng bào”
Ông Huỳnh Văn Niềm,
nguyên ủy viên BCH Trung ươmg Đảng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, nguyên
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cho rằng, lãng phí đầu tư công gây thiệt hại cũng
không kém gì tham nhũng. Xét các nguyên nhân dẫn đến lãng phí, bên cạnh việc
thiếu năng lực quản lý, tầm nhìn đầu tư thì thấy rõ có vấn đề suy thoái đạo
đức, đây là vấn đề quan trọng cần khắc phục từ gốc.
Bác Hồ từng dạy: “Một
hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào” để thấy
được tầm quan trọng trong việc phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách. Đẩy
mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đao đức Hồ Chí Minh, thực hành bốn đức
tính “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” Bác đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần sẽ góp phần
ngăn chặn thực trạng lãng phí đang diễn ra.
“Lãng phí và tham nhũng
tác hại như nhau nhưng hiện giờ lãng phí từ việc lớn đến việc nhỏ vì quản lý
không hết, cần hướng xử lý từ gốc của vấn đề là quá trình giáo dục. Biện pháp
ứng phó quan trọng nhưng cơ bản vẫn là vấn đề giáo dục đạo đức từ học
đường, ngay từ trường học đều phải nói đến chống lãng phí. Hai nữa là ý thức
của người lãnh đạo phải gương mẫu trong vấn đề lãng phí, vì người lãnh đạo chỉ
cần không chú ý chút là lãng phí tăng cao”, ông Huỳnh Văn Niềm bày tỏ.
Phòng, chống lãng phí
cũng được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Trong ảnh: Một cống ngăn mặn trong Dự án
âu thuyền Tắc Thủ ở Cà Mau 20 năm qua.
Lãng phí gây thất thoát
rất lớn các nguồn lực, từ nhà nước cho tới xã hội. Những năm qua, công cuộc
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả to lớn, với sự
quyết tâm từ cấp cao nhất và nhận được sự đồng thuận của tất cả các tầng lớp
trong xã hội, nhưng còn đó công cuộc chống lãng phí. Trong điều kiện nguồn ngân
sách có hạn, rất cần xác định đúng và đầu tư đủ cho các dự án được xem là “vốn
mồi” nhằm thu hút nguồn lực xã hội; đồng thời ngăn chặn việc quyết định đầu tư
chưa sát nhu cầu thực tế.
Cần có những quy định cụ
thể, đủ chặt chẽ để xác định được trách nhiệm trong việc đầu tư không hiệu quả,
xử lý nghiêm các sai phạm để đảm bảo tính răn đe. Quốc hội đã lựa chọn một
trong những chuyên đề giám sát về pháp luật là thực hành tiết kiệm chống lãng
phí. Điều này đã nhận được sự quan tâm và đồng tình lớn trong xã hội. Qua đó,
cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước không chỉ trong chống tham
nhũng, tiêu cực mà còn cả trong việc chống lãng phí./.
Nhật Trường - Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL
https://vov.vn/kinh-te/lang-phi-nhin-tu-nhung-cong-trinh-tien-ty-ai-chiu-trach-nhiem-post953029.vov
Nhận xét
Đăng nhận xét