Huỳnh Xây
Dản Vièt - Thứ tư, ngày
04/03/2020 09:30 AM (GMT+7)
Phân tích về nguyên nhân vì sao dù đã
được cảnh báo, song nhiều hộ nông dân vùng ĐBSCL vẫn “xé rào” trồng lúa ở những
vùng nước có nguy cơ bị nhiễm mặn, GS - TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường
Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về cây lúa ở ĐBSCL, cho rằng, “do
người dân cố tình không nghe”.
GS-TS Võ Tòng Xuân giải
thích, hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn ra trầm trọng hơn và
thay đổi theo hướng bất lợi cho người dân. Trên thượng nguồn, nhiều đập được
xây dựng để giữ nước nhưng vẫn bị hạn, rồi các nước bạn cũng đang tranh lấy
nước sông Cửu Long trong mùa kiệt.
“Nguồn nước hiện nay ở
ĐBSCL không như trước nữa, nhưng người dân vẫn lo trồng lúa ở những nơi mà biết
trước sẽ thiếu nước, dẫn đến thiệt hại. Làm không theo khuyến cáo, cái này
chính là do nông dân chứ không đổ thừa ai hết. Thực tế, ở vụ lúa này, diện tích
sản xuất theo khuyến cáo đều tốt” – ông Xuân nói.
Mùa khô năm 2019 - 2020, ngành nông
nghiệp vùng ĐBSCL đã tổ chức chuyển đổi 50.000ha đất lúa có nguy cơ hạn, xâm
nhập mặn cao sang trồng
rau màu hàng năm (45.300ha), cây ăn quả (3.450ha) và nuôi trồng thủy sản
1.200ha. Ngoài ra, diện tích chủ động cắt vụ, giãn vụ đạt xấp xỉ 100.000ha. |
Về trách nhiệm của cơ
quan chức năng các địa phương ĐBSCL, chuyên gia hàng đầu về cây lúa Võ Tòng
Xuân cho rằng, hiện nay vẫn chưa tạo cơ sở hạ tầng tốt để người dân chuyển đổi
từ cây lúa sang cây trồng khác mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn trong điều kiện
hạn hán, xâm nhập mặn.
Từ đó, khiến người dân
cũng thấy rằng không làm lúa thì không làm gì khác được, nên cứ làm và thiệt
hại. Hơn nữa, cần hạn chế xây dựng các công trình không cần thiết ở vùng nhiễm
mặn, đừng cố gắng giữ ngọt vì dễ dẫn tới việc tốn kém ngân sách mà người dân
không được hưởng lợi.
“Ở nhiều địa phương,
phần lớn các công trình đều phục vụ trồng lúa, chưa thấy công trình lớn để nuôi
tôm, trồng xoài… mà lại do nông dân tự phát làm. GDP là tiền chứ không phải
lúa, nhưng nhiều địa phương ĐBSCL vẫn thấy rằng nó làm ra từ cây lúa. Vì vậy, cứ
đầu tư mặc dù lúa không có giá trị cao” - GS Xuân nhấn mạnh.
Ông Xuân cũng khẳng
định, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích
ứng với BĐKH (gọi tắt là Nghị quyết 120) rất hay. Thế nhưng thời gian qua,
nhiều nơi chưa đầu tư đủ điều kiện cần và đủ cho nông dân tham gia sản xuất
theo nghị quyết trên, ngược lại tiếp tục tạo điều kiện để người dân trồng lúa.
Nơi nào trồng lúa nhiều đều nghèo và không thể giàu lên được nếu cứ làm thế
này.
Là “liều thuốc
thử”
TS Trần Hữu Hiệp -
chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL lại cho rằng, đổ lỗi cho nông dân tự ý “xé rào”
trồng lúa là không phải. “Nếu như trước đây, 100 năm mới diễn ra 1 lần hạn mặn
khốc liệt thì bây giờ sau 4 năm đã lặp lại, hạn mặn năm nay còn khắc nghiệt hơn
cả mùa khô năm 2015 - 2016, mặn xâm nhập rất sâu. Để thấy rằng vấn đề BĐKH, tài
nguyên nước và hạn hán, xâm nhập có những thay đổi, không theo quy luật trước
đây nữa và tác động ngày càng tiêu cực hơn” – ông Hiệp chỉ ra.
Theo ông Hiệp, người dân
và cơ quan chức năng vùng ĐBSCL cũng đã chủ động hơn đối phó với hạn mặn. Cụ
thể, ngay từ tháng 6/2019 đã có dự báo về tình trạng này. Vấn đề hiện nay là
sản xuất nông nghiệp không phải dựa vào thiên nhiên như ngày xưa mà phải nắm
được các dự báo, bản thân người dân phải nâng tầm kiến thức lên. Tuy vậy, muốn
bà con chuyển đổi cũng cần có thời gian, vốn, năng lực tổ chức sản xuất, trình
độ, kết nối với doanh nghiệp…, cho nên đổ lỗi hoàn toàn cho nông dân tự ý “xé
rào” cũng không phải.
Ông Hiệp cũng đề nghị
các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực cảnh báo sớm, xem xét rà soát lại
các quy hoạch và có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, gắn với người nông dân,
tránh để xảy ra tình trạng người dân làm ngược dự báo của ngành chức năng do
không đủ niềm tin.
“Trách nhiệm hướng dẫn,
hỗ trợ của ngành chức năng là rất lớn và phải có tầm. Bởi hiện nay người dân
trồng gì, có chuyển đổi hay không là quyền của bà con. Cơ quan chức năng không
bắt người dân làm được nhưng có thể tác động bằng quy hoạch rõ ràng và có những
chính sách hỗ trợ tương ứng như tín dụng, kỹ thuật canh tác, kết nối thị
trường, không để nông dân tự bơi” - chuyên gia Trần Hữu Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, có thể
xem hạn mặn đợt này là “liều thuốc thử” để những người dân, các cơ quan hoạch
định cơ chế chính sách xem xét lại tư duy, thích ứng theo điều kiện tự nhiên.
“Liều thuốc thử” này sẽ khẳng định, đâu là điều phải làm và làm như thế nào,
phối hợp ra sao?
“Cần nâng tầm thích ứng
trước thách thức mới của hạn mặn. Theo đó, ngành quản lý, nông dân cần thay đổi
tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp đa
dạng, từ nặng về số lượng sang chất lượng và giá trị, vượt qua khỏi cái bóng
của nông nghiệp lúa nước truyền thống từ ngàn đời” - ông Hiệp nói.
https://danviet.vn/xe-rao-trong-lua-bai-3-khong-do-het-loi-cho-nong-dan-1064349.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét