Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 18-01-2023
- 10:51|Góc nhìn
Những ngày cuối năm âm lịch 2022 như những nét vẽ cuối cùng
cho bức tranh kinh tế - xã hội; đánh dấu một năm cả nước vượt qua nhiều khó
khăn, thách thức, tăng tốc, phục hồi và phát triển đạt mức tăng trưởng GDP
8,02%, cao nhất trong 10 năm qua.
Tổng giá trị tăng thêm cả 3 khu vực của kinh tế đều là
những điểm sáng. Dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng
9,99%, cao nhất giai đoạn 2011-2022, đóng góp 56,65%. Xuất khẩu trở thành điểm
sáng nhất và là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.
Công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,78%, đóng góp 38,24%.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn
nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm % vào tốc độ tăng tổng
giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%,
đánh dấu bước chuyển căn bản của nông nghiệp, thủy sản. Các kỷ lục mới về giá
trị kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất siêu, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào các
thị trường lớn Mỹ, EU, Trung Quốc,… vừa đánh dấu sức bật của ngoại thương, vừa
là kết quả tăng tốc của nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp dệt may,
hàng điện, điện tử.
Năm 2023 đang mở ra với nhiều kỳ vọng mới bằng hàng loạt
công trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm được khởi công, hoàn
thành. Năm mới đang mở ra kỳ vọng mới từ việc phân bố không gian các ngành,
lĩnh vực; hình thành các vùng động lực quốc gia; xây dựng hệ thống đô thị thông
minh; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại; bảo vệ, khai thác và sử dụng
bền vững tài nguyên.
Tuy nhiên,
khai mở đầu năm không chỉ có màu hồng, còn nhiều thách thức phải vượt qua. Chơi
Tết quá đà, hiệu ứng trì trệ, ngại gánh trách nhiệm, sợ làm sai và thói quen tà
tà đầu năm mới vẫn còn không ít trong nhiều cán bộ, công chức, viên chức các cơ
quan, đơn vị và dân cư. Mỗi người, mỗi nhà, cơ quan, địa phương phải vận hành tốt
nhất các kịch bản phát triển trong năm mới.
Mở cửa kinh tế gắn liền
với những thách thức mới là phòng chống dịch bệnh, phải gắn với đầu tư nâng cao
năng lực y tế, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Thách thức trước bối
cảnh kinh tế thế giới suy thoái, những diễn biến khó lường có thể làm đứt gãy
các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Cần tăng tốc phát triển sản xuất, kinh
doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan
trọng vừa là yêu cầu phát triển kinh tế, vừa tăng sức đề kháng phòng, tránh
dịch bệnh diễn biến bất thường. Theo đó, cần quan tâm:
Một là, bổ sung,
hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển các vùng, trong đó có các cơ
chế, chính sách, tổ chức điều phối vùng, liên kết phát triển các tiểu vùng, nội
vùng và liên vùng. Hai là, tổ chức huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát
triển, thu hút đầu tư. Ba là, phát triển hạ tầng theo quy hoạch và tổ chức
không gian lãnh thổ, giải quyết các "điểm nghẽn" trong giao thông vận
tải. Bốn là, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và khoa học, công nghệ
cần được xem là chìa khóa thành công. Năm là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an
ninh các địa bàn nông thôn và đô thị, giữ vững "tuyến biên giới mềm"
đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển, gắn kết với các mục tiêu phát triển con
người, kinh tế, xã hội và môi trường.
https://nld.com.vn/goc-nhin/ky-vong-moi-2023-20230117222918192.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét