Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 26-04-2023
- 06:22|Kinh tế
Cần nâng
cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và
xây dựng, phát triển nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị
Chiến
lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050 xác định Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn lực tài nguyên
đất, nước, không khí, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, khoa học - công
nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, có
sức cạnh tranh cao, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới.
Bao
giờ thôi... mắc nghẹn?
Tuy
nhiên, tình trạng khá phổ biến trong những năm qua là nhiều loại nông sản ở các
vùng - miền, nổi lên là vùng trọng điểm nông nghiệp ĐBSCL, thường rơi vào tình
trạng tắc đầu ra, giá bán dưới giá thành. Chia sẻ khó khăn với ngành nông
nghiệp và nông dân, nhiều cơ quan, đơn vị, người tiêu dùng đã phát động, hưởng
ứng các cuộc vận động "giải cứu" nông sản, tiếp sức nông dân. Nhiều
siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối, chợ truyền thống... sẵn sàng tham gia trợ giúp
tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều góc phố, vỉa hè, khu dân cư tấp nập những
chuyến xe vận chuyển hàng nông sản đến để tiêu thụ.
Nông sản Việt Nam thường rơi vào tình trạng phải “giải cứu” do sản xuất nông nghiệp chưa gắn với công nghiệp chế biến và chưa bám sát thông tin thị trường.Ảnh: NGỌC TRINH
Điệp
khúc "giải cứu" nông sản nói trên cứ lặp đi lặp lại, tái diễn qua
nhiều vụ, nhiều năm. Hành động nghĩa tình giúp nông dân tiêu thụ nông sản là
cần thiết trong cơn nguy cấp nhưng nền kinh tế nông nghiệp không thể vận hành
mãi dựa trên lòng hảo tâm phi thị trường từ phía người tiêu dùng. Rất cần sự
vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương liên quan với những giải
pháp đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu để xây dựng hình ảnh các
loại nông sản có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Không
riêng Việt Nam, nhiều nước cũng gặp tình trạng ùn ứ, khó khăn trong tiêu thụ
nông sản. Song, tình trạng trúng mùa mất giá, thiếu kết nối giữa sản xuất nông
nghiệp với ngành công nghiệp chế biến... ở Việt Nam diễn ra trầm trọng hơn.
Không phải khi dịch COVID-19 bùng phát mới bộc lộ rõ "tín hiệu trục
trặc" của thị trường nông sản mà những điểm yếu này đã lộ diện từ nhiều
năm qua. Qua đây, cần thiết nhận diện rõ hơn những yếu kém nội tại của ngành
nông nghiệp và những ngành liên quan mật thiết như công nghiệp chế biến lương
thực - thực phẩm, mạng lưới phân phối nông sản... để có giải pháp khắc phục.
Nhìn
tổng thể, các chuỗi giá trị nông sản dù có bước chuyển đổi đáng ghi nhận từ
lượng sang chất nhưng vẫn trong tình trạng bị "chặt" thành nhiều
khúc, mà phần thiệt thòi nhiều nhất đang thuộc về nông dân. Nhiều chính sách
của nhà nước dù được xây dựng theo hướng ưu tiên hỗ trợ tam nông nhưng chưa đi
vào trọng tâm, chậm đi vào cuộc sống. Nông dân cần chính sách ổn định lâu dài hơn
những chính sách có tính chất tình thế, nhất thời.
Xóa
"giải cứu" nông sản
Mặc dù còn ý kiến cho rằng không nên lạm dụng khái niệm
"giải cứu nông sản" nhưng hành động "giải cứu" đã thể hiện
những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng
trong việc góp sức tiêu thụ nông sản nội địa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình
trạng nông sản khó tiêu thụ như đứt gãy chuỗi cung ứng, tính chất thời vụ của mặt
hàng... nhưng chủ yếu là do bất cập cung - cầu. Muốn nâng tầm nông sản Việt
Nam, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu
và phải xây dựng, phát triển nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị.
Nông nghiệp tích hợp đa
giá trị tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác trong
điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp cùng hàng loạt tác động
từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Tạo ra giá trị tăng dựa trên khai
thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi
số... thay cho tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên.
Nền nông nghiệp
tích hợp đa giá trị còn là kết tinh tài nguyên bản địa, bản sắc văn hóa - xã
hội với những kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến để tạo thành thương hiệu
cho sản phẩm nông nghiệp. Tích hợp đa giá trị cũng là kết nối hài hòa giữa nông
nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần
hoàn...
Để xóa bỏ điệp
khúc "giải cứu" nông sản, xây dựng nền nông nghiệp tích hợp đa giá
trị, cần kiên trì cách tiếp cận theo hướng: Chuyển từ sản xuất sang phát triển
nền kinh tế nông nghiệp; từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành
dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang sản phẩm đa giá trị; từ tập
trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả nhân tố trong chuỗi giá trị.
Các ngành kinh
tế nông nghiệp cần hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ mới giải quyết được tình
trạng "trúng mùa mất giá, được giá hết hàng" và vòng luẩn quẩn
"trồng cây gì, nuôi con gì" quá xưa cũ, thay bằng cung cấp sản phẩm
mà thị trường cần và có lợi nhuận.
Tập
trung thực hiện 4 ưu tiên
Để thực hiện mục tiêu
tăng giá trị nông sản Việt Nam, cần tập trung thực hiện một số ưu tiên:
Một là, xây dựng, hoàn
thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá, trong đó có chính sách
đất đai, tài chính, tín dụng, đầu tư, thuế, phát triển nguồn nhân lực.
Hai là, hoàn thiện quy
hoạch vùng tích hợp, quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch ngành theo định hướng
"nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh". Bố
trí không gian, huy động các nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng
cao năng lực nông dân dựa trên nền tảng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ
thuật, bao gồm giao thông, thủy lợi, năng lượng, viễn thông, logistics...
Ba là, phát triển sản
xuất và phát triển các loại thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa, dịch vụ,
lao động, khoa học - công nghệ; thiết lập hệ thống thông tin tích hợp dữ liệu
vùng, chuyên ngành, tài nguyên...
Bốn là,
phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu phát triển vùng, các địa phương
cũng như nhu cầu của DN.
Hàng
loạt kiến nghị của ngành thủy sản
Theo Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt
11 tỉ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch, cao
nhất từ trước đến nay. Năm 2023, ngành đặt mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 10 tỉ
USD.
Tuy nhiên, báo cáo trước
Thủ tướng tại Hội nghị Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản
và thủy sản mới đây, bà Nguyễn Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu
thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy
sản chỉ đạt 1,85 tỉ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm sâu ở tất cả
các sản phẩm và thị trường chính. Nguyên nhân bởi đơn hàng sụt giảm do nhu cầu
ở hầu hết thị trường chính giảm sút; DN chịu áp lực cạnh tranh về nguồn cung và
giá bán nhiều đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia; tình trạng thiếu
vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến...
Với diễn biến trên, dự
báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý III/2023. Các DN
sản xuất, chế biến phải sẵn sàng nguồn cung ngay khi thị trường hồi phục.
VASEP kiến nghị Thủ
tướng xem xét để sớm có một chương trình kích cầu nhằm tạo tâm lý yên tâm cho
nông - ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. Hiệp hội cũng đề xuất có gói tín
dụng khoảng 10.000 tỉ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho DN
thủy sản vay, thu mua, trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch trong tình huống
thị trường vẫn không diễn biến thuận lợi.
Về dài hạn, VASEP kiến
nghị Chính phủ thúc đẩy sửa đổi Luật Đất đai, trong đó quan tâm đến vấn đề tích
tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để phát triển các vùng nuôi
và sản xuất giống tập trung phù hợp.
Hiệp hội kiến nghị Thủ
tướng, Ngân hàng Nhà nước xem điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ
trợ DN xuất khẩu. Cùng với đó, cho DN thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng đối với
khoản vay đến hạn phải trả trong quý I và quý II/2023. Tiếp tục thực hiện chính
sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông -
lâm - thủy sản; duy trì một số chính sách giảm chi phí đầu vào cho DN. Kiến
nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT, xem xét giảm thuế nhập khẩu
khô đậu tương từ 2% xuống 0%...
Văn
Duẩn
https://nld.com.vn/kinh-te/phat-trien-nen-nong-nghiep-da-gia-tri-20230425215843713.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét