Báo Thanh Niên - 26/06/2023
06:23 GMT+7
Việc thị trường Trung Quốc mở cửa từ tháng 1 đã giúp xuất
khẩu hàng loạt nông sản, trái cây từ Việt Nam bứt tốc. Đặc biệt trong bối cảnh
sụt giảm đơn hàng từ Mỹ, EU thì dung lượng từ thị trường 1,5 tỉ dân trở thành
"bạn hàng" lớn với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Sầu riêng, gạo, thanh long... bứt tốc
Ngày 8.1.2023, Chính phủ Trung Quốc quyết định mở cửa trở lại sau 3 năm chống dịch Covid-19. Trước thời điểm này, Tổng cục Hải quan đã lần lượt ký Nghị định thư cho sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến của Việt Nam được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ngay lập tức, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này bứt tốc. Chỉ mới kết thúc 5 tháng mà Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đến 477 triệu USD, chiếm đến 95% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Đưa kim ngạch xuất khẩu cả nước của mặt hàng này tăng đến 18 lần so với cùng kỳ năm 2022. "Có thể tin rằng ngay trong năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 có thể đạt trên 1 tỉ USD. Đây là một kỳ tích mà ít mặt hàng nào có được. Nếu tiếp tục làm tốt, con số sẽ tăng lên 1,5 - 2 tỉ USD trong năm tiếp theo", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phấn khởi dự báo.
Thanh long là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung QuốcTính đến hiện
tại, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang
Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít,
dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Đối với sầu riêng, phía
các nhà vườn và doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện thủ tục
để được Hải quan Trung Quốc cấp thêm mã số mới. Bên cạnh sầu riêng, các loại
trái cây khác như thanh long, xoài, chuối, mít… cũng tăng trưởng mạnh.
Số liệu thống kê của Hải
quan Việt Nam cho biết: Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt
hơn 2 tỉ USD tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường lớn nhất của rau
quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc đạt gần 1,3 tỉ USD tăng 78%; tỷ trọng
của thị trường này tăng từ 51% lên tới 63,5%. Mỹ là nhà nhập khẩu lớn thứ 2
nhưng mới chỉ đạt 96 triệu USD giảm 12%. Tỷ trọng của Mỹ giảm từ 8% của năm
trước xuống còn 4,75% trong 5 tháng đầu năm 2023. Bộ NN-PTNN Việt
Nam cũng đang tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc cho nhiều loại nông
sản khác được xuất chính ngạch vào nước này và nhiều người hy vọng các loại như
dừa, bơ, dứa… cũng sẽ sớm được cấp phép.
Không chỉ rau quả mà
nhiều mặt hàng nông sản khác như cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều…
của Việt Nam xuất vào Trung Quốc cũng đang thuận lợi nhưng nổi trội
nhất vẫn là gạo. Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt
Nam với sản lượng 1,53 triệu tấn, chiếm 42% về lượng và 40% về kim ngạch.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc đạt trên 632.000
tấn, tương đương 364 triệu USD chiếm 17,5% trong tổng lượng và chiếm 19% kim
ngạch. Giá xuất khẩu trung bình vào thị trường Trung Quốc đạt gần 576 USD/tấn,
giá tăng 10% so với 5 tháng đầu năm 2022. Mức giá bán vào Trung Quốc cao hơn
khoảng 46 USD so với giá xuất khẩu bình quân cả nước (529,4 USD/tấn); còn nếu
so với giá bình quân của Philippines (504 USD/tấn) thì cao hơn 72 USD. Nguyên
nhân là thị trường Trung Quốc thời gian gần đây chuộng các loại gạo chất lượng
cao, gạo thơm và nếp.
Mặt hàng gạo cũng là một
điển hình cho sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng của thị trường Trung Quốc sang
hướng "không còn dễ tính" và đòi hỏi cao về chất lượng. Đây
Nhiều tiềm năng cần tiếp tục đẩy mạnh khai thác
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ
tịch Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam, cho biết: Trong khi lượng hàng
tồn từ các năm trước khiến các nhà mua hàng từ EU, Mỹ chưa vội tham gia thị
trường thì hồ tiêu xuất sang khu vực châu Á tiếp tục là điểm sáng trong 6 tháng
đầu năm khi đạt 78.907 tấn, tăng 77% và chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ
tiêu Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chính, đạt 46.169 tấn,
chiếm 35% và tăng 1.669% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ sự mở cửa trở lại của thị
trường Trung Quốc, giá hồ tiêu đã quay về mức 70.000 - 72.000 đồng/kg, cao hơn
nhiều so với mốc 53.000 - 55.000 đồng/kg của cùng kỳ năm trước.
Đột phá vào khâu bảo quản sau thu hoạch
Vì sao
chúng ta thu hoạch từ vườn chỉ mất 2 - 3 ngày di chuyển bằng đường bộ là đến
các chợ của Trung Quốc mà sản phẩm chúng ta chỉ bán loanh quanh các chợ khu vực
đó, không thể đi sâu vào nội địa hay ngược lên phía bắc? Vì sao Chile ở xa vậy,
trái cherry của Chile vỏ mỏng, mọng nước như vậy mà họ bảo quản được 60 - 70
ngày trong khi trái thanh long của chúng ta mới có 35 ngày? Rõ ràng chúng ta
phải đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để giải quyết các
vấn đề đó thì mới có thể nghĩ đến việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị
trường khổng lồ đầy tiềm năng Trung Quốc được.
Ông Đặng
Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Trung Quốc cũng đang
được các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản kỳ vọng rất lớn
khi 2 thị trường lớn là Mỹ và EU đã sụt giảm rất mạnh đơn hàng. Tính đến hết
tháng 5, xuất khẩu tất cả các mặt hàng chính đều giảm từ 13 - 34% so với cùng
kỳ năm 2022. Mặt hàng chủ lực là tôm giảm mạnh nhất, các thị trường chính đều
giảm từ 28 - 50%. Trong đó, Mỹ và EU là 2 thị trường giảm sâu nhất, lần lượt
44% và 49%.
Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), cho biết: Đầu năm nay trong khi hầu hết các thị trường quan trọng như Mỹ, EU đều khó khăn thì thị trường Trung Quốc vẫn còn khá tốt. Đến thời điểm này dù thị trường Trung Quốc cũng bắt đầu chững lại. Tuy nhiên, Công ty Anh Khoa vẫn xác định Trung Quốc là thị trường truyền thống và là thị trường quan trọng hàng đầu thế giới. Do đó, công ty đang tích cực tìm mọi cách để bám giữ bằng việc khai thác tối đa thế mạnh của ngành tôm Việt Nam là tôm kích cỡ lớn, đặc biệt là tôm sú nuôi tự nhiên dưới tán rừng. "Đây là loại tôm gần như thiên nhiên, có màu đỏ tươi mà người Trung Quốc rất thích, nhất là trong các dịp lễ tết. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung chào hàng và giới thiệu các sản phẩm giá trị gia tăng. Thực ra Trung Quốc có rất nhiều người giàu và chấp nhận chi tiêu cao miễn sao hàng chất lượng tốt", ông Khoa kỳ vọng.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá cơm khô xuất khẩu sang Trung Quốc đang có sức hút lớn với mức tăng 50% trong quý 1/2023. Nhiều sản phẩm cũng tăng mạnh như tôm khô, cá chỉ vàng đông lạnh, cá hố đông lạnh... Ðây cũng là gợi ý cho việc mở rộng mặt hàng xuất khẩu để bù đắp sự sụt giảm của các mặt hàng khác. Bên cạnh đó, mặt hàng cá tra được dự báo sẽ sớm phục hồi vì giá rẻ và phù hợp với khẩu vị của người Trung Quốc. "Sự phục hồi chậm chạp của thị trường Trung Quốc không như dự báo ban đầu của nhiều doanh nghiệp nhưng cũng may mắn là không giảm sâu như thị trường Mỹ hay EU. Về lâu dài, chúng tôi vẫn xác định Trung Quốc là thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng cần tiếp tục đẩy mạnh khai thác. Chúng tôi cũng đã có các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm ở thị trường này trong thời gian tới", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, thông tin.Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn
Mặc dù xuất khẩu tăng
trưởng nhưng theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Việt
Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng hàng hóa nông
sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất gồm thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà
phê, sản phẩm sữa), bánh các loại. Các lỗi bị cảnh báo gồm: chất lượng, an toàn
thực phẩm (sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép, nấm mốc, vi khuẩn
gây bệnh); hồ sơ kèm theo hàng hóa (thiếu chứng nhận hàng hóa, hàng hóa không
đúng với chứng nhận/chứng thư, hàng hóa chưa được phép nhập khẩu); tem nhãn bao
bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...
Tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm
Mặc dù
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu thanh long lớn nhất thế giới, nhưng từ năm
2015 đến nay, kim ngạch nhập khẩu của nước này có chiều hướng chững lại và giảm
dần do sự phát triển diện tích sản xuất thanh long trong nước đáp ứng thêm một
phần nhu cầu người tiêu dùng. Do đó, nếu muốn giữ vững và tiếp tục tăng trưởng
kim ngạch xuất khẩu thanh long, thì người sản xuất và doanh nghiệp phải tạo ra
được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm.
Với sản phẩm sầu riêng cũng vậy, hiện Trung Quốc đang mở rộng khai thác từ
nhiều nguồn cung với các phương thức vận chuyển khác nhau, cho nên Việt
Nam muốn chiếm lĩnh thị trường cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá
thành và giữ uy tín sản phẩm.
Ông Đinh
Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365 group
Ông Đặng Phúc Nguyên,
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phân tích: Trung Quốc là thị trường
mênh mông, chỉ sợ mình không đủ sức làm và không làm tốt chứ bao nhiêu cũng có
thể tiêu thụ hết. Là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, sức tiêu thụ mạnh, dân số
đông, với rất nhiều người giàu thì tiềm năng là rất lớn.
"Việt Nam ở
ngay cạnh một thị trường như vậy nhưng chúng ta mới chỉ là nước cung cấp rau
quả đứng hàng thứ 3 cho Trung Quốc. Đứng trên Việt Nam là Thái Lan và
đứng đầu là Chile, ở rất xa Trung Quốc. Thái Lan năm vừa rồi cũng đã đạt kim
ngạch trên 8 tỉ USD trong khi Việt Nam mới chỉ có 3 - 4 tỉ USD, rất
thấp. Chúng ta có thể nghĩ và đặt mục tiêu bằng chục tỉ USD", ông Nguyên
nói và gợi mở, chúng ta có thể hình dung vị trí của Việt Nam với
Trung Quốc cũng giống như Mexico với Mỹ. Mexico là nước cung cấp rau quả lớn
nhất cho Mỹ, nhờ họ khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý
thuận lợi. Việt Nam có tiềm năng cũng như khả năng vươn lên vị trí
thứ 2 và thậm chí là đứng đầu về nguồn cung cấp rau quả cho thị trường Trung
Quốc. Cái chúng ta cần phải đầu tư là các loại giống ưu việt như sầu riêng hạt
lép cơm vàng và dày, các loại khác cũng tương tự. Bên cạnh đó là quy trình sản
xuất thu hoạch đạt các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng theo đúng yêu cầu của nhà
nhập khẩu.
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên
gia kinh tế, Trường đại học FPT Cần Thơ, bổ sung: Ngoài yếu tố dung lượng lớn,
Trung Quốc còn là một thị trường truyền thống của nhiều loại hàng hóa Việt
Nam, đặc biệt là nông lâm thủy sản. Đặc tính của những loại hàng hóa này là cần
sự tươi mới và cung ứng nhanh. Do đó, Việt Nam có một lợi thế đặc
biệt vì nằm liền kề ngay bên cạnh, một lợi thế mà ít nước có được. Một điểm
quan trọng nữa là thói quen tiêu dùng của người Việt và người Trung Quốc gần
giống nhau. Nếu người Việt Nam muốn và quyết tâm chinh phục khẩu vị
người Trung Quốc thì cũng khó nước nào làm tốt hơn được. Bên cạnh đó, nhu cầu
của Trung Quốc vô cùng rộng lớn và đa dạng nên dư địa rất lớn cho các doanh
nghiệp Việt Nam khai thác. Ví dụ, mặt hàng sầu riêng của chúng ta dù
mới được phép xuất khẩu vào thị trường này nhưng tăng trưởng rất mạnh, bất chấp
sự tác động về kinh tế. Vấn đề là chúng ta có sản phẩm mới, chất lượng tốt, giá
cả hợp lý.
"Dù vậy, chúng ta
cũng cần tỉnh táo nhìn nhận các thách thức ở thị trường này. Trước đây chúng ta
có thói quen sản xuất đại trà để bán cho Trung Quốc. Nhưng hiện nay từ người
tiêu dùng đến Chính phủ nước này đều thay đổi thói quen và hành vi. Người tiêu
dùng thì có tiền nhiều hơn, họ có nhu cầu ăn những thứ ngon, an toàn và tốt cho
sức khỏe hơn. Còn Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng hàng rào kỹ thuật thông qua
việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để chỉ cho phép những hàng hóa đạt
chuẩn vào thị trường của mình. Họ đã thay đổi cả chuỗi giá trị hàng hóa theo
hướng hiện đại và có thể truy xuất nguồn gốc. Đòi hỏi chúng ta muốn tận
dụng lợi thế và tiềm năng phải chuyển đổi sao cho "tương thích" với
thị trường. Nếu không thì chúng ta vẫn sẽ thua các nước khác", ông Hiệp
khuyến cáo.
Bên cạnh đó, TS Trần Hữu
Hiệp cũng nhận định, qua các nghị định thư mà cơ quan chức năng hai nước đã ký
để cho phép hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc, có thể thấy vai trò dẫn
dắt, hỗ trợ của nhà nước là rất quan trọng. Để tiếp tục mở rộng và khai thác
hiệu quả hơn thị trường Trung Quốc, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục hành động,
đàm phán mở rộng thị trường, ngành hàng. Bên cạnh đó, là một thị trường giàu
tiềm năng nên cả thế giới đều muốn khai thác thị trường Trung Quốc, các doanh
nghiệp Việt Nam muốn vào đây phải chấp nhận cạnh tranh dưới mọi góc
độ về số lượng, giá cả, chất lượng...
https://thanhnien.vn/ban-hang-lon-trung-quoc-185230626013952501.htm#
Nhận xét
Đăng nhận xét