Trần Hữu Hiệp
Báo Phụ nữ - 27/06/2023 - 06:05
PNO -
Bài toán an ninh năng lượng của Việt Nam phải tìm được lời giải tối ưu đồng
thời cho 3 biến số: cung, cầu và cân đối cung cầu, được hỗ trợ bằng khung thể
chế và hành lang pháp lý.
Năng lượng xanh không chỉ đáp ứng cho nhu cầu điện hiện tại mà còn đáp ứng nhu cầu cho mai sau
Điện là mặt hàng thiết
yếu phục vụ sản xuất và đời sống, là đầu vào quan trọng của sản phẩm và dịch
vụ. Hiện nay, điện đang là vấn đề thời sự nóng bỏng bởi giá điện tăng, điện bị
cắt luân phiên giữa mùa nắng nóng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân, kế hoạch
sản xuất của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã quyết
định thanh tra việc quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
(EVN). EVN cũng quyết định tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ
thống điện quốc gia… Các sự kiện đó phần nào cho thấy nhiều nút thắt nội tại
của ngành điện cần khẩn cấp được tháo gỡ để tình trạng thiếu điện có thể giảm
thiểu.
Khẩu hiệu “khách hàng là
thượng đế” đôi lúc trở nên hài hước trong cơ chế độc quyền bán điện hiện nay,
khi người tiêu dùng đang khao khát một thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa.
Nhìn sang lĩnh vực viễn thông, cạnh tranh đã đưa dịch vụ di động từ xa xỉ thành
bình dân. Cạnh tranh trở thành chìa khóa mở ra sức mạnh nội tại của ngành này,
vậy bao giờ sẽ là ngành điện?
EVN đang rất khó khăn về
tài chính, khoản lỗ năm 2022 đã vượt 26.200 tỉ đồng. Giá nhiên liệu đầu vào để
sản xuất điện như than, dầu, khí tăng cao là một trong những nguyên nhân được
nêu ra để lý giải về khoản lỗ. Trong đó, giá than tăng gấp 3 lần, có thời điểm
gấp 4-5 lần và giá dầu tăng gấp đôi. Cơ cấu nguồn phát điện vẫn phụ thuộc nặng
vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch với chi phí biến động và có nguy cơ ảnh
hưởng đến sức khỏe con người, môi trường.
Trong khi đó, hàng loạt
dự án điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư lại gặp nhiều vướng mắc liên quan
đến cơ chế mua - bán, phải cắt giảm công suất. Chính phủ có trách nhiệm ban
hành cơ chế thuận lợi, nhưng cơ quan tham mưu cơ chế là EVN. Bài toán an ninh
năng lượng của Việt Nam phải tìm được lời giải tối ưu đồng thời cho 3 biến số:
cung, cầu và cân đối cung cầu, được hỗ trợ bằng khung thể chế và hành lang pháp
lý.
Sự phát triển bùng nổ
của điện mặt trời, điện mặt trời áp mái và điện gió vừa qua hay các mô hình sản
xuất điện phân tán chính là bước đi mới trong chuyển dịch năng lượng ở Việt
Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành điện, các hộ gia đình được tham gia sản
xuất điện, bán điện theo cơ chế bù trừ. Tiếc thay, những bước đi mới còn chập
chững này gặp ngay rào cản cơ chế và hiện nay, người dân vẫn phải đang đối mặt
với tình trạng thiếu điện.
Việt Nam vẫn chưa có một
thị trường điện cạnh tranh khi Nhà nước vẫn phải gồng mình bù lỗ giá cho các
đơn vị sản xuất điện. Sự can thiệp vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính
trong bối cảnh hiện nay là không thể tránh, nhưng cần được đặt trong tổng thể
lợi ích của người dân, xã hội, tránh tạo ra cú sốc lớn. Một nền kinh tế thị
trường không thể vận hành trên cơ chế phi thị trường. Rào cản chính trong
chuyển dịch năng lượng chính là cơ chế quản lý, là xung đột lợi ích nhóm mà
người dân thường nằm trong nhóm yếu thế.
Cơ chế mua bán điện và
cơ chế giá điện vẫn tồn tại nhiều bất cập. Khách hàng mua nhiều sản phẩm điện
không được khuyến khích mà còn phải chịu gánh giá điện cao để “bù chéo” cho sản
xuất công nghiệp thâm dụng năng lượng, với việc khoảng 3.000 cơ sở sử dụng năng
lượng trọng điểm đã tiêu thụ đến 1/3 lượng điện năng toàn quốc. Nếu không kịp
chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản xuất sạch thì phát triển “kinh tế thâm dụng”
sẽ luôn là gánh nặng về điện.
Chuyển dịch năng lượng
công bằng và hiệu quả theo hướng khuyến khích năng lượng sạch không chỉ đáp ứng
cho nhu cầu điện hiện tại mà còn đáp ứng nhu cầu cho mai sau.
https://www.phunuonline.com.vn/chuyen-dich-nang-luong-cong-bang-va-hieu-qua-a1494867.html
Nhận xét
Đăng nhận xét