Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 26-06-2021
- 09:57|Sức khỏe
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 như "cú đấm
bồi", tác động tiêu cực, liên hoàn lên nhiều ngành kinh tế cũng như đời
sống người dân
Số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trên cả nước đã là hơn
11.200 ca, 47/63 tỉnh, TP phát hiện có ca bệnh (số liệu tính từ ngày 17-4 đến
chiều 25-6). Riêng TP HCM đã có hơn 2.300 ca và chưa có dấu hiệu dừng lại.
ĐBSCL vốn được xem là khu vực an toàn, ít số ca bệnh so với nhiều nơi, nay cũng
đã phát hiện dịch bệnh ở 9/13 tỉnh, TP.
Khâu then chốt của mục tiêu kép
"Chống dịch như chống giặc", vừa phòng dịch an
toàn vừa duy trì đời sống và phát triển kinh tế, là nhiệm vụ khó khăn nhưng
phải đạt mục tiêu kép. Đó là chỉ đạo được quán triệt xuyên suốt từ trung ương
đến các địa phương. Thực tế cho thấy nơi nào thực hiện tốt yêu cầu này thì đạt
hiệu quả tốt trong thực tế.
Tinh thần "chống dịch như chống giặc" không chỉ cần có cách tiếp cận mới, ứng phó phù hợp để tăng cường sức chống chịu và vượt qua khó khăn, thách thức mà còn cần bảo đảm khâu then chốt của mục tiêu kép. Đó là việc các địa phương, vùng miền tăng liên kết vùng, phối hợp thông suốt và hiệu quả. Bảo đảm phòng dịch an toàn nhưng không cực đoan, cục bộ, rơi vào tình trạng "ngăn sông cấm chợ". An toàn dịch bệnh nhưng cũng phải duy trì đời sống, sinh kế người dân, các mục tiêu kinh tế và ứng dụng tốt nhất các thành tựu công nghệ.
Trạm kiểm dịch Covid-19 ở chân cầu Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) ngày đầu hoạt động. Ảnh: HUẾ XUÂNBa yêu cầu cốt lõi
Mục tiêu kép đang đặt ra các yêu cầu then chốt cần được
quán triệt và thực thi tốt:
Một là, liên kết theo không
gian chứ không thể chia cắt theo ranh giới hành chính bằng các chốt chặn, mỗi
địa phương làm một kiểu. Khi TP HCM có nhiều ca lây nhiễm, nhiều khu vực bị
cách ly nghiêm ngặt, đó cũng là lúc rất cần sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh,
thành miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
Để các tiêu chí phòng dịch an toàn không trở thành "hố
sâu ngăn cách", làm khó người dân thì yêu cầu kiểm soát dịch bệnh phải
nghiêm ngặt hơn nhưng cũng cần sự linh hoạt ứng phó trước cấp độ diễn biến của
dịch bệnh: "bình thường, báo động, nghiêm ngặt". Khi dịch bệnh chuyển
biến tốt thì có thể tự động chuyển đổi sang "trạng thái bình thường
mới" mà không phụ thuộc bởi quá nhiều tầng nấc, nhiều cấp, nhiều ngành có
thẩm quyền theo trình tự, thủ tục hành chính nặng nề.
Hai là, cần lượng hóa tiêu chí
mục tiêu kép rõ ràng hơn dựa vào yêu cầu phòng chống dịch với phát triển kinh
tế, để không phải vì phát triển kinh tế mà làm mất an toàn nhưng cũng không thể
chống dịch thái quá mà ngăn cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế, sinh kế của
người dân hay kỳ thị người địa phương này đến địa phương khác. Vừa qua, các địa
phương đã nỗ lực ban hành các tiêu chí bảo đảm an toàn dịch bệnh rất đáng ghi
nhận. Các tiêu chí này quá nặng về "an toàn dịch tễ" mà không có cơ
chế "tự động chuyển đổi" nên khi tình hình dịch bệnh diễn biến tốt
hơn, nó đã trở nên nặng nề. Khi dịch bệnh diễn biến xấu đi, lúc cần thì các
tiêu chí sẽ không phát huy đủ tác dụng góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Ba là, tiêu chí an toàn dịch
bệnh rất cần công nghệ để thực thi hiệu quả. Vấn đề quan trọng là tiêu chí phải
được vận hành trên nền tảng công nghệ, chứ không thể trì trệ bằng biện pháp thủ
công cứng nhắc. Cần tăng nhanh tỉ lệ và phủ sóng tiêm ngừa vắc-xin, quản lý
dịch tễ bằng số hóa, các phần mềm lưu vết, truy vết cũng như hệ thống thông tin
lưu trữ an toàn, được số hóa chống lộ, lọt thông tin, ứng dụng rộng rãi hơn
công nghệ đo thân nhiệt tự động, nâng cao chất lượng và độ tin cậy xét nghiệm.
Các tiêu chí vừa phải bảo đảm tiêu chuẩn chuyên môn vệ sinh dịch tễ, tiêm
vắc-xin phòng bệnh vừa phải dựa vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển
đổi số… để phát huy hiệu quả cao nhất.
Làm sao để người dân tiếp cận các nguồn vắc-xin sớm nhất,
tốt nhất, thực hiện việc tiêm chủng đạt đến "miễn dịch cộng đồng"
đang là mối quan tâm hàng đầu. Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo
môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân… chính là
cách thức để vượt qua thách thức của đại dịch.
. PGS-TS NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Thứ trưởng Bộ Y tế:
Đồng bộ trong chống dịch
Việc phòng chống dịch phải có liên kết vùng và cần có sự phối
hợp giữa các tỉnh, thành, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Một số tỉnh, thành
có lượng người mắc Covid-19 cao chắc chắn sẽ gây tác động đến các tỉnh, thành
có lượng người mắc Covid-19 thấp.
Trước đây, các tỉnh, thành muốn co cụm để phòng chống dịch.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của cả vùng nói chung và từng
tỉnh nói riêng. Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã họp với
lãnh đạo các tỉnh, yêu cầu phải có sự trao đổi thông tin trong công tác phòng
chống dịch, những biện pháp của từng địa phương. Đồng thời khuyến khích các địa
phương chủ động đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với địa phương
mình nhưng khi thực hiện giải pháp thì phải trao đổi với các tỉnh. Mục đích của
việc trao đổi nhằm bảo đảm lưu thông, đặc biệt là lưu thông hàng hóa.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tận dụng tất cả mọi thời cơ về công
nghệ để kiểm soát không phải cứng nhắc kiểu dồn xe để khai báo mà chúng ta có
thể tận dụng mã code hoặc khai báo y tế để có thể biết chắc những người ngoài
tỉnh vào trong tỉnh đi những vị trí, địa điểm nào để giao hàng và những người
này tiếp xúc với ai. Chúng ta sử dụng công nghệ, làm chủ, kiểm soát được thì
việc truy vết sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Trong quá trình kiểm tra, Bộ Y tế cũng đã nhắc nhở các địa
phương phải áp dụng nghiêm Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 tùy theo tình hình dịch
bệnh. Đối với những vùng giáp ranh giữa các địa bàn, bên này thì chặt còn bên
kia thì mềm, cũng phải có sự trao đổi lãnh đạo 2 địa phương, lãnh đạo địa bàn
để tạo sự đồng bộ cho công tác phòng chống dịch được thống nhất.
. Ông NGUYỄN LỘC HÀ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:
Kết nối, trao đổi thông tin xuyên suốt
Công tác phòng chống dịch đang được tỉnh tập trung mọi nguồn
lực với ưu tiên ở mức cao nhất. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn chủ
động giữ mối liên lạc với các địa phương lân cận như TP HCM, Đồng Nai, Bình
Phước… để nắm bắt tình hình dịch bệnh một cách sâu sát, từ đó đưa ra các giải
pháp phù hợp để phòng chống có hiệu quả nhất. Nhờ vậy, việc nắm bắt tình hình
dịch Covid-19 của các địa phương rất chủ động để có các phương án phù hợp. Công
tác cách ly, khoanh vùng, truy vết các ca lây nhiễm được tiến hành nhanh nhất,
góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Các cấp chính quyền, ngành y tế giữa các địa phương phải có sự
kết hợp chặt chẽ để trao đổi thông tin về tình hình cách ly, thuốc men, phương
pháp điều trị. Đặc biệt, chúng ta vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế
nên đòi hỏi sự kết nối và trao đổi thông tin với nhau giữa các địa phương để khi
đưa ra một quyết định nào đó sẽ không ảnh hưởng đến sự lưu thông hàng hóa, góp
phần phát triển kinh tế - xã hội.
. TS-BS PHAN HUY ANH VŨ, Giám đốc Sở Y tế - Phó trưởng Ban Chỉ
đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai:
Tìm tiếng nói chung
Các tỉnh miền Đông Nam Bộ diễn biến dịch Covid-19 rất phức
tạp, đặc biệt là TP HCM, Bình Dương rồi Bình Thuận. Đồng Nai ở giữa, là tỉnh có
nhiều công nhân (1,2 triệu người) sinh sống, làm việc cho nên phải căng mình,
tập trung phòng chống dịch rất căng thẳng. Nhằm bảo đảm việc phòng chống dịch
song song hoạt động phát triển kinh tế, tỉnh Đồng Nai đã liên kết, phối hợp với
các tỉnh, thành cập nhật thông tin, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch,
lưu thông hàng hóa bình thường. Tuy nhiên, về con người, trong các trường hợp
không cần thiết thì buộc phải hạn chế đi lại từ vùng này sang vùng khác, tránh
được việc lây nhiễm từ vùng có dịch.
Chúng tôi thực hiện khoanh vùng nhanh, truy vết nhanh nhất khi
phát hiện trường hợp liên quan dịch bệnh. Chúng tôi cũng có sự phối hợp giữa
lãnh đạo các địa phương, cùng tìm tiếng nói chung. Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ chủ
động phối hợp với các tỉnh, thành khi tình hình dịch có các diễn biến liên
quan.
Phạm Dũng - Thành Đồng - Xuân Hoàng ghi
https://nld.com.vn/thoi-su/chong-dich-khong-co-cum-co-thu-20210625222904575.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét