Trần Hữu Hiệp
16/11/2021 08:45 (GMT+7)
(ĐTTCO) - Mở cửa trước yêu cầu “sống chung với covid” đặt ra nhiều thách thức, tư duy, cách tiếp cận mới, độ che phủ vaccine phòng dịch, vận hành các kịch bản bình thường mới tốt nhất… là cách thức ứng phó với làn sóng lây lan F0 đang nóng lên ở miền Tây Nam bộ.
Sóng F0 mới, tiếp cận mới
Diễn biến dịch bệnh
Covid-19 tuần qua tại Tây Nam bộ với các chuỗi lây nhiễm mới rất đáng lo ngại,
nhất là số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng. ĐBSCL gần như ngày nào cũng có
5-6 tỉnh, thành góp mặt vào top 10 địa phương có số ca mắc mới Covid-19 cao
nhất nước. Làn sóng lây nhiễm F0 mới với tốc độ nhanh rất đáng lo ngại.
Trong khi đó, khu vực
này có tỷ lệ tiêm ngừa thấp so các vùng miền khác, hệ thống y tế điều trị
chuyên sâu yếu kém và đội ngũ y tế rất hạn chế. Do tính chất liên vùng, dịch
bệnh ở miền Tây nóng lên sẽ trực tiếp đe dọa TPHCM và Đông Nam bộ, khi vùng này
đang mở cửa hoạt động kinh tế và du lịch, thu hút lượng lớn lao động quay trở
lại làm việc. Điều này sẽ tạo ra nhiều áp lực mới, càng đòi hỏi mở cửa phải an
toàn.
Doanh nghiệp trở lại sản
xuất, hoạt động mua bán được khôi phục, cao điểm sản xuất cuối năm cùng với làn
sóng hồi hương từ TPHCM và các tỉnh miền Đông về quê miền Tây diễn ra trong
thời gian ngắn, kể cả một số đã di chuyển trở lại.
Các hoạt động du lịch
được xúc tiến cùng với tâm lý bung ra đi lại, sinh hoạt bình thường của người
dân sau thời gian dài giãn cách xã hội; học sinh, viên viên quay lại trường học
là áp lực đang dè lên công tác phòng chống dịch Covid ở Tây Nam bộ.
Trong khi đó, nhiều địa
phương khu vực này lại thiếu vaccine, tỷ lệ tiêm và độ che phủ trong dân thấp
hơn nhiều so các vùng khác, nhất là số người tiêm đủ mũi 2 một số địa bàn, khu
vực dân cư rất thấp.
Bên cạnh đó, chủ trương
tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi triển khai chậm. Có nơi còn chồng
chéo, chờ đợi giữa 2 cách thức triển khai là tiêm theo địa bàn cư trú của các
em hay trường học, trong khi tình trạng chung các em vẫn chưa đến trường.
Phải khẳng định, thay
đổi tư duy phòng tránh dịch bằng cách thích ứng an toàn là chọn lựa không thể
đảo ngược. Có hoạt động kinh tế, sinh kế mới có sức khỏe chống dịch. Không thể
vì diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn các địa phương quay lại cách chống dịch cực
đoan bằng cách phong tỏa cứng nhắc, đặt ra các quy định hạn chế bất cập, làm
test và xét nghiệm trên diện rộng.
Cần phải kiên trì với tư
duy và cách phòng chống dịch mới đã được xác định rõ trong Nghị quyết 128/NQ-CP
của Chính phủ và đang hiện thực hóa bằng các hoạt động cụ thể
Có thể thấy, dù số ca lây nhiễm ở các
địa phương tăng, nhưng phần lớn các nơi tuân thủ quy định, kiểm soát chặt chẽ
nhưng không quá cứng nhắc. Nhiều nơi đã thực hiện cách ly điều trị F0 nhẹ hoặc
không triệu chứng tại nhà, cách ly F1 tại nhà; tăng cường giám sát, phát hiện
sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho,
sốt.
Không kỳ thị người nhiễm hoặc nghi mắc Covid-19, người dân về từ
các địa bàn khác, bằng hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp
dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định. Khoanh vùng, cách ly được thực
hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất,
kinh doanh, cũng như hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tự xét nghiệm phát hiện
CoVid-19
“Áo giáp” cho miền Tây
Thông tin từ Bộ Y tế,
đến chiều 11-11, Trung ương đã phân bổ 112,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19
cho các tỉnh đẩy mạnh tiêm chủng. Từ nay đến cuối năm, cần ưu tiên lượng
vaccine và tổ chức tiêm chủng đạt độ che phủ gần mức an toàn nhất có thể cho
khu vực Tây Nam bộ vẫn đang nóng lên với tốc độ lây lan nhanh mấy tuần qua. Cần
quan tâm sớm triển khai tiêm ngừa cho trẻ em dưới 18 tuổi để đảm bảo học sinh
phổ thông trở lại trường học trong an toàn. Xem xét chủ trương xã hội hóa tiêm
vaccine có kiểm soát, bằng cách khuyến khích doanh nghiệp có nhu cầu chủ động
lo tiêm vaccine cho công nhân, Nhà nước hỗ trợ bằng cách tạo nguồn và kiểm soát
bằng các tiêu chuẩn y tế.
Cần sử dụng tích hợp các
cơ sở dữ liệu y tế, dân cư, căn cước quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin kết
hợp với quản lý địa bàn, rà soát nhanh chóng, kịp thời, chính xác các đối tượng
để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người từ 18
tuổi trở lên, trong đó ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Nhanh
chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi
2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Bên cạnh việc tiêm ngừa,
chăm lo cho phân khúc điều trị ưu tiên người bệnh nặng, phòng ngừa vẫn là vấn
đề cơ bản lâu dài, là chiếc “áo giáp” an toàn nhất cho miền Tây Nam bộ. Cần
thay đổi phương thức giao tiếp, thường xuyên đảm bảo 5K, chuyển đổi các phương
thức mua bán, trao đổi hàng hóa từ trực tiếp là chủ yếu sang phát huy thế mạnh
của thương mại điện tử. Khuyến khích ứng dụng công nghệ tốt, nhiều hơn và sớm
nhất có thể để thay thế các phương thức thủ công trong hoạt động kinh tế lẫn
quản lý hành chính và theo dõi dịch bệnh.
Ngay cả khi đã có
vaccine phòng dịch, chiếc “áo giáp” an toàn nhất vẫn là ý thức phòng tránh dịch
bệnh của toàn xã hội. Đặc biệt làm sao để ý thức phòng dịch, ngăn chặn lây lan
dịch bệnh phải là ý thức của toàn dân, không thể chấp nhận bất kỳ cá nhân, tổ
chức nào lơ là làm lây lan, phát tán dịch bệnh. Điều quan trọng hơn vẫn là bảo
đảm các cơ sở vật chất y tế cho “phân khúc” người bệnh có triệu chứng để hạn
chế tử vong, vì tính mạng của người dân quan trọng hơn số liệu F0 tăng.
Vaccine không phải là cứu cánh
khi virus chưa hoàn toàn biến mất, nhưng nó cần được sử dụng như phương cách
hữu hiệu để tiếp cận cách thức phòng,
chống dịch theo tư duy mới, mở cửa kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường
mới. |
https://dttc.sggp.org.vn/tang-vaccine-ao-giap-phong-dich-cho-mien-tay-post89110.html
Nhận xét
Đăng nhận xét