Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 08-07-2021
- 07:29|Trong nước
Đợt bùng
phát dịch Covid-19 lần thứ 4 như "cú đấm bồi", tác động tiêu cực tích
lũy, liên hoàn lên nhiều ngành kinh tế và sinh hoạt, đời sống người dân TP HCM.
Tâm điểm của dịch bệnh lần này là TP HCM - nơi tập trung đông dân nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, nơi đóng góp 27% ngân sách quốc gia, là đầu mối điều phối giao thông, kho vận, thương mại và hầu như mọi mặt hoạt động liên quan miền Đông, miền Tây và cả nước.
TP HCM
đang đứng trước khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ. Chỉ riêng 3 chợ đầu mối
Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn phải đóng cửa đã ảnh hưởng đến 70% hàng hóa luân
chuyển giữa các tỉnh và thành phố; trong khi hàng loạt cơ sở sản xuất kinh
doanh, khu vực dân cư buộc phải phong tỏa, cách ly, giãn cách ngày càng nhiều
hơn, thì ảnh hưởng của dịch bệnh là rất nghiêm trọng.
TP HCM
nghĩa tình, chăm lo cho cả nước, nay đến lượt cả nước hướng về thành phố. Mọi
động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần, lực lượng đều cần thiết lúc này, tiếp
thêm sức mạnh cho thành phố nhưng điều quan trọng là bình tĩnh ứng phó, cách
tiếp cận phù hợp, linh hoạt xử lý tình huống và phải có giải pháp căn cơ, chọn
diện và đối tượng, công việc ưu tiên và phối hợp thông suốt, hiệu quả.
"Mục
tiêu kép" không chỉ là phương châm hành động mà phải được cụ thể hóa. Vừa
ưu tiên phòng chống dịch, chăm lo an sinh, nhưng phải gắn với ổn định kinh tế,
trật tự xã hội. Thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, không chậm chân hơn
tốc độ lây lan của dịch bệnh là yêu cầu phải làm.
Nhưng
trong khi số ca nhiễm F0, số người F1, F2 ngày càng nhiều, sức chịu đựng của
các khu cách ly, các cơ sở y tế bị đe dọa, cách tiếp cận "5K +
vắc-xin" vẫn nhất quán, thì phải vận dụng linh hoạt, học tập kinh nghiệm
các nước trong điều kiện tại chỗ. F1, thậm chí F0 có thể tự cách ly tại nhà khi
đủ điều kiện. Mỗi cơ quan, đơn vị, cấp quản lý cần rà soát tổng thể, cá biệt
hóa trách nhiệm cá nhân và áp dụng các cơ chế giám sát thực thi phòng chống
dịch như cách thức truy vết, khoanh vùng đối tượng lây nhiễm Covid-19 để phát
hiện, phòng trừ người làm chậm, làm sai.
Phòng
chống dịch không chỉ ngành y tế và các biện pháp của ngành y mà phải có sự phối
hợp liên ngành. Các ngành phải xem việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh
chuyển đổi số như cách tiếp cận lâu dài. Ba vấn đề cốt lõi cần được xem xét như
cách tiếp cận lâu dài bên cạnh các ưu tiên phòng chống dịch bệnh trước mắt:
Một
là, đầu tư cơ sở hạ tầng mạng công nghệ thông tin, tăng cường số hóa các chuyên
ngành, đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả các trung tâm tích hợp dữ liệu.
Hai là, khuyến khích
việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, công nghệ
điện toán đám mây, viễn thám, công nghệ sinh học, thông tin, tự động hóa… ngày
càng nhiều hơn vào các ngành.
Ba là, rà soát
để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp lý có liên quan thúc đẩy việc
khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền
sở hữu trí tuệ và hình thành đồng bộ thị trường khoa học - công nghệ để khuyến
khích việc nghiên cứu, thương mại hóa các phát minh, sáng chế, sáng tạo khoa
học kỹ thuật.
Kỳ tích từ sự
năng động, sáng tạo, bản lĩnh của người TP HCM vẫn thắp sáng niềm tin trong
lòng người dân cả nước.
https://nld.com.vn/thoi-su/niem-tin-vao-thanh-pho-phi-thuong-20210707231233002.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét