Trần Hữu Hiệp
SGGP29/10/2021 06:23 (GMT+7)
Trong thời gian dài 3-4 tháng, người
dân sống trong trạng thái bất an vì dịch bệnh, bức bối do hạn chế đi lại. Sau
ngày 1-10, hầu hết các tỉnh miền Tây Nam bộ đã phủ vùng xanh, mang lại niềm tin
mới.
Nhiều doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo việc làm, mạch máu giao thông điều hòa, đi lại của người dân thuận tiện hơn, trường học chuẩn bị đón trẻ em đến lớp, những cánh cửa du lịch đang mở ra với niềm phấn khởi trong trạng thái “bình thường mới”.
Thế nhưng diễn biến của
dịch Covid-19 tuần qua tại khu vực này với các chuỗi lây nhiễm mới là đáng lo
ngại, nhất là số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng, nguy cơ bùng phát dịch mới
hiển hiện nếu chủ quan, lơ là. ĐBSCL gần như ngày nào cũng có tên 5 - 6 tỉnh,
thành góp mặt vào “tốp 10” địa phương có số ca mắc mới cao. TP Cần Thơ vừa thông
báo chùm lây nhiễm ở một nhà máy chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Thốt
Nốt. Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng… cũng ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19
trong nhà máy.
Yêu cầu mở cửa, tạo điều
kiện cho doanh nghiệp khôi phục kinh tế, lo sinh kế cho người dân, tiến đến
trạng thái bình thường mới là cách tiếp cận đúng đắn nhưng thách thức mới sẽ
nặng nề hơn. Doanh nghiệp trở lại sản xuất, hoạt động mua bán được khôi phục,
làn sóng hồi hương số lượng lớn từ TPHCM và các tỉnh miền Đông về quê miền Tây
diễn ra trong thời gian ngắn; cộng với tâm lý bung ra đi lại, sinh hoạt bình
thường của người dân sau thời gian dài giãn cách xã hội sẽ tạo áp lực mới, càng
đòi hỏi việc mở cửa phải an toàn.
Phải khẳng định, thay
đổi tư duy phòng tránh dịch bằng cách thích ứng an toàn là chọn lựa không thể
đảo ngược. Có hoạt động kinh tế, sinh kế thì mới có sức khỏe và nguồn lực chống
dịch. Không thể vì diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn mà các địa phương quay lại
cách chống dịch cực đoan bằng việc phong tỏa cứng nhắc, đặt ra các quy định hạn
chế bất cập, làm test nhanh và xét nghiệm trên diện rộng. Theo đó, các cấp lãnh
đạo cần tránh tâm lý “sợ trách nhiệm”, càng tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế.
Cần chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình bằng các kịch bản theo từng cấp
độ khác nhau của dịch bệnh và cường độ hoạt động kinh tế sẽ diễn ra.
×
ĐBSCL là vùng có tỷ lệ
tiêm vaccine còn mỏng so với các nơi khác, do đó cần đẩy nhanh độ che phủ khi
nguồn vaccine đang được khơi thông thuận lợi hơn. Song song đó, cũng cần quan
tâm sớm việc triển khai tiêm ngừa cho trẻ em dưới 18 tuổi để đảm bảo học sinh
phổ thông trở lại trường học trong an toàn. Xem xét chủ trương xã hội hóa tiêm
vaccine có kiểm soát, bằng cách khuyến khích doanh nghiệp có nhu cầu chủ động
lo vaccine cho công nhân, Nhà nước hỗ trợ bằng cách tạo nguồn và kiểm soát bằng
các tiêu chuẩn y tế.
Các phương án phòng
tránh là cần thiết nhưng tiêm ngừa chưa phải là “chiếc áo giáp an toàn” duy
nhất mà rất cần thay đổi phương thức giao tiếp, thường xuyên đảm bảo 5K, chuyển
đổi các phương thức mua bán, trao đổi hàng hóa từ trực tiếp là chủ yếu sang
phát huy thế mạnh của thương mại điện tử. Cần khuyến khích ứng dụng công nghệ
tốt, nhiều hơn và sớm nhất có thể để thay thế các phương thức thủ công trong
hoạt động kinh tế lẫn quản lý hành chính và theo dõi dịch bệnh. Cần đảm bảo các
cơ sở vật chất y tế cho “phân khúc” người bệnh có triệu chứng để hạn chế tử
vong vì tính mạng của người dân quan trọng hơn số liệu F0 tăng.
Cuộc chiến “chống giặc
Covid-19” là một mặt trận toàn diện, một hệ thống liên hoàn đòi hỏi sức mạnh
tổng lực của nhiều cấp, nhiều ngành chứ không thể phó thác cho “quân chủ lực y
tế”. Đặc biệt là làm sao để ý thức phòng dịch, ngăn chặn lây lan dịch bệnh phải
là ý thức của toàn dân, không thể chấp nhận bất kỳ cá nhân, tổ chức nào lơ là
làm lây lan, phát tán dịch bệnh…
https://www.sggp.org.vn/mo-cua-phai-an-toan-post615168.html
Nhận xét
Đăng nhận xét