Đình Tuyển - Thanh Duy - Trần Ngọc và 1 người khác
18/06/2023 11:02 GMT+7
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến cao tốc trục
ngang đầu tiên ở ĐBSCL, kết nối từ biên giới Tây Nam, An Giang xuống cửa biển
Trần Đề, Sóc Trăng sẽ mở ra không gian phát triển rất mới cho khu vực này.
Mong mỏi của người dân
Với người dân ĐBSCL, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ -
Sóc Trăng được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế độc đạo, giảm thiểu ùn tắc
giao thông trên QL1 và một số tuyến giao thông khác như QL91, đường Nam Sông
Hậu... Hàng hóa, nông sản vùng ĐBSCL sẽ đưa đến nơi tiêu thụ nhanh chóng, du
lịch kết nối giữa các địa phương cũng có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn...
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
TRẦN NGỌC
Ông Nguyễn Văn Hai (52
tuổi, ngụ xã Đa Phước, H.An Phú, An Giang) xúc động nói: "Không chỉ riêng
tôi mà người dân khu vực biên giới của tỉnh An Giang đều rất mừng khi tuyến cao tốc về Châu Đốc được
khởi công. Mong là khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giao thương
hàng hóa thuận tiện hơn chứ dân ở đây ai cũng ngán ngẩm khi di chuyển trên
tuyến QL91, đường nhỏ mà xe quá nhiều".
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Quản lý Khu du lịch Cáp treo Núi Sam (TP.Châu Đốc), phấn khởi cho hay: "Thật sự, người dân ở đây chờ ngày này lâu lắm rồi. Có cao tốc, chắc chắn du khách sẽ thuận tiện hơn khi đến Châu Đốc. Ngoài ra, việc kinh doanh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp thuận lợi, giảm chi phí, thời gian. Sẽ có nhiều cơ hội phát triển cho người dân và doanh nghiệp".
Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 188 km, dự kiến hoàn thành năm 2027TRẦN NGỌC
Nhà nông Bùi Văn Hoà (55
tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Hòa, H.Châu Thành A, Hậu Giang), người thường xuyên vận
chuyển trái cây đi các tỉnh lân cận tiêu thụ, kể: "Trước giờ, đi đường
quốc lộ, tài xế chỉ chạy trung bình khoảng 40 km/giờ, rồi phải lên xuống hàng 3
- 4 lần mới tới được Châu Đốc (An Giang). Mai mốt có cao tốc xe chạy nhanh hơn,
tiết kiệm thời gian, mình đỡ vất vả".
Cũng chung niềm vui với
người dân An Giang, Hậu Giang, ông Tô Văn Hữu, (60 tuổi, ngụ ấp Chợ Cũ, TT.Mỹ
Xuyên, Sóc Trăng), chia sẻ, bà con ở khu vực này ai ai cũng phấn khởi khi cao
tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được xây dựng đi ngang phần đất của mình.
Gia đình ông Hữu có trên 650 m2 đất bị ảnh hưởng khi dự DA qua,
được bồi thường, hỗ trợ trên 2 tỉ đồng. Nhận tiền bồi thường từ tháng 5.2023,
ông Hữu đang khẩn trương xây căn nhà mới khang trang hơn để sớm ổn định cuộc
sống.
Giải
bài toán liên kết vùng, liên vùng
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên
gia kinh tế ở Cần Thơ, cho rằng tuyến cao tốc mới hoàn toàn này sẽ tạo ra không
gian phát triển rất mới cho 4 địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc
Trăng. Cùng với đó là giúp các địa phương ĐBSCL mở cánh cửa phía Tây Nam, kết
nối với nước láng giềng Campuchia. Nhìn rộng hơn, 6 tuyến cao tốc, trong đó có
cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, được kỳ vọng mở ra một giai đoạn phát
triển mới cho miền Tây. "Khi giao thông thuận lợi sẽ kéo theo hàng loạt
thuận lợi về thu hút đầu tư, kể cả về giáo dục, du lịch, giao lưu văn
hóa…", ông Hiệp nói.
Hệ thống cao tốc đang được đầu tư đồng loạt tại ĐBSCL
ĐÌNH TUYỂN
Đồng quan điểm trên, ông
Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN chi nhánh
Cần Thơ, cho rằng thực tế hiện nay 13 tỉnh, thành ĐBSCL vẫn phụ thuộc rất nhiều
vào hệ thống quốc lộ cũ. Đây là một hạn chế rất lớn, nhất là đối với vận chuyển
hàng hóa. Bởi hạn chế về giao thông, tốc độ thì sẽ phát sinh chi phí về thời
gian, hạn chế về tải trọng cũng sẽ làm tăng chi phí vận chuyển.
Đứng ở góc độ của các
doanh nghiệp, ông Lam cho rằng, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng không
chỉ giải quyết vấn đề giao thương hàng hóa, vận tải, du lịch, kết nối các địa
phương ĐBSCL với nhau, mà còn giúp doanh nghiệp đồng bằng hướng
đến thị trường Campuchia trong tương lai. Đây cũng sẽ là trục cao tốc chính góp
phần thúc đẩy hàng hóa ĐBSCL và TP.HCM, Đông Nam bộ giao thương thuận lợi hơn.
"Tôi tin rằng, tuyến cao tốc này hình thành, lưu lượng hàng hóa giữa các
địa phương ĐBSCL và các tỉnh, thành phía Nam có thể tăng gấp đôi so với hiện
tại", ông Lam nhận định.
Tuy nhiên, để tuyến cao
tốc trên hoàn thành đúng như kỳ vọng của người dân, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng,
cần phải rút kinh nghiệm từ một số tuyến cao tốc trước đó, chẳng hạn như cao
tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chậm tiến độ, kéo dài tới 13 năm, phải thay đổi chủ
đầu tư 3 lần. "Những bài học về phân bổ nguồn vốn, cơ chế quản lý, giải
phóng mặt bằng, năng lực của nhà thầu, tiến độ thi công, chất lượng công trình
cần phải được rút ra để tránh vết xe đổ. Đặc biệt là hiện nay triển khai đồng
loạt các dự án nó sẽ phát sinh vấn đề lớn, mà một trong những vấn đề đang gây
băn khoăn nhất là thiếu nguồn cát đắp nền đường", TS Hiệp nói.
Dự án
cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 188,2
km, đi qua 4 tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, có tổng mức
đầu tư 44.691 tỉ đồng từ ngân sách T.Ư và địa phương. Trong đó, điểm đầu DA kết
nối QL91 (thuộc TP.Châu Đốc, An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông
Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Trong giai đoạn 1, DA được đầu
tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, đến giai đoạn hoàn chỉnh
sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Theo kế
hoạch, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành
một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025; cơ bản hoàn thành toàn
tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Nhận xét
Đăng nhận xét