AN HÒA
Tạp chí Nhà Đầu tư - 04, Tháng 08, 2021 | 06:57
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được Bộ GTVT đề xuất đưa vào
đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, đây là niềm mong mỏi của hàng chục triệu
người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phương án tuyến thay đổi so với ban
đầu
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa đề nghị
Bộ GTVT xem xét thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng
đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Phương án tuyến mà đơn vị này trình Bộ GTVT có hướng tuyến đi từ Cần Thơ song song với quốc lộ 61B về TP. Vị Thanh (Hậu Giang) và cách thành phố này khoảng 10km thì đi thẳng về Cà Mau, đi song song với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (cách khoảng 15km về phía Bắc), điểm cuối tuyến giao với đường Vành đai TP. Cà Mau tại xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Phương án tuyến số 3 được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chọn trình Bộ GTVTDự án có tổng chiều dài gần 125km,
trong đó đoạn qua Vĩnh Long 10,5km; Cần Thơ 6 km; Hậu Giang 61,6km, Bạc Liêu
7,7km, Kiên Giang 17,1km và Cà Mau 21,9km. Dự án sẽ được đầu tư theo quy mô 4
làn xe cao tốc hoàn chỉnh với mặt cắt ngang 24,75m; vận tốc thiết kế 100km/h.
Trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng
mặt cắt ngang 17m; vận tốc khai thác 80km/h.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề nghị
phân chia tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thành 2 dự án thành phần. Trong đó, Dự
án thành phần 1, đoạn từ Vĩnh Long - Cần Thơ dài 15,35km, có tổng mức đầu tư
12.595 tỷ đồng, dự kiến đầu tư sau năm 2025.
Dự án thành phần 2 từ Cần Thơ - Cà Mau
dài 109,5 km, được đề xuất đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án thành
phần 2 được chia thành 2 đoạn, phân kỳ đầu tư. Đoạn 1 từ Km15+350 (Cần Thơ) đến
nút giao Quốc lộ 61B (Hậu Giang), dài 36,7km và đoạn 2 từ nút giao Quốc lộ 61B
(Hậu Giang) đến cuối tuyến Km124+800 (Cà Mau).
Dự án thành phần 2 sẽ được đầu tư
trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức BOT có hỗ trợ của Nhà nước bằng tiền
50%. Tổng mức đầu tư Dự án thành phần 2 gần 30.000 tỷ đồng, trong đó tổng mức
đầu tư đoạn 1 hơn 10.000 tỷ đồng, đoạn 2 gần 20.000 tỷ đồng.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng,
Lâm Hoàng Nghiệp, tại các cuộc họp lấy ý kiến địa phương thông qua phương án
tuyến, đại diện các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau thống nhất chọn phương
án tuyến số 2. Theo phương án này, chiều dài toàn tuyến là 138km hướng tuyến
song song bên trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (cách 1,5km), tổng mức đầu tư
61.000 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB gần 2.400 tỷ đồng. Ưu điểm của phương án
này là tổng mức đầu tư không quá cao, kết nối tốt với Sóc Trăng (24km), Bạc
Liêu (25km), Hậu Giang (35km). Bên cạnh đó khi cảng nước sâu Trần Đề được đầu
tư thì việc đầu tư tuyến kết nối vào cao tốc này cũng rất thuận tiên vì chỉ
cách khoảng 40km.
Trong khi theo phương án mà Ban quản
lý dự án Mỹ Thuận mới trình Bộ GTVT thì tuy có ưu điểm là tổng mức đầu tư thấp
hơn, do đi vào vùng đất nông nghiệp nên chi phí GPMB chỉ khoảng 1.800 tỷ đồng
nhưng hạn chế là kết nối của dự án vào các trung tâm kinh tế, chính trị của khu
vực không thuận lợi như các phương án khác. Cự ly kết nối đến TP. Vị Thanh (Hậu
Giang) 10km, nhưng kết nối đến TP. Sóc Trăng 41km, TP. Bạc Liêu 46km. Hướng
tuyến ít kết nối vào quốc lộ hiện hữu nên giải pháp thi công khó khăn hơn các
phương án khác, tiến độ thi công có thể dài hơn do phải xây dựng đường công vụ.
Đáng lưu ý là với phương án tuyến này nếu muốn đầu tư thêm tuyến kết nối vào
cảng Trần Đề thì rất tốn kém vì cự ly phải trên 60km.
Cho đến thời điểm hiện tại cả vùng
ĐBSCL cũng chỉ có 50km đường cao tốc đạt chuẩn. Ảnh: An Hòa
Cần cân nhắc thêm phương án tuyến
Theo TS Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại
học FPT Cần Thơ, cho đến thời điểm hiện tại thì khu vực Tây sông Hậu vẫn chưa
có được một km đường cao tốc nào. Do vậy việc đầu tư các tuyến cao tốc cho vùng
này là rất bức thiết.
Trở lại với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được dự kiến đầu
tư sớm hơn, đây là một tin vui cho hàng chục triệu người dân của vùng. Việc xem
xét lựa chọn phương án tuyến tất nhiên phải đặt trong bình diện phát triển
chung của cả vùng chứ không thể nghiên về một địa phương nào.
“Điểm nghẽn của vùng đã tồn tại lâu nay, đó là đường bộ thì
chưa có cao tốc, đường thủy thì tĩnh không thông thuyền nhiều cây cầu không lưu
thông được tàu lớn, đường biển thì tàu lớn không thể vào do luồng cạn. Được
biết dự án đầu tư xây dựng cảng nước sâu cho vùng tại Trần Đề (Sóc Trăng) đã
được Bộ GTVT đề xuất. Và như thế, ngay từ bây giờ phải tính tới việc đầu tư
đường cao tốc làm sao để có thể kết nối thuận tiện với cảng nước sâu này bởi vì
mục tiêu chính của đầu tư đường cao tốc là để vận chuyển hàng hóa được thuận
lợi, nhanh chóng. Do đó, theo tôi đơn vị tư vấn lập dự án cũng cần cân nhắc
thêm về phương án tuyến của dự án này”, ông Hiệp nêu quan điểm.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê
duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định
hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016. Trong đó, tuyến
đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc hệ thống đường cao tốc phía Nam và là
một trong 2 tuyến trục dọc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đây cũng là tuyến kết nối 2 cao tốc
trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau góp phần hoàn
chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô
thị mới và đầu mối giao thông (cảng hàng không, cảng sông, cảng biển...) trên
địa bàn TP. Cần Thơ và các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau
https://nhadautu.vn/can-nhac-them-ve-phuong-an-tuyen-cao-toc-can-tho--ca-mau-d55987.html
Nhận xét
Đăng nhận xét