Trần Hữu Hiệp
Báo Tuổi Trẻ - 30/07/2023 09:19
GMT+7
Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa,
an ninh lương thực không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia mà mang tính toàn cầu.
Ảnh: Bửu Đấu |
Được mùa, lúa bán giá
cao, nông dân thắng lớn. Dù vậy, trong niềm vui hân hoan, anh Hai Dũng và bà
con quê tôi vẫn còn lo ngại không biết ngày mai ra sao, biến động thế giới có
ảnh hưởng gì đến giá lúa hôm nay không, và nếu xuất khẩu gạo bị
hạn chế như năm trước thì ngay tức khắc giá lúa sẽ sụt giảm.
Nên tận dụng cơ hội thị trường, tăng xuất khẩu gạo hay hạn
chế để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia?
Chúng ta đã có những bài
học kinh nghiệm khi thị trường gạo có nhiều biến động vào
năm 2008, 2020 và năm 2022. Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và áp thuế suất 20% cho
các mặt hàng gạo xuất khẩu, đẩy giá gạo lên cao.
Còn ta lo ngại dịch
bệnh, không nắm chắc thông tin cung - cầu lúa gạo trong nước, quyết định ngừng
xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo và bà con nông dân mất cơ hội bán giá cao.
Vì vậy mọi quyết định
điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay sẽ tác động mạnh mẽ đến thị
trường gạo trong nước và thu nhập trực tiếp của nông dân. Câu trả lời phải xuất
phát từ tình hình thực tiễn, số liệu xác thực, phải là kết quả chắc chắn từ lời
giải bài toán cung - cầu lúa gạo.
Việt Nam có bao nhiêu
gạo dành cho chế biến và xuất khẩu năm 2023? Số liệu của Ban Chỉ đạo phát triển
thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tổng lượng lúa hàng hóa quy ra gạo cả
nước trong năm nay ước đạt hơn 26,3 triệu tấn.
Sau khi trừ đi lượng gạo
ăn, dùng cho chăn nuôi và lúa giống cho vụ sau, thì tổng lượng lúa quy gạo
thương mại cho chế biến và xuất khẩu ước đạt hơn 9,5 triệu tấn.
Chưa kể một lượng gạo
Campuchia nhập khẩu từ đầu năm đến nay ước khoảng 1,2 triệu tấn và gần 400.000
tấn gạo từ Ấn Độ trước lệnh cấm.
Như vậy ước tính có
khoảng 11 triệu tấn gạo thương mại tham gia thị trường trong nước có thể dùng
cho chế biến và xuất khẩu. Trong khi tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta 6
tháng đầu năm nay đạt 4,24 triệu tấn.
Ngay cả khi Việt Nam
tăng xuất khẩu gạo vào các tháng cuối năm, vượt mốc kỷ lục năm 2012 là hơn 8
triệu tấn, nguồn cung lúa gạo trong nước vẫn đảm bảo, an ninh lương thực quốc
gia không bị đe dọa.
Tất nhiên đó chỉ là
những con số lý thuyết. Cần phải theo sát diễn biến tình hình sản xuất và
các biến động thị trường lúa gạo trên thế giới
trong cơn biến động hiện nay.
An ninh lương thực là vấn đề toàn cầu
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, giao các bộ, ngành, địa phương và chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động, tích cực tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023.
Ngoài nguồn dự trữ quốc
gia, các thương nhân xuất khẩu gạo phải đảm bảo lượng gạo dự trữ lưu thông 5%
theo đúng quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn gạo ăn, tăng gạo xuất, tận
dụng cơ hội thị trường, thương nhân xuất khẩu gạo cần được tiếp sức bằng cơ chế
điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt, chặt chẽ, cần các chính sách hỗ trợ tín
dụng, vay vốn để đẩy mạnh thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo.
Trong điều kiện hiện nay
và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề của mỗi
quốc gia mà mang tính toàn cầu.
Vấn đề này cần được tiếp
cận và giải quyết hài hòa trên ba phương diện, không chỉ là nhu cầu dinh dưỡng,
không để xảy ra thiếu đói, mà còn phải hài hòa lợi ích kinh tế, sinh kế của
người dân và hài hòa xã hội, tránh tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận
lương thực của người dân, lợi ích chính đáng của người trồng lúa.
Đó chính là kỳ vọng,
hướng đi mà nhiều doanh nghiệp ngành gạo và những người nông dân như anh Hai
Dũng và bà con quê tôi đều mong đợi.
https://tuoitre.vn/hat-lua-cua-ba-con-20230730085648999.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét