Trần Hữu Hiệp
Báo Phụ nữ TPHCM - 03/06/2023
- 06:02
PNO -
Để giữ và đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, cần các giải pháp đồng bộ và
tập trung vào 3 động lực quan trọng.
Tăng trưởng tổng sản
phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, thấp nhất trong 13 năm qua
(ngoại trừ quý I/2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19). Hoạt động
sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, công nhân mất việc,
phải tạm ngừng sản xuất, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.
Để phục hồi kinh tế, cần
nhận diện và tập trung tháo gỡ 3 điểm nghẽn. Một là, sự sụt giảm
đầu tư. Tỉ lệ ước giải ngân đầu tư công chậm, 4 tháng chỉ đạt 14,66% kế hoạch,
thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 18,48%. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà
nước 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 25,5% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư nước ngoài
đăng ký cũng giảm 7,3%, vốn thực hiện giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Đầu
tư khu vực tư nhân cũng sụt giảm.
Hai là, sự sụt giảm về xuất khẩu. Ngoại trừ xuất khẩu gạo và trái
cây tăng trưởng, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực giảm sút; tổng kim ngạch
xuất khẩu 5 tháng là 126,37 tỉ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ba là, sự sụt giảm lượng doanh nghiệp. 5 tháng đầu năm 2023, cả
nước có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động,
nhưng giảm 3,7% so với cùng kỳ và số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng
22,6% so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở lĩnh vực bất động sản, sản xuất vật
liệu xây dựng, trang trí nội thất, giày da, may mặc, chế biến, xuất khẩu thủy
sản.
Tuy nhiên, bức tranh
kinh tế, xã hội của đất nước không chỉ có màu xám mà vẫn đang nổi lên các điểm
sáng. Chẳng hạn, 3 trụ cột tăng trưởng từ đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều có
nhịp độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước.
Để giữ và đạt mục tiêu
tăng trưởng cả năm 6,5%, cần các giải pháp đồng bộ và tập trung vào 3 động lực
quan trọng.
Một là, tăng động lực đầu tư công. Cần tập trung thực hiện quyết
liệt vấn đề này trong những tháng còn lại của năm nay. Phải đẩy mạnh cải thiện
môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để tăng tốc đầu tư
tư nhân và tiêu dùng dân cư; tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát,
nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc
phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công
chức.
Hai là, phục hồi sức khỏe doanh nghiệp. Cần nghiên cứu triển khai
tiếp chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, chọn doanh nghiệp là đối tượng
trung tâm, lấy năng lực, hiệu quả hấp thụ vốn làm tiêu chí, lấy điều kiện tăng
doanh thu, sử dụng lao động và khôi phục, mở rộng thị trường làm chỉ tiêu phấn
đấu.
Phải nhìn nhận chính
sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua là chưa đủ, đôi khi lẫn lộn giữa chính sách an
sinh xã hội và tăng cường năng lực. Thực tiễn và khó khăn là chưa có tiền lệ,
thì chính sách và giải pháp cũng không thể “làm như mọi khi”. Không phân bổ sự
hỗ trợ bình quân cho doanh nghiệp để tránh dàn trải, triệt tiêu nguồn
lực.
Ba là, tăng cường liên kết các địa phương, tiếp cận đa ngành,
phối hợp liên ngành, bám sát mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu cao nhất để đạt các
chỉ tiêu kế hoạch năm. Mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị
các kịch bản, trong đó cần phải có gói giải pháp trước mắt mang tính “phục hồi
sức khỏe doanh nghiệp” và giải pháp mang tính chiến lược lâu dài. Yêu cầu ứng
dụng công nghệ tốt nhất, chuyển đổi số, thương mại điện tử, tăng năng suất lao
động, giảm chi phí, giá thành.
Trong điều kiện nguồn
lực đầu tư công hạn hẹp, cần khoan sức dân, rà soát, đình hoãn các công trình
đầu tư công như xây trụ sở, tượng đài, thắt chặt chi tiêu hành chính, thực hiện
nghiêm tiết kiệm, chống lãng phí.
Cách tiếp cận phù hợp,
giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận
của người dân chính là cách thức để phục hồi và phát triển kinh tế.
https://www.phunuonline.com.vn/thao-3-diem-nghen-tang-truong-3-dong-luc-a1493116.html
Nhận xét
Đăng nhận xét