Báo Đại Đoàn Kết
Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch cây trái chính vụ nhưng người nông dân vẫn thấp thỏm bởi nhiều năm, không loại trái cây này thì loại trái cây khác đều gặp phải tình trạng được mùa mất giá. Thế nhưng theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, năm nay, dù giá bán có giảm nhưng người nông dân vẫn có lãi, đặc biệt là hướng mở rất tích cực đã được nhìn rõ.
Dạo quanh các chợ truyền thống ở TP Cần Thơ những ngày gần đây, giá nhiều loại trái cây đã giảm khá nhiều so với các tháng đầu năm. Xoài cát Hòa Lộc đang rộ chợ, giá rớt mạnh chỉ còn 20.000-40.000 đồng/kg, giảm khoảng một nửa so với hồi đầu vụ. Giá bán giảm sâu đồng nghĩa với giá thu mua tại vườn cũng giảm theo. Nhưng với người trồng, giá bán này vẫn nhỉnh hơn năm ngoái.
Giá giảm, nông dân vẫn có lãi
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá thương lái thu mua xoài cát Hòa Lộc ở địa phương này vào những ngày gần đây chỉ ở khoảng 14.000 - 16.000 đồng/kg. Sầu riêng, loại trái cây từng gây “sốt” vào hồi các tháng đầu năm khi giá bán trên thị trường có lúc lên đến 200.000 đồng/kg hiện cũng đã giảm sâu.
Ông Sơn, một nông dân trồng sầu riêng tại huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết, sầu riêng đang được thương lái thu mua tại vườn với giá 48.000 – 55.000 đồng/kg. “So với đầu năm giá sầu riêng đã giảm 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá này vẫn cao hơn hồi năm 2022. Năm 2022, giá thu mua sầu riêng có 36.000 – 37.000 đồng/kg. Năm nay, người dân phấn khởi lắm” - ông Sơn chia sẻ.
Trong khi đó các thương lái cho biết, nguyên nhân khiến giá sầu riêng giảm sâu là do đang thời điểm vào vụ, nguồn cung sầu riêng ở các tỉnh miền Tây tăng cao. Tại các khu vực miền Đông Nam bộ, sầu riêng cũng sắp thu hoạch.
Ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang) cho biết, với mức giá hiện nay, nhà vườn trồng sầu riêng vẫn có lãi khoảng 70-80 triệu đồng/công (1.000m2). Tuy nhiên, trước việc diện tích sầu riêng tăng liên tục trong các năm qua, ông Lộc cũng tỏ ra lo lắng trước nguy cơ cung vượt cầu như đã từng diễn ra với các loại trái cây khác.
“Thấy nông dân trồng nhiều quá tôi cũng sợ cung vượt cầu nhưng thật sự cũng không nói trước được điều gì. Giờ thị trường ngoài xuất khẩu là Trung Quốc, cũng có thêm một số nước nên cũng không thể nói trước được” - ông Lộc nói.
Nông nghiệp đa giá trị - lối mở cho nông sản
TS Trần Hữu Hiệp, người có nhiều nghiên cứu về kinh tế ĐBSCL cho rằng, trong những năm qua nhiều loại nông sản thường rơi vào tình trạng tắc đầu ra, giá bán dưới giá thành. Nguyên nhân chủ yếu của việc này là do bất cập cung - cầu nông sản.
Theo ông Hiệp, phát triển nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị là lối mở cho nông sản. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Ông Hiệp cho biết, nông nghiệp tích hợp đa giá trị sẽ tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp cùng hàng loạt tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Tạo ra giá trị tăng dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...thay cho tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên.
Nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị còn là kết tinh tài nguyên bản địa, bản sắc văn hóa - xã hội với những kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến để tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Tích hợp đa giá trị cũng là kết nối hài hòa giữa nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn...
“Để xóa bỏ điệp khúc “giải cứu” nông sản, xây dựng nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, cần kiên trì cách tiếp cận theo hướng: Chuyển từ sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp; từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả nhân tố trong chuỗi giá trị. Các ngành kinh tế nông nghiệp cần hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ mới giải quyết được tình trạng “trúng mùa mất giá, được giá hết hàng” và vòng luẩn quẩn “trồng cây gì, nuôi con gì” quá xưa cũ, thay bằng cung cấp sản phẩm mà thị trường cần và có lợi nhuận” - ông Hiệp nói.
Các yếu tố then chốt để mở rộng thị phần rau quả
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T cho rằng, có 4 yếu tố then chốt để nâng cao vị thế, cũng như mở rộng thị phần của rau quả.
Yếu đó đầu tiên là đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng được chấp nhận vào thị trường, xuất khẩu chính ngạch. Thứ 2 là tăng liên kết để vượt qua sự manh mún, nhỏ lẻ. Yếu tố thứ 3 là tăng cường chất lượng và giá trị của sản phẩm. Thứ 4 là sản xuất nông nghiệp dựa trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên để tận dụng các gói tài trợ xanh và bắt kịp xu thế tiêu dùng mới đang ngày càng thay đổi nhanh chóng. Sử dụng công nghệ để tối ưu các chi phí để tăng năng suất và giảm thiểu giá thành.
Theo ông Tùng, nếu mỗi người làm nhỏ lẻ thì sẽ cạnh tranh với nhau, người này giảm được thì người kia cũng giảm nên thành ra bị thiệt. Phải liên kết với nhau để tạo thành tập thể vững mạnh và có thương hiệu.
Nói về tăng cường chất lượng và giá trị của sản phẩm, ông Tùng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường.
“Nâng cao kỹ thuật sản xuất để sản phẩm có được ưu thế về mùa vụ, mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm. Kết hợp các sản phẩm nông nghiệp với giá trị gia tăng đi kèm như: du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, trải nghiệm nông nghiệp... Gia tăng sản phẩm thông qua công nghệ chế biến: Ngoài các sản phẩm tươi, thô được đánh giá ngon, chất lượng cao thì phát triển chế biến sâu dạng khô, bột, nước cô đặc, đồ uống đóng lon, mỹ phẩm, tinh dầu... Việc xuất khẩu phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói. Mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu nếu có vấn đề xảy ra” - ông Tùng phân tích.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2023 là năm đầy tiềm năng cho rau quả Việt Nam. Xuất khẩu rau quả Việt Nam trong quý I năm nay ước đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm. Bên cạnh đó, nhiều nỗ lực đàm phán để mở rộng cánh cửa thị trường cho trái cây Việt Nam trong năm 2022, chẳng hạn Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch cho khoai lang Việt Nam, trái bưởi Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản mở cửa cho quả nhãn hay quả chanh xanh được xuất khẩu sang New Zealand.... là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những năm tới.
Ngày 21/6/2022, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, với chủ đề "Đồng bằng sông Cửu Long: Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới". Đây là hội nghị triển khai quy hoạch phát triển vùng đầu tiên trong cả nước. ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất khu vực Đông Nam Á, có nền văn minh sông nước độc đáo, nơi sinh sống của hơn 17 triệu đồng bào dân tộc anh em. Đây là vùng kinh tế có vị trí địa chính trị - an ninh quốc phòng hết sức quan trọng; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Nhận xét
Đăng nhận xét